Phạm Xuân Nguyên
Người dân Thủ Thiêm phản đối chính quyền |
Ngày 8/10/2018 tại kỳ họp bất thường, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư
dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch của thành phố tại Thủ Thiêm
với tổng mức đầu tư hơn 1508 tỉ đồng.
Đọc tin này tôi chắc nhiều người dân cả nước, không riêng gì người dân TP
HCM, sẽ nhiều băn khoăn, hồ nghi. Bởi ở đây có hai chữ “Thủ Thiêm” gắn liền với
việc oan sai về thu hồi đất đai cho một dự án mà chính quyền thành phố đã mắc
phải với người dân hơn hai chục năm qua.
Thử hỏi:
Nếu không có kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc oan sai này khiến
lãnh đạo thành phố hiện nay phải xin lỗi người dân và bắt tay vào sửa sai thì
có chuyện dựng Nhà hát này không?
Chủ trương dựng Nhà hát được thông qua tại một cuộc họp bất thường có “bất
thường” gì không? Vì cuộc họp “bất thường” là để giải quyết những chuyện bất
thường, khẩn cấp. Lẽ nào việc dựng Nhà hát là một việc “bất thường”, khẩn cấp
hơn mọi việc cần kíp, cấp bách khác, phải thông qua ngay lúc này mới kịp, không
thể trì hoãn được? Khi mà những nỗi đau khổ tan hoang của bao gia đình người
dân bị oan sai chưa hề được giải quyết, chỉ mới là “chủ trương”. Phải chăng đưa
ra sự dựng Nhà hát vào lúc này là một mưu toan át tiếng kêu oan của dân, xóa
một vết nhơ của thành phố? Tôi nói “vết nhơ” vì “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa
mây” của hàng nghìn người dân ở một thành phố lớn nhất nước đã kêu suốt hai
chục năm mà vẫn bị các quan chức “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ”. Sự tính toán
thời điểm để thông qua chủ trương dựng Nhà hát buộc người ta nhất định phải đặt
câu hỏi: Tại sao lại là lúc này mà không phải lúc nào khác? Tại sao lại phải
triệu tập một cuộc họp bất thường để thông qua một chủ trương như thế? Tại sao
và tại sao?
Bà Quyết Tâm, phó bí thư Thành ủy và chủ tịch HĐND TPHCM, giải thích dựng
Nhà hát là vì nhân dân. Bà ta nói thế mà không ngượng miệng và ngọng miệng thì
kể cũng lạ. Bà ta có nhớ tại một cuộc gặp với người dân Thủ Thiêm hồi tháng
5/2018 đã bị dân yêu cầu nên từ chức vì không giải quyết được các việc dân kiến
nghị hay không. Ba chữ “vì nhân dân” mà bà ta dùng và nhiều quan chức cũng quen
miệng dùng là câu bùa chú, là cái bình phong cho mọi sự chính quyền đưa ra bắt
người dân chấp nhận. Vì nhân dân sao để xảy ra vụ Thủ Thiêm? Vì nhân dân sao
không trước hết hãy làm yên lòng dân đã bị chính quyền làm cho bất yên lâu nay?
Chính quyền thích dùng hai chữ “nhạy cảm” để ngăn chặn, cấm đoán nhân dân trước
những sự việc, vấn đề bị coi là nguy hiểm. Thế thì đưa ra việc dựng Nhà hát tại
Thủ Thiêm một cách bất thường vào lúc này là chính quyền đã đụng đến vùng “nhạy
cảm” của lòng dân và dư luận.
Ở đây tôi không bàn đến sự cần thiết và lợi ích của một Nhà hát giao hưởng,
nhạc và vũ kịch tại một thành phố như TPHCM. Tôi cũng không nói đến việc xây dựng
và hoạt động của nó rồi sẽ như thế nào trong hoàn cảnh nước ta, mà tấm gương
Nhà hát Trần Hữu Trang ở cùng thành phố đã cho thấy. Tôi chỉ muốn nêu câu hỏi
quanh hai từ Nhà hát và Thủ Thiêm lúc này, ở đây.
Tôi thì tin một điều: nếu vụ Thủ Thiêm trót lọt êm xuôi thì cái vụ dựng Nhà
hát dù đã có trong kế hoạch vẫn chưa được thông qua lúc này và do đó cũng không
phải bày ra cái cuộc họp bất thường của HĐND TPHCM.
Hãy nhớ lời Nguyễn Trãi đã viết từ sáu trăm năm trước: “Hòa bình là gốc của
nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm sóc
muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó
tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire