31/12/2018

Số 13 và ngành Giáo dục năm Mậu Tuất!


Sơn Quang Huyến
 

Theo quan niệm phương tây, số 13 dường như không phải số may mắn, nhưng tôi chọn số 13 để nói về ngành Giáo năm Mậu Tuất.


Số 1: Với 4 Huy chương Vàng Olympic Vật lí; xếp thứ 3 Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương; Cả 6 học sinh đều đoạt Olympic Toán học quốc tế; Đứng thứ 8 Olympic Vật lí quốc tế; Đoạt 1 Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế; Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất; Việt Nam đứng thứ 12 thế giới Olympic Tin học quốc tế.

Thành tích thi của học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế, đã và sẽ là giấc mơ của các nền giáo dục khác trên thế giới, chúng ta có quyền tự hào về thành công của ngành mình. 


Số 2: Có sáu mươi mốt đại biểu Quốc hội, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong kì họp quốc hội tháng 6 vừa qua.

Nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục đã được đề cập; nổi bật nhất là nhận định được giáo viên quan tâm, nhà giáo không thể đủ sống bằng lương của mình. Các vấn đề giáo dục sẽ còn là vấn đề nóng của cả xã hội hôm qua và ngày mai.  
 
Gian lận trong chấm thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đã trở thành vết đen trong ngành giáo dục. Ảnh: Vietnamnet.vn


Số 3: Gian dối của việc chấm thi trung học phổ thông quốc gia bị vạch mặt. Chấm sai điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang và nghi vấn ở một số địa phương khác như: Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình... buộc ngành giáo dục thay đổi thi cử năm 2019.

Kết quả thế nào, hãy đợi đấy! Tuy nhiên chắc chắn sẽ thành công, khi rất nhiều trường đại học đã thay đổi phương thức xét tuyển, điểm thi Trung học phổ thông không còn là lựa chọn duy nhất.

Qua rồi thời kì điểm học bạ là phao cứu sinh trong xét tuyển tốt nghiệp Trung học phổ thông.



Số 4: Bạo lực học đường, bôi đen ngành giáo dục. Có thể nói chưa có năm nào như năm này, cái tát, cái mông, cái quỳ, giẻ lau bảng, lạm thu, dâm ô học trò liên tiếp điểm danh, chỉ tên kẻ thủ ác trên mặt báo nhiều như thế.

Người ta phải thốt lên “giáo viên không biết đọc báo, xem ti vi” tự giáo dục mình! Vụ trước chưa nguôi, vụ sau lại tràn lên báo!

Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “bạo lực học đường”, có ngay 324 triệu kết quả, trong vòng 0.42 giây! Nguyên nhân bạo lực học đường được xác định do áp lực thành tích lên giáo viên, Bộ trưởng đã hứa, cái gì gây áp lực sẽ bị cắt bỏ!

Nhỏ, học trò ăn đòn của giáo viên; lớn giáo viên ăn đòn của học trò. Phải chăng đang có hiện tượng “báo thù” trong giáo dục “Mày có già, tao có lớn”? 


Số 5: Bộ trưởng muốn nghe giáo viên nói! Từ trước, lời lãnh đạo là lời vàng, ý ngọc được cấp dưới nhất nhất tuân theo, giáo viên đâu được nói, nói đâu ai nghe!

Giáo viên cũng muốn học trò nghe theo, mình luôn đúng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, giày xéo ngành giáo. Xã hội muốn phát triển, phải có phản biện, biết phản biện để tìm cái hay cái đẹp.

Thế nhưng ai sẽ được nói, ai nói thì sẽ được nghe; nếu gặp Bộ trưởng mà tuyển chọn người nói, e rằng Bộ trưởng chẳng nghe nổi, chẳng nghe làm gì!

Vậy nghe ở đâu, nghe ai nói vẫn là bài toán cần giải. Cần có kênh thông tin để Bộ trưởng nghe được lời nói trung thực từ cơ sở giáo dục. 


Số 6: Bệnh diễn được chỉ đích danh, nhận diện, một số hình thức "diễn" đã thành kĩ xảo; Bộ trưởng cũng đã biết và nghe.

Diễn dự giờ thăm lớp; diễn sáng kiến kinh nghiệm; diễn thi giáo viên giỏi; diễn tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh giỏi; diễn tỉ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông; diễn bồi dưỡng thường xuyên, ghi danh cho có; diễn các loại bằng cấp cho đạt chuẩn…vv.

Nhìn qua, đó là các hoạt động của ngành giáo dục.

Bệnh diễn này chữa được không?

Nói không, nếu chúng ta vẫn giữ nề nếp quản lý cũ, theo lối bao cấp ngày trước, không thay đổi để hòa nhập với thế giới. Chỉ muốn trên tung, dưới hứng, chỉ đạo thiếu kiên quyết, nửa vời, có lợi cho mình thì làm, lợi cho cộng đồng mà không đem lại lợi cho mình thì bỏ qua.

Nói có, nếu thay đổi tư duy quản lý, mở rộng dân chủ, tự quyết cho các trường đại học, các trường tư thục; tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập mở rộng và phát triển.

Các trường phổ thông dạy thật, học thật, thi thật, tổng kết đánh giá thật; không đăng kí chất lượng đầu năm, năm sau cao hơn năm trước. 


Số 7: Sách giáo khoa sử dụng một lần, mãi sau gần mười tám năm, người ta mới phát hiện ra một vấn đề “rất mới”, sử dụng một lần sẽ lãng phí.

Thực ra, mười mấy năm rồi, không ai nói vấn đề này, dù trước đây đời sống kinh tế xã hội còn eo hẹp hơn nhiều, người dân vẫn chấp nhận đầu tư bộ sách cho con đi học.

Sự việc rộ lên là do… mạng xã hội, nhưng nhìn thẳng vào sự thật, chính là xã hội mất niềm tin vào giáo dục.

Sách giáo khoa chương trình mới sẽ được thiết kế sao cho có thể tái sử dụng, tiết kiệm, nhưng đảm bảo tính khoa học và giáo dục. 


Số 8: Chương trình thực nghiệm “Công nghệ giáo dục” kéo dài gần bốn mươi năm! Chắc chưa có một chương trình nào thực nghiệm trên thế giới kéo dài như thế?

Gần bốn mươi năm, vẫn chưa có tổng kết, đánh giá, thế nhưng nó lan rộng ra khắp 49 tỉnh thành, với hơn 800.000 học sinh đang theo học.

Vấn đề được nhớ nhất trong chương trình này, câu nói nổi tiếng của giáo sư Hồ Ngọc Đại, bàn về chương trình mới: “cơ bản là để chia tiền”! 


Số 9: Lợi nhuận xuất bản sách giáo khoa, ai đang hưởng lợi?

Theo kết quả giám sát của Quốc hội, doanh thu từ bán sách giáo khoa khoảng 1.000 tỷ đồng/năm; lợi nhuận hằng năm tăng, năm 2016 là 72 tỷ đồng, năm 2017 là 150,8 tỷ đồng, mâu thuẫn với việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo lỗ liên tiếp ba năm gần đây, là vấn đề mà dư luận quan tâm, đề nghị Bộ Giáo dục làm rõ.

Một hình thức kinh doanh độc quyền khép kín, lợi nhuận lớn, chiết khấu cao thế mà vẫn kêu lỗ! Chắc, chẳng ai tin? 


Số 10: Chương trình mới sắp tới có một bộ sách, hay nhiều bộ sách giáo khoa? Địa phương có thể có sách giáo khoa riêng không? Một đầu mối soạn sách hay xã hội hóa soạn sách? Vẫn là các câu hỏi, tranh luận đa chiều chưa đi đến hồi kết.


Số 11: Triết lý giáo dục Việt Nam là gì? Một câu hỏi lớn cần trả lời để các mạch nhánh của nó chạy trơn tru, mát máy; thế nhưng chưa ai, chưa cơ quan nào có câu trả lời cả.

Chân lý chỉ có một, không thể có cái kiểu đẽo cày giữa đường được. Sớm hay muộn cũng phải có triết lý giáo dục của Việt Nam.


Số 12: Lâu lắm rồi, bóng đá Việt Nam mới khơi một nguồn cảm hứng cực lớn cho cho người hâm mộ nước nhà. Thành công ấy bắt nguồn từ việc giáo dục, đào tạo con người tử tế.

Bên cạnh những thành công về chuyên môn bóng đá, đây là thế hệ cầu thủ được giáo dục một cách toàn diện cả về “tài” lẫn “đức”, đang giành được sự tin tưởng tuyệt đối từ người hâm mộ.

Vô địch AFF Suzuki Cup 2018, là nhờ các cầu thủ được giáo dục đầy đủ, hiểu được những giá trị to lớn của dân tộc mình, giá trị của bản thân, nghề nghiệp mình đang theo đuổi, có động lực, làm được những điều phi thường hơn, vượt lên chính mình và người khác.  


Số 13: Tết về, xuân đến, khi mà trên các báo, viết về thưởng tết, người buồn nhất lại là giáo viên. Có nơi hàng chục triệu, có nơi… hai chục nghìn; vậy vẫn còn hơn, có nơi thưởng tết là lời chúc năm mới!

Rất nhiều nơi, giáo viên mong ước được thưởng tết tháng lương thứ 13 như một số nơi trước đây đã làm; thế nhưng, số 13, con số được coi là không may mắn, nên người ta vẫn né tránh nó, thương cho bạn, cho tôi.

Giaó viên, chúng ta hiểu được những giá trị to lớn của dân tộc mình, giá trị của bản thân, nghề nghiệp mình đang theo đuổi, mình phải có động lực, làm được những điều phi thường hơn, vượt lên chính mình, vẫn dạy thật tốt, dù không có lương tháng 13. 


Sơn Quang Huyến

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire