Trao đổi với TS Lê Đăng Doanh
Nguyễn Đình Cống
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế. Ông khá nổi tiếng
vì có nhiều ý kiến chính xác và chân thực. Tuy vậy, trong “Vụ việc Trịnh Vĩnh
Bình” ông có một phát biểu mà tôi thấy cần bàn luận. Ngày 12/4/2019, trao đổi
với RFA, ông Doanh nói:
“Tôi thấy đấy là một sự việc rất đáng tiếc. Những người khi đó xử lý vụ việc
của ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp
luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài. Lúc
bấy giờ, người ta coi ông Trịnh Vĩnh Bình là người Việt Nam, một Việt Kiều quay
trở về nước đầu tư hơn là một nhà đầu tư nước ngoài. Chính sự nhầm lẫn đó dẫn
đến các quyết định không phù hợp dẫn đến các diễn biến và các hệ quả đáng tiếc.
Tôi nghĩ đây là bài học đau xót và Việt Nam phải rút kinh nghiệm. Mặc dù báo
chí trong nước có thể là không đăng nhưng tôi nghĩ các quan chức có liên quan
nhà đầu tư nước ngoài, liên quan Việt Kiều cần xem xét kỹ, rút kinh nghiệm một
cách nghiêm túc. Để tránh không lập lại các sai sót như đã diễn ra”.
Thực chất vụ việc Trịnh Vĩnh Bình là một tội ác mà chính quyền phối hợp với
tòa án cộng sản tạo ra, một vụ cướp đoạt, có âm mưu thâm hiểm, với thủ đoạn đê
hèn, gian xảo, để lại tai họa to lớn. Đó không phải chỉ là “Sự việc rất đáng
tiếc…, là bài học đau xót…” mà là việc rất đáng phẫn nộ, cần kết án nghiêm
khắc. Cũng không phải “ Chính sự nhầm lẫn đó dẫn đến quyết định không phù
hợp…”; khi mà đã có những nhân vật như Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch nước,
Phó Thủ tướng và vài cán bộ cao cấp khác đã cảnh báo sự vi phạm luật pháp.
Không phải nhầm lẫn mà cố tình cướp đoạt với sự ngu muội và kiêu ngạo cộng sản,
cho rằng không ai làm gì được khi có đảng lãnh đạo, khi chính quyền và tòa án
đã móc ngoặc với nhau. Ông Doanh nói đến “Sự không tôn trọng pháp luật...” một
cách nhẹ nhàng của những cán bộ cộng sản vẫn có thói trịch thượng, xem ý kiến
của một vài cá nhân cấp ủy đảng cao hơn mọi luật pháp.
Nhầm lẫn thế nào khi hai cấp tòa án xét xử, khi không chịu thi hành cam kết
trả lại tài sản được viết thành văn bản rõ ràng.
Ông Doanh cho rằng “ Đây là bài học đau xót và VN phải rút kinh nghiệm…”,
tôi nghĩ rằng không thể chỉ dừng lại ở chỗ rút kinh nghiệm mà phải “Truy cứu
trách nhiệm hình sự, điều tra, xét xử, kết tội “ những kẻ đã lợi dụng chức
quyền để cướp đoạt và chia nhau tài sản, đã không thực hiện cam kết việc đền
bù, đến nổi Chính phủ phải mất mặt vì hầu kiện, chịu nhục vì thua kiện, đến nổi
nhân dân phải è cổ đóng thuế để lấy tiền cho CP nộp phạt và theo đuổi vụ kiện,
tốn kém nhiều ngàn tỷ đồng…
Phải lôi ra ánh sáng để nhân dân thấy mặt và trừng trị thích đáng những kẻ
tham nhũng quyền lực trong vụ cướp đoạt có tổ chức, có tòa án và nhà tù này.
Nếu lãnh đạo cố tình giấu nhẹm chuyện thì chỉ thể hiện đồng lõa với bọn ăn cướp
có tổ chức, bọn phản dân hại nước.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire