Tàu chiến Mỹ tăng cường hiện diện trên Biển Đông - Ảnh: National Interest |
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Colin Koh thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế
Rajaratnam (Singapore), vụ tàu chiến Trung Quốc đối đầu thật sát với tàu chiến
Mỹ ở Biển Đông có thể là một động tác “vẫy cờ” nhằm duy trì căng thẳng chứ
không sa vào một cuộc xung đột vũ trang với Mỹ khi hai bên đều chưa sẵn sàng.
Một Thế Giới lược dịch bài viết của ông Kok:
“Ngày 30.9 xảy ra vụ khu trục hạm Lan Châu của hải quân Trung Quốc đối đầu
chỉ cách khu trục hạm Decatur của hải quân Mỹ 41m, khi tàu chiến Mỹ có cuộc
tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) dài 10 giờ trong khu vực 12 hải
lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị
Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Đó là diễn biến căng thẳng mới nhất giữa Mỹ - Trung, sau khi Mỹ trừng phạt
Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) mua vũ khí Nga và duyệt bán vũ
khí cho Đài Loan. Trung Quốc trả đũa bằng cách triệu hồi Tư lệnh hải quân từ Mỹ
về nước, không chấp nhận cho tàu tấn công đổ bộ Wasp của Mỹ thăm Hồng Kông, và
hủy một cuộc đối thoại an ninh cấp cao giữa hai bộ trưởng quốc phòng Trung -
Mỹ.
Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng
không chỉ vì cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên để phản đối Bắc
Kinh quên lời hứa năm 2015 - Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình hứa không quân sự
hóa Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông thăm Nhà Trắng -, Mỹ đã
hủy lời mời hải quân Trung Quốc tham dự cuộc tập trận quốc tế Vành Đai Thái
Bình Dương 2018 (RIMPAC) ở Hawaii.
Vụ đối đầu tàu chiến Mỹ ở Biển Đông có thể là động thái trả đũa để tỏ thái
độ không hài lòng của Bắc Kinh, và cũng có thể là một nước cờ đủ để duy trì
căng thẳng chứ không chuyển thành một cuộc xung đột vũ trang. Cả hai siêu cường
chưa sẵn sàng để đánh nhau trên biển, vì những thiệt hại chính trị - kinh tế
rất khổng lồ. Biển Đông hiện là một khu vực mà cộng đồng quốc tế thụ hưởng
quyền tự do qua lại trên không và trên biển. Vì thế, chưa bên nào toan tính
ngăn cản quyền đi lại dân sự này, còn nếu thực hiện điều đó thì có nghĩa một
đòn tấn công nặng nề vào sức khỏe kinh tế toàn cầu, khi đã có ước tính 1/3 tàu
chở hàng của thế giới đi qua Biển Đông.
Nhưng phương tiện quân sự nước ngoài đi qua Biển Đông thì bị Bắc Kinh cản
trở, như đã thách thức máy bay quân sự nước ngoài bay gần các căn cứ quân sự mà
Trung Quốc xây trái phép, hoặc như vụ chặn đầu chiếc Decatur.
Đối với Trung Quốc, không phản ứng có nghĩa từ bỏ tuyên bố chủ quyền Biển
Đông vô lý và đòi các nước khác không can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền.
Việc nhượng bộ sẽ gây ra một hậu quả chính trị không thể tưởng tượng được cho Đảng
Cộng sản Trung Quốc, và cho uy tín cá nhân của ông Tập.
Đối với Mỹ, việc nhượng bộ sẽ làm hỏng điều họ đã đấu tranh: Quyền tự do đi
lại cho cả phương tiện quân - dân sự, và nhất là gây nghi ngờ về việc Mỹ cam
kết bảo vệ an ninh khu vực. Đó là những hậu quả lớn cho uy tín một siêu cường
toàn cầu của Mỹ.
Vì thế, Mỹ - Trung sẽ không ngưng các hoạt động của mình. Mỹ sẽ tiếp tục
thực hiện các chiến dịch “vẫy cờ” báo hiện diện, gồm tung tàu chiến, máy bay
ném bom B-52 vào khu vực. Bắc Kinh sẽ tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, thường
xuyên tổ chức tập trận không - hải quân và đổ bộ, sẽ tiếp tục khẳng định đó là
“phản ứng phòng thủ” trước các hoạt động quân sự của Mỹ và Anh, Pháp, Úc, Ấn
Độ, Nhật Bản, là các nước đều đã tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Câu hỏi sẽ là liệu chiến tranh trên Biển Đông sẽ là một cuộc chơi không có
hồi kết? Tranh chấp Biển Đông vừa là chuyện tự do qua lại, vừa là một cuộc
tranh chấp ý chí. Mỹ, Trung Quốc và các nước đòi chủ quyền thuộc Hiệp hội các
nước Đông Nam Á (ASEAN) đều nghiêm túc không muốn là bên nổ súng trước, không
sẵn sàng với việc bị xem là nước gây mất hòa bình và gây bất ổn khu vực.
Các cuộc “vẫy cờ, phô trương sức mạnh” sẽ được Trung - Mỹ và các đồng minh,
đối tác của Mỹ tiếp tục thực hiện, nhưng sẽ luôn cố gắng kiềm chế, không sử
dụng vũ lực. Tàu chiến, máy bay PLA sẽ tiếp tục bám theo các phương tiện quân
sự nước ngoài đi qua Biển Đông. Những tuyên bố thách thức từ các căn cứ Trung
Quốc trên quần đảo Trường Sa sẽ tiếp tục, đi kèm việc triển khai chiến đấu cơ
và các kiểu máy bay khác.
Trung Quốc sẽ không thể lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển
Đông vì khu vực này sẽ phản đối, nhưng không điều gì có thể cản tàu chiến,
chiến đấu cơ Trung Quốc phô trương sức mạnh mà bất chấp luật pháp như đã thực
hiện với khu trục hạm Decatur.
Trung Trực (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
Nguồn: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dien-bien-bien-dong-c-124/trung-quoc-chi-vay-co-chu-khong-thuy-chien-voi-my-tren-bien-dong-98404.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire