27/07/2020

Rồng Việt Nam đang bị ‘tham nhũng đè cổ’



Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Ít nhất trong tám năm qua, việc chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn hầu như chưa giải quyết được gì nhiều, theo bình luận của kinh tế gia Bùi Kiến Thành từ Việt Nam.

Một chuyên gia kinh tế, tài chính, đồng thời là người từng cung cấp lời khuyên tư vấn cho chính phủ Việt Nam thời kỳ tiền đổi mới, nói với BBC ông tin rằng đảng và nhà nước vẫn chưa làm được gì nhiều trong vấn đề chống tham nhũng.


Ý kiến này còn nói rằng nếu không giải quyết được tham nhũng của chế độ thì các tổn phí do tham nhũng gây ra sẽ 'đè cổ' khiến Con Rồng Việt Nam không thể nào cất cánh 'bay lên'.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Hội An hôm 23/7/2020 trong một chương trình hội luận vào thứ Năm, ông Bùi Kiến Thành nói:

"Vấn đề hệ trọng của Việt Nam hiện nay là gì là vấn đề tham nhũng, ăn cắp ở trong các cơ quan của nhà nước.

"Nếu không giải quyết được thì nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và tồn vong của đảng Cộng sản, đấy là Nghị quyết Trung ương IV (khóa 8) đã đề ra mà chúng ta đã giải quyết được đâu… Từ 2012 đến bây giờ, chúng ta đã làm được những gì để giải quyết vấn đề này?

"Hiện bây giờ đảng Cộng sản do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra những giải pháp làm cái lò này, lò kia, nhưng mà nó có giải quyết được vấn đề gì đâu? Nó vẫn chưa đốt được bao nhiêu sự tham nhũng của chế độ…"

Rồng bị đè cổ thế nào?


Liên hệ vấn đề này với lĩnh vực đầu tư công, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói tiếp:

"Đây không phải là vấn đề riêng của đầu tư công, mà đầu tư công cho ta thấy ảnh hưởng của vấn đề tham nhũng trong chế độ đưa đến những kết quả kinh tế như thế nào.

"Vì vậy cho nên ngoài vấn đề đầu tư công ra, thì kinh tế Việt Nam bị bao nhiêu là ảnh hưởng, theo báo chí Việt Nam, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), những chi phí không chính thức của Việt Nam trong hoạt động kinh tế chiếm từ 5%-10% của giá thành sản phẩm.

"Thì làm sao mà có thể cạnh tranh với thế giới, trong khi chúng ta bị 5-10% phí không chính thức đè cổ lên con rồng Việt Nam, thì làm sao mà nó bay được lên nổi.

"Vì vậy vấn đề đó là vấn đề then chốt của Việt Nam để phát triển kinh tế, phải nhất quyết, quyết liệt giải quyết vấn đề tham nhũng từ trên xuống dưới, từ các cấp ngành trung ương cho tới làng xã đều phải lo mà giải quyết.

"Hiện nay từ các xã tới trung ương, nhân dân phản đối vấn đề cán bộ của đảng và nhà nước áp bức nhân dân trong vấn đề chống tham nhũng, chúng ta không thể nào để tồn tại vấn đề như thế được.

"Đây là phận sự của nhà nước phải lo giải quyết, đấy là những vấn đề nó nằm ở trong cái lõi nhân, nó không phải là vấn đề mà chúng ta coi là đơn giản đâu," ông Bùi Kiến Thành nói với cuộc hội luận trực tuyến hôm thứ Năm trên kênh Facebook của BBC News Tiếng Việt.
Một số ủy viên Bộ Chính trị hiện thời: Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính
Đưa dân vào giám sát?
Bình luận về vấn đề này cũng tại thảo luận trên, nhà phân tích chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ nói:

"Nói chung, chống tham nhũng thì là đúng rồi, nhưng mà đằng sau nó phải có một cải cách triệt để và có những cái theo tôi là phải đưa nhân dân vào không chỉ giám sát mà phải có tiếng nói một cách có trọng lượng, thì nó mới giám sát được quyền lực.

"Không chỉ giám sát quyền lực theo cách tự mình giám sát, như đảng Cộng sản nói, gần đây chúng ta thấy rằng Thanh tra Chính phủ thấy cần đưa ra một nghị định hay một văn bản có tính chất quy phạm pháp luật về giám sát tài sản của cán bộ.

"Tuy nhiên rất là lâu, từ 2019 cho đến bây giờ vẫn chưa ra được văn bản đó, một Vụ trưởng của cơ quan này đưa ra giải thích rằng sự chậm chễ này là do phải 'xin ý kiến Đảng' rất nhiều lần, vì các cơ quan Đảng, rồi của Chính phủ rất khác nhau về quản lý cán bộ.

"Người thì thuộc diện đảng quản lý, người thì thuộc chính phủ v.v…, rất nhiều cơ quan chồng chéo khác nhau, xin ý kiến rất nhiều lần mà không được và cuối cùng người ta có một phương án trung gian, tức là một văn bản phối hợp giữa các cơ quan với nhau, một bản quy ước, hay là cam kết để thỏa thuận với nhau rằng khi có tham nhũng thì các cơ quan này phải làm gì, như thế nào để cho việc chống tham nhũng, giám sát tài sản làm được.

"Còn nếu không giám sát được tài sản, thì việc nói là chống tham nhũng thì cũng bằng thừa, tức là không thể chống được tham nhũng mà người dân thì người ta lại nhìn thấy rất là rõ.

"Bởi vì tại sao ông này lúc chưa khi làm lãnh đạo thì ông nghèo thế, hoặc là bình thường thôi, thế mà tự nhiên ông làm lãnh đạo một cái thì là đủ mọi thứ có thể có từ biệt thự v.v… và những vụ kỷ luật thì cũng chưa thực sự làm thuyết phục người dân.

"Thí dụ như vụ ở Yên Bái chẳng hạn, một ông Giám đốc Sở Tài nguyên& Môi trường có một biệt thự rất lộng lẫy như thế mà được giải thích rằng đi buôn chổi đót, rồi đi làm cái này, cái kia, thì tôi nghĩ rằng chẳng người dân nào người ta ý kiến đó cho rằng là thuyết phục cả.

"Thế thì điều đó rất là quan trọng, tôi nghĩ rằng ở đây phải cải cách thể chế, thứ nhất phải rất rõ ràng là giữa đảng và chính phủ và những cơ quan chính phủ là phải thống nhất với nhau trong giải quyết vấn đề này.

"Thứ hai nữa là nhân dân phải là một trong những đối trọng rất là cần thiết, không chỉ giám sát mà còn có những ý kiến phản biện và nhà nước, đảng phải có những cơ chế để tiếp thu ý kiến của người dân một cách hết sức là chân tình, xây dựng, thì may ra mới có thể hạn chế được tham nhũng, chứ tôi chưa nói rằng là có thể triệt tiêu được tham nhũng ở đất nước này trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường," nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói với BBC.

Chụp lại hình ảnh,
Một đầm sen ở Hà Nội

Đánh thuế tham nhũng là sao?


Bình luận thêm về vấn đề này, để giải quyết hiệu quả, bản chất và cụ thể việc chống tham nhũng được cho là lâu này vẫn 'lòng vòng, không đi đến đâu', kinh tế gia Bùi Kiến Thành nêu ý kiến:

"Chúng ta phải xem những nước tiên tiến người ta giải quyết vấn đề tham nhũng như thế nào. Ví dụ như bên Pháp, tất cả các công chức mỗi năm đều khai lợi tức của mình trong năm.

"Những lợi tức nào đều có nguồn gốc mà anh nộp thuế thì không có vấn đề, nhưng mà nếu lợi tức nào mà không có nguồn gốc, thì anh phải chứng minh nguồn gốc, anh không chứng minh được nguồn gốc, nhà nước có quyền phạt anh và tịch thu tất cả những nguồn lợi tức mà không chứng minh được nguồn gốc.

"Chẳng những phạt anh mà thôi, mà còn đưa ra hình sự, phàm anh chứng minh được những việc làm của anh là hợp pháp, còn không nếu mà không hợp pháp thì xử lý hình sự anh luôn, thì nó mới rõ ràng.

"Chứ còn như những gì đưa ra Quốc hội Việt Nam, những tài sản nào không chứng minh được, những nguồn tư lợi nào không chứng minh được, thì đánh thuế. Đánh thuế như thế là cái gì?

"Đánh thuế trên tham nhũng là sao? Những tư lợi đánh cắp, tham nhũng của người ta thì làm sao gọi là đánh thuế được?

"Cho nên vấn đề đó, chính sách chưa có rõ ràng và nhà nước chưa có quyết liệt để giải quyết tham nhũng nói riêng…, từ trên xuống dưới… anh vẫn chưa có quyết tâm, quyết liệt để làm việc này.

"Đây là một việc mà Đại hội tới đây phải giải quyết sao cho quyết liệt, chứ không thể nào để như thế này cứ tiếp diễn được, mà giải pháp có chứ không phải là không có. Anh phải cố gắng nghiên cứu để áp dụng.

"Chứ còn cứ nể nang với nhau, rồi đưa ra những giải pháp cảnh cáo, rồi này nọ kia khác, nhưng chưa đi đến đâu, anh phải giải quyết thẳng thắn cả đảng viên, cũng như với nhân dân, mọi sự phải bình đẳng luật pháp, cái gì mà tham nhũng thì phải rõ ràng giải quyết theo luật tham nhũng, là phải tịch thu và nếu anh làm những việc đó bất hợp pháp, thì phải áp dụng hình sự cho rõ ràng.

"Còn như bây giờ thì không ai sợ cả, có ai sợ đâu? Anh vẫn là làm bí thư này, em vẫn là làm chức kia, vẫn tham nhũng, chẳng ai động đến anh cả, vậy ai còn sợ nữa?

"Gần đây nhiều việc rất nghiêm trọng có ảnh hưởng đến tiền đồ của Tổ quốc, của quốc gia, chứ không phải là vấn đề đơn giản đâu, nên phải khuyến cáo việc đó là phải cực kíp, quyết liệt quan tâm vấn đề này," ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire