Merrill A. McPeak, cựu lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, là Tổng Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ từ 1990 đến 1994. |
Nguồn: Merrill A. Mcpeak, “Bombing the Ho Chi Minh Trail”,
The New York
Times, 26/12/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tôi đã dành cả
năm 1967 bay trên bầu trời cùng Thunderbirds (Lôi Điểu), phi đội biểu
diễn thuộc Không quân Hoa Kỳ, trong lòng canh cánh nỗi lo rằng chiến tranh Việt
Nam sẽ kết thúc trước khi tôi kịp đặt chân đến đó. Những anh bạn phi công của
tôi đều đang ở nơi tiền tuyến, còn tôi đây lại đang biểu diễn trước đám đông hò
reo thay vì đối đầu quân địch – làm việc tuyển mộ thay vì chiến đấu – trong một
nhiệm vụ mà tôi sẽ chẳng thể rời đi trước khi hoàn thành chuyến lưu diễn dài
hai năm.
Nhưng tôi không
cần phải lo lắng; cuộc chiến sẽ đợi tôi. Đến lượt mình, tôi được giao 269 nhiệm
vụ, rất nhiều trong số chúng là tối mật, bởi đúng ra chúng tôi không được phép
bay qua Lào. Nhưng chúng tôi vẫn cứ làm, và công việc chính của chúng tôi là
ngăn chặn dòng phương tiện vận tải trên Đường mòn Hồ Chí Minh.
Thú vị là Bắc
Việt không gọi con đường ấy là Đường mòn Hồ Chí Minh. Đối với họ, cung đường
uốn lượn qua dãy Trường Sơn ở Tây Nguyên, gần như chạy hết phần chiều dài của
Việt Nam dọc theo biên giới với Lào và Campuchia- là Đường Vận tải Chiến lược Trường Sơn, hoặc Quốc lộ 559 – gọi theo tháng (tháng 5) và
năm (1959) mà chính phủ miền Bắc đã chính thức quyết định hỗ trợ tích cực cho
cuộc nổi dậy ở miền Nam.
Hà Nội đã chẳng
thể duy trì các hoạt động quân sự ở miền Nam nếu không có cách để gửi quân lực
và vật tư vào khu vực này. Tất nhiên, chúng ta [người Mỹ] cũng vậy. Chúng ta đã
xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại – sân bay, bến cảng, đường ống dẫn dầu, kho
chứa hàng cực lớn tại Long Bình.
Trong khi đó, kể
từ cuối những năm 1950, phía Bắc Việt bắt đầu sử dụng một phần đất của Lào với
kích thước cỡ bang Massachusetts để xây dựng cơ sở hạ tầng mà theo nhiều phương
diện giống như của Mỹ: hàng trăm dặm đường, trung tâm thông tin liên lạc, kho
đạn, kho dự trữ lương thực và nhiên liệu, bãi đỗ xe tải, trạm dừng chân tạm
thời cho quân đội. Nhưng họ đã làm điều này trong một môi trường khắc nghiệt
hơn nhiều: một khu vực thưa thớt dân cư, giữa những ngọn núi gồ ghề, rừng rậm
ba tầng và rừng mưa nguyên sinh dày đặc. Đó là một trong những thành tựu to lớn
nhất lịch sử kỹ thuật quân sự, và tất cả đều được ẩn giấu khuất khỏi tầm mắt,
ngoại trừ bản thân con đường mòn.
Tôi được chỉ
định tham gia một đơn vị nhỏ gồm các tình nguyện viên đến từ tất cả bốn căn cứ
ở Nam Việt Nam vốn đang quản lý các máy bay ném bom F-100, loại máy bay được
lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ. Về lý thuyết thì chúng tôi là “phân đội”
(detachment) của một phi đội chiến đấu thông thường, nhưng danh tính của từng
người đã được giấu kín vì tính tuyệt mật của nhiệm vụ. Các đơn vị khác chỉ biết
chúng tôi qua mật danh Misty. Và nhiệm vụ của chúng tôi là tìm và tấn công trực
tiếp vào tất cả các cấu phần trên Đường mòn Hồ Chí Minh.
Chúng tôi muốn
cho nổ tung tất cả: xe tải, vật tư và cơ sở hạ tầng, nhưng những gì chúng tôi
có thể nhìn thấy chỉ là con đường mà thôi. Vậy nên chúng tôi đã đánh vào các
“điểm chết” (choke point), nghĩ rằng mình đã lựa chọn phương án tốt nhất, đã
khóa chặn đường đi. Và rồi ngày hôm sau, đường vòng xuất hiện. Chúng tôi đã đẩy
hàng đống đá ra giữa lòng đường, thế mà bằng cách nào đó, con đường lại vòng
qua đống đất đá đó. Chúng tôi tạo thật nhiều hố bùn, chỉ để thấy những đoạn gỗ
bắc qua đống bùn.[1]
Chúng tôi vất vả tạo những khúc sông cạn, chỉ để thấy chúng được lấp đầy.
Tựa một mê cung
hơn là một con đường, Đường mòn Hồ Chí Minh cứ ẩn khuất rồi lại hiện hình, tan
biến rồi ló dạng, thu hẹp rồi mở rộng, chia tách rồi hội tụ, mất hút vào hư
không rồi bất chợt hiển hiện. Chúng tôi đã phá hủy một phần lớn đất Lào – chế
độ quân chủ 600 năm tuổi, Vùng Đất Triệu Voi – biến nó thành
bụi xương. Tuy nhiên, bằng cách nào đó Đường mòn Hồ Chí Minh vẫn tồn tại. Giết
chết nó cũng giống như cố gắng mang vớ cho một con bạch tuộc [tức làm một
điều bất khả.]
Misty chúng tôi
cực kỳ ngưỡng mộ nhóm tài xế xe tải. Họ được các đồng chí của mình gọi là “phi
công mặt đất,” một phép ẩn dụ không hơn không kém. Chúng tôi thậm chí còn sáng
tác cả một bài hát giễu cợt họ – về sự cô đơn trên đường mòn; về thứ thức ăn
gớm ghiếc nếu họ may mắn được ăn; về cái cách mà họ khó nhọc thay lốp xe khi
liên tục trượt trong vũng bùn; về cái cách họ cạy sâu bọ ra khỏi răng mình vì
Misty đã bắn thủng kính chắn gió của họ.
Nhưng những gã
tài xế ấy vẫn làm việc cực kỳ nghiêm túc trong điều kiện đáng sợ nhất có thể
tưởng tượng được. Họ rời khỏi căn nhà của mình ở miền Bắc và chấp nhận sống
trên đường mòn trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, chịu đựng thứ thời tiết
gió mùa kéo dài, cùng căn bệnh sốt rét, bị thú rừng cắn và cơn đói liên tục
không ngừng. Họ gửi thư mỗi tháng một lần; nhưng để nhận được có khi phải mất
cả một mùa.
Họ phải tìm cách
lái xe qua vùng nông thôn hoang vắng, trong bóng tối, không có đèn pha – những
chuyến đi sẽ chẳng còn thú vị nếu sử dụng đường cao tốc hiện đại, nếu chẳng có
ai chĩa súng vào bạn.
Chúng tôi đã thả
hai triệu tấn bom xuống Lào – tương đương tổng số bom mà người Mỹ sử dụng trong
suốt Thế chiến II ở cả hai chiến trường châu Âu và Thái Bình Dương. Chúng tôi
“gieo mây” để tạo ra lũ lụt, rải chất độc da cam, đặt mìn khắp các nẻo đường,
lắp đặt các cảm biến dọc theo Hàng rào Điện tử McNamara. Không nghi ngờ gì,
chúng tôi đã gây ra những tổn thất nặng nề cho họ. Miền Bắc đã chôn cất những
người lính ngã xuống khi tham gia xây dựng, vận hành và di chuyển dọc theo con
đường này tại khắp 72 nghĩa trang quân sự.
Nhưng họ vẫn đi,
vẫn vượt qua tất cả để vận chuyển: những tên lửa 122 milimet mà sau đó đã tấn
công Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, những quả mìn đã giết chết lính Mỹ
gần khu “Mỏ vẹt” (Parrot’s Beak), những quân trang vật dụng mà cuối cùng sẽ
giúp họ chiếm được Sài Gòn. Bằng tất cả sức lực của mình, các tài xế xe tải đã
cung cấp “oxy” để Bắc Việt duy trì khả năng chiến tranh ở miền Nam.
Chúng tôi đã
chẳng thể ngừng được bước tiến của họ trên đường mòn, đã không bao giờ hoàn tất
nhiệm vụ được giao – một sự thật vẫn khiến tôi phiền lòng cho đến tận hôm nay.
Những thiếu hụt về mặt kỹ thuật của lính Mỹ – không có khả năng hoạt động vào
ban đêm, đường bay của đạn kém chính xác – đã được cải thiện rất nhiều kể từ
thời đó. Nhưng vào cái ngày Sài Gòn sụp đổ, cái ta thấy không phải là một toán
du kích Việt Cộng đánh chiếm thành phố, mà là những chiếc xe tăng T-54 của Liên
Xô dẫn đầu một đội quân tác chiến hiện đại được hỗ trợ bởi pháo binh và tên lửa
đất đối không – tất cả đều được vận chuyển bởi những tài xế xe tải cứng cỏi
trên con đường dường như không thể phá hủy – Đường mòn Hồ Chí Minh.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire