07/10/2020

CÁC ĐẠI HỘI ĐẢNG DÙNG TIỀN THUẾ CỦA DÂN CHI TIÊU VÔ TỘI VẠ, NGUỒN CƠN TỪ ĐÂU ?

HOÀNG HẢI VÂN

Quà tặng Đại biểu của tỉnh Quảng Trị
Báo chí và mạng xã hội đang rộ lên việc dùng ngân sách nhà nước để mua những món quà đắt tiền tặng cho các đại biểu cùng những trang trí phù phiếm tốn kém phục vụ Đại hội Đảng cấp tỉnh . Tổ chức đảng công khai dùng tiền thuế của dân để xài sang đang gây phẫn nộ trong dân chúng. Nhưng nếu chỉ dùng tiền thuế cho các hoạt động thiện lành của Đảng thì có vấn đề gì không ? 


Điều lệ hiện hành của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định : “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (tôi viết hoa-HHV) và các khoản thu khác” (Điều 46). Như vậy là việc dùng ngân sách nhà nước để tổ chức đại hội Đảng các cấp là không sai điều lệ. Nhưng ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, thu chi là do Quốc hội quyết định, mà Quốc hội là do dân bầu, đâu có nghĩa vụ phải chấp hành Điều lệ Đảng ?

Có lẽ những người đưa vào điều lệ Đảng quy định lấy ngân sách nhà nước làm tài chính Đảng nghĩ rằng tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội là đảng viên, nên kiểu gì Quốc hội cũng quyết định lấy ngân sách chi cho hoạt động Đảng. Trong thực tế có thể là như thế, nhưng ghi một cách công khai tự mãn như thế không những xuất phát từ bệnh kiêu ngạo cộng sản (chữ này của Lê-nin, không phải của “phản động”) mà còn vi phạm nguyên tắc của Lê-nin về tổ chức Đảng.

Nguyên tắc đó có 2 điểm : 1- Đảng viên của Đảng là những người hoạt động tự nguyện và không nhận thù lao. 2-Tài chính của Đảng là do đảng viên đóng góp và cảm tình viên của đảng ủng hộ (tất nhiên còn có cả lợi tức do hoạt động kinh tài của Đảng hoặc người của Đảng mang về mà đảng nào trên thế giới cũng làm). Cụ Lê-nin tuyệt đối không nói một câu nào cho phép Đảng Cộng sản khi cầm quyền có thể lấy tiền thuế của dân để hoạt động.

Cần biết, quy định nói trên chỉ mới xuất hiện từ bản Điều lệ của Đại hội VIII, duy trì qua các đại hội IX, X, XI, XII. Trước Đại hội VIII không có quy định này, bằng chứng đây :

Điều lệ từ Đại hội II (1951) : “Tài chính của Đảng do nguyệt phí của đảng viên góp, và do tiền quyên hoặc ủng hộ của đảng viên và quần chúng góp thành” (Điều 67). Tôi không tìm ra bản Điều lệ từ Đại hội I, nhưng chắc chắn cũng quy định không khác Đại hội II.

Điều lệ từ Đại hội III (1960): “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định” (Điều 59)

Điều lệ từ Đại hội IV (1976) : “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định” (Điều 55).

Điều lệ từ Đại hội V (1982): “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định” (Điều 55).

Điều lệ từ Đại hội VI (1986) : “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định” (Điều 58).

Điều lệ từ Đại hội VII (1991): “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, thu từ các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh của Đảng và các khoản thu khác” (Điều 44).

Như vậy là đưa quy định lấy ngân sách nhà nước làm tài chính Đảng vào Điều lệ Đảng chỉ mới có từ năm 1996 (Đại hội VIII) đến nay, chứ trước đó không ai dám. Sinh thời cụ Hồ không dám, Tổng Bí thư Lê Duẩn không dám, Tổng Bí thư Trường Chinh không dám, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không dám, dù Đảng đã cầm quyền. Các cụ không dám là không dám làm sai nguyên tắc của Lê-nin. Vào thời Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng chưa cầm quyền nên không tính, nhưng dù cho Đảng có cầm quyền rồi thì các cụ chắc chắn cũng không dám.

Tôi từng hỏi ông Nguyễn Sinh Hùng tại hành lang Quốc hội khi ông còn làm Bộ trưởng Tài chính, tại sao Quốc hội phải phân bổ ngân sách cho hoạt động của Đảng, nhưng khi tôi vừa hỏi ông đã xua tay : “Hỏi đúng rồi, nhưng nhạy cảm, không nói được, không nói được”. Tất nhiên ông không dám nói, mà dù có nói thì Thanh Niên chắc chắn không dám đăng. Ông mà nói, Thanh Niên mà đăng thì ông chắc về vườn sớm, Thanh Niên chắc tiêu, tôi cũng tiêu luôn.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy lạ lùng. Cụ Hồ từng học trường Đại học Phương Đông của Liên Xô không tính, còn Tổng Bí thư Lê Duẩn chẳng học trường lớp chánh trị nào, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng vậy, nhưng các cụ rất hiểu nguyên tắc của Lê-nin nên rất cẩn trọng. Còn ngày nay, cán bộ từ cấp huyện, cấp Sở, cấp Vụ trở lên đều tốt nghiệp cao cấp chính trị trang bị chủ nghĩa Mác – Lê nin tư tưởng Hồ Chí Minh đến tận ... hơi thở, nhưng chẳng một ai phát hiện cái sai trong Điều lệ Đảng, hoặc giả cũng có người phát hiện sai nhưng ngậm miệng ăn tiền không dám góp ý.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau “cầm quyền” ở Mỹ, nhưng chẳng bao giờ Hạ viện hoặc Thượng viện nước này dám đưa ra dự luật nào lấy ngân sách nhà nước chi cho hai đảng trên hoạt động, Công Đảng và Đảng Bảo thủ Anh cũng vậy. Đừng nói tôi mang đảng “tư sản” so sánh với đảng “vô sản”. Ở đây tôi chỉ nói về tiền, các đảng “tư sản” này lấy tiền đâu mà hoạt động ? Chính họ đang thực hiện rất đúng “Tài chính của Đảng do nguyệt phí của đảng viên góp, và do tiền quyên hoặc ủng hộ của đảng viên và quần chúng góp thành” giống như quy định tại Điều 67 Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam tại đại hội II đấy ! Và họ rất mạnh.

Tóm lại, sự “nóng mặt” của dân chúng trước cảnh các đại hội Đảng dùng tiền thuế của dân chi tiêu vô tội vạ có nguồn cơn từ sự lạm dụng quy định nói trên trong Điều lệ Đảng. Bỏ nó đi Đảng có sống nổi hông ? Tôi không biết. Chỉ biết ngày xưa không có nó Đảng vẫn sống tốt. Và chỉ biết, đã có ai đó “lén” đưa nó vào, những người đó nhất định không phải là học trò của cụ Hồ, nhưng bế nó ra thì không dễ chút nào.

Đại khái thế. Hình như đang có lời kêu gọi dân chúng góp ý vào Đại hội Đảng toàn quốc, tút này chỉ viết về một điều khoản trong Điều lệ Đảng, là một góp ý mang tính xây dựng. Không nên suy diễn và miễn tranh cãi nhé !

HOÀNG HẢI VÂN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire