23/08/2020

NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC CÔNG NHẬN NHẠC PHẨM “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI” LÀ CỦA NHẠC SỸ ANH BẰNG!


Ngàn Hương

Trong chương trình “Giai điệu cuộc sống: Tinh hoa nhạc Việt”, phát trên VTV4 lúc 11h30 ngày 20/8/2020, giới thiệu một số ca khúc của nhạc sỹ Anh Bằng. Trong đó có giới thiệu nhạc phẩm Nỗi lòng người đi.

Đây là một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sỹ Anh Bằng, mà nhiều người dân Việt Nam đều biết và công nhận như thế.


Nhưng vào năm 2014, khi ca sĩ Trần Thu Hà  phát hành album Tình ca qua thế kỷ vol.2, trong đó có bài  Nỗi lòng người đi, và bài hát này sẽ được ca sỹ Trần Thu Hà trình diễn trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 12 năm 2014, thì bài hát  trên đã bị cắt khỏi chương trình. Theo Ban tổ chức thì bài hát này  bị bỏ là  do tranh chấp quyền tác giả giữa Khúc Ngọc Chân và nhạc sỹ Anh Bằng.

Thậm chí  Nguyễn Thụy Kha còn mang lên chương trình Giai điệu tự hào (do ông làm cố vấn biên tập) để phân trần rằng, bài hát này là của Khúc Ngọc Chân chứ không phải của nhạc sĩ Anh Bằng như nhiều người lầm tưởng.

Dư luận hết sức ngỡ ngàng, vì bỗng đâu có một ông Khúc Ngọc Chân vô danh tiểu tốt nào đó từ trên trời rơi xuống, lại tự nhận nhạc phẩm nổi tiếng này là của mình?

Lần theo dấu vết, người ta được biết: Báo Sức khỏe & Đời sống ra ngày 24/02/2013 có bài:“Tác giả thật của Nỗi lòng người đi”? Đây là bài trả lời phỏng vấn của nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha để xác định ai là tác giả nhạc phẩm Nỗi lòng người đi.

Theo đó: “Sau giải phóng Thủ đô, ông Chân phải theo gia đình về quê. Khi trở về Hà Nội, ông Chân mới biết gia đình người yêu đã xuống Hải Phòng, chờ di cư vào Nam. Ông tìm xuống Hải Phòng chờ tiễn nàng xuống tàu. Những ngày đó, với cây guitar luôn mang theo bên mình, Khúc Ngọc Chân viết Tôi xa Hà Nội tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng, viết lại những gì đã bâng khuâng trong suốt những ngày tháng xa nhau.

Những ngày ngắn ngủi bên nhau ở Hải Phòng, họ đã yêu nhau và hẹn nàng cứ vào trước, chàng sẽ vào sau, tìm nàng ở Sài Gòn.

Ngày tiễn nàng và gia đình xuống tàu há mồm di cư vào Nam, chàng và nàng cùng xuống một chiếc thuyền con ở bến Bính để đi ra nơi tàu đậu ngoài cửa biển. Thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe. Nàng vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên mạn thuyền(1).

Và người ta còn phát hiện ra rằng, không chỉ có báo Sức khỏe & Đời sống, mà rất nhiều tờ báo khác cũng đăng bài với nội dung trên, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn tài ba Nguyễn Thụy Kha, nhằm định hướng dư luận rằng, nhạc phẩm Nỗi lòng người đi là của một chàng thanh niên  người Hà Nội đi theo cách mạng, có tên là Khúc Ngọc Chân, nguyên là nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Chứ một nhạc phẩm trác tuyệt và lẫy lừng như thế, không thể là của một tay nhạc sỹ di cư vào Nam năm 1954 theo địch, sau đó lại  chạy sang xứ tư bản  giẫy chết được. Thế mới đúng quy trình.

Điều tài tình là, Khúc Ngọc Chân khi phóng viên  báo Thể Thao & Văn hóa (ngày 15/10/2014) hỏi: “Tại sao đến tận bây giờ(năm 2012), ông mới nhận Nỗi lòng người đi là của mình. Ông có bằng chứng gì thuyết phục rằng đó chính thức là ca khúc của mình không? Ông đã sáng tác ca khúc đó trong hoàn cảnh nào và liệu ông có còn nhạc bản ngày xưa hay không”?

Khúc Ngọc Chân  trả lời: “ Bản nhạc ngày xưa sao mà giữ được.

Ca khúc của tôi sáng tác hồi đó chính ra chỉ có 2 người biết với nhau là tôi và cô người yêu thôi…..Chúng tôi đã có những ngày đầu yêu thương bên bờ Hồ Gươm thơ mộng.  Tuy nhiên, vài tháng sau, gia đình người yêu bất ngờ xuống Hải Phòng chờ di cư vào Nam…vì lúc đó sợ bị mất việc nên không dám nói mình là tác giả của ca khúc này…

Ngày đất nước thống nhất, khi cùng Dàn nhạc Giao hưởng vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, tôi đi tìm người yêu  thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo khi mới vào tuổi 30”.

Khi được hỏi: “Ông nói rằng Nỗi lòng người đi không phải của Anh Bằng, vậy chỉ cần ông đưa ra bằng chứng xác đáng đó là của ông và nếu thực sự là của ông thì dù cho nhiều người chưa biết thì sẽ biết đến ca khúc này là của ông?

Khúc Ngọc Chân trả lời: “Người yêu của tôi đã mất, do vậy tôi không tranh chấp quyền tác giả”(2)..

Tự nhận nhạc phẩm ấy là của mình, mà lại không tranh quyền tác giả, quả là tài tình.

Điều này thật vô lý. Vì từ năm 1986 về sau, khi Việt Nam "mở cửa", thì những tác phẩm văn học và âm nhạc của nhóm Tự lực Văn đoàn, của Nhân Văn Giai Phẩm, nhiều bản nhạc tiền chiến, bị nhà nước cho là nhạc vàng phản động, đã bị cấm tiệt, bắt người hát đi tù v.v... đều được xuất bản và cho lưu hành rộng rãi.

Hay thời gian đó, Khúc Ngọc Chân và Nguyễn Thụy Kha chưa  dàn dựng vở kịch này?

Ngoài mồm thì nói không tranh quyền tác giả. Nhưng theo Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Việt Nam, thì:   “Vào cuối tháng Tư năm 2014, nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân có gởi tới Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Việt Nam (VCPMC) ở Hà Nội ca khúc “Tôi Xa Hà Nội” để nhờ cơ quan này chứng nhận ông là tác giả bài hát nêu trên.

Tuy nhiên cơ quan này nói rằng, đã phát hiện có sự “song trùng” với ca khúc Nỗi lòng người đi của Nhạc sĩ Anh Bằng, nên cơ quan VCPMC đã yêu cầu 2 bên cung cấp chứng cứ bằng văn bản, nhưng ông Khúc Ngọc Chân không có, vì vậy VCPMC đã ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc "tôi xa hà nội" của nhạc sỹ Khúc Ngọc Chân”.

Ngoài ra ca khúc Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng còn có bằng chứng là bản nhạc nguyên thủy in năm 1967 ở Sài Gòn. Điều này thì dù Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân có tài tình đến mấy cũng không thể có được.

Về phía nhạc sỹ Anh Bằng: Ngày 16/10/2014, nhạc sỹ Anh Bằng đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Phạm Trần trong chương trình SBTN “Những vấn đề của chúng ta”, phát hình vào ngày 17-10-2014 , về những cáo buộc vô căn cứ của nhạc sỹ Thụy Kha khi nói rằng: “Còn về ca từ, Anh Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính”.

Nhạc sỹ Anh Bằng nói: “Cảm ơn anh đã rất quan tâm đến ca khúc Nỗi lòng người đi của tôi đang bị cướp đoạt một cách trắng trợn. Anh đã xem bản nhạc được in và phát hành năm 1967 tại Sài Gòn, chỉ có tên tác giả Anh Bằng trong ca khúc Nỗi lòng người đi. Tuyệt đối không có tên thi sĩ Nguyễn Bính bên cạnh như kẻ gian manh, xảo quyệt, vô lương tâm, vô liêm sỉ bịa đặt”(3).

Nhạc sĩ Lê Dinh(đang sống ở Canada), một trong ba nhạc sĩ của nhóm “Lê-Minh-Bằng”(Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng) nỗi tiếng, thì nói rằng: “Những bài viết này của báo trong nước thì tôi đã đọc cách đây một tuần. Đây chỉ là những bài viết lặp lại những luận điệu cũ mà họ đã lải nhải trong nhiều bài trước, không có gì mới lạ. Nhưng họ lại không đả động gì đến việc cô Đinh Thị Thu Phương (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), qua thư đề ngày 24/9/2014 gửi nhạc sĩ Anh Bằng rằng, sau khi thẩm định, VCPMC đã quyết định ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc Tôi xa Hà Nội (của Khúc Ngọc Chân, vì không cung cấp chứng cứ bằng văn bản), và VCPMC chỉ công nhận tính hợp pháp của ca khúc Nỗi lòng người đi là của nhạc sĩ Anh Bằng. Như vậy chúng ta coi như việc này đã kết thúc”.

Một chi tiết thú vị mà Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân không biết, hay cố tình không biết , là:  Lộc Vàng là ca sĩ đầu tiên hát bài ca này trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ngày 12 tháng 9 1968, Đỗ Nhuận làm đại diện cho Hội Nhạc Sĩ Việt Nam mời Lộc Vàng, Toán Xồm và Thành Tai Voi hát và đàn cho khoảng 20 chuyên viên âm nhạc muốn tìm hiểu nhạc "màu vàng", Nỗi lòng người đi là một trong những bài ca được hát tại Nhà Hát Lớn ngày đó. Ông Nguyễn Văn Lộc biết bài này là do nghe lén đài Sài Gòn, khi nghe bài này thì thích quá, chép lại và đưa ra trong nhóm Lộc Vàng cùng hát. Và vì hát những bài này mà cả nhóm này phải trả giá bằng mười mấy năm tù cho mỗi người với cái tội “Truyền bá văn hóa đồi trụy”.

Còn ông Khúc Ngọc Chân, với một nhạc phẩm hay như thế do ông sáng tác năm 1954, mà chỉ có ông và người yêu sau đó đã chết, nghe mà thôi, không ai có vinh dự được nghe cả. Và điều lạ lùng nữa là: Với đầu óc thiên tài của Khúc Ngọc Chân, vậy mà “tài năng xuất chúng” này chí vụt lóe sáng như một tia chớp trên bầu trời đêm Hà Nội, để rồi sau tắt lịm, mặc dù sau đó thời thế đã có nhiều đổi thay, các văn nghệ sỹ đã được “cởi trói” và tự do sáng tác. Vậy mà Khúc Ngọc Chân chẳng hề vắt óc “nặn” ra được thêm một bài nào nữa,  chỉ duy nhất sáng tác được một bài này, sau đó thì bỗng …tịt ngòi?

Trong khi đó tên tuổi của nhạc sỹ Anh Bằng (tên là Trần An Bường 1926-2015), đã gắn liền với kho tàng âm nhạc đồ sộ của ông, với gần 700 các ca khúc nhạc tình, nhạc dân tộc và nhạc trẻ nổi tiếng khác, trong đó có Khúc Thụy Du, Hoa học trò và  Nỗi lòng người đi, ra đời ngày 15/04/1967.

Nhìn bài ca Nỗi lòng người đi với con mắt của pháp luật thì  rất rõ. Nhạc sĩ Anh Bằng đã nộp giấy tờ kiểm duyệt cho bài ca "Nỗi lòng người đi" từ ngày 15 tháng 4 1967. Từ 25 tháng 8 năm 2012 Cục Nghệ thuật Biểu diễn ở Việt Nam cũng nhận ông là tác giả nữa.

Nhiều nhân chứng và tư liệu lịch sử đã tố cáo Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân là dối trá, bịp bợm và thêu dệt, bịa đặt khi nói rằng “Ông và  người yêu đã cùng xuống một con thuyền con ở bến Bính để đi ra tàu đậu ngoài của biển”.

Những người di cư vào Nam vào thời điểm năm 1954 bằng đường biển, ai cũng biết là những chiếc “tàu há mồm” chở người dân miền Bắc di cư vào Nam không hề “đậu ngoài cửa biển”, mà đậu ngay ở bến tàu để những xe nhỏ hay đồng bào di cư đi lên thẳng trên tàu . Với những chứng cứ này, thấy ngay là hình ảnh “thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát “Tôi Xa Hà Nội” cho nàng nghe” là hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt.

Tại Việt Nam thì ai mà không biết Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Lưu là hai còn kền kền, chuyên sống bằng nghề “bới móc” xác chết trong giới âm nhạc lâu nay. Vụ cấm lưu hành 5 ca khúc do các nhạc sỹ VNCH sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam, đã được phép lưu hành mấy chục năm qua, trong đó có ca khúc “Con đường xưa em đi” của Châu Kỳ-Hồ Đình Phương. Họ đã “chẻ sợi tóc làm tư”, và cho rằng, "Con đường xưa em đi" là con đường nào?

Và mới đây: Ngày 10/11/2019, nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM  cho rằng nền văn học, nghệ thuật của miền Nam trước năm 1975 là “độc hại” vì “xuyên tạc đường lối đúng đắn của Đảng”, và ông đề nghị phải cấm lưu hành.

Với đầu óc ti tiện hẹp hòi và ganh ghét vì tài năng kém cỏi của mình khi thấy tài năng của các nhạc sĩ thời  VNCH hơn mình đã làm cho đầu óc họ trở nên mù quáng. Và với cương vị của mình, họ đã nghĩ ra nhiều “mưu hèn kế bẩn” để loại bỏ một nền âm nhạc rực rỡ một thời đã chiếm lĩnh lòng người.

Lời nhắn cuối cho Nguyễn Thụy Kha, Khúc Ngọc Chân là: Đã là phường trộm cắp thì đừng có vênh vang lên mặt dạy đời kẻ khác về văn hóa, về đạo đức. Vì chính họ không đủ tư cách và đạo đức để răn dạy người khác.


Chú thích:





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire