Đỗ Ngà
Năm 2019, Việt Nam xuất hàng sang Mỹ 60,7 tỷ
đô, và nhập về 14,3 tỷ. Vậy là Việt Nam kiếm lợi từ thị trường Mỹ là 46,4 tỷ
đô. Cũng năm này, Việt Nam xuất sang Tàu 41,5 tỷ đô, và nhập về đến 75,3 tỷ đô.
Như vậy, Tàu đã kiếm lợi từ thị trường Việt Nam 33,8 tỷ đô. Nhìn vào cán cân
thương mại giữa 2 chiều giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, ta thấy trao đổi
2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ có thặng dư lớn nhất, trong khi đó trao đổi thương
mại 2 chiều giữa Tàu và Việt Nam làm cho Việt Nam thâm hụt lớn nhất.
Như vậy xét về khía cạnh kinh tế, Việt Nam làm
ăn với Tàu thì mất tiền, nhưng làm ăn với Mỹ thì được tiền. Có vẻ như nếu Việt
Nam nhả Tàu ngã về Mỹ thì đất nước sẽ giàu lên chứ? Nhưng thực tế không phải vậy.
Tuy làm ăn với Tàu thâm hụt rất lớn, nhưng nền kinh tế Việt Nam không dựa vào
Tàu thì có thể nói là tê liệt hoàn toàn. Tại sao?
Tôi là một nhà nông nhưng tôi không có khả
năng tạo cây giống nên phải mua của ông A. Trong khi đó ông A là nhà phân phối
cây giống duy nhất trên thị trường. Với cây giống ấy, tôi gieo trồng và nó cho
ra hoa quả, tôi thu hoạch và bán cho ông B. Trên thị trường, ông B không phải
là nhà tiêu thụ duy nhất với tôi, mà còn có ông C, ông D vv.. Rõ ràng ông A kiếm
lời từ tôi và tôi kiếm lời từ ông B. Tuy tôi phải mất tiền cho ông A nhưng vai trò
ông A quan trọng hơn ông B. Vì sao? Vì đơn giản, nếu ông A không bán giống thì
hệ thống sản xuất của tôi bị sụp đổ.
Tương tự như vậy, Trung Cộng hiện nay là thị
trường nguyên liệu quan trọng nhất với Việt Nam. Vai trò của Trung Cộng với nền
kinh tế Việt Nam tựa như ông A vậy. Nếu Trung cộng chặn thị trường nguyên liệu,
kinh tế Việt Nam sụp đổ. Tuy Việt Nam mất tiền cho Tàu đến 33,8 tỷ đô mỗi năm,
nhưng Tàu là kẻ đứng đầu trong chuỗi cung ứng gồm Tàu - Việt Nam - Mỹ. Nếu Mỹ
khép lại thị trường của họ với Việt Nam thì Việt Nam còn có EU để xuất khẩu. Thế
nhưng, nếu Trung Cộng khép chặt thị trường nguyên liệu với Việt Nam thì xem như
nền kinh tế Việt Nam sẽ đói nguồn nguyên liệu và dẫn đến sụp đổ ngay. Để cho nền
kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Cộng như thế, thì đó là lỗi của ĐCS trong nhiều
năm qua, giờ không để dứt Tàu ra được. Đó chỉ mới nói về khía cạnh kinh tế thì
Việt Nam có thể buông Mỹ chứ không buông Tàu.
Còn về chính trị, thì rõ ràng ĐCS Việt Nam hiện
nay đang bám vào ĐCS Tàu. Chúng ta tạm gác những hiệp ước bí mật đã được 2 ĐCS
đã ký kết qua một bên, vì đến bây giờ dân cũng chẳng biết nó mang nội dung gì. Ở
đây ta chỉ xét bề nổi mà chúng ta có thể đánh giá được. Như ta biết, việc ra
chính sách để điều hành nền kinh tế đất nước, và ra những biện pháp cai trị dân
hiệu quả, thì ĐCS Việt Nam không đủ khả năng. Từ 75 năm qua, họ chỉ biết nhập
khẩu nó từ Tàu về. Côn đồ hóa ngành công an, luật an ninh mạng, mô hình kinh tế
Đặc khu vv.. đều là hàng nhập khẩu từ Tàu. Từ năm 1986, nếu không có mô hình đi
trước của Trung Cộng thì ĐCS không có cái phao để cứu đảng khỏi sụp đổ. Nếu nói
năm 1986 là bước ngoặt mà ĐCS Việt Nam đã bẻ lái nền kinh tế theo Tàu và đã
tránh được cái đói, thì năm 1990 là chính là bước ngoặt mà ĐCS bẻ lái nền chính
trị theo Tàu bằng Hiệp ước Thành Đô. Và cho đến hôm nay, với phương pháp Tàu được
nhập khẩu, thì ĐCS đã kiểm soát người dân rất tốt. Vậy thì rõ ràng về khía cạnh
chính trị thì không bao giờ ĐCS lại buông Tàu để ngã về Mỹ được. Vì quyền lợi của
mình, ĐCS phải ôm chân Tàu bằng mọi giá.
Về địa chính trị Việt nam đang ở thế bị kẹp chặt.
Tiếp giáp trực tiếp với Trung Cộng ở phía Bắc, chịu sự đe dọa thường trực của
Trung Cộng từ hướng Đông. Phía đông dọc theo chiều dài hình chữ S, Trung Cộng đều
đang từng ngày từng giờ củng cố căn cứ quân sự trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa. Họ còn ngang nhiên muốn kiểm soát vùng trời bên trên vùng biển mà họ tuyên
bố chủ quyền một cách bất hợp pháp. Hiện nay Trung Cộng đang có dự định lập
vùng nhận diện phòng không ADIZ trên 2 quần đảo này. Việc làm này của Trung Cộng
chẳng khác nào họ đang thường trực chỉa súng vào đầu Hà Nội mà ngắm.
Xét về địa chính trị, giữa Việt Nam và Mỹ đang
có bất lợi, Mỹ cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất, trong khi đó giữa Mỹ và Việt
Nam không có hiệp ước quân sự nào, và trên Biển Đông, Mỹ cũng không có căn cứ
quân sự nào cả. Chỉ khi nào Trung Cộng ra oai thì Mỹ lù lù tiến đến, và tất
nhiên Trung Cộng không dám động chạm đến Mỹ. Quyền đi lại của Mỹ trên biển Đông
vẫn được Trung Cộng tôn trọng, nhưng nếu Hà Nội ngã về Mỹ thì chắc chắn Hà Nội
sẽ không thể thoát khỏi nanh vuốt của Bắc Kinh.
Từ nhiều năm nay, việc Mỹ thắt chặt quan hệ
quân sự với Việt Nam chỉ giới hạn ở mức giao lưu, ngoài ra không có sự tiến triển
nào. Phần vì ĐCS Việt Nam dè chừng Mỹ hơn Trung Cộng, phần vì CS Việt Nam rất sợ
Tàu. Nếu xét cả 3 khía cạnh về kinh tế, chính trị và địa chính trị thì rõ ràng
Việt Nam không thể nào tách khỏi Tàu được. Không bao giờ. Nhiều người cho rằng,
CS thực hiện chính sách ngoại giao “đu dây” giữa Mỹ và Tàu, nhưng thực tế CSVN
chỉ đu Tàu chứ chẳng phải đu dây giữa 2 phía. CS chơi với Mỹ là vì thị trường Mỹ
mang lại cho họ hơn 40 tỷ đô mỗi năm. Hết.
Vừa rồi trên mạng có lan truyền bài báo của Tổng
Biên tập “Thời báo Hoàn Cầu” (Global Times) Trung Cộng - Hồ Tích Tiến. Nội dung
bài báo tựu chung là cảnh cáo Việt Nam “không được ăn ở hai lòng”. Trung Cộng
là vậy, truyền thông của họ vốn rất xấc láo và hay lên giọng kẻ cả với Việt
Nam, việc này không phải là lần đầu. Chỉ là cảnh cáo vậy thôi, chứ nếu không cảnh
cáo thì có cho vàng ĐCS Việt Nam cũng không dám ngả về Mỹ. Với kinh tế, chính
trị và vị trí địa chính trị đều không cho phép thì làm sao ĐCS dám ngã về Mỹ?
Thực tế, ĐCS Việt Nam đang nằm gọn trong rọ Tàu thì làm gì được? Chỉ có vâng lời
quan thầy thôi, không đường nào khác đâu.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire