26/09/2018

Trung Quốc đang đối đầu với sự thù địch mới của Mỹ. Nhưng liệu nó đã sẵn sàng cho cuộc chiến?


Người dịch:  Huỳnh Văn Hoa


Jane Perlez
 



Nhà lãnh đạo Trung Quốc, mặc bộ đại cán kiểu Mao, và tổng thống Mỹ, mặc bộ tuxedo màu đen, đứng cạnh nhau, tay giơ cao, tại trung tâm Kennedy. Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và Jimmy Carter cùng ngoác miệng cười khi giàn nhạc chơi bài “Getting to Know You”, báo hiệu buổi bình minh của một kỷ nguyên mới của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia.


Trong suốt 40 năm tiếp theo, Trung Quốc và Mỹ đã xây dựng một mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất thế giới và làm việc cùng nhau trên những vấn đề như an ninh khu vực, chống khủng bố, và biến đổi khí hậu. Đi theo sự dẫn dắt của ông Đặng, Trung Quốc sắm vai một đối tác yếu hơn, nếu không luôn luôn cung kính thì ít ra cũng không cường điệu các tham vọng của mình và tránh xung đột với một Hoa Kỳ hùng mạnh hơn nhiều.

Giờ đây, tất cả đã thay đổi, nhanh hơn kỳ vọng của nhiều người ở cả hai nước.



Hôm thứ Hai 24/9, Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế lên 200 tỉ đô la giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đợt áp thuế lớn nhất có hiệu lực thi hành trong một cuộc chiến thương mại đang leo thang. Tổng thống Trump nói rằng, các biện pháp này là cần thiết để đấu tranh chống lại một mô hình kinh tế đòi hỏi các công ty Mỹ phải bàn giao công nghệ đổi lấy quyền tiếp cận thị trường và Trung Quốc cung cấp sự trợ cấp của nhà nước cho các đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ.

Ngự trị một nền kinh tế đang nhanh chóng đuổi kịp Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo có bàn tay sắt của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã công khai thách thức sự lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài trong khi thủ tiêu niềm hy vọng về mọi sự nới lỏng chính trị ở trong nước. Trong khi đó, ở Washington, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều chống lại Bắc Kinh, tố cáo những tham vọng đế quốc của nó ở châu Á, xâm chiếm những vùng biển tranh chấp, bức hại các dân tộc thiểu số và thi hành những chính sách thương mại vô liêm sỉ nhằm thống trị các ngành công nghiệp tương lai.

Trong một cuộc chuyển dịch có tính nền tảng, hồi năm ngoái, chính phủ Trump đã chính thức miêu tả Trung Quốc như là một “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại”, một “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Trung Quốc cũng đã từng nói những điều tương tự về Hoa Kỳ trong một thời gian lâu dài hơn. Nhưng khi các mối quan hệ trở nên xấu đi trong vài tháng gần đây, nhiều người Trung Quốc bây giờ tự hỏi liệu đất nước của họ đã thật sự sẵn sàng đảm nhiệm vai trò quốc gia hùng mạnh nhất thế giới hay chưa?

Trung Quốc đã đột ngột hủy bỏ không chỉ cuộc thảo luận về thương mại dự kiến tổ chức ở Washington trong tuần này mà cả những cuộc thảo luận giữa quân đội với quân đội theo lịch trình sẽ bắt đầu vào thứ Ba. Động thái mới nhất này nhằm phản đối những cuộc cấm vận mà tuần trước Hoa Kỳ đã áp đặt lên quân đội Trung Quốc vì đã mua chiến đấu cơ và thiết bị tên lửa của Nga.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh đang tăng lên, tòa thánh Vatican và chính phủ Trung Quốc hôm thứ Bảy nói rằng hai bên đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về việc bổ nhiệm các giám mục Thiên chúa giáo La Mã ở Trung Quốc, một bước tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Vào lúc mối ác cảm và sự kình địch với Hoa Kỳ gia tăng, mối lo lắng tức thời ở Bắc Kinh là công chúng Trung Quốc, đã quen với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, sẽ tiếp nhận cuộc chiến tranh thương mại này như thế nào, và nó sẽ có tác động gì với mối quan tâm hàng đầu của đảng Cộng sản cầm quyền: sự ổn định trong nước.

Chính phủ nước này đã tìm cách thúc đẩy lòng tin.

Hồ Tây Tân (Hu Xijin), tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Thee Global Times) – một tờ báo do nhà nước điều hành, khét tiếng vì giọng điệu dân tộc chủ nghĩa – nói rằng: “Có thể tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại 1 phần trăm. Chúng ta có thể chấp nhận điều đó. Đó không phải là điều kinh khủng với chúng ta”. Ông ta nói thêm, Washington sẽ sớm nhận ra rằng các nhà sản xuất xe hơi và điện thoại thông minh của Mỹ không thể sống sót nếu không có khách hàng Trung Quốc. “Chừng nào thị trường của chúng ta vẫn mở rộng về kinh tế và tăng trưởng thì Trung Quốc vẫn sẽ thắng cuộc chiến tranh thương mại”, ông Hồ nói.

Charles S. Y. Liu, một người đầu tư cổ phiếu tư nhân thỉnh thoảng tư vấn cho chính phủ, nói rằng người dân Trung Quốc đã chuẩn bị để chịu đựng một cuộc xung đột thương mại kéo dài. “Người Trung Quốc giỏi chịu đựng đau đớn bởi vì chúng tôi bị nghèo đói quá lâu. Giàu có mới chỉ đến trong thập niên vừa qua”, ông Liu nói.

Nhưng nhiều người khác đang lo lắng, và một vài người đã thúc giục giới lãnh đạo Trung Quốc hãy nắm lấy thời khắc này mà chuyển đổi nền kinh tế xa hơn nữa về hướng thị trường tự do và doanh nghiệp tư nhân hơn là cho phép một khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả tiếp tục cố thủ. “Một cách tiếp cận khép kín sẽ dẫn tới sự suy thoái về sức cạnh tranh của quốc gia,” ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong) viết trong một bài nghiên cứu gần đây. Ông là trưởng khoa của Học viện Quan hệ quốc tế thuộc trường đại học Thanh Hoa (Tsinghua). Ông Diêm cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ quay lại tình trạng trì trệ mà nước này đã chịu đựng khi bị cô lập dưới thời Mao.

“Khi Trump chấp nhận một chiến lược theo chủ nghĩa bảo hộ, thì Trung Quốc nên mở cửa và buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cải cách”, giáo sư Diêm nói thêm trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng ông cho biết lời khuyên của ông bị bỏ ngoài tai. “Tôi không nhận được phản ứng nào. Không ai nghe tôi cả”, ông Diêm nói.

Những người Trung Quốc khác biện luận rằng có thể tránh được sự thù địch gia tăng đột ngột từ Hoa Kỳ nếu như chủ tịch Tập tiếp tục theo đuổi chính sách “giấu mình chờ thời” mà ông Đặng đặt ra lúc đầu và những người tiền nhiệm của ông Tập đã đi theo. Thay vì vậy, ông Tập đã phô trương hai chương trình đầy tham vọng: một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu được biết tới như là Sáng kiến Vành đai và Con đường; và một nỗ lực thống trị các ngành công nghiệp tiên tiến được biết là Sản xuất ở Trung Quốc 2025 – cả hai đều bị chính phủ Trump phê phán gay gắt.

“Có thể thực hiện những điều đó mà không kiêu ngạo như vậy,” ông Tôn Vân (Yun Sun), một phân tích gia tại trung tâm Stimson, một think-tank ở Washington, nhận xét. “Tôi tin cộng đồng hoạch định chính sách của Trung Quốc đều muốn thấy nhiều hành động hơn, nhiều sự quyết đoán hơn nhưng ông Tập đã đi quá xa”.

Đảng cộng sản đã tìm cách kiểm duyệt những lời phê phán ông Tập nhưng vẫn có những thoáng lo âu trên mạng về tác động tiềm tàng của cuộc chiến tranh thương mại cũng như nỗi giận dữ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn đã được dành ra hàng trăm tỉ đô la cho các dự án ở hải ngoại với ý đồ nâng cao ảnh hưởng quyền lực của Trung Quốc ở nước ngoài.

Đồng vọng với một quan điểm được ủng hộ rộng rãi trên mạng xã hội, một giáo sư kinh tế đã nghỉ hưu, ông Tôn Văn Quang (Sun Wenguang), cho rằng thật là sai lầm khi chi tiêu quá nhiều tiền cho các nước khác, bất chấp những vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt ở trong nước. “Một số người quá nghèo không thể đi bác sĩ khám bệnh, một số người quá nghèo không có lương hưu khi đã nghỉ hưu, và một số người quá nghèo không thể đi học”, giáo sư Tôn nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) hồi tháng trước. “Trong hoàn cảnh như vậy, nếu bạn chọn ném tiền ra các nước khác thì hầu như chắc chắn sẽ có phản kháng ở trong nước”. Khi ông Tôn đang trả lời phỏng vấn thì cảnh sát ập vào nhà, buộc ông phải tắt điện thoại.

Sự phê phán của giáo sư Tôn phản ánh mối quan tâm rộng lớn hơn ở Trung Quốc về các nỗ lực của chính phủ nhằm giành sự ủng hộ của các đồng minh. Đề tài này rất quan trọng bởi Hoa Kỳ từ lâu đã quảng bá các liên minh của mình như là yếu tố chủ chốt cho sức mạnh của quốc gia nói chung và khả năng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á nói riêng.

Trung Quốc đã có những lợi thế quan trọng ở khu vực. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các nền kinh tế châu Á trong lúc tổng thống Trump có mối quan hệ căng thẳng với các đồng minh trên khắp thế giới. Ngay cả Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, có vẻ như cũng đang trôi gần hơn tới Trung Quốc khi ông Trump dọa áp thuế lên hàng hóa của Nhật.

Trong cuộc nối lại quan hệ hữu hảo giữa hai đối thủ châu Á, thủ tướng Nhật Shinzo Abe có kế hoạch đi thăm Bắc Kinh vào tháng tới, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Trung Quốc kể từ năm 2011. “Gần đây ông Trump nói: ‘Nhật Bản, bạn là kẻ kế tiếp bị áp thuế’. Cảm ơn ngài, Donald Trump”, ông Liu, người đầu tư cổ phiếu tư nhân, nói.

Nhưng một số người cho rằng Trung Quốc đang lúng túng trước cơ hội mà chính phủ của ông Trump đưa lại, và làm cho các nước láng giềng xa lánh vì Trung Quốc đã giễu võ giương oai quá hung hăng. Ở một số quốc gia đã có phản ứng chống lại các dự án Vành đai và Con đường, vốn đã đặt các chính phủ dưới các núi nợ nần, tạo ra rất ít công việc làm cho cư dân địa phương hoặc tàn phá môi trường. Những người khác gióng tiếng chuông cảnh báo về những nỗ lực của Trung Quốc can thiệp vào chính trị của các quốc gia nhỏ hơn.

Trong một bài luận văn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, một học giả nổi bật của đảng Cộng sản đã cảnh báo về thói kiêu ngạo và sự dài tay của quốc gia; ông nhắc lại số phận của các cường quốc từng nổi lên rồi bị hủy diệt vì “bất cẩn và hung hăng” trong thế kỷ 20 như Đức, Nhật Bản và Liên bang Xô viết.

“Tôi nhớ lại một chủ đề được những người dùng Internet trẻ tuổi tranh luận sôi nổi trên mạng: Kẻ thù thực sự của Trung Quốc là ai? Là Mỹ? Nhật Bản hay là Nga?” học giả này – tên là Lã Giang Ba(Luo Jianbo), lãnh đạo Trung tâm Chính sách đối ngoại Trung Quốc thuộc Trường đảng trung ương, viết. “Nếu chúng ta nghĩ về những chuyện này một cách bình tĩnh thì có lẽ không phải các nước đó. Kẻ thù của Trung Quốc là chính Trung Quốc”.

Về nhiều phương diện, giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đã bị bất ngờ bởi sự xấu đi nhanh chóng của mối quan hệ với Hoa Kỳ - Hoa Kỳ từ lâu đã là nguồn gây ra sự ghen tị và cảm hứng cho nhiều người Trung Quốc cũng như là điểm đến hàng đầu cho giáo dục và di dân.

Các học giả Trung Quốc thường lưu ý rằng một tổng thống mới của Hoa Kỳ thường có một lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc nhưng luôn tìm kiếm sự hợp tác sau khi nhận ra hai nước cần đến nhau như thế nào. Tổng thống Trump đã làm cho họ kinh ngạc bằng việc từ chối một mô thức như vậy.

“Về cá nhân, tôi cảm thấy ngạc nhiên với sự thực rằng Trump đang thực thi những biện pháp quyết liệt đến như vậy. Lúc đầu tôi nghĩ đó chỉ là trò đùa, nhưng hóa ra đó là một chính sách thực, áp đặt thuế quan lên mọi sản phẩm của Trung Quốc”, ông Hồ, tổng biên tập, nói.

Một số nhà phân tích Trung Quốc đã tìm cách giải thích vụ leo thang xung đột với Mỹ bằng cách tập trung vào phẩm chất cá nhân của nhà lãnh đạo hai nước. Ông Trump được coi như một người đồng bóng không kiên định, một doanh nhân thích giao dịch, một người có lẽ sẽ rút lui sau những cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Họ lưu ý ông đã nhiều lần phát biểu chống lại cung cách thương mại của Trung Quốc nhưng rất ít nói về nhân quyền hoặc những vấn đề quân sự. Ông Tập, trái lại, được cho là đã đầu tư quá nhiều vốn liếng chính trị vào các chương trình mang dấu ấn cá nhân của ông tới mức ông không thể rút lui dưới áp lực của nước ngoài.

“Cá tính là rất quan trọng trong mối quan hệ này… Vấn đề lớn nhất là độ khả tín của ông Trump”, ông Ngô Tân Ba (Wu Xinbo), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại trường đại học Phúc Đán (Fudan) nói.

Mặc dù Bắc Kinh đã dành những nguồn lực to lớn để nghiên cứu Hoa Kỳ, nhưng dường như họ hiểu biết rất ít rằng mối thù địch với Trung Quốc ở Washington có sự ủng hộ lưỡng đảng và rộng ra ngoài lĩnh vực thương mại, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã nản chí – những người một thời đứng ra bảo vệ mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nay cũng đang muốn có những biện pháp cứng rắn hơn chống lại nước này.

Ông Đằng Kiến Quần (Teng Jianqun), giám đốc nghiên cứu Hoa Kỳ ở Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nói rằng, chính phủ cần chấp nhận thực tế mới và nói cho công chúng Trung Quốc biết, cuộc đấu tranh đang đến có thể là bước khởi đầu của một trận chiến dài hơi cho sự tồn tại của đất nước như là một cường quốc. “Chúng ta nên để cho dân chúng biết đầy đủ rằng cuộc thương chiến này không phải là cuộc đua tranh ngắn hạn mà là cuộc đua tranh sẽ quyết định tương lai của đất nước Trung Quốc”, ông Đằng nói.


(Theo The New York Times, ngày 23/9/2018)



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire