Không ai phủ nhận vai trò của cá nhân trong việc tạo ra những thay đổi, trong mọi lĩnh vực. Ngay cả với một nhà nước pháp trị được thiết kế ưu việt như Hoa Kỳ, mỗi tổng thống vẫn có thể “đi vào lịch sử” không chỉ với tư cách lãnh đạo của một siêu cường, mà còn với tư cách kiến tạo hoặc hủy hoại. Nhưng ngoại lệ luôn chỉ là ngoại lệ. Về cơ bản thì ở những quốc gia hạng nhất hành tinh, thể chế luôn là cái nền tảng vững chắc cho sự phát triển, đảm bảo tự do cá nhân nhưng vẫn đạt được ổn định xã hội. Thể chế là mảnh đất để mọi tài năng đều có thể, có cơ hội thể hiện hết biên độ và thành tựu của bất cứ cá nhân nào cũng mặc nhiên là thành tựu của đất nước.
Ngược lại, với những nền chính trị lạc hậu và đi kèm với nó luôn là những quốc gia hủ bại, thì cá nhân ai đó thường trùm lên mọi quyết định, từ lớn đến bé. Nền chính trị lạc hậu, như ta biết, cuối cùng đều đẻ ra kiểu nhà nước toàn trị, thậm chí còn tệ hơn nhà nước độc tài, bởi mọi sự xấu xa mà nó gây ra đều dễ dàng bị xí xóa, có thể xập xí xập ngầu đổ lỗi, hòa cả làng, chẳng ai bị áp lực phải chịu trách nhiệm. Trong nhà nước ấy, mọi quan điểm, ý tưởng, mọi sáng tạo của công dân, dù tiến bộ đến đâu nhưng không nằm trong chương trình mà nó áp đặt, đều không được thừa nhận, đều bị quy là phá đám.
Nếu sinh ra ở các nước có thể chế tiến bộ, nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba, dù có thể là cái gai của chính quyền đương nhiệm, thì không vì thế mà giải thưởng Nobel dành cho ông không trở thành niềm hãnh diện của quốc gia. Nhưng vì họ Lưu sinh ở Trung Quốc, nơi sự độc đoán toàn trị đè nỗi sợ lên giấc mơ mọi công dân, nơi đảng cộng sản robot hóa toàn xã hội, thì giải thưởng danh giá của ông trở thành nỗi điếm nhục của chế độ. Và cái chế độ tàn bạo, dối trá ấy còn tiếp tục làm một việc điếm nhục gấp trăm là tìm mọi cách đồng nhất nỗi nhục của riêng mình thành nỗi nhục quốc gia, để lấy cớ chính danh triệt hạ chủ nhân của giải thưởng!
Tôi luôn giữ sự kính trọng riêng dành cho giáo sư Nguyễn Phú Trọng, bởi rõ ràng ông đã khiến nhiều kẻ tham tàn phải trả giá, thậm chí là giá đắt. Trong tình thế hiện tại, nếu chỉ vì bất mãn với chế độ mà bỏ mặc để giặc cướp hoành hành, thả cửa vét mỡ máu dân, là thiếu trách nhiệm quốc gia. Chỉ vì bất mãn với đảng cộng sản mà phủ nhận những nỗ lực của một số cá nhân thuộc về cái đảng ấy muốn làm trong sạch bộ máy cai trị, cũng là thiếu sự độ lượng, thiếu công bằng. Vả lại, chính giáo sư Trọng cũng là người công khai nhất - so với các đời Tổng bí thư khác - nhận trách nhiệm về sự yếu kém của đảng của ông. Điều đó có hiệu ứng tức khắc: Chưa khi nào một phong trào mang tầm vóc toàn xã hội dành sự khinh bỉ cho lũ quan chức sâu mọt, lại công khai, rộng lớn và khiến chúng phải sợ hãi như trong thời gian qua. Việc để xảy ra sự kiện bi thảm Đồng Tâm, và mới đây là cuộc bắt bớ những tiếng nói bất đồng quan điểm, khiến giáo sư bị mất điểm khá nhiều. Nhưng chuyện đó đã có lịch sử lo và sẽ lo chu đáo.
Nhân đảng của ngài Giáo sư sắp đại hội, với tư cách là một người cầm bút luôn âu lo cho tương lai của đất nước, tôi chỉ xin góp ý với ngài rằng, một chế độ chính trị mà tất cả mọi việc đều trông chờ vào ý kiến chỉ đạo của một người, cho dù người đó có tài năng và lương tâm lớn đến đâu, cũng tất yếu dẫn đến việc đưa quốc gia đi thụt lùi. Đừng dựa vào chút thành tích về tăng trưởng kinh tế để biện hộ những việc làm trái với thông lệ của văn minh nhân loại. Chúng ta có chút thay đổi, nhưng vẫn còn tụt lại xa lắm, so với những quốc gia có cùng điều kiện về thiên thời địa lợi. Tôi không phải là người thần phục các con số. Nhưng quả thực chúng cũng không dễ bỏ qua: Theo đó thì người Việt vẫn thuộc sắc dân nghèo khổ nhất thế giới. Vị trí quốc gia trong thang bảng thứ bậc toàn cầu vẫn ở bán phần nửa dưới và cứ tình hình này sẽ còn duy trì khá lâu. Có một số thứ chúng ta nhất bảng, lại là những thứ mà thế giới tránh xa.
Vì thế, vấn đề không phải là đảng của ngài tìm được bao nhiều người tài, mà quan trọng gấp hàng ngàn lần là thể chế chính trị của đất nước sẽ thế nào. Hãy nhìn vào mấy ví dụ dưới đây, chắc ai cũng sẽ thấy thể chế quan trọng hơn nhân sự ra sao. Nước Bỉ gần 2 năm không có chính phủ. Không sao. Nước Bỉ vẫn giữ vững danh hiệu là quốc gia đáng sống nhất thế giới. An ninh trật tự, môi trường, các dịch vụ chăm sóc người dân…đều vẫn ở mức hoàn hảo.
Nước Nhật, quốc gia có nền kinh tế lớn gấp hơn 20 lần Việt Nam, chuyển giao chính phủ quyền lực cũng mạnh vào loại hàng đầu thế giới mà đâu cần ồn ào khẩu hiệu, đâu cần hoa hoét, đâu cần diễn văn tự phong thánh mình…Một chính phủ mới với những gương mặt sáng rực về trí tuệ được lựa chọn chỉ trong tuần làm việc như chẳng hề xảy ra bất cứ gián đoạn nào.
Thành
viên của chính phủ Phần Lan
Tấm hình 4 thiếu nữ trên không phải là mấy cô diễn viên múa hay ca sỹ tranh thủ chụp seo phì trước giờ mở màn chương trình ca nhạc “Ngàn năm ơn đảng”, mà là thành viên của chính phủ Phần Lan. Bà thủ tướng năm nay mới tròn 36 tuổi, đã tiến hành thành lập Nội các nhanh đến mức đám dân chúng mải chơi hai ngày cuối tuần còn không biết mình có thủ tướng mới vừa trẻ, vừa xinh. Đất nước Phần Lan vẫn yên bình, vẫn tiếp tục giữ nhiều vị trí hàng đầu thế giới, chả bao giờ phải đếm xỉa đến các thế lực thù địch.
Quyết định sự kì diệu và kì lạ đó, chính là thể chế.
Phạm Doan Trang |
Tôi nghĩ, để tạo ra được một thể chế tốt, một mình đảng của ngài sẽ thất bại. Nó cần toàn bộ năng lực, trí tuệ của mọi con dân nước Việt. Nó cần sự đoàn kết quốc gia hơn bao giờ hết. Vì thế, thay vì bắt bớ, ngài hãy sử dụng quyền lực tuyệt đối của mình vào một việc mà chắc chắn ngài sẽ được lịch sử ghi nhớ: ra lệnh thả hết những người bị tù tội chỉ vì không nghĩ như các ngài nghĩ. Họ đều là những hiền tài quốc gia. Họ yêu đất nước này không kém gì ngài, chỉ có điều theo cách của họ. Vả lại chính Hiến Pháp do các ngài ban ra đã trịnh trọng cam kết cho họ quyền ấy. Tôi đã nói một lần và hôm nay tôi nhắc lại: Thay đổi trong hòa bình, thay đổi từ trên xuống, là lựa chọn khôn ngoan nhất, hiện thực nhất cho tương lai của đất nước này.
Trung ngôn nghịch nhĩ, nếu có gì sơ suất mạo phạm, mong ngài thể tất.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire