Thiện Tùng
27/8/2020
Sau Đại
hội lần thứ VI tháng 12/1986, Đảng CSVN chuyển đổi từ kinh tế “Tập trung bao cấp” sang “Kinh tế thị trương định hường XHCN”. Trong lúc giao thời nầy, những kẻ cơ hội ứng lên gặm nhấm
của công không sao cản nổi.
Tổng
Bí Thư ĐCSVN
Nguyễn văn Linh (Mười Cúc)
|
Lúc bấy
giờ chưa gọi “tham
nhũng” mà gọi là “tiêu cực”. Trong cuộc họp mặt tất niên ở TP HCM, Tổng Bí thư Nguyễn văn
Linh dẫn lời Lenin: “Cho
tôi một tổ chức tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga”. Ngoài chủ trương “đổi mới báo chí”, ông Linh đặt vấn đề: “Đã nói Đảng lãnh đạo toàn
diện, tuyệt đối thì Đảng cũng phải chịu trách nhiệm toàn diện tuyệt đối trước
Dân”. Muốn có sức mạnh, những người ít nhiều có tham gia kháng chiến, bao gồm
đương nhiệm và hưu trí, phải tập hợp lại thành tổ chức mới đủ mạnh, mới trấn áp
được nạn tiêu cực trong xã hội, bảo vệ thanh thế và sự nghiệp Cách mạng, đưa đất
nước chuyển sang giai đoạn mới” .
Từ đó, trên nhựt báo” Sài Gòn Giải phóng” hàng ngày đều có bài
viết mang tính chất chỉ điểm “Những việc cần
làm ngay” của
tác giả viết tắt NVL (có lẽ là của Nguyễn văn Linh?).
Sau đó
không lâu, “Câu
lạc bộ (CLB)những người kháng chiến cũ” do ông Nguyễn Hộ làm chủ nhiệm, ông Tạ Bá Tòng làm phó chủ nhiệm.
Chỉ trong thời gian ngắn, CLB nầy kết nạp hơn 10.000 người ít nhiều có tham gia
kháng chiến vào tổ chức, đa số ở TP HCM. Sau khi hình thành ban bệ chuyên sâu,
CLB tổ chức cuộc họp toàn thể ra mắt tại công viên Tao Đàn, có cảnh sát bảo vệ.
Sau phần nội dung chính, các chị mặc áo bà ba, khăn rằng, đơn hoặc hợp ca những
bài hát ra đời trong kháng chiến. Mục Văn nghệ nầy, chị Hồ thị Bi anh hùng Quân
đội và chị Huệ vợ ông Linh hăng hái, sôi nổi nhứt.
Những
tháng năm tiếp theo, các vị tham gia CLB “Những người kháng chiến cũ” TP HCM về
địa phương mình vận động thành lập “Hội
những người kháng chiến” như các tỉnh
Sông Bé (Phước Long+Bình Long+Thủ Đầu Một); tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long+Trà Vinh);
tỉnh An Giang..v.v..
Được biết:
HCKC ở Sông Bé do bà Kỳ Hương, đương nhiệm phó Ban Tổ chức Tình ủy, ông Ba Hà,
đương nhiệm phó Chủ tịch Sông Bé làm trưởng và phó Chủ tịch Hội / HCKC ở tỉnh Cửu Long do ông Nguyễn văn Đông,
đương nhiệm trưởng Ban Nội chính Tỉnh làm Chủ tịch Hội / HCKC ở An Giang do ông Tư An, cựu
Khu ủy viên thời chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy An giang sau 1975 làm Chủ tịch Hội.
Khi biết
ở tỉnh Tiền Giang có 14 người tham gia “CLB những ngưới kháng chiến cũ” TP HCM, trong một cuộc họp, ông Huỳnh văn Niềm, Bí thư Tỉnh ủy Tiền
Giang nói: “Tiền
Giang là một tỉnh cấp ngang TP HCM mà những người ở đây tham gia CLB kháng chiến
TP HCM coi sao được?!”
Nghe
ông Niềm nói thế, 14 người ở Tiền Giang, vốn là hội viên “CLB những người kháng
chiến cũ” TP HCM, họp trao đổi đi đến quyết định xin thành lập “Hội Cựu kháng chiến” ở tỉnh Tiền Giang. Các anh cho rằng xin chỉ là thủ tục, cho là
cầm chắc, vì ngoài Hiến pháp và nghị quyết Hội nghị Đảng CSVN lần thứ 8/khóa VI
cho phép và khuyến khích nhân dân “lập Hội”. Hơn nữa, đây còn là chủ trương của Tổng Bí thư Nguyễn
văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Các ông
chọn 5 người có nhiều tuổi Đảng, có thâm niên kháng chiến cao lập ra Ban vận động gồm các ông: Lê Quang Chuẩn, Phạm
văn Kim, Phẩm văn Giáo, Chung Thoại Cường, Minh Cương. Ban nầy có 3 trách nhiệm:
thảo cương lĩnh, viết đơn xin lập Hội, vận động hội viên.
Tuy ở tỉnh
Tiền Giang chưa lập HCKC, nhưng những
người có tham gia Kháng chiến kết hợp với báo Ấp Bắc tấn công bọn tiêu cực
không kịp vuốt mặt, phá nhiều vụ án lớn có liên quan đến quan chức như: Băng cướp
Nguyễn Hữu Phước / Vụ tổ chức vượt biên bằng tàu chiến (tàu sắt) / Vụ án Hùng Liều / Vụ án
Hồng Hà tổ chức vượt biên / Vụ hụi Bình Trưng..v.v… và biết bao vụ án nhỏ
khác.
Biến cố
bất ngờ: Năm 1989, các Đảng CS Châu Âu bắt đầu sụp đổ / Năm 1990 ông Linh dẫn đầu
phái đoàn Đảng CS VN sang mật nghị với Đảng CSTQ ở Thành Đô “hòa hiếu” với TQ / Năm 1991 Liên bang Xô Viết (Lien Xô) tan rã.
Có lẽ
vì sợ “mất Đảng”, ông Linh không viết chuyên mục “Những
việc cần làm ngay” nữa. Thay vì chỉ đạo Báo
Chí và Người kháng chiến ngưng tấn công “tiêu cực”, Ông lại chỉ đạo mật cho các
địa phương kiểm điểm xử lý kỷ luật đối với Báo chí và HCKC. Ông nói rằng: Địch
đang “chuyển
lửa về quê nhà”, Báo Chí và HCKC đang là chỗ dựa cho “thế lực thù địch” lợi dụng
gây mất đoàn kết nội bộ.
Trước
đó, trong cuộc họp Báo Chí toàn quốc ngợi ca: báo Sài Gòn Giải phóng, báo Tuổi
Trẻ, báo Ấp Bắc Tiền Giang, Tạp chí Sông Hương bao nhiêu thì giờ đây chúng bị no đòn bấy nhiêu: Anh Tô Hòa, tổng biên
tập báo Sài Gòn bị cách chức cho nghỉ hưu / Chị Vũ Kim Hạnh, tổng biên tập báo
Tuồi Trẻ bị cách chức, chuyển công tác khác / Anh Trần Bửu, Kim Tinh, tổng và
phó tổng Biên tập báo Ấp Bắc bị khiển trách, thôi giữ chức, chuyển công tác
khác / Tạp chí Sông Hương bị đình bản, Tổng biên tập là ông Nguyên Ngọc, có bị
kỷ luật gì không tôi không rõ.
Riêng “CLB Những người kháng chiên
cũ” TP HCM: Hai ông Nguyễn Hộ và Tạ
Bá Tòng, chù nhiệm và phó chủ nhiệm bị cách chức. Thay ông Hộ là ông Phan văn Đáng (Hai Văn), cựu phó Bí
thư Trung ương Cục; Thay ông Tạ Bá Tòng là là ông Huỳnh Thanh Mua (Ba Tòng), cựu Bí thư Đảng ủy Liên cơ thuộc
Trung ương Cục. Từ đó, CLB nầy có xác mà không hồn. Các HCKC Sông Bé, Cữu Long,
An Giang bị vô hiệu hóa. Các vị cầm đầu có bị kỷ luật gì không và chúng tan rã
khi nào tôi không được biết. Chỉ biết bọn “tiêu cực” hồi sinh, phản kích mang
tính chất trả thù ghê gớm!.
Không
như các địa phương khác, như đã nói, báo
Ấp Bắc lại trở về thời “đồ đá”; còn đơn xin lập HCKC của 57 người ký
tên, anh Xuân phó văn phòng Tỉnh ủy, thừa lịnh Tỉnh ủy bác đơn xin. Đâu chỉ thế,
Tỉnh ủy còn “Sống
không dung, Chết không tha” đối với 57
người nầy.
1/ Sống không dung
Tưởng
không cho, không thành lập HCKC là yên. Không ngờ, liền sau đó, Tỉnh ủy Tiền
Giang cấp tốc lập Đoàn đặc nhiệm, do ông Tám Trung, ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, trưởng
Ban Kiểm tra TU làm trưởng Đoàn, anh Thanh Hùng, phó Ban Tổ chức TU làm phó
Đoàn. Dựa vào danh sách 57 người đứng tên xin lập HCKC tiến hành kiểm điểm từng
người trong số tại cơ sở Đảng họ đang sinh hoạt.
Từng cuộc
kiểm, Đoàn dàn trận như một phiên tòa, “can phạm” chỉ được nói khi Đoàn cho
phép. Qua kiểm điểm 10 người sao thấy rập khuôn. Dường như Đoàn đã định sẳn tội
trạng và mức kỷ luật từng người. Người được đưa lên bàn mỗ, bị các thành viên
trong Đoàn thay phiên mỗ xẻ, ít nhiều cũng bị phỉ báng, hạ uy thế. Cuối cùng gắn
cho 2 tội:
- Lợi dụng chống tiêu cực phê phán lung tung,
gây mất đoàn kết nội bộ, mất uy tín địa phương, làm ảnh hưởng xấu cho chế độ.
- Xin lập HCKC, một tồ chức phản động trá hình
để chống phá Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN).
Mục định
mức kỷ luật, tập thể đóng góp và biểu
quyết chỉ là hình thức trang trí dân chủ, không thể vượt qua ý đồ Đoàn đã định sẵn. Nếu biểu quyết
phiếu thuận không số ấn định được mức kỷ luật của Đoàn đã định thì neo lại và sẽ
được cấp Tỉnh quyết định nguội, bất khả kháng.
Làm
theo kiểu áp đặt nầy gây bất bình không chỉ với người bị kiểm điểm mà còn lan rộng
trong đại đa số người dự . Nếu ai đó thuộc diện người tham dự, không ém được tức
giận, nói ra điều gì đó bất lợi cho Đoàn, không sớm thì chầy cũng đì ngầm “chậm
lớn”, cao nhứt là cho thôi việc. Việc làm nầy sao giống “Đoàn anh Đội” thực hiện trong “Cải
cách ruộng đất” ở miền Bắc trước kia.
Dường
như kiểm điểm 57 người xin lập HCKC nầy nhằm hủy diệt sinh mang chính trị chớ
không phải đấu tranh xây dựng. Kiểu làm nầy khiến cho đương sự tâm và khẩu đều
không phục, mỗi người có kiểu phản ứng khác nhau:
Khiểm
ông Lê Quang Chuẩn và bác sĩ Trần Khải Siêu: Cả hai đều là cán bộ trung cấp Đảng. Sau phần luận tội, mục biểu
quyết khai trừ khỏi Đảng, cả đảng bộ Phường 5 chỉ có 3 phiếu thuận. Không khai
trừ 2 ông nầy được, Đoàn tiếp tục “khai thông tư tưởng để biểu quyết lần 2 .
Khi biểu quyết lần 2 cũng không hề thay
đổi kết quả. Hai ông nầy bực quá, lần lượt móc thẻ Đảng ra và nói: “Đây là thẻ Đảng của tôi,
tôi gởi các anh, khi nào các anh thấy tôi xứng đáng giao lại”. Thế rồi tháng lụn năm dài, ông Chuẩn qua đời, ông Siêu bịnh liệt
giường mà thẻ Đảng của các ông có đi mà không có lại!.
Kiểm
ông Chung Thoại Cường, đại tá tình báo Trung ương đã nghỉ hưu. Không như những người
khác, đối với ông Cường, Đoàn tăng thêm
ông Võ văn Hai (Ba Bá), phó Bí thư thường trục Tỉnh ủy. Phần tự phong, ông Cường
thấy mình không có lỗi. Phần biểu quyết khai trừ Đảng, cả đảng bộ xã Đạo Thạnh
chỉ có ông Tư Như, cựu trưởng Ban Kiểm tra Thành ủy Mỹ Tho bỏ phiếu thuận. Cuộc
họp không khai trừ được ông Cường tại chỗ, khoảng tháng sau, Tỉnh Đảng bộ gởi
quyết định khai trừ ông Cường ra khỏi Đảng. Liền sau đó rút anh Chiến, Bí thư
xã Đạo Thạnh, cử người khác thay thế.
Kiểm
điểm ông Ba Lợi (Nguyễn Thanh Sơn): Ông Sơn là cán bộ tiền khởi nghĩa trước1945, trung cấp Đảng,
hơn 50 tuổi Đảng, đã nghỉ hưu. Những người trong Đoàn thay phiên nhau nói đã rồi
biểu quyết khai trừ ông Lợi ra khỏi Đảng. Cả
đảng bộ Phường 5 không có phiếu thuận với Đoàn, đành phải chờ xin ý kiến
Tỉnh ủy.
Ít lâu
sau, đại tá Sơn đến giao cho ông Lợi sổ cán bộ Cao niên, mỗi tháng lãnh
250.000đ. Thế rồi đại tá Sơn nói: “Tỉnh
ủy đã quyết khai trừ anh ra khỏi Đảng, đây là quyết định. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo thu hồi thẻ Đảng và Huy hiệu 50 năm
tuổi Đảng của anh”.
Ông Lợi
nói ngay: “Tôi
thuộc diện Trung ương (TW) quản lý, khi nào có lịnh TW tôi sẽ giao thẻ Đảng.
Còn Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tôi không thể giao, vì đó là sự ghi nhận tôi đã
trải qua ngần ấy năm là thành viên của Đảng. Đó là sự thật, có quyết định của cấp
trên. Nó thuộc về tiểu sử của tôi. Nếu tôi giao nó cho các anh thì mất đi vật
chứng. Chẳng lẽ rồi đây tôi phải khai man lý lịch rằng 50 năm ấy tôi chẳng làm
gì và không ở đâu cả sao?!. Ngày tôi bị khai trừ Đảng là các anh xô tôi ra khỏi
hàng ngũ Đảng, tôi đâu có tính thêm thâm niên Đảng mà sợ?”
Trước cứng
rắn, rạch ròi của ông Lợi, đại tá Sơn chỉ phải nói: “Thôi được rồi, tôi sẽ báo ý anh với Tỉnh ủy”.
Thế rồi
từ đó, ông Lợi không được Phường mời dự sinh hoạt Đảng định kỳ hàng tháng. Ông
bị đối xử như một phó thường dân đến khi qua đời.
Kiểm
điểm ông Chín Thảo: Ông Thảo là
cán bộ trung cấp Đảng, đang là Chủ tịch
Hội hữu nghị Việt-Xô tỉnh Tiền Giang. Sau bước luận tội vu vơ, Đoàn biểu quyết khai trừ ông ra khỏi Đảng, đa
số đảng viên trong chi bộ không đồng tình. Trưởng Đoàn tiếp tục khai thông tư
tưởng để biểu quyết lần 2, phó Đoàn
(Thanh Hùng) nói: “Tỉnh
ủy đã cân nhắc kỹ đi đến quyết định khai
trừ đồng chí Chín Thảo ra khỏi Đảng và hạ một bậc lương trước khi cho nghỉ hưu, chúng ta phải tuân thủ quyết định của Tỉnh ủy…”.
Ông Thảo
nén giận, nói: “Không
cần biểu quyết tới lui chi cho mất thì giờ, khai gì đó khai, trừ gì đó trừ, hạ
gì đó hạ, nghỉ thì nghỉ, ‘Quân xử Thần phải tử’ thôi, đừng nói nữa chi cho thêm
mệt”.
..v.v…
Tỉnh ủy
Tiền Giang mạnh tay trừng phạt hòng giết chết sinh mạng chính trị 57 cán bộ
đương nhiệm và hưu trí xin lập HCKC. Việc làm ấy gây bất bình sâu rộng trong đội
ngũ cán bộ, đảng viên. Việc làm ấy khiến người ta liên tưởng đến thời anh em Diệm-Nhu
mở chiến dịch khủng bố “những
người kháng chiến cũ” vào những
năm cuối thập niên 50, cao điểm là Luật 10/59. Trong số người bất bình ấy có
ông Đào văn Tùng.
Không
thể mắt lấp tai ngơ trước cảnh tình ấy, tôi (Tùng) viết thư gởi Ban Thường vu Tỉnh
ủy tỉnh Tiền Giang. Thư tôi viết ngắn gọn,
rạch ròi:
<<…Người ta xin lập HCKC là phù hợp với điều 67 Hiến
pháp hiện hành (HP1982) và phù hợp với nghị quyết Hội nghị lần thứ 8/khóa 6 là khuyến
khích nhân dân lập Hội. Xin là quyền của người ta, cho hay không là quyền của
mình. Xin không cho mà làm ẩu tất nhiên phải kiểm điểm phê phán. Đàng nầy, họ
xin, mình không cho, họ không làm thì việc gì phải “cay đắng” đối với họ?!. Người
ta xin lập Hội mình không cho, họ không lập, thế sao mình buộc người ta phải viết
đơn xin ra khỏi Hội - có Hội đâu mà ra?!. Sao nỡ xuống tay đối
với 57 người xin lập HCKC do Tổng Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Bộ trương khuyến
khích?!. Lịch sử và chiến công của 57 người nầy chưa đủ để chứng minh họ là những
người trung kiên, trung thực sao?. Nhiều lắm họ cũng chỉ tham gia viết báo,
tham gia diễn đàn phê phán bọn sâu dân mọt nước?. Nếu họ là những người không đủ
tư cách đảng viên thì chẳng mấy ai đủ tư cách? >>.
Ngỡ rằng,
thư can gián gợi suy phòng “tả” của mình
góp phần với lãnh đạo gở rối, khôi phục hòa khí trong nội bộ. Nào ngờ, từ bức
thư đó, tôi bị liệt vào tội đồng lỏa, số lượng “xử tội” được nâng lên 57+1=58
(1 mới là tôi). Từ đó, dường như tôi trở thành đối tượng số 1 của cuộc “truy
quét” nầy.
Chẳng phải như thế rồi
thôi đâu: Thường vụ Tỉnh ủy cử ông Tám Trung, ủy viên thường vụ Tỉnh ủy; anh
Chí Công, phó Bí thư Thành ủy TP Mỹ Tho cùng với một số cán bộ 2 Ban Tổ chức và
Kiểm tra Tỉnh và Thành ủy TP Mỹ Tho mời tôi dự cuộc họp ở “Nhà trắng”- nhà làm việc của khối Đảng Tỉnh
do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế hệt như Dinh độc Lập (dinh Thống nhứt) ở
Sài Gòn.
Đoán
biết mình bị cáo buộc tội gì đây. Khi bước vào phòng họp, tôi cãm thấy mình lẻ
loi trước đông đảo người đang nói cười hả hê. Sau bước gật đầu chào thủ lễ với
nhau, ông Tám Trung đứng lên nói lý do cuộc họp rồi vào đề ngay. Ông Trung hỏi
tôi:
-
Cái thư nầy có phải của anh viết không?
-
Tôi xem rồi nói: “Phải, tôi gởi cho Ban thường vụ TU. Có chuyện gì không anh
Tám?.
-
Thường vụ TU bảo anh phải viết thư xin lỗi về sự phạm thượng của mình.
-
Phiền anh đọc thư nầy cho mọi người nghe rồi phân tích xem tôi phạm thượng ở chỗ
nào - tôi nói.
Anh
Trung vốn nói “tiếng trống tiếng mái” đọc giọng khàn khàn rất khó nghe. Thấy vậy,
anh Hòa xin đọc thay. Khi anh Hòa đọc xong, anh Trung cố mời gọi mà chẳng ai có
ý kiến gì. Chờ mãi có vẻ nóng lòng, anh Trung nói:
-
Nội dung thư anh viết có tính chất dạy đời. Đã thế thì phạm thượng chớ còn gì?.
-
Những gì đề cập trong thư chẳng qua là tôi nói thực trạng những gì các anh đã
nói và làm đối với 57 người xin lập HCKC. Đó chẳng qua “thẳng mực tàu đau lòng gỗ”
thôi – tôi nói.
-
Chúng tôi chưa coi những người xin lập HCKC là địch, nhưng hành động của những
người ấy ít nhiều có nối giáo cho địch. Sao anh lại đứng về phía họ? – anh
Trung nói.
- Hành động của những người ấy vừa qua có gì
sai trái? – tôi hỏi.
-
Lợi dụng “Đổi mới”, lợi dụng chủ trương chống “tiêu cực” làm rối bời lên, làm mất
uy tín địa phương, ảnh hửng xấu cho chế độ. Nếu họ không phải là địch thì cũng
là hành động thù địch. Phải thực hiện chuyên chính đối với họ - anh Hòa nói.
-
Vạch mặt bọn mọt nước sâu dân là địch sao? Hai lực
lượng kình chống nhau chưa phân thắng bại thì bên nầy được gọi bên kia là địch?.
Theo tôi phải lấy lợi ích nhân dân để làm thước đo mới biết phía nào đúng sai?
“Đổi mới” gần như đồng nghĩa với “Cải tổ”,
tức là xây dựng lại cái đã xây dựng không còn phù hợp, kể cả con người?. – tôi
lập luận phản biện.
-
Hiện nay những “thế lực thù địch” bên ngoài đang ra sức chống phá ta, chúng
“đang chuyển lửa về quê nhà”- anh Trung cảnh báo.
-
Có thể có như vậy – tôi nói: Theo tôi điều đó không có gì đáng sợ, mang lửa về
mà không có “bổi” thì tự nướng mình? Nếu
chúng ta cứ hành xử không hợp lòng dân như hiện nay thì dân sẽ là “bổi” bốc
cháy thiêu rụi ta?.
-
Thôi, không tranh luận bao đồng nữa. Bây giớ anh Tùng nghĩ gì về bức thư của
anh? - anh Trung lại nói về bức thư.
-
Sai lầm của tôi là dại dột nói cho những người “chì
biết nói cho người ta nghe chớ không chịu nghe người ta nói, chỉ thích khen chớ
không thích chê”. Hiện giờ tôi vẫn chưa thấy lỗi
nên chưa xin lỗi.
Với
vẻ bực mình, anh Trung sang chuyện khác:
-
Anh Tùng là Hội viên “CLB những người kháng chiến cũ”
TP HCM phải không?
- Phải.
Đâu phải chỉ một mình tôi mà có cả thảy đến 14 người công khai tham gia. Anh
Nguyễn Trọng Xuất, trưởng văn phòng Thành ủy, kiêm trưởng văn phòng CLB những
người kháng chiến cũ TP HCM cung cấp cho Tổ chức tỉnh ta lâu rồi bộ anh Tám
không biết sao?.
- Đó là
tổ chức phản động anh có biết không? – anh Trung quả quyết.
- Tôi
chỉ mới nghe anh nói. Bài anh Nguyễn Võ
Danh, phó Bí thư thường trục Thành ủy TPHCM viết đăng trên đặc san số 4 của CLB
ấy. Anh Danh bác
bỏ dư luận nói CLB ấy phản động. CLB ấy có gởi
tặng cho tỉnh Tiền Giang ta 20 cuốn. Tôi và anh Hồ Đắc Liêm đến thăm ông Lê văn Phẩm (Chín Hải), cựu Bí thư tỉnh ta,
thấy đặc san số 4 chất một chồng, tôi và
anh Liêm xớt mỗi người một cuốn. Bộ anh Tám chưa đọc sao mà nói thế?
Anh Trung ậm ờ rồi nói: “Thôi nó làm sao kệ nó, đó
là chuyện của người ta. Còn anh Tùng, Thường vụ bảo anh giao cho chúng tôi thẻ
Hội viên và rút tên ra khỏi CLB trên”.
Tôi
chìa ra quyết định thành lập “CLB
những người kháng chiến” TP HCM do ông Trần văn Cầu, chủ tịch Mặt Trận đề nghị; ông Phan
văn Khải, Chủ tịch Ủy quyết định; ông Nguyễn Văn chuẩn y. Tôi nói: “Một tổ chức hợp pháp thì mọi
thành viên của nó cũng hợp pháp. Chỉ có Ban lãnh đạo của nó mới có quyền khai
trừ hội viên?. Nói cho đạt lý thấu tình như vậy, chớ tôi là đảng viên của tỉnh nầy, nếu Tỉnh ủy
quyết thu hồi thẻ ấy thì tôi phải chấp
nhận, nhưng với điều kiện: Thu hồi thẻ Hội viên của tôi phải nói rõ lý do và ký tên,
đóng dấu rõ ràng để tôi làm chứng cứ rút tên ra khỏi CLB ấy . Vì nó là một tổ
chức hợp pháp, đàng hoàng chớ không phải một cái chợ, ai muốn vô thì vô muốn ra
thì ra?”.
Anh
Trung hất hàm ra lịnh: “Tôi
ủy quyền cho đồng chí Vân, Ban kiểm tra TP Mỹ Tho làm thủ tục, thu hồi thẻ Hội
viên “CLB những người kháng chiến” TP HCM của anh Tùng gởi về cho tôi để trình
báo với Tỉnh ủy”.
Ông Cầu đề nghị, ông Khải quyết định, ông Linh chuẩn y. |
Đúng là “Tiền hung hậu kiết”: anh Trung tuyên
bố cuộc họp kết thúc và nói vì bận việc phải về. Một số cùng anh Trung ra về,
một số nán lại chuyện trò vui vẻ với tôi. Chí Công vỗ vai tôi nói: “Bữa nay nhờ anh nói cặn kẽ
tôi mới biết những điều chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ, xin cám ơn anh”.
Ơn
nghĩa gì, đó chẳng qua tôi phải trương những sự thật ra để bảo vệ mình. Thôi
chúng ta về cũng trưa rồi.
*
Tàn cuộc
“truy quét” nầy, những người xin lập HCKC ở Tiền Giang lớp chết lớp bị thương:
- 7 người
bị khai trừ đảng đều là cán bộ trung cấp đảng: Sáu Chuẩn, Ba Lợi, Bảy Siêu,
Chín Thảo, Kim Tinh, Năm Cường, Một Đạt.
- 5 người
trả thẻ đảng cũng đều là cán bộ trung cấp Đảng: Sáu Tùng,
Sáu Trung, Ba Chí, Tư Chân, Ba Thanh – Sáu Tùng là người trả thẻ đảng đầu tiên.
- Một số khá đông đảng viên không nằm trong số
58 người nầy buồn chán, tìm cách bỏ sinh hoạt đảng.
Riêng với
Đào văn Tùng (Sáu Tùng), sau khi trả thẻ Đảng, bà Trần thị Thắng, Bí thư Thành ủy
TP Mỹ Tho 3 lần đến gặp trực tiếp Tùng nói: “Anh Ba Niềm, Bí thư Tỉnh ủy bảo tôi nói với anh (Tùng)
nhận lại thẻ đảng”. Tôi nói lại:“Trước đây tôi xin vào Đảng
Lao động Việt Nam chớ không hề xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì không thích hợp
với Đảng CSVN nên tôi đã từ chức, giờ đây tôi trả thẻ đảng coi như xong. Cám ơn
các anh chị đã quan tâm đến tôi, nhưng tôi không thể làm khác”.
2/ Chết không tha
Không
thấy có văn bản chỉ đạo, nhưng lễ tang những người xin lập HCKC ở Tiền Giang có
khác biệt với những quan chức khác dù
cùng thứ hạng, cấp bực. Điều dễ thấy nhứt, quan chức khác chết làm rình rang,
nhiều đoàn cơ quan đơn vị đến phúng viếng rất đông, tràng hoa không đủ chỗ để,
dân viếng thưa thớt; còn mấy người xin lập HCKC thì ngược lại:
Đám tang ông Lê Quang Chuẩn: Cán bộ tiền
khởi nghĩa 1945, trung cấp Đảng, 50 năm tuổi Đảng. Ông là bạn thân với cụ Tôn Đức
Thắng khi cùng ngồi tù ở Côn Sơn. Lệ giỗ hàng năm cho cụ Tôn, Tỉnh ủy An Giang
đều cho xe rước ông Chuẩn đến dự tại cù lao Ông Hổ, quê nhà của cụ Tôn. Khi ông
Chuẩn bị buộc tội xin lập HCKC, Tỉnh ủy An Giang không rước Ông dự giỗ cụ Tôn nữa.
Lễ tang
của ông Chuẩn do vợ con ông tổ chức tại tư gia. Nhà ông đối diện Ủy ban Nhân
dân Phường 5, đường Ấp Bắc. Nhân dân đến viếng rất đông. Lai rai có một ít anh
chị công tác ở phường rón rén đến viếng với tư cách cá nhân.
Đám tang ông Sáu Trung (Sáu Thiệu): Ông Trung là cán bộ tiền khởi nghĩa 1945, cán bộ trung cấp Đảng,
hơn 50 năm tuổi Đảng. Vợ ông là bà Năm Lan, ủy viên thường vụ Thành ủy Mỹ Tho.
Ông Trung là cựu Bí thư Huyện
ủy Bình Đại thời Bến Tre Đồng khởi, cựu giảng viên trường Đảng Trần Phú thuộc Khu Trung Nam bộ, cựu Thành ủy viên TP Mỹ Tho sau
1975.
Lễ tang
ông Trung do vợ con ông tổ chức tại gia, dân đến viếng rất đông, chỉ một ít
nhơn viên, cán bộ Phường 6 rón rén đến viếng với tư cách cá nhân.
Bà Nguyễn
thị Hoài Thu, đại biểu Quốc hội hay tin về viếng nguội. Sau khi viếng, bà Thu
không hài lòng về việc phân biệt đối xử với ông Trung, cằn nhằn thế nào đó, làm
phật lòng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Đàm tang ông Nguyễn Thanh Sơn (Ba Lợi): Cán bộ tiền
khởi nghĩa 1945, trung cấp Đảng, hơn 50 năm tuổi Đảng. Vợ ông Lợi là bà bác sĩ
Nguyệt, cựu phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang. Nhà ông Lợi cách UBND phừơng 5 chừng
500m. Ông Lợi chết đột quỵ.
Bà Nguyệt
cùng các con tổ chức tang lễ cho ông Lợi tại tư gia. Ông Tám Truyền, cán bộ nghỉ
hưu, làm “tài khôn” tự ý gọi điện thoại báo cho Phường 5, Sở Y tế, Ban Tổ chức
TU. Rốt cuộc, chỉ lẹt đẹt vài người đến viếng với tư cách cá nhân, còn dân thì chen nhau
phúng viếng.
Đám tang ông Chung Thoại Cường: Ông Cường là đại tá tình
báo chiến lược Trung ương. Mặc dầu đã nghỉ hưu, nhưng ông tình nguyện tham gia
hoạt động ở chiến trường biên giới Tây-Nam trong những năm cuối thập niên 70.
Ông Cường lâm bịnh, điều trị và chết ở Sài Gòn.
Tổng cục
Tình báo Quân đội tổ chức lễ tang ông rất rình rang. Bí thư xã Đạo Thạnh cùng
vài người lén đến viếng. Sau lễ tang, thi hài ông đưa đi thiêu theo lời đặn của
ông. Sau khi thiêu, Tổng Cục Tình báo cho đoàn xe đưa hủ tro về ông bên bờ sông
Bảo Định, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vào chiều tối. Nhà thì ọt ẹp
đèn không đủ sáng, đến dự chỉ có khoảng chục người gồm chiến hữu và cán bộ Xã với
tư cách cá nhân đến chia buồn. Sáng hôm sau, thằng Bình, đứa con trai duy nhứt
của ông đem hủ tro ra rải ở vàm sông Bảo định theo ý nguyện của Ông.
Chuyện
hy hữu (ít có): Trước khi ông Cường mất chừng 1 năm, ông Vũ Ngọc Nhạ đến Tiền
Giang theo lời mời của Tỉnh để nói về hoạt động Tình báo. Ông Nhạ ghé rước ông
Cường tham dự cuộc nói chuyện nầy tại Nhà Văn hóa Trung tâm. Trước khi vào nội
dung chính, ông Nhạ trịnh trọng giới thiệu: “Anh Năm Cường đây là thủ trưởng trục tiếp của
tôi, nếu không có anh Cường tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Một phó
giám đốc Sở Công an Tiền Giang khều tôi (Tùng) nói nhỏ: “Sao nói ông Cường nầy là phần
tử chống đối, phản động, đã bị khai trừ đảng mà giờ đây ông Nhạ lại đề cao ông ấy
là sao?”. Tôi nói lại: “Ai nói ông ấy phản động thì
hỏi người đó, sao lại hỏi tôi làn sao tôi biết được?! ”.
Đám tang ông Phẩm văn Giáo (Ba Giảng): Ông Giáo là cán bộ tiền khởi
nghĩa 1945, cán bộ cao cấp, hơn 50 tuổi Đảng, quê ở huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, cựu Bí thư Tỉnh ủy
Kiến Tường trong thời chiến, cựu hiệu trưởng trường Lương thực Trung ương. Khi
nghỉ hưu, ông và vợ mua căn nhà cấp 4 ở đường Tết Mậu Thân (Tây Hồ nước TP Mỹ
Tho). Ông là 1 trong 5 người thuộc Ban vận
động xin lập HCKC tiền Giang.
Khi ông qua đời tỉnh
Tiền giang cử người làm đám tang cho lấy có tại Câu lạc bộ Hưu trí. Khi Đoàn tỉnh
Long An đến viếng, thấy vậy mũi lòng, xin và được tỉnh Tiền Giang chấp nhận,
Đoàn Long an chuyển quan tài ông Giáo về
hội trường Thống Nhứt tỉnh Long An làm tang lễ rình rang, nghe đâu có rất
nhiều đoàn địa phương và Trung ương đến viếng.
Đám tang ông Nguyễn Hữu Chí: Ông Chí bút danh là Sĩ Tâm, là bộ đội tập kết
ra Bắc năm 1954. Vì thể lực kém, ông được
chuyển sang ngành Giáo dục. Năm 1965 (là phải?), Ông cùng một số người khác vượt
Trường Sơn về Nam
chống Mỹ. Sau 1975, ông làm giáo viên dạy
Văn và Toán. Sau đó ông được cử làm phó Ban Tuyển sinh Tỉnh. Ông có vợ và 2 đứa
con, 1 trai, 1 gái. Vợ ông là cô giáo Điệp và đứa con gái chết thảm vì sự bất cẩn
của anh Đằng, lái xe cho Bí thư TU Huỳnh văn Niềm cán chết một lúc.
Ông Chì
cam phận “gà trống nuôi con”. Khổ nỗi, ông Chí bị bịnh xuyển, vai rút, tướng đi
như cò ho lao. Khi thằng Thông, đứa con trai của anh tốt nghiệp Đại học Bách
khoa (khoa Mỹ thuật Công nghệ) và xin được việc làm ở Công ty Nhựa Sài Gòn, ông
bán nhà ở Mỹ Tho lên Sài Gòn mua được cái nhà lụp xụp trong hẽm. Vì chưa đến
ngày giao nhận, ông xin vào trại dưỡng lão ở tạm. Ông lâm bịnh nghẹt thở, đưa
vào bịnh viện Chợ Rẫy cấp cứu rồi chết ở
đó.
Khi ông
Chí qua đời, thằng Thông, con ông, xin bịnh viện để ông ở nhà xác rồi rước công
ty Mai táng đến tẩn lịm trong đêm. Sáng hôm sau, Thông cùng ba bạn học đưa xác ông Chí đến lò thiêu theo tâm
nguyện của ông. Khi đem hủ tro về, còn 5 ngày nữa mới nhận nhà, sợ người ta rầy,
Thông giấu kỹ hủ tro trong túi xách, khi đi làm việc mang theo, khi về nhà trọ
giấu dưới gầm giừơng. Khi nhận nhà, Thông lập bàn thờ để hủ tro lên đó, ít lâu
sau Thông về Mỹ tho cải táng rồi thiêu xương cốt mẹ và em, cho tro vào 2 hủ đem
về để chung với hủ tro ông Chí cho người sống người chết luôn bên nhau.
Đám tang ông Sáu Thưởng: Ông Thưởng là đại
tá, phó Giám đốc Công an Tiền Giang, trưởng Phòng Tổ chức. Vợ ông là cán bộ đã nghỉ hưu. Ông ký tên xin
lập HCKC khi còn đương nhiệm. Khi kiểm điểm về tội ký tên xin lập HCKC, ông tỏ ra hối hận nên chỉ bị phê bình
trút kinh nghiệm và cho nghỉ hưu.
Khi ông qua đời, bà Thưởng gọi báo với Công an
tỉnh Tiền Giang. Ông Vàng, phó giám độc,
trưởng phòng Tổ chức trả lời trên điện thoại: “Ông Sáu Thưởng đã nghỉ hưu, gia đình tự lo tang lễ cho
ông ấy”. Bà Thưởng nói lại: “Vì ông Thưởng là người
ngành Công an, khi ông chết tôi báo để các anh biết chớ tôi đâu có báo để các
anh làm lễ tang cho ông ấy!”.
Lễ tang ông Thưởng do vợ và con ông làm tại nhà. Chỉ có
đoàn Công an mang tràng hoa đến viếng, số đông người còn lại viếng với tư cách
cá nhân.
Đám tang ông Phạm văn Kim (Bảy Kim): Ông
Kim là cán bộ cao niên, cán bộ Trung cấp Đảng, 50 năm tuổi Đảng, cựu trưởng Tiểu
ban Giáo dục khu Trung Nam bộ trong thời chiến, cựu Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh
Tiền Giang sau 1975. Vợ ông là bà Hồ thị Bảy (Bảy Hối), cán bộ cao niên, 50 năm
tuổi đảng, cựu bác sĩ Quân Y Quân Giải phóng
miền Nam trong thời chiến, cựu phó trưởng Ban Khoa Giáo tỉnh Tiền Giang. Ông và
Bà đều nghỉ hưu, đều ký tên xin lập HCKC ở Tiền Giang.
Đàm tang ông Kim, ngoài duy nhứt đoàn Sở
Giáo dục tỉnh đến viếng, rất đông người đến viếng với tư cách cá nhân. Quan tài
ông để trong nhà, trước cửa vào một bên dán cáo phó, một bên dán bài thơ do ông
sáng tác với tựa đề “Ý
nguyện sau cùng”, người viếng bu đọc đông nghẹt.
Nguyên văn bài thơ:
Cuối đời đến lúc phải đi xa,
Tang lễ giản đơn chớ rườm rà,
Bà con chòm xóm đốt nhang viếng,
Miễn điếu, miễn quà, miễn tặng hoa…
Bè bạn tâm giao sầu tiễn biệt,
Cháu con mặc niệm, khóc tang gia,
Thiêu xác phong trần về cát bụi,
Hồn thiêng nương tựa chốn trăm hoa.
31/10/2002
Như giải bày trong cáo trạng, bên nguyên cũng như bên bị lần lượt đã qua đời mà trọng án nầy chưa được trần gian xét xử.
Vì không thể chờ và tin được nữa hệ thống Tư pháp Việt Nam, thay mặt bên
nguyên, chúng tôi gởi cáo trạng nầy để cho Ngưu Đầu, Mã Diện dễ dàng tìm ra người
và làm cơ sở cho “Diêm Chúa” xét xử đúng người, đúng tội. Chúng tôi chỉ cần sự minh
oan cho thanh thản tâm hồn chớ không cần phục hồi chức vụ hay đảng tịch. -/-
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire