Với sự hiện diện của ExxonMobil ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ "ngán" sách nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam REUTERS |
Khi chấp
nhận hủy hợp đồng và bồi thường cho Repsol dưới áp lực của Trung Quốc,
Việt Nam « lùi một bước đế tiến thêm hai bước » trong việc bảo vệ chủ
quyền và lợi ích kinh tế tại Biển Đông. Trên đây là phân tích của chuyên gia về
Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine Hoa Kỳ.
Khi bắt chẹt
Việt Nam hủy hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập đoàn Repsol của Tây
Ban Nha và một số công ty nước ngoài khác, Trung Quốc đã đi sai một nước
cờ ? Về phía Việt Nam, Hà Nội đã nhượng bộ Bắc Kinh để đánh động công luận
quốc tế về tham vọng vô hạn của Trung Quốc ở Biển Đông và lôi kéo Mỹ, Nga vào
cuộc.
Việt Nam
tăng tốc đàm phán với ExxonMobil của Mỹ trong dự án Cá Voi Xanh. Hà Nội
trực tiếp vận động Matxcơva về hợp tác giữa các tập đoàn Việt Nam với Rosneft
của Nga. Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine - Hoa Kỳ,
cho rằng sự hiện diện của các đại tập đoàn Mỹ và Nga sẽ ngăn chận Bắc Kinh
chèn ép và uy hiếp các nước trong khu vực để khai thác tài nguyên
trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Phỏng vấn GS
Ngô Vĩnh Long về Biển Đông
RFI : Xin kính chào giáo sư Ngô Vĩnh Long,
động lực nào thúc đẩy Việt Nam chấp nhận hủy các hợp đồng thăm dò dầu khí với
các công ty nước ngoài và phải trả giá đắt để bồi thường thiệt hại cho các đối
tác, như tiết lộ của truyền thông quốc tế gần đây ?
GS Ngô Vĩnh
Long : « Tất cả các dự án liên quan đều nằm trên thềm lục địa của Việt Nam.
Ngoại trừ các dự án của tập đoàn Tây Ban Nha, Repsol, các dự án này nằm ở ngoài
rìa xa nhất, rìa ngoài, nhưng vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam. Đó là nơi Trung Quốc đã quấy nhiễu từ mấy năm nay, từ 2017. Vừa qua Repsol
đã phải dừng khoan ở các bãi 07/03 và 135-136/03.
Vấn đề đặt
ra là Trung Quốc quấy nhiễu, gây bất an khiến các công ty ngoại quốc, đặc biệt
là Repsol, đòi Việt Nam tăng cường bảo đảm an ninh. Việt Nam thấy rằng khó bảo
đảm an ninh cho các đối tác này, nhất là cho đến mãi gần đây các nước khác làm
ngơ trên hồ sơ này. Cho nên Việt Nam quyết định dừng khoan do bị Trung Quốc đe dọa,
đặc biệt là nếu trong năm nay Việt Nam chưa vận động được sự ủng hộ của
quốc tế. Quyết định này nhằm tránh đụng độ với Trung Quốc, đặc biệt là năm
tới Việt Nam tổ chức đại hội Đảng. Hà Nội không muốn chuyện gây rối với
Trung Quốc buộc Việt Nam phải thương lượng tay đôi với Bắc Kinh. Thương lượng
tay đôi sẽ bất lợi cho Việt Nam.
RFI : Trung Quốc sách nhiễu các công
trình khai thác dầu khí của Việt Nam và các đối tác quốc tế của Việt Nam dưới
hình thức nào ?
GS Ngô Vĩnh
Long : Trung Quốc thường đưa các đội tàu xuống các vùng ngoài khơi nhưng ở bên
trong thềm lục địa của Việt Nam. Đôi khi là những đội tàu với cả bốn, năm chục
tàu hải quân đi ngang qua. Rồi Trung Quốc lại điều các giàn khoan đến áp sát
vào các giàn khoan của Repsol chẳng hạn.
RFI : Giáo sư đánh giá ra sao về quyết
định của phía Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của Bắc Kinh ?
GS Ngô Vĩnh
Long : Nhiều người nói rằng Việt Nam đã thua. Đúng là Việt Nam thua, nhưng thua
một bước. Có thể là vì Việt Nam nhượng bộ dưới áp lực của Trung Quốc, cho nên
các nước khác cảm thấy là nếu cứ để cho Trung Quốc tiếp tục lấn át như vậy thì
sẽ gây mất an ninh cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ, không chỉ có các nước trong
khu vực nhận thức được vấn đề này, mà cả chính Hoa Kỳ cũng đã nhận thức được.
Cho nên từ hai tuần qua thái độ của Mỹ trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung
Quốc tại Biển Đông đã cứng rắn hơn rất nhiều.
RFI : Giáo sư muốn nói đến tuyên bố hôm
13/07/2020 của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung
Quốc ở Biển Đông
GS Ngô Vĩnh
Long : Tuyên bố của Mỹ rất cứng rắn. Từ trước đến giờ Hoa Kỳ không nói thẳng,
nhưng lần này Mỹ thẳng thừng cho rằng « những thủ đoạn và hành động của
Trung Quốc là phạm pháp và vi phạm luật biển quốc tế ». Do vậy Mỹ sẽ
« giúp bảo vệ an ninh cho các nước trong khu vực » để các nước này có
thể khai thác các nguồn lợi ngoài biển nhưng ở bên trong thềm lục địa của
họ. Sau Hoa Kỳ, Úc cũng đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông. Vì
thế, chẳng hạn như là tập đoàn Mỹ ExxonMobil, đã có lúc muốn rút ra khỏi Việt
Nam, nhưng sau tuyên bố của Mỹ đã tái khẳng định hợp tác với Việt Nam. Đây là
một công ty Mỹ, nếu bị Trung Quốc quấy nhiễu trong các vùng mà ExxonMobil đang
hợp tác với Việt Nam, tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ có thái độ. Cho nên ExxonMobil tiếp
tục đàm phán với PetroVietnam để thúc đẩy dự án Cá Voi Xanh chẳng hạn.
RFI : Nói cách khác, Việt Nam có thể tận
dụng thế lục của các đối tác dầu khí Mỹ và cả của Nga để ngăn chận tham vọng
của Trung Quốc ở Biển Đông ?
GS Ngô Vĩnh
Long : Vâng. Ngoài ra Rosneft có vốn của chính phủ Nga, cho nên Việt Nam nghĩ
rằng có thể nếu Trung Quốc đe dọa những vùng có đầu tư của Rosneft thì Nga có
thể cũng sẽ can thiệp. Theo tôi nghĩ, Việt Nam sẽ đi gần với Nga thêm, cùng với
Nga bảo vệ an ninh cho các hãng dầu của hai nước ở vùng Nam Côn Sơn hay là ở
ngoài khơi Quảngnam, Quảng Ngãi. Cần nói thêm là các hãng của Mỹ và Nga cảm
thấy là cần phải cứng rắn thêm, nếu không sẽ bị Trung Quốc chèn ép, như trường
hợp của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol. Việt Nam phải dừng hợp đồng với tập đoàn
dầu khí Tây Ban Nha, phải trả một số tiền bồi thường rất lớn, 1 tỷ đô la, nhưng
mặt khác việc này cho các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Nga, thấy rằng
không thể để tình trạng này tiếp diễn, vì như vậy quyền lợi của các bên sẽ bị
đe dọa, không chỉ trong vấn đề khai thác tài nguyên hay phát triển ở Biển Đông,
mà còn cả đối với an ninh trên toàn vùng biển này.
Việt Nam đã
hy sinh rất nhiều : 1 tỷ đô la tiền phạt là một khoản tiền rất lớn, hơn nữa các
dự án của tập đoàn Tây Ban Nha tương đương với 9 % lượng khí đốt có thể cung
cấp điện cho toàn quốc. Nhưng đổi lại, về lâu dài, tương lai đối an ninh của
Việt Nam và cả khu vực sẽ rất là lớn. Trong tình huống hiện nay, tôi nghĩ rằng
là Việt Nam làm một bước lùi, nhưng hai bước tiến. Bởi vì rõ ràng là, ngoài Mỹ,
ngay cả những nước khác cũng đang thấy là áp lực của Trung Quốc ngày càng
lớn. Nếu bây giờ không cùng nhau bảo vệ cho an ninh chung trong khu vực,
thì có lẽ là sẽ quá trễ.
RFI : Phản ứng của phía Trung Quốc sắp
tới đây sẽ ra sao thưa ông ?
GS Ngô Vĩnh
Long : Trung Quốc trước hết tỏ ra là mình mạnh, đưa một số tàu vào Biển Đông để
tập trận, đưa 8 máy bay tiêm kích vào đảo Phú Lâm ... Nhưng tôi nghĩ rằng,
trong hoàn cảnh hiện tại, Trung Quốc không dám khiêu khích Mỹ lắm vì khiêu
khích Mỹ như vậy, tổng thống Trump có thể « nổi điên lên ». Khi đó
không lường được trước những gì sẽ xảy ra.
RFI : Còn về phía Nga thưa giáo sư ?
GS Ngô Vĩnh
Long : Trong ngắn hạn, Nga có lợi hơn khi đi chung với Trung Quốc. Nhưng thật ra
về lâu về dài, Trung Quốc là nước đe dọa Nga, chứ không ai đe dọa Nga hơn
là Trung Quốc. Để bảo vệ quyền lợi của mình trong vùng Châu Á – Thái Bình
Dương, Nga nên bảo vệ quyền lợi của Nga với Việt Nam. Việt Nam dù sao đi nữa
cũng là đối tác chiến lược của Nga và tôi nghĩ rằng Nga sẽ không bỏ rơi Việt
Nam.
RFI : Chân thành cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh
Long, đại học Maine, Hoa Kỳ tham gia vào chương trình của ban Việt ngữ.
29/07/2020
https://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20200729-biển-đông-nhượng-bộ-trung-quốc-việt-nam-không-hẳn-là-thua
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire