20/07/2019

Các nhà hoạt động bị hành hung tại Trại 6, Nghệ An


Nhóm các nhà hoạt động xã hội đến Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An bị hành hung.

RFA Edited
Ông Huỳnh Ngọc Chênh và bà Nguyễn Thúy Hạnh (hai ảnh nhỏ)
Một nhóm hơn 20 nhà hoạt động xã hội đồng hành cùng thân nhân tù chính trị đến Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An bị hành hung nặng nề vào ngày 12 tháng 7 bởi những thành phần lạ mặt trước sự chứng kiến của công an.

Cụ thể vụ tấn công hành hung xả ra  vào lúc hơn 2 giờ chiều 12/7/2019, khi 50 người mặc thường phục dùng gậy và mũ bảo hiểm tấn công nhóm các nhà hoạt động và thân nhân tù chính trị ở khu vực cách cổng Trại giam số 6 - Thanh Chương, Nghệ An khoảng vài trăm mét.

Ông Trịnh Bá Khiêm, một cựu tù nhân lương tâm từng ở Trại 6, người cũng bị đánh trong vụ việc cho biết, ông nhận ra một công an quản giáo và một người tù án ma túy nằm trong số những người lạ mặt đánh các nhà hoạt động. Ông nói qua điện thoại như sau:
Tôi đã nhận ra tên cán bộ Du, là tên cán bộ quản giáo ở khu chính trị ra chỉ đạo công an thường phục và côn đồ ra đánh đoàn chúng tôi.

Tên thứ hai là tên Phương, án ma túy 20 năm tù, tên này thuộc dạng vẫn ở trong trại giam mà chúng nó đưa ra khỏi trại giam để chỉ đạo cho côn đồ đánh đoàn chúng tôi.

Đúng đấy, tôi nhìn thấy đấy, trước đây tôi cũng bị giam trong trại 6 nên nhận ra được mặt chúng,” ông Trịnh Bá Khiêm từng bị xử 18 tháng tù giam vì đứng lên chống lại cưỡng chế đất đai ở xã Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội khẳng định.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện cho Trại giam số 6 nhưng không liên lạc được, chúng tôi cũng gọi cho công an huyện Thanh Chương thì viên trực ban cho hay, không biết gì về vụ việc.

Trại giam số 6 là nơi có ít nhất 4 Tù nhân lương tâm gồm Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Túc, Trần Phi Dũng tuyệt thực từ ngày 10/6/2019 để phản đối cán bộ trại giam tháo các quạt điện trong thời tiết nắng nóng hơn 40 độ C.

Những người bị đánh chiều 12/7 là những nhà hoạt động đi cùng với người thân của TNLT Trương Minh Đức để đến thăm hỏi tình trạng sức khỏe của ông.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập quỹ 50K trợ giúp cho gia đình các TNLT kể lại: “Khi mà chúng tôi đến nơi bọn chúng đã chặn trước một xe tải to để xe chúng tôi không đi qua được, chúng tôi đành phải xuống đi bộ thì chúng nó xông ra khoảng 50 tên.

Sau đấy thì anh Trịnh Bá Khiêm nhận ra chúng là quản giáo và những tên tù được tự do thế nào đấy. Chúng xông vào đánh anh Chênh đầu tiên, vì anh là người đi đầu và đôi co với chúng. Khi mà chúng chặn đường chúng tôi thì anh Chênh là người đôi co với chúng nó để chúng tôi được đi tiếp, nên chúng nó thù anh và đánh anh một cách dã man.

Tất cả chúng nó, 4-5 thằng xông vào đánh hội đồng anh Chênh, tôi ở ngoài kêu lên và xông vào can thì sau nó đó đánh và đấm vào mặt mũi tôi. Dẫm đạp tôi xuống dưới mương và đánh tất cả những người còn lại.


Cũng theo bà Hạnh, vợ của ký giả Trương Minh Đức là bà Nguyễn Thị Kim Thanh không được gặp mặt chồng hôm nay, ngoài ra bà còn bị đập điện thoại và bị bắt đi bộ từ trong trại đi một quãng xa ra bên ngoài trong tình trạng vừa mới trải qua một ca mổ bụng.
Đây không phải lần đầu tiên những nhà hoạt động trong nước bị các  thành phần mặc đồ dân sự tấn công, hành hung, lăng mạ. Hồi năm 2014, bên ngoài Trại giam số 6, Thanh Chương - Nghệ An cũng xảy ra vụ việc các nhà hoạt động bị đánh đổ máu khi đi đón ông Trịnh Bá Khiêm mãn hạn tù trở về. Con trai ông này là anh Trịnh Bá Tư bị đánh chấn thương mắt.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activists-severely-beaten-at-prison-6-nghe-an-07122019075458.html?fbclid=IwAR2XwfHW7inX2XKI35e3r4UEHWVcJ7ESWWI2NpVUqES8BWayEi5t26roBNg#.XSj3fmlDib0.facebook
  Việt Nam chính thức phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế

RFA 7-19-2019

Ảnh minh họa: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng

AFP

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 19 tháng 7 lên tiếng về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17 tháng 7 về diễn biến ở khu vực Biển Đông.
Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 19 tháng 7, bà Lê Thị Thu Hằng nói rõ trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.

Bà Lê thị Thu Hằng tuyên bố đó là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các qui định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Vệt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì phía Hà Nội đã tiếp xúc nhiều lần với phía Bắc Kinh ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trong quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và vì ổn định, hòa bình ở khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển của Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm là Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực góp phần nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung.
Vào chiều ngày 12 tháng 7 South China Morning Post – SCMP loan tin có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính trong khoảng một tuần rồi, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Mạng báo tiếng Anh có trụ sở ở Hồng Kông trích dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, hôm 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.
Trong khi đó, sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nói chuyện qua điện thoại vệ tinh với các chiến sĩ làm việc trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039.
Theo SCMP, cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.
Theo Wikipedia, Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông mà Việt Nam cho lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa.
Đài Loan và Trung Quốc quan niệm bãi này thuộc quần đảo Nam Sa. Khu vực bãi Tư Chính đã nhiều lần là đối tượng tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 1994, tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu thăm dò Shiyan 2 rời đi sau 3 ngày đối đầu.
Hiện phía Việt Nam cũng như Trung Quốc chưa có bình luận gì về vụ việc này.
Vào ngày 11 tháng 7, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam và lên tiếng cho rằng cơ quan này không được để bị động, bất ngờ trước các tình huống xảy ra trên biển.
Cũng vào chiều ngày 11 tháng 7, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa bà chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân với ông chủ tịch Nhân Đại Trung Quốc Lật Chiến Thư hai phía lặp lại cám kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của hai lãnh đạo cao cấp hai đảng, hai nước ‘thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc’.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire