Anh Quốc hôm thứ Ba đề xuất dự luật an ninh mới, theo đó các hãng viễn thông khổng lồ của nước này sẽ bị phạt nặng nếu không tuân thủ quy định đảm bảo an ninh nghiêm ngặt.
Dự luật An ninh Viễn thông cấm việc để hãng Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng viễn thông 5G của Anh.
Dự luật cũng quy định rằng công ty nào đến hạn chót mà không đáp ứng được các yêu cầu an ninh cao hơn cũng sẽ phải đối diện với những khoản phạt khổng lồ.
Trong số này gồm cả việc phạt 10% doanh thu, tức là hơn 100.000 bảng Anh một ngày.
Các nỗ lực nhằm cấm Huawei tham dự vào mạng lưới 5G đã được đưa ra kể từ hơn một năm nay. Nhưng dự luật này là bước đi đầu tiên trong việc đưa những lệnh cấm đó thành luật, nêu quy định chi tiết, chính xác về cách thức áp dụng lệnh cấm - nếu được Quốc hội thông qua.
Dự luật trao cho chính phủ các quyền đối với an ninh quốc gia, theo đó chính phủ được ra chỉ dẫn cho các công ty viễn thông lớn, chẳng hạn như BT, trong việc được sử dụng các nhà cung cấp có "độ rủi ro cao" - trong đó có Huawei - như thế nào.
Dự luật cũng đưa ra một biện pháp mới, theo đó quy định bất kỳ công ty nào nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ phải đối diện với những khoản phạt nặng. Tuy nhiên, khoản dọa phạt 100.000 bảng mỗi ngày này sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp "tiếp tục vi phạm", chính phủ nói.
Ofcom, cơ quan quản lý viễn thông Anh, sẽ được trao nhiệm vụ theo dõi, giám sát thực thi các quy định, bên cạnh những quyền lực mới mà cơ quan này có thể cần để thực hiện việc giám sát.
Đây là bước đi nhằm chính thức luật hóa việc cấm Huawei sau nhiều tháng tranh cãi chính trị ở tầm quốc gia và quốc tế quanh chủ đề 'Huawei đe dọa an ninh' và những mối liên hệ mà hãng này bị cho là có đối với nhà nước Trung Quốc.
Đổi ý
Ban đầu, Anh Quốc quyết định rằng thiết bị của Huawei cần phải bị gỡ bỏ khỏi các phần nhạy cảm của mạng lưới cốt lõi, và chỉ được chiếm tối đa 35% trong các hệ thống không cốt lõi. Hạn chót cho việc đáp ứng các yêu cầu này ban đầu được đưa ra là năm 2023.
Hiện có bốn công ty đã xây mạng 5G ở Anh và ba đã dùng thiết bị Huawei
Tuy nhiên, với áp lực từ phía Hoa Kỳ, Anh đã điều chỉnh để ra lệnh gỡ bỏ hết các thiết bị của Huawei khỏi toàn bộ mạng lưới 5G của Anh, chậm nhất là vào năm 2027.
"Chúng ta đang đầu tư hàng tỷ bảng vào việc triển khai mạng 5G và dịch vụ băng thông rộng tốc độ cao trên toàn quốc, nhưng các lợi ích này chỉ có thể đạt được nếu như chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào mức độ an ninh và độ bền của mạng lưới của mình," Bộ trưởng Kỹ thuật số Oliver Dowden nói.
"Dự luật đột phá này sẽ đem đến cho Anh Quốc một trong những chế độ an ninh viễn thông nghiêm ngặt nhất trên thế giới, và cho phép chúng ta có hành động cần thiết để bảo vệ các mạng lưới của mình."
Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao nói rằng các nghĩa vụ về an ninh nhiều khả năng sẽ bao gồm cả những việc như ra quy định ai có quyền tiếp cận tới các phần nhạy cảm của hệ thống cốt lõi, việc kiểm toán an ninh được thực hiện ra sao, và việc bảo vệ dữ liệu khách hàng sẽ được tiến hành thế nào.
Giám đốc kỹ thuật của Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia, Tiến sĩ Ian Levy nói rằng "các mạng lưới quốc gia và các nhà điều hành mạng của chúng ta cần phải biết là họ được trông đợi những gì".
Ông nói thêm: "Chúng tôi cam kết nâng cao tiêu chuẩn, và dự luật này đưa ra những yêu cầu an ninh viễn thông mới, sẽ giúp cho các nhà mạng ra những quyết định quản lý rủi ro tốt hơn."
Tuy nhiên, Huawei bác bỏ những quan ngại liên quan tới hoạt động của hãng.
"Quyết định này mang động cơ chính trị, không dựa trên việc đánh giá thẩm định công bằng đối với các rủi ro," Phó Chủ tịch Huawei Victoria Zhang nói.
"Nó không phục vụ cho lợi ích tốt nhất của bất kỳ ai, bởi nó sẽ khiến Anh Quốc đi vào làn đường chậm, và gây rủi ro cho chương trình đồng đều hóa kỹ thuật số trên toàn quốc của nước này."
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire