30/05/2019

Thương chiến Mỹ - Trung: Việt Nam không phải điểm đến số 1 của DN Mỹ, Nhật


Trong tình hình thương chiến Mỹ - Trung, nhiều doanh nghiệp muốn rời Trung Quốc - Ảnh minh họa

Không phải Việt Nam mà chính Thái Lan, Malaysia, Indonesia... mới là điểm đến số 1 cho các doanh nghiệp Mỹ, Nhật do đã có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, lao động dồi dào, lợi thế tiếng Anh...


Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang theo dấu chân Mexico


Tại buổi công bố “Báo cáo kinh tế thường niên 2019”, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, trong hơn một thập kỷ qua, nhờ mô hình nhập khẩu để xuất khẩu phục vụ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng liên tục. Điều này giúp Việt Nam giải quyết việc làm, tăng dự trữ ngoại hối và cải thiện đời sống người dân.

Tuy nhiên, VEPR cho rằng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đang đi theo dấu chân của Mexico - trở thành trung tâm sản xuất của các công ty đa quốc gia nhưng thu nhập chính từ lương chứ không phát triển được năng lực công nghiệp nội địa.

“Mexico tới giờ vẫn không thành công: GDP tăng chậm dần, năng suất lao động không đổi, năng suất yếu tố tổng hợp âm. Ở Việt Nam, với mức sống tăng lên, lợi thế lao động giá rẻ trong tương lai sẽ không còn. Làn sóng công việc gia công lắp ráp sẽ chảy ra nước ngoài, để lại nguy cơ thất nghiệp lớn cho Việt Nam”, báo cáo nêu.

Cũng theo VEPR, những ngành của Việt Nam chủ yếu tham gia ở khâu trung nguồn của chuỗi giá trị, có đóng góp lớn vào tổng giá trị xuất khẩu nhưng gia tăng giá trị nội địa thấp.

Điều này được giải thích bởi 2 nguyên nhân: Việt Nam chuyên môn hóa ở khâu lắp ráp; các công ty nước ngoài đã thống trị kênh phân phối và marketing ở các ngành có liên kết cao.

Kịch bản tốt hơn cho Việt Nam, theo VEPR là chiến lược gia công lắp ráp cần gắn với phát triển năng lực nội địa và nền tảng công nghệ quốc gia. Điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cấp toàn diện chuỗi giá trị bao gồm: nâng cấp sản phẩm, nâng cấp quy trình, nâng cấp chức năng.

Cũng theo đánh giá của VEPR, với mô hình tăng trưởng hiện tại và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, rủi ro đối với nền kinh tế có thể diễn ra theo 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất là các công ty đa quốc gia có thể rời Việt Nam để tìm kiếm lực lượng lao động lành nghề, hoặc đặt các nhà máy sản xuất gần khách hàng.

Kịch bản thứ hai là các doanh nghiệp sẽ tự động hóa quá trình sản xuất, tạo ra lượng thất nghiệp đáng kể lao động có tay nghề thấp.

Rủi ro thứ nhất ít có khả năng xảy ra nhưng rủi ro thứ hai là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, việc ưu tiên tập trung vào phát triển kĩ năng của lượng lao động rất quan trọng đối với Việt Nam.


Việt Nam không phải điểm đến hàng đầu của doanh Mỹ, Nhật


Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là cơ hội lớn cho các nước.

“Sự thịnh vượng của Đông Nam Á trong thập niên 80-90 của thế kỷ trước chỉ đến sau xung đột thương mại Mỹ - Nhật. Cuộc xung đột thương mại đó khiến Nhật gần như lụn bại, đồng Yên tăng giá khiến doanh nghiệp sản xuất chạy sang vùng Đông Nam Á và tạo nên sự thịnh vượng của khu vực này. Tôi dự báo thương chiến Mỹ - Trung hiện nay cũng sẽ như vậy. Nhưng tôi e rằng Việt Nam sẽ không lạc quan lắm với làn sóng đầu tư”, ông Thành nói.

Vẫn theo ông Thành: “Tôi có nói chuyện với cựu đại sứ Nhật Bản và ông ấy cho biết 2 vạn doanh nghiệp Nhật Bản đang loay hoay tìm hướng đi do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Họ có vào Việt Nam không? Chúng ta cứ quan sát sẽ thấy”, đồng thời còn cho biết “làn sóng đầu tư của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời gian qua đến mức trở thành một hiện tượng gây chú ý lớn”.

Lý giải về tình trạng này, ông Thành cho rằng đây là hệ quả trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. “Việt Nam đang tiếp nhận vốn và ta nhìn thấy có sự phân luồng đầu tư”, ông Thành nói.

Cụ thể, các nước có trình độ phát triển cao như Nhật, Mỹ ưa thích đầu tư dài hạn, bởi vậy những nước này cân nhắc rất kĩ chuyện đổ vốn vào đâu.

“Đối với nhóm nước này, Việt Nam không phải là điểm đến số 1 mà là Thái Lan, Malaysia, Indonesia - nơi đã có cơ sở hạ tầng tương đối tốt trong quá khứ cũng như lao động dồi dào và có lợi thế tiếng Anh. Việt Nam chỉ là một ứng cử viên thôi”.


Vốn Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh


Trong khi đó, ông Thành cho hay, doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ vốn vào Việt Nam. Lý do là các doanh nghiệp Trung Quốc thấy Việt Nam gần gũi với họ hơn về văn hóa, địa chính trị và địa lý.

Theo chuyên gia này, Việt Nam không thể can thiệp được vào tính toán của giới đầu tư ngoại, nhưng Việt Nam có thể lựa chọn để chọn được nhà đầu tư chất lượng cao, có cam kết lâu dài như Nhật, Mỹ, Hàn, chọn được các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

“Nếu ta dễ dãi trong điều kiện về môi trường, về kinh doanh, về người lao động thì ta chỉ đón được người phù hợp với sự dễ dãi đó. Câu chuyện này nằm ở chính ta”, ông Thành nói thêm.

Theo ông Thành, tác động của thương chiến Mỹ - Trung sẽ khiến thương mại của Việt Nam khó dự báo về hiệu quả. Dưới tác động của thương chiến, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhanh, vì hàng hóa Trung Quốc bị chặn vào Mỹ. Hàng Việt Nam có lợi thế hơn, người Mỹ cũng sẽ chuyển sang lựa chọn hàng Việt Nam nhiều hơn vì lợi thế giá.

Nhưng ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ giảm, vì chính quyền Trung Quốc sẽ thực thi biện pháp bảo vệ thị trường nội địa của họ.

“Trung Quốc có thể ngăn chặn hàng nhập vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi thấy số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc bị giảm mạnh, bắt đầu tư quý 4/2018 đến nay. Sự suy giảm này còn lớn hơn về quy mô so với lượng ta tăng lên ở Mỹ. Cho nên có lúc ta thấy xuất khẩu của Việt Nam giảm tuyệt đối mặc dù xuất khẩu sang Mỹ của ta tăng.

“Trong tương lai, xuất khẩu sang Mỹ mà vượt phần nhập khẩu Trung Quốc thì ta lại có lợi thế”, ông Thành nhìn nhận.


Lam Thanh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire