23/06/2019

LƯƠNG TRI TRÍ THỨC (phần4)

Thư trả lời người bạn đồng nghiệp «trách móc» dân oan



Lê Hữu Khóa



(Tác giả là giáo sư, tiến sĩ nhân loại học, xã hội học ở Pháp; Giám đốc Chương trình đào tạo Master châu Á, phụ trách chương trình hợp tác với Việt Nam; chuyên gia tại UNESCO… )



Dân oan Dương Nội: đòi đất, đòi nhà, đòi người.

Lương tri trí thức bắt đầu bằng hành tác: tự nghĩ về mình!


Họ nghe Quốc hội họp mà không hiểu QH họp về cái gì, lại muốn QH bàn về chuyện của họ... Vậy thì làm sao mà đấu tranh được?


Thư bạn gởi tôi thật ngắn, nhưng đọc câu nào tôi bị “loạn hồn” tới đó, mà tôi càng đọc đi đọc lại thì tôi lại càng thấy:“điếng hồn” (đây là lý do tại sao tôi dùng các cụm từ: “hết hồn”, “hoảng hồn”, “mất hồn“…). Thưa bạn, trong vidéo mà tôi gởi tới bạn, thì đó là tuần lễ mà Quốc hội phải họp để bỏ phiếu về việc ngăn cấm rượu khi lái xe đã gây ra bao thảm kịch thương vong trong lưu thông, làm tử vong hơn chục ngàn người, như một quốc gia đang bị bạo chiến. Vậy mà, Quốc hội lại bỏ phiếu (theo đa số) là chống lại chuyện soạn ra luật nghiêm túc có liêm sỉ để chặn chuyện nghiện ngập rượu bia, ma túy đang là một ung thư vĩ mô trong đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội; một loại ung thư của “thói hư tật xấu”. Chống lại chuyện soạn ra luật là có  tội với dân tộc. Chúng ta đã bàn về chuyện này mỗi lần được nói chuyện với nhau. Tại sao là tội? Đó chính là tội đầu độc cả một dân tộc vào chuyện nghiện ngập, để truy diệt sinh khí của đồng bào, để vùi dập sinh lực của bao thế hệ thanh niên, lẽ ra phải là nguyên khí của quốc gia, đây không phải là tội thì là gì thưa bạn?

Câu này của bạn, rõ là “kinh hồn”: "Họ nghe Quốc hội họp mà không hiểu QH họp về cái gì, lại muốn QH bàn về chuyện của họ... Vậy thì làm sao mà đấu tranh được?" Bạn ơi, họ hiểu loại Quốc hội, họ hiểu luôn kiểu Quốc hội họp về cái gì, mà họ còn hiểu thấu là Quốc hội bàn về chuyện của họ, vì đây chính là vai trò và chức năng của mỗi đại biểu Quốc hội; vì là chuyện sống còn của dân oan, vì là chuyện thuộc về nhân phẩm của Việt tộc

Céline, một văn sĩ luôn có được sự hâm mộ của độc giả về văn phong, lại luôn tạo  ra sự tranh cãi thường xuyên về lương tri của ông luôn nhìn cuộc sống thật quá đỗi bi quan, nhưng ông để lại một bài học vượt lên sự bi quan hay lạc quan trong mỗi chúng ta, để giúp chúng ta gầy dựng lương tri cho chính mình, mà khởi điểm là sự quay về với chính mình, ông viết: ”Người ta không bao giờ đủ thời gian để sống, vì người ta không đủ thì giờ để nghĩ về chính mình”. Cùng thời với Céline, có Camus mà bản lĩnh văn chương đã đưa văn học sánh vai cùng triết học để trả lời các câu hỏi lớn của nhân sinh bằng nhân tính, các câu hỏi lớn của nhân thế bằng nhân tri, các câu hỏi lớn của nhân loại bằng nhân phẩm, qua ba luận điểm:


     Lòng rông lượng chân thành nhất của chúng ta đối với tương lai là dâng hiến tất cả ngay bây giờ cho hiện tại.


     Nếu kẻ chủ không sống được nếu không có kẻ hầu, thì một trong hai kẻ này ai là người thực sự có tự do?

     Ở giữa mùa đông, tôi tìm ra trong tôi mùa hạ không bao giờ biết bại!

Luận điểm thứ nhất trong tình hình của Việt tộc hiện nay là chúng ta phải đấu tranh cho công bằng, tự do, bác ái qua đường đi nẻo về của nhân quyền, dân chủ  và đa nguyên.

 Luận điểm thứ nhì trong hiện trạng của xã hội Việt là kẻ chủ (ĐCSVN lảnh đạo bằng bạo quyền nhưng “hèn với giặc, ác với dân”) và người tớ (dân đen bị áp chế, dân oan bị áp bức) cả hai đều không có tự do, đây là bi kịch làm nên thảm kịch của đất nước hiện nay.

 Luận điểm thứ ba trong thực trạng của bi nạn bộ ba (nội xâm tiếp tay cho ngoại xâm):

     ĐCSVN lấy độc đảng để độc quyền, độc tài, độc tôn, độc trị trong bất tài và bất trị.

     Tham quan của ĐCSVN lấy tham quyền để tham ô, tham nhũng, đang làm suy kiệt tới dân tộc, môi trường, đạo lý… tới cùng cực.

     Tàu tặc cướp đất, biển, đảo song hành cùng Tàu họa gây ô nhim môi trường để diệt môi sinh, song đôi với Tàu hoạn qua thực phẩm bẩn đi cùng với hóa chất độc tạo nguồn cho ung thư vĩ mô trên số phận của Việt tộc, làm nên Tàu nạn với bao công trình có quy mô từ cấp quốc gia tới cấp địa phương rơi vào tay Tàu tà.

Trước thảm kịch này của đất nước, chúng ta hãy tìm lại các nẻo đường của lương tri qua các trí thức của các nước được xem là có văn hóa cao, có văn minh rộng, có văn hiến đẹp, chỉ để nhìn lại cho rõ lương tri của mỗi chúng ta. Những tư tưởng gia như St Augustin, Plotin, Montaigne… hay các triết gia Kant, Pascal, Ricoeur… khi họ từ đi tìm con đường của lương tri thì họ có sẵn hai nhân lộ. Con đường thứ nhất bằng định hướng thần học, chóng chầy họ sẽ tìm tới thượng đế, đấng sinh thành của muôn loài và vạn vật; con đường thứ hai bằng định hướng của luân lý, đi tìm nhân tính bằng nhân phẩm. Nhưng dù đi trên hai đường khác nhau, nhưng họ thường tâm sự là họ đã gặp nhau trên: cái tôi tỉnh thức để tin yêu. Chính cái tôi tỉnh thức để tin yêu này là một định luận có nhiều định đề khác nhau, và khi được hội tụ lại thì các giá trị của lương tri hiện rõ trong cấu trúc của định luận này. Cái tôi tỉnh thức có hành trình của tỉnh táo để sáng suốt của thức, lấy kiến thức để lập tri thức, có ý thức để tạo nhận thức. Đây là định nghĩa thông minh về chữ hiền, làm nên hiền triết, dựng lên minh triết lấy hiền mà xoa diệu mọi điều hung, bạo, ác, dữ đang phùng mang trợn mắt giữa nhân thế. Từ đây, cái tôi của chủ nghĩa trung tâm được nuôi nấng bởi cái ích kỷ đã được trút rũ khỏi não trạng, để trưởng thành mà nhận ra cái tôi tỉnh thức, đã tỉnh thức trước thân phận con người, trong đó cái tôi vị kỷ thuở nào có số phận thật nhỏ bé của cát bụi (theo ca từ của Trịnh Công Sơn), cát bụi những biết thức để : « Tôi là ai mà yêu quá đời này? »

Montaigne, tư tưởng gia thế kỷ thứ XVI, đứa con tin yêu của thể loại tùy bút khuyên chúng ta nếu muốn đi tìm lương tri, hãy ghé qua: chủ thể trong tự do, tại đây, bạn cứ đào thật sâu tâm hồn của mình để nhận ra các giá trị của lương tri, vì con đường tự do đang sâu lắng, đang hiện diện trong mỗi chúng ta. Như vậy, muốn đi tìm lương tri thì hãy tìm ra con đường đi tới cõi đó; muốn nhận ra các giá trị của lương tri thì phải để đầy đủ thời gian để đi tìm ra các giá trị ấy. Và, trên các nẻo đường này, ta đã có niềm tin vui sống để nuôi hy vọng sống vui, với tâm hồn rộng mở, chỉ cần thêm sự nhạy cảm với nỗi khổ niềm đau của nhân thế, với nỗi vui mang điềm phúc của nhân sinh, lấy sự cảm thông để cõng, bồng, bế, nâng cái nhạy cảm này. Con đường đi tìm cõi lương tri có kho tàng là các giá trị của lương tâm, bạn hãy giữ trọn công thức: Hãy làm hơn cái tôi đã có bằng cách vượt cái tôi đang có! Để tìm bạn, tìm thầy, như tìm các lương tri mới, mà cũng chính là sự thông minh mới; một cái tôi mới để biến cái tôi nhỏ bé trở thành cái tôi mênh mang. Plotin đặt tên cho nó là: một tâm hồn trọn vẹn biết ở trên cao! Nhưng không phải ở luôn trên cao, vì là tâm hồn rộng mở nên tâm hồn này lên xuống qua lại, để tiếp người, để nhận đời, để yêu cuộc sống hơn. Bác Hoàng Cầm, đã chỉ cho ta con đường đó:

“Bỏ lại sau lưng hoàng hôn ráng đỏ.

Gậy nghiêng mình chào những sớm mai xanh”.

Trong Việt sử, chúng ta có đầy đủ các chuyện của các tư tưởng gia, triết gia phương tây về lương tri, bằng chính tri thức Việt của lương tâm Việt, bằng những kinh nghiệm rất Việt:

     Tuệ Trung thượng sĩ, được vua Trần Thái Tông phong tước Hưng Ninh vương, tên thật là Trần Quốc Tuân, chính là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Tuệ Trung cũng là người dạy dỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông, vì là bạn thâm giao với vua cha là Trần Thánh Tông. Khi hoàng hậu Thiên Cảm qua đời, vua Trần Thánh Tông quyết định cúng chay ngay cung, vua mời Tuệ Trung thượng sĩ, rồi vua mời Tuệ Trung viết một bài kệ, đây là bài kệ:

Viết kề trình kiến giải

Như dụi mặt thấy quái

dụi mặt thấy quái xong

Lại rỡ ràng tự tại.

Hôn mê giữa cuộc đời, chớp mắt khoảng khắc là thấy quái, thấy ma, nhưng biết dụi mắt là để sáng mắt, vì sáng mắt nhờ các sức mạnh của lương tri qua tu tập, qua rèn luyện để sống giữa đời, mà nhận ra chiều sâu của tâm, để chủ động với cảnh.

     Trần Nhân Tông lấy nhân từ là rễ của nhân đạo, gốc của nhân nghĩa, cội của nhân bản, nguồn của nhân văn. Câu chuyện nhân từ trong cuộc đời minh quân của ngài không phải là câu chuyện lòng trắc ẩn của Mạnh Tử, cũng không phải là lòng thương hại trong các đạo giáo; mà nó là câu chuyện lấy nhân cứu nhân. Đây là sự thông minh ở trên cao, trùm phủ xuống mọi định nghĩa về sự thông minh, đây là trí khôn của nhân lý, làm lý trí cho nhân tri, biết tìm về nhân tâm mỗi lần nhân thế xa rời nhân đạo. Đây chính thị là lương tri làm nên tầm vóc phái Trúc Lâm Yên Tử có: Phật tại tâm để giữ tâm tại thế! Lương tri của Phật hoàng Trân Nhân Tông là cõi của bản lĩnh tâm sự tự tâm! Chuyện lương tri, không hề lý thuyết, muốn có chiều sâu của lương tri, thì phải theo đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, thì hãy hình dung ra hình tượng một nhân dạng: đứng lên, thẳng lưng, ngẩng đầu và nhìn cao lên trời. Tìm chiều cao để nhìn lên, không chỉ để tìm tự do cho tầm nhìn, vì không muốn bị tù đày trong những toan tính thấp kém dưới nhân thế, mà nhìn lên cao để hướng thiện: tìm cái thiện theo chiều cao để có cách đối nhân xử thế theo chiều rộng, đây là bản lĩnh làm nên thiện dạng, được dựng lên từ lương tri, với ý lực hướng thiện.



     Nguyễn Du, thi sĩ của tâm cảm Việt, người thầy tin yêu của thi ca Việt, đưa chân dung Kiều rất rõ qua hình tượng dư nước mắt:“Khéo dư nước mắt khóc người thời xưa”, khi giữa tiết Thanh Minh, đi tảo mộ, lại gặp ngôi mộ hoang bên đường, không ai chăm sóc, ngôi mộ đó chính là của Đạm Tiên, một nạn kiếp (sống làm vợ khắp người ta, tới khi chết sớm làm ma không chồng). Sự thương cảm số phận của một người quá cố, trước ngôi mộ này Thúy Kiều đã khóc, tức là đã sống trọn vẹn các giá trị nhân cảm của cõi lương tri. Và số kiếp Đạm Tiên có thể là số kiếp của tất cả người đang sống trên cõi đời này, chỉ cần một cơn bão táp của hoạn nạn (như họa nạn của dân oan) là cuộc đời sẽ rơi vào bi kịch của Đạm Tiên (nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương). Hôm đó, những người có mặt cùng Thúy Kiều trước ngôi mộ không tên, đó là hai đứa em, Thúy Vân và Vương Quan, chúng cứ trách chị mình: khéo dư nước mắt khóc người thời xưa! Đây là ranh giới giữa hai kiếp làm người, một bên là loại người không hay chưa biết các giá trị của lương tri (Thúy Vân, Vương Quan); còn bên kia nhân tính với đầy đủ các giá trị của lương tri (Thúy Kiều) nên luôn có dư nước mắt.

Một công hai việc, nhân tiện đây tôi tâm sự luôn với bạn là mỗi lần tôi thấy hình ảnh dân oan qua phóng sự, mỗi lần tôi thấy hoạn cảnh trong bi nạn của dân oan trên các nẻo đường khảo sát, điều tra, điển dã của tôi về dân oan, là tôi khóc! Có khi khóc thầm trên đường phố, có khi khóc òa trong phòng riêng của mình, có khi khóc tức tưởi, có khi khóc thút thít. Vài người thân chê trách tôi: “Đàn ông sao mà mít ướt quá!”. Họ không thấy tôi buồn, mà ngược lại họ còn thấy tôi vui nữa, Họ thấy lạ lắm! Họ đâu biết là tôi: “khoái trá” vô cùng với biệt danh: ”mít ướt” này!

***

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire