12/04/2020

Cái chết của một lãnh tụ


canhco

Không ai tin ông Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chết, mặc dù trong thế giới cộng sản sức khỏe và sự an toàn của lãnh tụ được xem là bí mật quốc gia, và ông Trọng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Sau chuyến công du Kiên Giang và bị tai biến, ông Nguyễn Phú Trọng ít xuất hiện hơn hẳn. Ông đã già và còn bị hậu tai biến không cho phép một người bệnh có những hoạt động của người bình thường tuy nhiên do ở vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng lẫn chính phủ ông cũng xuất hiện vài lần với mục đích an tâm dư luận đảng viên, nhất là xác định vai trò lãnh đạo của Đảng mà ông đang nắm giữ hơn là xuất hiện để chỉ đạo những gì mà ông đã tận lực thực hiện: Đốt lò.


Cái lò đốt tham nhũng tuy lúc cháy lúc tắt nhưng vẫn có khả năng ám ảnh bọn quan tham như thanh gươm lủng lẳng treo trên đầu chúng. Cái lò ấy đã và đang trở thành hình tượng của ông Trọng, thứ hình tượng được hù dọa hơn là trừng phạt vì cho tới nay chưa có nhân vật nào theo phe ông Trọng vào lò, chỉ vài ba khuôn mặt dưới thời Nguyễn Tấn Dũng cùng vài tội đồ khác hoặc không theo ông Dũng nhưng cũng cả gan không ngã hẳn về phe ông Trọng. Nhưng dù sao thì công việc đốt lò của ông cũng thành công một ít, sự thành công của một chiếc dao mổ trâu dùng chặt đầu gà.

Nhưng ông Trọng nào phải giữ chức cao nhất đảng, nhất nước lại chỉ ngồi chẻ củi đốt lò? Công việc của ông còn nằm ở những vai trò khác. Là Chủ tịch nước ông phải chịu trách nhiệm về quốc kế dân sinh. Là Tổng bí thư đảng ông phải chịu trách nhiệm về tư cách, đạo đức, năng lực của mọi đảng viên trong đảng của ông. Ông không thể nói mà còn phải làm. Ông không thể chỉ trích bọn họ đang tự diễn biến mà ông còn có trách nhiệm với từng đảng bộ dưới quyền truy ra cho bằng được đảng viên mất phẩm chất và suy đồi tha hóa.

Vai trò của một Chủ tịch nước ông có trách nhiệm lên tiếng, chỉ đạo, an lòng dân hay chí ít cũng lên TV nói vài lời động viên quần chúng. Ông không cần phải được nhắc nhở để làm những công việc cơ bản của một Chủ tịch nước bởi vì khi manh nha chiếm luôn chức vụ này ông phải cân nhắc rằng mình có làm được những công việc bình thường như thế này hay không trước khi lôi kéo những người cùng phe chấp nhận cho ông đóng luôn vai Chủ tịch nước, một vị trí đặc biệt quan trọng đối với tâm ý người dân.

Sau khi dịch bệnh Corona xuất hiện, dân chúng như kiến bò trên chảo, chính phủ quay mòng mòng tìm kiếm phương cách chống đỡ thì Chủ tịch nước không hề xuất hiện, không hề gợi ý cho truyền thông thấy rằng ông đang âm thầm mưu tính phương cách chống dịch. Trong vai trò Tổng bí thư ông không hề lên tiếng yêu cầu đảng viên các cấp có bổn phận chống dịch theo cách của Đảng, hay ít ra hơn 4 triệu đảng viên ấy phải làm gương cho quần chúng.

Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Quang Thuấn, con virus thứ 21 xuất hiện quậy nồi cháo đảng tan nát để lộ ra cả một ban bệ quan trọng mà ông Tổng Bí Thư là đầu têu. Nguyễn Quang Thuấn chưa chết nhưng ông Tổng Bí Thư đã chết.

Ông chết vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những tội danh mà chế độ ban hành nhằm trừng phạt những kẻ ăn lương nhà nước làm việc cho nhà mình.

Là Tổng bí thư ông không thể bị mang ra tòa. Là Chủ tịch nước ông cũng không thể bị phán xét bởi thể chế này tôn trọng chức vụ của lãnh tụ hơn tính mạng nhân dân. Nhân dân chạy đôn chạy đáo tìn mua khẩu trang chống virus còn ông thì lại mang khẩu trang ngồi trong Phủ chủ tịch để chống sự sợ hãi. Ông sợ nếu tuyên bố hớ hênh sẽ bị nguyền rủa. Ông sợ nói ra sự thật về nguồn gốc của con virus tàu sẽ là thảm họa đối với chức vụ của ông. Ông sợ động viên nhân dân nhưng họ sẽ không nghe vì ông đã nhiều lần nói điêu, ông sợ càng nói thì xã hội càng sôi sục vì không ít lần ông đã bị như vậy.

Ông nghĩ rằng im lặng là giải pháp tốt nhất trong lúc này bởi ông nhìn thấy sự thất bại của các lãnh tụ trên thế giới, không ai dành được sự tin tưởng tuyệt đối của người dân khi cúm tàu xuất hiện.

Thế nhưng khi im lặng quá lâu bất cứ vì lý do gì thì hệ lụy mà ông Trọng không thể né tránh đó là sự khinh miệt từ nhân dân đối với ông. Hàng chục câu chuyện về hành động trốn tránh trách nhiệm được người dân nghĩ ra mà hình tượng của loài cá được ẩn dụ đối với Chủ tịch nước. Cá phải lặn sâu để sống nhưng con người khi lặn sâu và lâu như thế ắt phải chết, vì đơn giản con người không phải là cá.

Nhưng ông Tổng bí thư có thể biện luận rằng vai trò chống dịch có Thủ tướng lo, ông chỉ có trách nhiệm rất nhỏ là không lập nghị quyết cho đảng cộng sản mỗi khi có dịch bệnh thiên tai thì toàn đảng phải làm gì.

Nhưng trong vai trò Chủ tịch nước thì ông ăn nói làm sao với hơn 90 triệu dân không phải là đảng viên đây? Không ai tin ông đang giữ chức vụ này với mong muốn làm việc như một Chủ tịch nước, có chăng ông đang mượn áo cà sa để giả làm Phật vì ông biết chỉ có làm Phật, dù là giả mạo, ông mới có cơ hội thâu tóm quyền lực một cách gọn gàng và sạch sẽ nhất mà thôi.

Và cũng vì vậy, người dân chúng tôi xem như ông đã chết cho dù cái chết ấy cũng giả mạo nốt.
Thứ Tư, 03/18/2020 - 14:30 — 

·       canhco's blog

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire