30/11/2017

Mẹ của ‘Mẹ Nấm’ kêu gọi EU dự phiên tòa xử con gái

Mẹ của blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Thị Tuyết Lan, và 2 con của cô trong bức ảnh đăng tải trên Facebook cá nhân của bà Lan kèm 1 bức thư ngỏ mời phái đoàn của Liên minh châu Âu ở Việt Nam tham dự phiên tòa phúc thẩm xử con gái bà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ngày 30/11.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm, kêu gọi phái đoàn Liên Minh châu Âu (EU) tại Việt Nam hãy dự phiên tòa xử phúc thẩm con gái bà vào ngày 30/11.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động nhân quyền tham gia phản kháng thảm họa cá chết biển miền Trung do Formosa gây ra, bị xử 10 năm tù giam về “tội tuyên truyền chống phá nhà nước” tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 6/2016.

Bà Lan tải thư ngỏ lên trang Facebook cá nhân hôm 28/11 gửi tới phái đoàn EU tại Việt Nam, mặc dù bà thừa nhận rằng hy vọng vào sự hiện diện của họ rất “mong manh.”

"Không riêng gì trường hợp của con tôi. Tôi mong họ đến mặc dù họ không giúp được gì nhưng để họ biết rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam như thế nào," bà Lan nói. "Họ đã xâm phạm quyền tự do của con người một cách kinh khủng với những bản án đầy bất công và dã man sẵn sàng úp chụp lên những người khi họ lên tiếng nói đòi công bằng lẽ phải, đòi quyền sống quyền con người."
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh với giải thưởng "Phụ nữ dũng cảm quốc tế."



Luật sư Võ An Đôn, người được Mẹ Nấm nhờ bào chữa nhưng vừa bị Đoàn luật sư Phú Yên tước thẻ hành nghề, nói rằng trên thực tế những phiên tòa xét xử các vụ án chính trị thường bị kiểm soát một cách khắt khe.

“Trước đây cũng có nhiều vụ mà lãnh sự quán và các dân biểu ở phương Tây đến dự các phiên tòa xử tù nhân lương tâm ở Hà Nội thì người ta không cho vào mặc dù theo luật là được cho vào,” theo luật sư Đôn.

Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong 3 luật sư sẽ bào chữa cho Mẹ Nấm trong phiên tòa ngày 30/11, cho biết trước đây đại diện của phía Đức bị chặn, không được vào tham dự phiên tòa xử blogger Anh Ba Sàm tại Hà Nội.

VOA không thể liên lạc được với phái đoàn EU để xin bình luận về lời yêu cầu của bà Lan.


 
Biểu đồ - Báo cáo vi phạm Nhân quyền Việt Nam 2015-2016 của FVPOC. (Ảnh: FVPOC.org)


Liên minh châu Âu EU đang trong quá trình đàm phán với chính phủ Việt Nam để đạt một hiệp định thương mại tự do (EVFTA) trong đó, nhân quyền là một vấn đề được mang ra thảo luận.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp với trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet hôm 21/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu không đưa vấn đề nhân quyền vào trong các thỏa thuận tự do mậu dịch.

EU và chính phủ Việt Nam sẽ có cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ dự kiến diễn ra tại Hà Nội ngày 2/12.

Trước thềm cuộc đối thoại, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) thúc giục EU gây sức ép với chính quyền Hà Nội phải thả tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ. Theo HRW, hiện có hơn 100 người đang bị giam cầm ở Việt Nam vì lý do chính trị hoặc tôn giáo.

Danh sách này vừa có thêm 1 người nữa khi nhà hoạt động 22 tuổi Nguyễn Văn Hóa hôm 27/11 bị chính quyền Việt Nam kết án 7 năm tù vì tội danh tương tự như đã dành cho Mẹ Nấm qua những bài viết và tường trình của anh về phản ứng của dân chúng trước việc Formosa xả thải độc ra biển miền Trung.
Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa bị kết án 7 năm tù vì tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước" tại phiên tòa hôm 27/11. (BBG photo)


Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York hôm 28/11 cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ bản án đối với Như Quỳnh, người được Đệ nhất phu nhân Melania Trump vinh danh với giải “Người phụ nữ can đảm quốc tế” vào tháng 3 năm nay.

“EU cần công khai vinh danh những công dân Việt Nam dũng cảm như Mẹ Nấm và luật sư Võ An Đôn, những người đã chấp nhận nhiều rủi ro vì nhân quyền và dân chủ,” giám đốc đặc tránh châu Á của HRW Brad Adams nói trong thông cáo ra hôm 28/11.

“EU cần nói rõ rằng việc thắt chặt quan hệ giữa hai bên phụ thuộc vào liệu Việt Nam có phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt sách nhiễu, đe dọa những người bảo vệ nhân quyền.”

Phiên xử phúc thẩm Mẹ Nấm sẽ diễn ra vào sáng ngày 30/11 tại tòa án cấp cao ở Đà Nẵng. Bà Lan cho biết bà không được thông báo về phiên tòa xử con gái mình mà chỉ được biết qua các luật sư bào chữa cho con bà, trong đó có luật sư Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân.

Luật sư Nguyễn Khả Thành, người đã tiếp xúc với chị Như Quỳnh trong trại giam gần đây, cho biết bà mẹ đơn thân này sẽ tiếp tục không nhận tội như đã làm cô ở phiên tòa sơ thẩm.

"Mình sẽ cố gắng ráng sức để chứng minh rằng thân chủ mình không phạm tội bằng những chứng cứ này chứng cứ khác," luật sư Thành cho biết. "Chúng tôi sẽ ráng phản biện để hội đồng xét xử thấy những hành vi đó nằm trong quyền tự do ngôn luận."

Mẹ của chị Như Quỳnh, bà Tuyết Lan, nói mặc dù bà không hy vọng nhiều vào phiên tòa sắp tới, nhưng vẫn mong “họ nghĩ lại.”

"Tôi có nói với con tôi rằng mẹ sẽ đi với con hết cuộc đời của mẹ. Nếu họ không giảm án thì chúng tôi sẽ cố gắng và tôi sẽ nói với con tôi ‘chúng ta sẽ đi tới giám đốc thẩm’," bà Lan nói.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire