08/12/2019

Gặp dân


Nguyễn Lân Hiếu Đại biểu Quốc hội 

Nguyễn Lân Hiếu : "Tiếp xúc cử tri: Có hai nhóm người rất rõ nét. Nhóm của các cán bộ, đoàn thể "buộc" phải có mặt vì nhiệm vụ "được trả lương" của mình và nhóm các bác nhiều tuổi không còn phải lao động thường xuyên mà chủ yếu lại là các cán bộ hưu trí.

Tổ chức thật tốt việc tiếp xúc cử tri là làm sao để đại biểu của dân phải gặp được dân thực sự - các cử tri thực sự, thuộc mọi tầng lớp, thành phần, những người đã trực tiếp bầu cho mình. May thay, buổi tiếp xúc cử tri trước đó của tôi, có ba ý kiến phát biểu thì hai trong ba ý kiến ấy là của hai cử tri ngoài thành phần "cơ cấu" đã liệt kê ở trên."



Buổi tiếp xúc nào rồi cũng sẽ kết thúc bằng câu kết luận “đã thành công tốt đẹp”. Nhưng “tốt đẹp” chỉ theo nghĩa là an toàn, đủ số lượng cử tri, đủ ý kiến thì cái tốt đẹp ấy là giành cho những nhà tổ chức, những vị đại biểu Quốc hội, để họ lại yên tâm với vị trí của mình.


Đến hẹn lại lên, tôi về Châu Phú, An Giang tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội. Một buổi sáng se lạnh hiếm hoi ở đồng bằng sông Cửu Long. Một bát phở kiểu Nam với đường và mắm nhiều hơn tiêu chuẩn về sức khỏe của tôi, nhưng cũng đã quen sau gần bốn năm làm Đại biểu Quốc hội ở miền Tây.

Đường đến xã Thạch Mỹ Tây vẫn gập ghềnh vất vả như kỳ đầu tôi về đây làm việc. Lần này về An Giang, chỉ có một đoạn đường ngắn được sửa chữa tráng nhựa bóng loáng, xe chạy thật êm, nhưng hình ảnh chiếc xe gắn máy nát bét trên đường cứ ám ảnh buổi sáng đẹp trời của tôi mãi.

Nỗi lo sợ lớn nhất của đô thị hóa nông thôn chính là vấn đề giao thông vận tải. Đường xá luôn là điểm nóng trong hội trường Quốc hội cũng như các buổi tiếp xúc cử tri. Nếu ai có dịp đi qua cả hai hệ thống đường bộ ở hai miền đất nước đều sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ ràng. Những con đường cao tốc thênh thang ở phía Bắc có lưu lượng xe thưa thớt ngay cả ban ngày. Trong khi ấy, cả một tỉnh An Giang với gần hai triệu dân mà chẳng có nổi một đường tránh cho dù bao nhiệm kỳ bộ trưởng Giao thông và Kế hoạch đầu tư đã trôi qua. Đầu tư cơ sở hạ tầng ở các tỉnh miền Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là việc cấp bách, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần nghiêm túc tìm hiểu và thực hiện.

Quay trở lại buổi tiếp xúc cử tri của tôi tuần rồi. Đến nơi, vẫn những khuôn mặt tươi rói đón tôi ở cửa, vẫn những cái bắt tay thật chặt, những câu chào hỏi mỗi ngày. Rồi các nét mặt cử tri cũng chẳng nhiều thay đổi.

Có hai nhóm người rất rõ nét. Nhóm của các cán bộ, đoàn thể "buộc" phải có mặt vì nhiệm vụ "được trả lương" của mình và nhóm các bác nhiều tuổi không còn phải lao động thường xuyên mà chủ yếu lại là các cán bộ hưu trí. Chính vì vậy, những câu hỏi chất vấn của bà con cũng không khác bao nhiêu so với vài năm trước. Vẫn là được mùa mất giá, được giá mất mùa, là an toàn thực phẩm, là bệnh tật tràn lan, rồi sở hữu đất đai, ô nhiễm môi trường...

Đại biểu cũng sẽ lại trả lời những giải pháp nghe thật hay nhưng để hiện thực hóa được lại chẳng thuộc thẩm quyền của họ. Chắc chắn sẽ có những câu: cảm ơn sự đóng góp, ý kiến của cô chú, xin ghi nhận, tiếp thu và trình lên cấp có thẩm quyền. Rồi hỏi mãi, nghe mãi nên nhiều khi cả buổi tiếp xúc chẳng có cử tri nào hỏi nữa. Các cán bộ địa phương lại phải đóng vai "đại cử tri" để hỏi, rồi lại tự trả lời "biết rồi khổ lắm, nói mãi". Và buổi tiếp xúc sẽ "thành công tốt đẹp".

Để có một nhà nước pháp quyền, hoạt động tiếp xúc cử tri chính là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Tổ chức thật tốt việc tiếp xúc cử tri là làm sao để đại biểu của dân phải gặp được dân thực sự - các cử tri thực sự, thuộc mọi tầng lớp, thành phần, những người đã trực tiếp bầu cho mình. May thay, buổi tiếp xúc cử tri trước đó của tôi, có ba ý kiến phát biểu thì hai trong ba ý kiến ấy là của hai cử tri ngoài thành phần "cơ cấu" đã liệt kê ở trên. Hai câu hỏi ấy cũng là những vấn đề rất thiết thực, liên quan trực tiếp đến chính sách pháp luật cần thay đổi.

Trong ba nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, hai nhiệm vụ lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thường được thể hiện qua các nút bấm trong hội trường Diên hồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ giám sát của những dân biểu cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà muốn hoàn thành không thể không gắn với thực tiễn xã hội, không thể không gắn với dân, nghe dân.

Trên đường trở về thành phố Long Xuyên, nhìn những dòng sông trong ánh nắng chiều vàng sậm, tôi không quên được câu nói của vị cử tri già trước khi kết thúc buổi tiếp xúc. "Chúng tôi rất biết ơn Đảng và nhà nước đã mang điện, đường, trường, trạm đến cho địa phương này. Nhưng sao bao năm rồi chúng tôi vẫn nghèo quá, chẳng thay đổi được bao nhiêu. Hãy giúp chúng tôi vượt nghèo bằng các chính sách thật cụ thể, thật rõ ràng", ông nói.

Một nhà nước pháp quyền do dân, vì dân cần đổi thay bắt đầu từ những việc tưởng như đơn giản "trước làm thế nào, nay vẫn vậy", bớt nặng tính hình thức và thực sự khá lãng phí tiền bạc, công sức của xã hội.

Theo tôi, thay đổi đầu tiên là cần đổi mới khâu tiếp xúc cử tri bằng cách tổ chức các buổi tiếp xúc chuyên đề hoặc ngoài kế hoạch, khi có những câu chuyện nóng tại địa phương. Đặc biệt, cần có sự đánh giá khách quan chất lượng của những buổi tiếp xúc này để tiếp tục cải tiến, chỉnh sửa. Đổi mới việc gì cũng khó khăn, nhưng không khởi đầu sẽ chẳng bao giờ có được kết quả tốt hơn.


Nguyễn Lân Hiếu

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire