24/11/2020

Mỹ gia tăng mức độ ‘sẵn sàng’ ở Đông Nam Á

21/11/2020

Trân Văn

Destroyer USS Roosevelt (DDG-80). Hình minh họa.

Sau sự kiện Tư lệnh Không quân khu vực Thái Bình Dương của quân đội Mỹ yêu cầu các đơn vị thuộc quyền chỉ huy của ông phải sẵn sàng cho cuộc chiến với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương (1), tới lượt hải quân và lục quân Mỹ thực hiện hàng loạt các kế hoạch nhằm gia tăng mức độ sẵn sàng của những quân chủng này.


***

Ông Kenneth Braithwaite, Bộ trưởng Hải quân Mỹ, vừa giới thiệu ý định tái thành lập Hạm đội 1 để nâng cao năng lực hải quân của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế và đối phó với tình trạng Trung Quốc dốc sức phát triển bộ máy quân sự trong khu vực này (2).

Hạm đội 1 được thành lập hồi đầu năm 1947 và bị giải thể vào đầu năm 1973. Nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của Hạm đội 1 được giao cho Hạm đội 3 đảm nhận. Vào lúc này, tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ có Hạm đội 7, đồn trú ở căn cứ hải quân Yokosuta – Nhật.

Thỉnh thoảng, Hạm đội 7 nhận thêm sự hỗ trợ của Hạm đội 3 – đóng ở San Diego (California, Mỹ) nhưng con số từ 50 đến 70 chiến hạm (bao gồm cả tàu ngầm), 150 phi cơ quân sự các loại, cộng vói hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, không tương xứng cả với bối cảnh khu vực lẫn phạm vi trách nhiệm (diện tích khoảng 48 triệu dặm vuông, trải rộng từ ranh của hải phận quốc tế ở giữa Thái Bình Dương đến hải phận của Ấn Độ, Pakistan và quần đảo Kurin ở phía Bắc Đại Tây Dương).

Ông Braithwait nhấn mạnh, thời gian vừa qua, Hạm đội 7 còn phải thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở biển Đông, nơi Trung Quốc bất chấp các khuyến cáo của cộng đồng quốc tế, thản nhiên bồi đắp hàng loạt bãi đá ngầm thành đảo rồi xây dựng một chuỗi các căn cứ quân sự ở khu vực vốn đang có tranh chấp về chủ quyền. Đó là lý do phải tái thành lập Hạm đội 1, vừa nâng cao năng lực hải quân trong khu vực, vừa gia tăng mức độ răn đe.

Tại hội nghị thường niên về họat động của mạng lưới tàu ngầm, ngoài việc giới thiệu dự định tái thành lập Hạm đội 1, ông Braithwait nói thêm, Hạm đội 1 nên đồn trú ở ‘ngã tư’ nào đó giữa khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phù hợp với lợi ích của cả Mỹ lẫn các đồng minh, đối tác của Mỹ tại khu vực này.

Ông Braithwaith chỉ đề cập đến Singapore như một trong những nơi có thể sẽ được chọn làm chỗ để Hạm đội 1 trú đóng, song vài chuyên gia khẳng định, Singapore là vị trí phù hợp nhất. Từ 2013 đến nay đã có khoảng 1.000 quân nhân Mỹ và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 73 và Bộ Chỉ huy Hậu cần Khu vực Tây Thái Bình Dương trú đóng tại Singapore để hỗ trợ cho hoạt động của Hạm đội 7 cũng như những hoạt động khác của hải quân Mỹ.

Ian Chong – Giảng viên về Khoa học Chính trị của Đại học Quốc gia Singapore – giải thích, sở dĩ Singapore là địa điểm lý tưởng nhất vì hội đủ cả yêu cầu về vị trí địa lý lẫn nền tảng sẵn có về hạ tầng, cũng như tiềm năng phát triển các khả năng gia tăng mức độ hỗ trợ toàn diện cho Hạm đội 1.

Theo Chong, khu vực Đông Nam Á vẫn còn một vài địa điểm phù hợp với mục tiêu của hải quân Hoa Kỳ nhưng vì nhiều lý do rất khó nhắm tới. Ví dụ một số vị trí ở Indonesia, Malaysia sẽ cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị về hạ tầng. Vịnh Subic ở Philippines dù thuận lợi hơn nhưng bối cảnh chính trị ở Philippines khiến lựa chọn này thiếu chắc chắn.

Vịnh Cam Ranh của Việt Nam dẫu là một địa điểm lý tưởng nhưng Chong tin là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam không sẵn sàng. Ngay cả Thái Lan – quốc gia vốn là đồng minh của Mỹ có lẽ cũng sẽ không hào hứng với việc gật đầu để Mỹ đặt căn cứ của Hạm đội 1.

Bởi rất nhiều quốc gia – không loại trừ Singapore – sẽ ngần ngại trong việc công khai bắt tay với Mỹ, can dự trực tiếp vào việc răn đe, sẵn sàng đối đầu với sự hung hăng của Trung Quốc, một số chuyên gia phỏng đoán, hải quân Hoa Kỳ có thể nhắm tới việc đặt căn cứ cho Hạm đội 1 tại quần đảo Andaman của Ấn Độ - một nơi rất gần Singapore…

***

Giống như không quân và hải quân, lục quân Mỹ vừa công bố hàng loạt kế hoạch gia tăng mức độ sẵn sàng tham chiến ở Đông Nam Á. Một trong bảy lữ đoàn của Bộ Chỉ huy Hỗ trợ an ninh (Security Force Assistance Command - SFAC) vừa được điều động đến Joint Readiness Training Center (JRTC) ở Fort Polk (tiểu bang Louisiana) (3).

SFAC được thành lập hồi giữa năm 2018, nay có bảy lữ đoàn chuyên đảm nhận vai trò hỗ trợ huấn luyện các lực lượng ngoại quốc bảo vệ an ninh, quốc phòng (Security Force Assistance Brigade – SFAB). Các SFAB chuyên tuyển lựa những sĩ quan, hạ sĩ quan giàu kinh nghiệm, giỏi kỹ năng trong lục quân Mỹ để huấn luyện thêm rồi gửi họ đến huấn luyện, gia tăng khả năng phối hợp, kể cả về hỏa yểm (yểm trợ bằng pháo binh), không yểm cho quân đội của các quốc gia hoặc là đồng minh, hoặc là đối tác trên toàn thế giới.

Lục quân Mỹ có hai trung tâm huấn luyện thực địa nổi tiếng. Một là National Training Center (NTC) ở Fort Irwin (California) và một là JRTC. Trong vài thập niên gần đây, đa số đơn vị lục quân chỉ được gửi đến NTC - nơi tập luyện chiến đấu ở hoang mạc – để làm quen, tập thích nghi với đặc điểm các chiến trường ở khu vực Trung Đông. Giờ, JRTC – nơi tập luyện chiến đấu ở khu vực rừng rậm nhiệt đới, đầm lầy,… vốn là đặc điểm chung của khu vực Đông Á – bắt đầu được sử dụng thường xuyên.

Theo Army Times, sở dĩ Lữ đoàn 5 của SFAC được gửi đến JRTC vì vài tháng nữa, các đơn vị của lữ đoàn này sẽ được gửi đến một số quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chuẩn tướng Curtis Taylor, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 5 thuộc SFAC, tiết lộ, đơn vị của ông sẽ hỗ trợ quân đội của các quốc gia đồng minh và đối tác gia tăng khả năng tương tác giữa viễn thám, phòng không, pháo binh, công binh của các bên. Một nhóm của lữ đoàn này đã đến Thái Lan. Sau đó hai bên đã tập trận chung ở Hawaii.

Mục tiêu sắp tới là sử dụng các SFAB nhằm cải thiện hơn nữa khả năng hợp tác – hỗ trợ về hậu cần, thu thập – chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ cả hỏa yểm, không yểm và nâng chất lượng đội ngũ hạ sĩ quan của quân đội các quốc gia đồng minh, đối tác ở Đông Nam Á. SFAC không đề cập đến việc sẽ gửi các SFAB đến những quốc gia nào trong khu vực này, tuy nhiên tướng Taylor thừa nhận, trên thực tế, quân đội của một số quốc gia ở Đông Nam Á muốn thắt chặt quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Cho dù đã có những lo ngại rằng việc hỗ trợ những quốc gia như thế có thể giúp Trung Quốc dễ dàng thu thập thông tin về kỹ thuật, chiến thuật của Mỹ nhưng tướng Taylor trấn an: Vào lúc này, ưu tiên hàng đầu là nâng cao năng lực cho quân đội của các quốc gia đồng minh và đối tác. Các thành viên của những SFAB chỉ hướng dẫn, hỗ trợ phối hợp chứ không được phép ép đồng minh hay đối tác thực hiện những tiêu chuẩn của Mỹ, theo kiểu của Mỹ.

Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 5 của SFAC nhấn mạnh, điều mà SFAC mong muốn là để lãnh đạo quân đội của các quốc gia đồng minh và đối tác hiểu hơn về cách hoạt động của chúng ta, cách chúng ta chia sẻ quyền hành cho cấp dưới, cách chúng ta đầu tư vào đội ngũ hạ sĩ quan. Chẳng có gì đáng phàn nàn nếu họ muốn chia sẽ những yếu tố đó với Trung Quốc. Chẳng có gì phải lo nếu họ muốn chia sẻ những gì họ tiếp nhận từ chúng ta với các đối tác khác của họ (3).

Chú thích

(1) https://www.stripes.com/news/pacific/as-tensions-simmer-pacific-air-forces-leaders-say-troops-must-be-ready-for-conflict-with-china-1.651199

(2) https://www.stripes.com/news/pacific/navy-secretary-pitches-1st-fleet-revival-in-western-pacific-possibly-based-in-singapore-1.652617

(3) https://www.armytimes.com/news/your-army/2020/11/19/sfab-fends-off-an-invasion-in-exercise-ahead-of-indo-pacific-missions/

Trân Văn

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/my-gia-tang-san-sang-o-dong-nam-a/5670204.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire