17/12/2019

VNTB - Khi kẻ cướp rao giảng đạo đức


Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) - Fanpages Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đã ‘mua quảng cáo’ của facebook cho bản tin tường thuật việc đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba giảng bài, và tặng phim tài liệu cho lớp đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Việt Nam (http://vietnamese.cri.cn/20191213/afb381ab-d4cd-1be4-a1f3-b22551e3a9a6.html).


Ông đại sứ Trung Quốc làm thầy giáo cho cán bộ Việt Nam

“Theo tin Đài chúng tôi: Ngày 10/12, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã đến thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Việt Nam, giảng bài cho lớp đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Việt Nam. Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hà và 100 học viên cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đến từ các ban ngành Trung ương, các địa phương Việt Nam đã tham dự” – Bài báo trên Fanpages Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, viết đoạn mở đầu như vậy.

“Sau buổi giảng, Đại sứ Hùng Ba đã tặng phim tài liệu phiên bản tiếng Việt về cải cách mở cửa mở trang mới của Trung Quốc “Chúng ta đi trên con đường thênh thang” của Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hà, Đại sứ cho biết đây là một tác phẩm xuất sắc thể hiện chặng đường vĩ đại cải cách mở cửa của nước Trung Hoa mới, để Việt Nam tham khảo.

Ông Nguyễn Ngọc Hà thay mặt phía Việt Nam cảm ơn Trung Quốc đã tăng bộ phim này cho Việt Nam, cho biết Việt Nam và Trung Quốc tăng cường giao lưu kinh nghiệm quản lý Đảng và quản lý đất nước có ý nghĩa quan trọng, mong tăng cường hợp tác hơn nữa với phía Trung Quốc” – đoạn kết của bài báo tường thuật như vậy.

Không tìm thấy tin tức từ báo chí Việt Nam về ‘buổi giảng’ đó của vị đại sứ Hùng Ba, Trung Quốc. Trang web của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, https://hcma.vn/Pages/default.aspx, theo thời khóa biểu các lớp giảng dạy, bồi dưỡng cho thấy thời điểm ngày 10/12/2019 không có “lớp đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược” nào như nội dung bản tin trên trang web Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc.

Giả dụ bản tin tường thuật kể trên của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc là có thật, thì điều đó nói lên điều gì?

Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện có: Nguyễn Xuân Thắng, bí thư trung ương Đảng, giám đốc từ tháng 4/2016 đến nay; Lê Quốc Lý, phó giám đốc từ tháng 4/2009 đến nay; Nguyễn Viết Thảo, phó giám đốc từ tháng 2/2012 đến nay; Nguyễn Duy Bắc, phó giám đốc từ tháng 4/2018 đến nay; Nguyễn Ngọc Hà, phó giám đốc từ tháng 6/2019 đến nay.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là nơi chịu trách nhiệm “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Như vậy, nếu đúng như tường thuật, “Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã đến thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Việt Nam, giảng bài cho lớp đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Việt Nam”, cho thấy điều đó tương tự như huấn thị của lãnh đạo cấp trên trong Đảng - ở đây là đảng cộng sản Trung Quốc.

Thân Trung vì lệ thuộc Trung từ kinh tế đến tư tưởng?

Trung Quốc được đánh giá là một tay chơi nhà nghề trong nghệ thuật cài cắm.

Các quan chức Trung Quốc đã giữ các vai trò hàng đầu trong nhiều định chế Liên Hiệp Quốc, kể cả chức giám đốc Tổ chức Lương Nông (FAO) – đánh bại một ứng cử viên được Mỹ ủng hộ, gây bất ngờ cho nhiều người. Chưa tới hàng tuần lễ nữa, Trung Quốc sẽ trở thành một trong ba ủy viên của ủy ban kiểm sát việc chi tiêu của Liên Hiệp Quốc.

Các vị trí mà quan chức Trung Quốc nắm lấy trong các định chế quốc tế thường ít được các nước quan tâm, nhưng mỗi một chiếc ghế giành được lại giúp tăng thêm một ít ảnh hưởng cho Bắc Kinh. Mỗi lần có cuộc bỏ phiếu về một vấn đề mà Trung Quốc coi là quan trọng, các nhà ngoại giao nước này thường thẳng thừng đề nghị một sự đổi chác: hoặc tài trợ cho một dự án nào đó, hoặc đe dọa cắt nguồn tiền; tóm lại là mua quan hệ.

Tạm gác qua chuyện là hai Đảng anh em, với Việt Nam thì phía Trung Quốc có quá nhiều ưu thế, mà dễ thấy nhất là cứ mỗi lần cổng biên giới của Trung Quốc đóng lại đối với Việt Nam, là ngay lập tức hàng hóa nông sản Việt Nam chất đống, không tìm được thị trường tiêu thụ.

Nghệ thuật cài cắm người của Trung Quốc ở các quốc gia khác luôn là điều lo ngại hàng đầu. Ông Nguyễn Đức Kiên, người vừa ngồi vào ghế Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là một người được dư luận ngờ rằng thuộc nhóm thân Trung Quốc.

Cảnh báo từ ông tổ trưởng Nguyễn Đức Kiên ‘rất thân Trung’

“Hiện nay, trên thế giới, không nhà thầu nước nào có kinh nghiệm thi công đường cao tốc nhiều như các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc là rất lớn và các doanh nghiệp có kinh nghiệm tương đối tốt. Rất nhiều chuyên gia Đức đều nói rằng, từ 8 năm nay nước Đức không có dự án đường sắt hay đường bộ cao tốc nào mới. Họ chỉ đại tu và sửa chữa. Chính vì thế, muốn doanh nghiệp Đức tham gia đấu thầu xây dựng dự án đường cao tốc Việt Nam nhưng lại đòi hỏi họ có kinh nghiệm xây mới đường cao tốc với quy mô tương đương trong 3 năm gần đây thì doanh nghiệp Đức không có khả năng. Với các tiêu chí như thế, chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mới đáp ứng được” – ông Nguyễn Đức Kiên đã trả lời với báo Trí Thức Trẻ như vậy (http://cafef.vn/dai-bieu-nguyen-duc-kien-voi-tieu-chi-nhu-hien-nay-nha-thau-trung-quoc-se-chiem-uu-the-trong-du-an-cao-toc-bac-nam-phia-dong-20190523100415062.chn)

Cũng ở bài báo trên tờ Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, “trước 8 lần lỡ hẹn của dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông, ông Kiên cho rằng lỗi ở đây thuộc về phía Việt Nam. Do là dự án đầu tiên, Việt Nam chưa có kinh nghiệm đấu thầu. Hồ sơ mời thầu của Việt Nam đưa ra thiết kế về mặt kỹ thuật thay vì thiết kế bản vẽ thi công nên  tạo ra những sai lệch rất lớn. Ông Kiên cho rằng đó là sự yếu kém về mặt quản lý Nhà nước của phía Việt Nam và hậu quả đang xảy ra là điều Việt Nam phải chịu”.

Bài báo nói trên ghi ngày phát hành là 23/05/2019. Các nội dung ở bài báo này không vấp sự phản đối nào của ông Nguyễn Đức Kiên, nghĩa là nội dung tường thuật và các trích dẫn lời phát biểu trực tiếp của ông Nguyễn Đức Kiên là đúng lời của chính ông Kiên.

Cũng không lạ. Trước đó vào tháng 5/2018, trên báo chí ở Việt Nam có nhiều bài tường thuật ghi ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên phát biểu trên cương vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?”.

Phát biểu so sánh đó của ông Kiên khi đến tai cộng đồng người Việt tại Mỹ đã khiến nhiều người ngỡ ngàng về tầm hiểu biết của một vị dân biểu có hàm tiến sĩ kinh tế, là chức sắc trong Quốc hội Việt Nam.

Đơn giản, các khu dân cư và buôn bán ở tại Pháp, Úc, Canada, Hoa Kỳ của các nhóm nước ngoài như Phố Tàu (China Town – Quartier Chinois), Phố Hàn (Korean Town), Phố Việt (Little Saigon) là hoàn toàn khác với những “đặc khu” mà ông Kiên đã nêu ra làm ví dụ để so sánh, và suy diễn với những “đặc khu” của người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.

Toàn khu phố Little Saigòn là sở hữu của nhiều chủ nhân, nhưng địa bàn đất đai, kiến trúc là tài sản quốc gia Hoa Kỳ. Giới chủ nhân kinh doanh hay sở hữu địa ốc hầu hết là công dân Hoa Kỳ. Tất cả đều phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc gia từ thượng vàng đến hạ cám. Tiếng Anh là ngôn ngữ hành chánh chính thức (official language) mà từ một cái hóa đơn bán lẻ đến những văn tự giao dịch hàng ngày hay các văn kiện quan trọng đều phải dùng tiếng Anh.

Những chủ nhân kinh doanh thương mãi hầu hết sử dụng song ngữ Anh-Việt mà tiếng Việt thì tùy nghi (optional), nhưng tiếng Anh là bắt buộc (mandatory). Không biết nói tiếng Anh thì phải dùng thông dịch viên chứ không phải như phường ú ớ chỉ biết rặt tiếng Tàu trên xứ Việt.

Vai trò kẻ sĩ ngày xưa hay trí thức ngày nay đối với trường hợp những người như ông Nguyễn Đức Kiên, xem ra đúng là rất có thể đến từ các khóa học của lớp đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Việt Nam, với giáo trình và giảng viên Trung Quốc như Hùng Ba mà Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đưa tin.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire