29/11/2018

23 học sinh tát bạn là 'sự thất bại trong giáo dục kỹ năng phản biện'

Giáo dục đã tạo ra những con người chỉ biết "cúi đầu" làm theo mà không có sự nhận biết đúng - sai, hay phản ứng lại điều sai trái.



Nguyễn Thị Phương Thủy
Thầy giáo Nguyễn Văn Lực, trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) chia sẻ quan điểm về việc cô giáo ở Quảng Bình bắt 23 học sinh trong lớp tát 230 cái vào má một nam sinh vi phạm nội quy.

"Một cái giá bằng ba cái đánh", thế mà cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã yêu cầu học sinh trong lớp tát 230 cái vào má nam sinh, khiến em phải nhập viện. 



32 năm giảng dạy môn Giáo dục công dân và nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi cũng đứng trước nhiều tình huống rất khó xử khi học sinh vi phạm nội quy nhà trường như: nói tục, chửi thề, đánh nhau, vẽ viết bậy lên bàn ghế, tường, có em còn gọi tên giáo viên để trêu chọc... Nhiều em vô lễ, "cứng đầu", "ngựa chứng sân trường", nhưng tôi luôn tự nhủ phải lấy tình thương để cảm hóa các em bởi chỉ có điều gì xuất phát từ trái tim mới đến được với trái tim.

Tôi mãi còn nhớ năm 1994, khi chủ nhiệm lớp 9/4 cũng vì sợ lớp bị trừ điểm thi đua mà tôi có hành động thiếu sư phạm. Khi xếp hàng vào lớp để học tiết 3, học sinh tên Đồng Phúc đứng sau đùa giỡn đúng lúc tôi vừa đến. Không kiềm chế, tôi liền giáng cho em một vái tát vào đầu. Vì tát mạnh nên Phúc phải xoa đầu. Từ hôm ấy Phúc không còn đùa giỡn nữa, nhưng tôi cảm nhận được em đã ghét thầy, hay lảng tránh tôi.

Bình tâm biết được việc làm của mình không đúng, nhiều đêm liền tôi day dứt, chỉ mong cuối tuần đến giờ sinh hoạt lớp để nói lời xin lỗi Phúc. Dù đã nói lời xin lỗi, tôi không bao giờ lấy lại được cái tát đã dành cho em. Đó là điều tôi ân hận nhất trong đời đi dạy, tự hứa rằng không bao giờ đánh học sinh.

Câu chuyện cô giáo Thủy cho các học sinh trong lớp tát nam sinh vi phạm mỗi thầy cô có suy nghĩ khác nhau, nhưng hầu hết phải thừa nhận rằng giáo dục đã tạo ra những con người chỉ biết "cúi đầu" làm theo mà không có sự nhận biết đúng - sai, hay phản ứng lại điều sai trái mà cô giáo bắt các em thực hiện. Đó cũng còn là thất bại trong việc giáo dục kỹ năng phản biện trong học sinh. Giá như có được một trong 23 học sinh lớp 6/2 không thực hiện lệnh tát bạn, biết tôn trọng lẽ phải, tôn trọng người khác thì hay biết chừng nào!

Có thể do các em rất sợ cô Thủy, nhưng thầy cô cũng phải tự trách mình không giáo dục các em đến nơi đến chốn, chưa biết yêu thương bạn bè, yêu thương con người... Thầy cô chỉ dạy các em ghi nhớ máy móc thế nào là tôn trọng lẽ phải, tôn trọng người khác, hay thế nào là yêu thương con người..., còn vận dụng vào thực tế cuộc sống hay nói cách khác kỹ năng giải vấn đề tình huống rất yếu kém nên cả lớp không có học sinh nào phản đối việc làm của cô Thủy.

Trường THCS Duy Ninh ở xã Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình).

Việc học sinh vi phạm nội quy là chuyện thường xuyên xảy ra trong nhiều trường học và chính vì thế trường học mới có nội quy. Điều quan trọng là thầy cô chúng ta có biện pháp giáo dục như thế nào để mang tính nhân văn sư phạm và có hiệu quả chứ không phải dùng biện pháp bạo lực như cô Thủy.

Là đồng nghiệp với cô Thủy, tôi thấu hiểu được sự bức xúc nóng vội của cô dẫn đến hậu quả đầy tai tiếng đối với bản thân và cho ngành giáo duc. Nếu như cô biết kìm chế cảm xúc, đừng vì thi đua thành tích, xử lý tình huống học sinh nói tục một cách đầy vị tha khoan dung, đó là gặp riêng em tìm hiểu nguyên nhân, hoặc nếu trường có tổ tư vấn tâm lý cho học sinh làm việc riêng với nam sinh để "lắng nghe thấu hiểu" thì tin chắc hậu quả không xảy ra. Đó mới chính là bài học cần dạy, chứ không phải dùng học sinh này để làm nhục hình học sinh khác.  

Ngoài ra, vai trò của đội Sao đỏ chấm điểm thi đua như thế nào cũng cần xem lại. Vào đầu năm học theo yêu cầu của Liên đội (Hiệu trưởng), giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp chọn 3-5 em có học lực và hạnh kiểm từ khá trở lên tham gia vào đội Sao đỏ (Cờ đỏ) của trường để chấm điểm thi đua của các lớp. Sao đỏ các lớp được thầy cô Tổng phụ trách Đội trực tiếp quản lý, phân công nhiệm vụ, thường các Sao đỏ phải đi trực chấm thi đua ngược xuất.

Cũng tùy theo mỗi trường nội dung chấm thi đua cũng khác nhau, không theo quy định nào, thông thường có hai nội dung chấm thi đua là học tập và nề nếp. Học tập bao gồm việc: đi học trễ, nghỉ học có phép hay không, còn nề nếp gồm tác phong (đồng phục, khăn quàng, bảng tên, logô, nói tục, chửi thề, đánh nhau...) xếp hàng ra vào lớp, truy bài, hát đầu giờ, vệ sinh lớp, khu vực... Tất cả đều đưa vào thi đua để trừ điểm nên học sinh và thầy cô chủ nhiệm luôn lo sợ Sao đỏ trừ điểm là vậy.

Thế nhưng rất tiếc việc trừ điểm thi đua có công bằng hay không là tùy vào Sao đỏ, có em thực hiện đúng, có em chấm không chính xác nên có nhiều khiếu nại việc trừ điểm của lớp thường xuyên. Thứ hai sau chào cờ Liên đội thông báo xếp loại vị thứ thi đua của các lớp và căn cứ vào kết quả này qua Ban giám hiệu đánh giá công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên chủ nhiệm vào cuối năm học. Phải nói Đội Sao đỏ hiện nay là một "thế lực" trong nhà trường, học sinh không được "chống lại Sao đỏ", ngay cả giáo viên cũng phải dè chừng nếu không muốn lớp phải bị trừ điểm thi đua.

Theo ý kiến nhiều thầy cô, chính chúng ta đã sai lầm khi dùng đội "cảnh sát" này để trừ điểm các vi phạm gây ra sự kỳ thị, thiên vị trong học sinh, tạo tâm lý "có chức - quyền" trong học sinh. Nhiều phụ huynh tâm sự không muốn con em mình vào Đội Sao đỏ vì phải đi trực mất thời gian, nhiều em lợi dụng việc đi trực để đến trường chơi ảnh hưởng đến việc học, bị bạn bè xa lánh thậm chí có trường hợp đánh lại Sao đỏ. Nếu không cẩn thận việc thi đua trở thành ganh đua trong giáo viên và học sinh, giữa các lớp với nhau như con dao hai lưỡi.

Mong hiệu trưởng các trường nên xem xét nhiệm vụ của đội Sao Đỏ trong trường học hiện nay có cần thiết không? Riêng thầy cô chủ nhiệm với quy định 4 tiết/tuần cùng với vô số công việc, hồ sơ sổ sách, phong trào, thi đua, thành tích phải tham gia thì thật là áp lực. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, thầy cô chủ nhiệm nên bình tĩnh để giáo dục học sinh. Đừng vì thi đua, thành tích mà làm hoen ố hình ảnh nhà giáo trong mắt mọi người, bài học kỹ năng giải quyết vấn đề tình huống sư phạm cần được khắc ghi.

Việc cô giáo lý giải do áp lực trừ điểm thi đua đối với lớp 6/2 nên có hành vi như vậy là không thể chấp nhận bởi cô thừa biết thi đua là một trong nhiều biện pháp để quản lý trường, lớp học tốt hơn, chứ không phải để dẫn đến 231 cái tát làm rát mặt học sinh và nát lòng thầy cô giáo có lương tâm. Đó chính là cái tát vào bệnh thành tích, thi đua trong ngành giáo dục hiện đã ăn sâu vào nhiều cán bộ quản lý, thầy cô. 

Nguyễn Văn Lực

https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/23-hoc-sinh-tat-ban-la-su-that-bai-trong-giao-duc-ky-nang-phan-bien-3844433.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire