Nguyệt Quỳnh
Tiếng khóc ai oán
của chị Nhung con cụ Lê Đình Kình - người bị lực lượng cưỡng chế giết chết ở Đồng
Tâm - như một nhát dao xuyên suốt tất cả trái tim những ai lắng nghe nó. Cho dù
họ là người của chính quyền hay các nhà hoạt động, những người khác hẳn nhau về
chính kiến.
Ở giữa những nức nở ấy là hình ảnh hãi hùng của cụ Kình: bị bắn gãy rời chân trái, đầu be bét máu, bị trúng một
viên đạn ngay tim, máu me đầy giường cụ nằm. Cụ ra đi đúng 3 giờ sáng hôm 9
Tháng Giêng, ngay tại nhà của mình.
Trong cái cảm giác thương xót tận cùng, câu hỏi trong đầu mọi người vẫn
là: Tại Sao? tại sao lại vào lúc này, ngay những ngày cận Tết? Ai có thể biện
minh cho hành động huy động công an, quân đội xông vào nhà riêng của dân, đánh
giết họ như đánh úp kẻ thù vào lúc 3 giờ sáng?
Câu hỏi dẫn đến những biến cố thương đau như một diễn trình của lịch sử.
Từ Văn Giang, Dương Nội cho đến Hưng Yên, ... cũng ào ạt quân đội, công an,
cũng mịt mù khói súng và tiếng gào khóc. Những vụ
cưỡng chế tiếp nối cưỡng chế, những quy
hoạch và đền bù rẻ mạt, … Đó là số phận thảm thương của dân nghèo VN. Nhưng
cách hành xử của chính quyền, những gì tiếp nối sau đó mới là bi kịch của đất
nước này. Bi kịch của những người tiếp tục phải sống với cái giả dối, tàn nhẫn
đến trần trụi của chúng:
-
Thông Báo : Sau khi xông vào nhà dân vào nửa đêm,
giết chết cụ Kình và bắt đi một số người, Bộ Công an ra thông báo trên giấy trắng mực đen rằng “những
người dân này đã tấn công lực lượng chức năng, trong quá trình họ đang tiến
hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn vào sáng ngày 9/1”
-
Xử
Lý : Với vẻ mặt thất thần, cụ bà Dư Thị Thành vợ cụ Lê Đình Kình kể lại với
người phóng viên cung cách lấy cung của công an: "Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là
tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi
không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang
bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân …”
-
Và Tuyên Dương : Giữa những
đau thương, tang tóc của gia đình nông dân Lê Đình Kình, Nguyên thủ quốc gia
truy tặng ngay huân chương chiến công hạng nhất cho ba chiến sĩ công an bất hạnh.
Chẳng có tên giặc xâm lược biển đảo nào bị giết vì họ. Cái chết phí hoài, vô
nghĩa và những huân chương trên xác của người dân chỉ mang đến một sự sỉ nhục lớn
đối với lực lượng công an và đối với linh hồn người đã khuất!
Để bôi xoá danh dự của một người đã khó, nói chi đến một
làng. Dân Đồng Tâm đã một thời hy sinh bảo
vệ đất nước bằng máu của chính họ, đâu thể nào
chỉ qua một đêm lại trở thành những kẻ gây rối, một bọn xì ke ma tuý. Sự
thật luôn luôn là một vũ khí mạnh mẽ nhất, và chính nó đang xoá sạch thanh
danh, nhân cách của những kẻ đã xuống lệnh bôi nhọ họ.
Tôi không khóc cụ Kình, tôi nghĩ nhiều người cũng thế, nỗi đau làm cho
nước mắt con người khô cạn. Tôi cúi đầu trước một công dân đáng kính, một thủ
lĩnh tinh thần của Đồng Tâm. Không thể nào tìm kiếm công lý và công bằng trên một
đất nước dẫy đầy oan sai dành cho số phận người dân thấp cổ bé miệng. Cụ Kình
đã chọn cuộc chiến cuối với thái độ rất rõ ràng và quyết liệt. Những video trên
mạng còn ghi lại những tâm huyết của cụ qua một số các chia sẻ:
"… vì chúng ta là người
dân sống có trình độ và có văn hóa nên chúng ta vẫn tôn trọng cái đó (số hecta
đất quốc phòng). Nếu họ cứ xây trên 47,36 hecta thì chúng ta đồng tình ủng hộ
và giúp đỡ họ. Còn nếu họ nhích ra bên ngoài cái 47,36 hecta đó, mặc dù chỉ 1
mét vuông, thì chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất của chúng ta.
"59 hecta của chúng ta to thật nhưng danh dự danh sự
phẩm chất con người của xã Đồng Tâm là quê hương anh hùng thì cái danh dự đó
còn lớn hơn. Và chúng ta phải bảo vệ đến cùng,"
Và cụ đã bị giết chết, một người mà cho đến tận cuối đời vẫn trung
kiên với dân tộc và đất nước, một người chọn sống với phẩm giá và sẵn sàng chết
cho điều mình lựa chọn. Cụ Kình đã ra đi, công dân Lê Đình Kình đã nhập cuộc và
ra đi như thế giữa cuộc đời này. Tôi không tin rằng bất cứ một thế lực nào có
thể làm vấy bẩn một con người như vậy. Sáng ngày 13 tháng giêng, tất cả người
dân thôn Hoành đã chít trắng khăn tang tiễn đưa cụ. Người ta bảo rằng không chỉ
riêng toàn bộ người làng Đồng Tâm mà người dân ở các làng lân cận cũng đeo tang
trắng.
Số phận của dân làng Đồng Tâm coi như đã được định đoạt. Nhưng tôi lại
có cái cảm giác rằng Đồng Tâm bỗng dưng trở thành cuộc chiến riêng của mỗi người
- Những cái tát trên mặt cụ bà Dư Thị Thành; gương mặt méo mó, thâm tím vì bị
tra tấn cùng những lời thú tội của con cháu cụ Kình; Những thông tin bất nhất từ
Bộ Công an;... – Tất cả đã phơi bày một chế độ cực quyền cùng phẩm chất của nó
đối với người dân. Và cái kết thúc của của nó khiến người ta rùng mình ghê sợ!
vô hình chung nó đánh thức phần lương tâm sâu thẳm nhất trong mỗi con người.
Thực ra cụ Kình đã không chết, nếu coi cái chết là một sự chấm dứt. Một
cụ già ở tuổi 84 vẫn tuyên chiến với cái ác và bạo lực đã như một tiếng chuông
cảnh tỉnh. Chính viên đạn xuyên suốt vào trái tim hào hiệp của cụ đã khiến người
ta trăn trở về xã hội VN, về phẩm chất cuộc sống của riêng mình.
Số phận 22 người dân đang chờ bị khởi tố đang nằm trong bàn tay của
chính quyền. Cái sống và cái chết của họ tuỳ thuộc vào nhóm lãnh đạo CS, nhưng nó cũng tuỳ thuộc vào thái độ hành xử của
tất cả mọi người, từ các cán bộ quan chức trong bộ máy chính quyền, các nhân sĩ
trí thức, các tổ hợp luật sư, các tổ chức chính trị, các nhà hoạt động, … cho đến
người dân bình thường.
Sự “im lặng” kéo dài quá lâu đã là đồng phạm trên biết bao thảm cảnh của
người dân, liệu nó có còn tiếp tục trên thảm kịch của Đồng Tâm? Câu hỏi này xin
dành cho tất cả chúng ta, những người có thể vô can nhưng không hẳn đã là vô tội.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire