31/10/2019

TÌNH NGƯỜI, TÌNH ĐỒNG LOẠI CỦA NGƯỜI VIỆT?


JB Nguyễn Hữu Vinh
 

Đoàn kết và chia rẽ

Rất nhiều những ý kiến từ trong ra ngoài nước, khi thấy chế độ cộng sản ngày càng tác oai tác quái trên đầu trên cổ người dân, đưa cơ đồ đất nước đến chỗ tan nát, suy đồi trong sự uất ức của người dân, hầu hết đều đặt câu hỏi: Tại sao người dân không biết đoàn kết lại để đấu tranh? Tại sao không cùng biết đồng tâm, hợp lực để cùng chiến đấu lại chế độ cộng sản?
Và câu trả lời: Thiếu sự đoàn kết, chia rẽ lẫn nhau làm mất sức mạnh.

Ai cũng hiểu rằng để có sức mạnh, cần một sự đoàn kết chặt chẽ mới tạo nên được sức mạnh để làm một công việc khó khăn nào đó, nhất là một cuộc đấu tranh thay đổi chế độ mà khi chế độ đó cậy vào súng, nhà tù và không ngại sự tàn bạo, bạo lực.
Thế nhưng, đoàn kết không có nghĩa là mọi người đều giống nhau, đều thân ái với nhau và đồng thuận mọi vấn đề. Đoàn kết chỉ có thể có khi tất cả cùng hướng tới một mục đích chung, cùng hành động vì mục đích đó, khi đó sẽ có sự đoàn kết.
Vì vậy, việc đặt ra vấn đề đoàn kết, nên đặt trong một trường hợp hành động, phong trào cụ thể khi mà những mục đích đặt ra là thiết thực cho tất cả mọi người.
Tình người, tình đồng bào
Có điều, với người Việt, có lẽ điều thiếu nhiều nhất và ngày càng thiếu, đó là tình người và tình đồng bào với nhau.
Chỉ riêng việc 39 người dân chết trong container tại Anh, một sự kiện làm chấn động cả thế giới, khắp năm châu đều xúc động và thương cảm.
Những người trên đất nước Anh, họ chính là nạn nhân của việc di cư nhập lậu, khi bỗng nhiên những người từ đâu đâu, chui nhủi bằng đường đi lậu đến đất nước họ gây ra những phiền toái về tiền bạc, về con người, về an ninh xã hội… và kể cả khi chết gây cho đất nước họ những sự phức tạp khó khăn.
Thế nhưng, trước những cái chết oan nghiệt này, khi mà hàng chục con người quẫy đạp nhau, chết ngạt trong chiếc thùng sắt bịt kín, cào cấu để mong tìm một chút hơi thở của sự sống mà không thể, để rồi từ giã cõi đời trong đau đớn, giá lạnh đã làm lay động tâm hồn họ, tình người với con người.
Từ Thủ tướng Anh đến các nhà lãnh đạo những đất nước mà chính họ là nạn nhân trong vụ chết người này, đều bày tỏ một thái độ hết sức thương tiếc, đúng mực với những người đã chết.
Nhìn những cảnh sát Anh cúi đầu khi chiếc xe chở những người xấu số kia đi qua, chúng ta thấy được thái độ tôn trọng của họ. Những ngọn nến thắp lên trên nhiều nơi trên thế giới, bởi những người hoàn toàn không cùng dòng máu, không cùng màu da, không cùng dân tộc với những nạn nhân này, đã nói lên một điều rất lớn lao trong họ: Tình người.
Những linh hồn xấu số kia, khi bỏ xác một nơi xa xôi lạnh lẽo, cũng chút nào được sưởi ấm, an ủi đôi chút với tình người từ một đất nước xa xôi mà lẽ ra phải coi họ là thù địch.
Thế nhưng, tại Việt Nam, không cần nói nhiều đến nhà cầm quyền độc tài cộng sản họ đã tỏ thái độ như thế nào. Hầu như, những hành động và lời nói, thái độ của họ bày tỏ sự dửng dưng trước số phận con dân mình.
Quốc hội vẫn họp, quan chức vẫn chia chác, vẫn dạy đạo đức cách mạng… đủ cả. Trừ sự hợp tác tích cực với những nạn nhân và những đất nước liên quan để giúp đỡ các nạn nhân. Thậm chí, khi những nhà báo, những người tận nước Anh xa xôi đến đây tìm hiểu, nhà cầm quyền CSVN còn đuổi họ đi một cách tàn bạo.
Không chỉ nhà cầm quyền, mà sau khi những cái chết được thông tin rộng rãi, xác định là người Việt Nam, thì nhân thân các nạn nhân được “cư dân mạng” đào bới và bắt đầu một cuộc cãi vã vô tiền khoáng hậu.
Bên cạnh nhiều những lời đau thương, nhiều chỉ trích, nhiều bài viết tìm nguyên nhân chính cho những thảm họa, những bất hạnh này có cội nguồn từ chế độ độc tài mà sinh ra.
Chế độ độc tài cộng sản đã “lãnh đạo đất nước tài tình” đến mức một đất nước “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, nhân dân dũng cảm và cần kiệm” đã trở thành một nơi mà người dân phải sợ hãi, tránh xa môi trường đó bằng mọi con đường chạy ra nước ngoài.
Từ khi có chế độ cộng sản du nhập vào đất nước này, những làn sóng người dân Việt tiếp tục ra đi và hết đợt này đến đợt khác không dứt.
Có thể có những người phải ra đi vì một chế độ chính trị hà khắc, cũng có thể có những người chạy đi vì một đời sống nghèo khổ quá sức chịu đựng, thậm chí cũng có thể có những người ra đi vì họ không thể thích ứng với môi trường hiện nay.
Đủ cả mọi lý do để con người ra đi. Nhưng, tất cả, họ đều là nạn nhân của một chế độ độc tài tàn bạo, một chế độ bán nước, hại dân.
Bởi không có một ai muốn từ bỏ đất nước, quê hương mình mà ra đi đến những nơi xa lạ không định trước tương lai mình ra sao, chẳng có gì đảm bảo cho cuộc sống của mình sắp tới. Người ta chỉ bỏ ra đi khi chẳng đặng đừng.
Và hàng loạt nhà thờ đã thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số, cầu nguyện không chỉ cho họ, mà cho cả đất nước Việt Nam đã bị đẩy đến đường cùng.
Thế nhưng, thật đáng tiếc, bên cạnh sự cảm thương, sự chia sẻ với những người xấu số mà cha ông nói rằng “Nghĩa tử là nghĩa tận” nhất là với nhưng mái đầu xanh, tuổi trẻ đã chết một cách đau đớn và oan ức, thì vẫn không thiếu những lời lẽ hằn học soi mói và truyền bá một thái độ dửng dưng, thậm chí là phản lại sự thương cảm. Họ coi cái chết đó như một sự hả hê cho mình.
Đơn giản, chỉ vì sau khi soi mói thân nhân của người chết, thì cái kết luận hết sức suy diễn rằng: Đó là bò đỏ, là Dư luận viên.
Và chỉ cần có vậy, thì cái chết dù đau thương, dù nhục nhã đau đớn, dù số phận hẩm hiu đến đâu cũng là “Xứng đáng” là “chẳng đáng thương”.
“Bò đỏ và cuộc đấu tranh giai cấp”?
Có lẽ, trong trường hợp này, nhiều người quyết tâm tỏ rõ sự cứng rắn và kiên quyết hơn cả cộng sản quyết liệt phân chia địch thù, đấu tranh giai cấp.
Sở dĩ người ta cho rằng cô bé Trà My là bò đỏ, chỉ đơn giản vì trên trang facebook của cô có hình ảnh cờ đỏ, sao vàng trong những ngày Việt Nam cổ võ cho bóng đá. Ngoài ra, cô ta còn chia sẻ một bài thơ của cảnh sát cơ động nói về nghề nghiệp của chúng trong dịp trấn áp những cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 chống luật Đặc khu. Rồi người được coi là em trai của cô ta đã kêu gọi sự giúp đỡ trên mạng để đưa chị về, để giúp đỡ gia đình trong sự tang thương.
Với chừng đó lý do, thì nhiều trận ném đá trên mạng tơi bời được tổ chức.
Cần phải nói rõ hơn về điều này. Tại Việt Nam, khi môi trường ngộ độc thông tin hết sức nặng nề đến mức đám dân chúng sẵn sàng tin những gì đảng nói, làm những gì đảng thích, ghét những điều đảng ghét là điều không lạ. Cũng tại Việt Nam, với thế hệ trẻ được giáo dục mấy chục năm nay, khi đất nước bị xâm lăng thì thờ ơ, nhưng thắng một quả bóng trong vũng lầy Đông Nam Á thì cả đất nước như vỡ chợ là điều hết sức bình thường.
Người dân như một con bệnh nhiễm nặng những điều mê muội từ chiếc loa nhà nước.
Việt người dân không hiểu, người dân không biết, trong đó ngoài hậu quả của những kẻ cầm quyền đầu độc người dân ngày đêm, thì có trách nhiệm của những người đấu tranh cho dân chủ cho đất nước và cả trách nhiệm của chúng ta đã chưa làm đủ để cho người dân hiểu đủ những điều cần thiết.
Không chỉ những người dân đến nay không quan tâm đến tình hình xã hội không hiểu mà bị ngộ độc thông tin mà có những hành động như đưa cờ đỏ sao vàng lên mạng.
Chỉ mấy năm trước đây thôi, chính những người biểu tình yêu nước và sau này là những người đấu tranh kiên cường nhất chống lại chế độ độc tài, cũng là những người đã từng không chỉ đưa cờ đỏ sao vàng lên mạng, mà còn đưa cả xuống đường như một niềm tự hào, như một lá bùa hộ mạng khi đối diện với cộng sản.
Khi đó, những kẻ đáng sợ và mất dạy nhất ở trên đường phố lại là đám “bò xanh” chứ không hẳn là đám “bò đỏ” như sự quy kết hiện tại.
Và cũng có thể khẳng định luôn điều này: Những nhà đấu tranh với bàn phím từ trong nước đến nước ngoài, chưa hẳn đã có một tinh thần quyết liệt và những hành động cũng như những thành công, sự chịu đựng bằng chính những người đã cầm cờ đỏ kia.
Vậy nếu lục lại trong quá khứ, từ khi nhận thức của con người chưa đầy đủ để “quyết liệt đấu tranh giai cấp” phân loại bò đỏ bò xanh, thì thử hỏi đất nước này còn lại được mấy người không là “bò đỏ”? Bởi ai chẳng đã từng có những liên hệ với lá cờ đó trong cuộc đời khi sống dưới chế độ cộng sản? Có thể cô bé Trà My đó, những ngày sống ở Nhật Bản khi nhìn về quê hương đất nước, cũng tự hào, cũng yêu nước theo cách nghĩ của cô ta là dương lá cờ mà cô ta coi là biểu tượng của đất nước khi thắng một trận cầu.
Việc em trai của cô bé, nếu đúng là đã kêu gọi quyên góp cầu xin sự giúp đỡ, đó là một việc hơi nhanh nhẩu và nhạy cảm. Tuy nhiên, khi người ta thật sự khó khăn, thì việc cầu xin sự giúp đỡ chẳng có gì là xấu. Trên mạng đã chẳng đầy rẫy những lời kêu gọi cầu xin sự giúp đỡ của cộng đồng đấy thôi. Chắc chắn hành động đó không xấu bằng những tên tham nhũng, cướp bóc và cả những kẻ ăn chặn những đồng tiền cứu trợ của người nghèo. Cũng như người ăn xin bên đường, mình không có để cho họ, thì đâu cứ nhất thiết phải vạch ra họ xin tiền để làm gì.
Từ chuyên quy nạp cô bé vào diện “bò đỏ” rồi những thông tin đó lan rộng ra khắp mạng xã hội rằng: Rất nhiều tên “bò đỏ” trong đám người chết ở bên Anh kia. Và rất nhiều tiếng vỗ tay: “Đáng kiếp” và thậm chí “Rút lại lời chia buồn, thương cảm”…
Thật ra mà nói, thì những linh hồn người đã chết kia, cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy, dù có thêm một lời thương cảm, chia sẻ hay thêm những lời chửi rủa thì họ vẫn đã yên phận sau cái chết đau đớn kia. Chỉ có điều, những lời nói đó, làm đau hơn cho người sống và càng làm cho những người khác thấu hiểu những suy nghĩ hẹp hòi của mình mà thôi.
Xin thưa rằng, hàng chục thanh niên đã chết kia, đa số là những giáo dân ở vùng Yên Thành, Hà Tĩnh… là những nơi mà ít khi đám “bò đỏ” có cơ hội xuất hiện.
Cũng từ chuyện quy nạp thành “bò đỏ”, nhiều người đã phụ họa với chính quyền cộng sản rằng: Đi như vậy là đi lậu, là nhập cư lậu và không ai có thể chấp nhận được, kiên quyết phản đối… cứ như chỉ mình mới là người tuân hành luật pháp nghiêm nhất quả đất. Và việc nhà cầm quyền không quan tâm là xứng đáng, là “đáng đời”…
Xin thưa rằng, đã gọi là vượt biên, đi lậu thì hẳn nhiên là không tốt, không đáng khuyến khích, nguy hiểm và cần dẹp bỏ. Tuy nhiên cái cần dẹp bỏ là nguyên nhân của việc người dân phải bỏ nước ra đi. Điều này, các “nhà đấu tranh” đã quên mất khi tập trung đấu tranh với “bò đỏ”.
Còn người dân, ai cũng có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Họ di chuyển đến một đất nước mà ở đó có điều kiện sống tốt hơn cho họ, điều đó không có gì đáng trách.
Việc họ xâm nhập lâu vào nước Anh hoặc nước Mỹ, nước Pháp… đó là trách nhiệm của nhà cầm quyền nước sở tại. Chẳng ai đến đó để ngồi tù, nếu luật pháp của họ không có kẽ hở.
Đất nước ta đã chẳng có những cuộc di cư, vượt biên lậu kéo dài bao thời gian đó thôi. Có lẽ, chưa có mấy đất nước nào tự nguyện đứng ra đưa hàng triệu người Việt Nam di cư đi từ ngôi nhà của mình. Đa số họ vượt biển, vượt biên và bằng nhiều hình thức khác để thay đổi cuộc sống, nơi cư trú của mình. Và đất nước họ đến chấp nhận họ bằng cách nào đó.
Cũng nhiều người cho rằng, những người này đến nước Anh, để chỉ trồng cần sa, ma túy, buôn lậu hoặc làm những nghề bất chính? Tôi đồ rằng đó là những tin đồn và là những tin đồn ác ý là chính. Bởi rất rõ ràng rằng chẳng mấy ai đã biết cuộc sống của họ đã như thế nào. Bao nhiêu người trong số hàng trăm, hàng ngàn người Việt Nam đã đi lậu đến Anh mấy năm nay đã đi trồng cần sa, ma túy?
Tôi cũng chỉ biết được rằng, sau khi đến nước Anh hoặc một đất nước nào đó, họ đã phải lao động bằng chính sức lao động của mình, có thể là lao động chui, có thể là chưa hợp pháp… nhưng, hầu hết những người đã ra đi và ở lại cho đến nay là hợp pháp.
Vậy thì trách nhiệm đó của chính quyền Anh và chính quyền sở tại.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xây bức tường biên giới, là để trát kín lại những kẻ hở của luật pháp đã và đang bị lợi dụng của những người nhập cư. Điều đó chẳng ai trách, chỉ là có làm được hay không mà thôi.
Thậm chí, có người nói rằng: Có đến 1 tỷ đồng để đi lậu thì không thể gọi họ là những hộ nghèo. Đây là những lời nói thiếu hiểu biết thực tế. Tôi đã chứng kiến những gia đình, suốt ngày bố mẹ lặn lội dưới sông bắt con cua, con cáy kiếm ngày mấy chục bạc, nhưng vẫn cầm cố đất đai, nhà cửa vay mượn để cho con đi, hy vọng đời con sẽ đỡ hơn đời bố mẹ nó.

Tạm kết

Có thể có nhiều người sẽ cho rằng, bài viết này chỉ là “đạo đức giả” nhằm biện luận cho “bò đỏ”? Và thậm chí có nhiều quy kết khác nữa.
Nhưng điều có thể khẳng định rằng, khi một con chó bị rọ mõm đến gầy đói trơ xương thì cả xã hội quan tâm thương cảm, họ không soi mói rằng con chó đó vì sao đã bị buộc mõm, nó có ăn vụng hay không, mà người ta thương cảm và chạy chữa, chăm sóc cho nó khi nó đã đến bước đường cùng.
Huống hồ, đây là đồng bào, đồng loại, là những thanh niên trẻ tuổi, đầy sức sống và yêu đời chết ngạt trong chiếc hòm bịt kín kia, điều mà không mấy ai mong muốn.
Và điều cuối cùng cần nói là họ đã phải ra đi để nhận cái chết đau đớn, oan khuất khi mà họ thấy đời sống của mình tại đất nước này không được đảm bảo.

Nguyên nhân của những cuộc ra đi, vẫn là ở chế độ chính trị độc tài.
Thế nhưng, thay vì sự thương cảm cần có, sự chia sẻ đau thương với những ông bố, bà mẹ đã mất con, thì họ lại tặng cho những thân nhân họ những lời đau đớn hơn.
Có lẽ sự nhẫn tâm không thể có cơ hội nào hơn ở những trường hợp này. Khi đó, họ đã bỏ bóng để đá người.
Và phải chăng, chỉ vì tình đồng bào ngày nay đã là một thứ xa lạ.

Ngày 29/10/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire