30/06/2020

Tại sao chính quyền Trump đã giúp Trung Quốc


Kishore Mahbubani

The National Interest

-Lê Minh Nguyên dịch


Lời giới thiệu:

Bài này có tính cách nhạy cảm trong tình hình hiện nay, nhưng nó liên quan đến công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ ở Trung Quốc và các nước Á Châu. Bài được đăng bởi Center for the National Interest, là viện nghiên cứu về chính sách công ở Washington D.C., do cựu TT Nixon thành lập năm 1994. Đây là viện think tank bảo thủ Cộng Hoà, liên kết với trường phái thực tiễn (realist) trong chính sách đối ngoại. (https://bit.ly/2XQFFlW)


***

Chính quyền Trump xử lý sai về đại dịch coronavirus và cái chết của George Floyd đã làm tăng vị thế của Trung Quốc, được coi là quốc gia có tài năng hơn trên thế giới.


***


Nghe thì có vẻ lạ lùng, nhưng Trung Quốc sẽ tiếc nuối chính quyền Trump, nếu và khi không còn nắm quyền.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính quyền Trump là chính quyền nhức đầu nhất mà Trung Quốc phải đối phó kể từ khi bang giao được bình thường hóa bởi Henry Kissinger bắt đầu vào năm 1971. Nó đã gây ra một cuộc chiến thương mại làm thiệt hại cho nền kinh tế TQ một chút. Nó đặt các hạn chế lên xuất khẩu công nghệ sang TQ. Nó thực hiện một nỗ lực lớn để làm tê liệt Hoa Vi. Tuy nhiên, động thái gay cấn nhất là nỗ lực dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu. Áp dụng luật pháp phương Tây lên công dân TQ làm nhắc nhở một cách sinh động cho người dân TQ về Thế kỷ bị Sỉ nhục khi luật pháp phương Tây được áp dụng trên đất TQ.

Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo TQ suy nghĩ tầm xa và chiến lược, như họ thường quen làm, họ cũng tính toán rằng chính quyền Trump có thể đã giúp TQ. Rõ ràng, chính quyền Trump không có chiến lược sâu sắc, toàn diện và lâu dài để quản lý một TQ đang trỗi dậy. Nó cũng không chú ý đến lời khuyên khôn ngoan của các nhà tư tưởng chiến lược quan trọng, như Kissinger hay George Kennan. Chẳng hạn, ông Kennan khuyên rằng kết quả cuối cùng trong cuộc chiến đấu lâu dài với Liên Xô sẽ phụ thuộc vào “mức độ mà Hoa Kỳ có thể tạo ra cho các dân tộc trên thế giới” cái ấn tượng HK là một quốc gia “có khả năng đối phó với vấn đề của đời sống nội bộ”, và “có sức sống tinh thần”. Ấn tượng như vậy đã không được tạo ra bởi chính quyền Trump. Với hậu coronavirus và hậu George Floyd, Mỹ đang mang đến cái ấn tượng ngược lại. Nói một cách chừng mực, chính quyền Trump đã nâng cao tầm vóc của TQ, vì TQ hiện được coi là quốc gia có năng lực hơn trên thế giới.

Công bằng mà nói, các vấn đề nội tại của Mỹ có trước TT Donald Trump. Đây là quốc gia phát triển lớn duy nhất, mà thu nhập của 50% dân dưới đáy đã sụt giảm trong thời gian 30 năm dẫn đến việc tạo ra một “biển tuyệt vọng” trong các tầng lớp lao động da trắng. John Rawls (triết gia về công lý) sẽ kinh hoàng khi thấy điều này. Thật vậy, như Martin Wolf của báo Financial Times nói, nước Mỹ đã trở thành chế độ tài phiệt (plutocracy). Ngược lại, TQ đã tạo ra một hệ thống cai trị trọng nhân tài (meritocracy). Một chế độ trọng nhân tài có thể vượt trội hơn một chế độ tài phiệt.

Quan trọng không kém, Kennan nhấn mạnh rằng Mỹ nên siêng năng xây dựng bạn bè và đồng minh. Chính quyền Trump đã làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ với bạn bè và đồng minh. Trong riêng tư, người châu Âu đang kinh hoàng. Rời bỏ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong khi thế giới quá cần WHO trong lúc này, đặc biệt là giúp đỡ các nước nghèo châu Phi, là một sự vô trách nhiệm to lớn. Không một đồng minh nào của Mỹ theo chân để ra khỏi WHO. Chính quyền Trump cũng đã đe dọa thuế quan đối với các đồng minh như Canada và Mexico, Đức và Pháp. Tất cả những điều này không có nghĩa là phần còn lại của thế giới sẽ vội vàng ôm chầm lấy TQ. Thực ra, người châu Âu đã phát triển các kế hoạch dự phòng về việc hợp tác chặt chẽ với TQ. Vì thế, không còn nghi ngờ gì nữa, việc thế giới giảm bớt sự tôn trọng HK sẽ mở ra nhiều không gian địa chính trị cho TQ. Bà Madeleine Albright đã từng nói rằng “Chúng ta là quốc gia không thể thiếu (cho thế giới). Chúng ta đứng cao hơn và nhìn xa hơn về tương lai so với các quốc gia khác.” Chính quyền Trump thành công trong việc biến nước Mỹ thành một quốc gia mà thế giới có thể không cần, tặng thêm một món quà địa chính trị khác cho TQ.

Chính quyền Trump cũng đã bỏ qua một lời khuyên khôn ngoan khác của George Kennan: không lăng mạ các đối thủ của mình. Không có một chính quyền nào khác của Mỹ xúc phạm TQ nhiều như chính quyền Trump. Trump đã nói “thói quen sai trái của TQ thì nổi tiếng. Trong nhiều thập kỷ, họ đã bóc lột nước Mỹ mà chưa từng có ai làm trước đây.”

Trên lý thuyết, những lời lăng mạ như vậy có thể làm thiệt hại vị thế của chính quyền TQ trong con mắt người dân nước họ. Nhưng trong thực tế nó có hiệu quả ngược lại. Theo báo cáo mới nhất của cơ quan nghiên cứu và thăm dò Edelman Trust Barometer, quốc gia mà người dân có niềm tin cao nhất vào chính phủ của họ là TQ. Nó là 90%. Điều này không đáng ngạc nhiên. Đối với đại đa số người dân TQ, 40 năm qua phát triển kinh tế và xã hội là tốt nhất trong 4,000 năm qua. Kennan đã nói về “sức sống tinh thần”của người trong nước. TQ đã có được nó ngày hôm nay. Một nhà tâm lý học của Đại học Stanford, Jean Fan, đã quan sát thấy rằng “trái ngược với sự trì trệ của Mỹ, văn hóa, khái niệm bản thân và tinh thần của TQ đang được chuyển đổi với tốc độ nhanh chóng - chủ yếu là tốt hơn.” Người dân TQ cũng nhận thức sâu sắc rằng TQ đã xử lý khủng hoảng coronavirus tốt hơn Mỹ. Nếu nước Mỹ có tỷ lệ tử vong tương đương với TQ, thì nước này sẽ có 1,000 người chết thay vì 100,000. Trong bối cảnh như vậy, những lời lăng mạ liên tục đổ dồn vào TQ chỉ gây ra một phản ứng dân tộc mạnh mẽ, nâng cao vị thế của chính quyền TQ. Một điểm nhỏ nhưng rất quan trọng cần được thêm vào đây: không có chính quyền nào khác trên thế giới ném những lời lăng mạ lên TQ. Nước Mỹ một mình trong không gian này, bỏ qua một lần nữa lời khuyên quý giá của Kennan: “Và nếu có bất kỳ phẩm chất nào khác nằm trong khả năng của chúng ta, để làm cho chúng ta có nét đặc thù đối với phần còn lại của thế giới, thì đó sẽ là những đức tính nhún nhường và khiêm tốn.”

Nếu còn sống ngày hôm nay, thì trước tiên, Kennan sẽ khuyên dân Mỹ nên chựng lại và suy nghĩ một chiến lược dài hạn và toàn diện, trước khi lao vào một cuộc đấu địa chính trị lớn chống TQ. Bất kỳ một chiến lược nào như vậy, cũng nên lưu ý lời khuyên của các nhà tư tưởng như Tôn Tử, là trước tiên đòi hỏi sự đánh giá toàn diện về những điểm mạnh và những điểm yếu tương đối của cả hai bên.

Không nghi ngờ gì về việc Mỹ có nhiều sức mạnh tuyệt vời. Nó vẫn là xã hội thành công nhất của nhân loại kể từ khi lịch sử loài người bắt đầu. Không có xã hội nào khác đã gửi người lên mặt trăng. Không có xã hội nào khác đã tạo ra Google và Facebook, Apple và Amazon, trong một thời gian ngắn. Đáng chú ý hơn nữa, hai trong số các tập đoàn lớn nhất của Mỹ là Google và Microsoft được điều hành bởi các công dân sinh ra ở nước ngoài. Không có tập đoàn lớn của TQ được điều hành bởi một người không phải là người TQ. TQ có thể khai thác tài năng của 1,4 tỷ người; Mỹ có thể khai thác tài năng của 7,8 tỷ người, bao gồm cả tài năng người TQ. Sẽ là một sai lầm lớn đối với bất kỳ nhà lãnh đạo TQ nào đánh giá thấp nước Mỹ. Dù may hay không may, thì điều đó không có khả năng xảy ra.

Ngược lại, khi đánh giá những điểm mạnh và những điểm yếu tương đối của TQ, chính quyền Trump đang phạm sai lầm khi đánh giá thấp TQ. Ở đây niềm tin vào ý thức hệ siêu việt, rằng các nền dân chủ sẽ luôn chiến thắng một hệ thống đảng cộng sản, nó tạo ra điểm mù ý thức hệ ở Mỹ. Trong thực tế, về mặt chức năng, CCP không đại diện cho Chinese Communist Party. Nó là viết tắt của Chinese Civilization Party. Mục tiêu chính của CCP không phải làm sống lại chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu. Mà đó là để làm sống lại nền văn minh lâu đời nhất thế giới và biến nó trở thành một trong những nền văn minh được kính trọng nhất thế giới. Đây là mục tiêu tạo động lực cho người dân TQ, nó giải thích sự sống động và sức sống khác thường của xã hội TQ. Quan trọng không kém, nền văn minh TQ trong lịch sử là nền văn minh mãnh liệt nhất. Như giáo sư Wang Gungwu nói, đó là nền văn minh duy nhất bị đánh gục 4 lần trong 4,000 năm. Mỗi lần nó lại đứng lên. Không nghi ngờ rằng nền văn minh TQ hiện đang là một sự phục hưng vĩ đại.

Do đó, sẽ không khôn ngoan khi bất kỳ nhà tư tưởng chiến lược Mỹ nào cho rằng người Mỹ không thể thua. Đúng là Mỹ đã không thua một thử thách lớn nào trong hơn 100 năm, nhưng Mỹ chưa bao giờ phải đối phó với một đối thủ cạnh tranh ghê gớm như TQ. Quan trọng không kém, nếu mục tiêu hàng đầu của CCP là cải thiện phúc lợi của người dân (và từ đó làm sống lại nền văn minh TQ), thì nó không có mâu thuẫn cơ bản với mục tiêu chính của bất kỳ chính quyền mới nào của Mỹ: là một lần nữa cải thiện phúc lợi của người dân Mỹ. Do đó, nếu khi chính quyền Trump ra đi và Mỹ cố gắng thực hiện một chiến lược dài hạn sâu sắc hơn đối với TQ, Mỹ nên xem xét một lựa chọn chưa được nghĩ đến: một nền văn minh TQ mạnh mẽ và một nước Mỹ mạnh mẽ có thể cùng nhau chung sống hòa bình trong thế kỷ 21. Thế giới sẽ nhẹ nhõm và thậm chí cổ vũ cho điều này. Và người dân Mỹ sẽ tốt đẹp hơn.

(Kishore Mahbubani là giáo sư về chính sách công tại Đại học National University ở Singapore và là tác giả của sách Has China Won?)

Tháng  6 năm 2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire