02/01/2021

Ngày cuối năm, nói vài điều thật lòng về giáo dục

Xuân Dương : "Ngày 03/12/2019, OECD công bố kết kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018, Việt Nam không có tên trong danh sách 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát.

Vậy phải chăng đánh giá của các tổ chức quốc tế về giáo dục Việt Nam là hoàn toàn vô tư và Việt Nam xứng đáng với khen ngợi của quốc tế?

Hầu hết các báo như Laodong.vn, Vietnamnet.vn, Nhandan.com.vn, Thanhnien.vn, Baotintuc.vn, Vietnamplus.vn, Plo.vn, Anninhthudo.vn, Thoibaotaichinhvietnam.vn,… đều đưa tin: “Học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á”.

Cách đưa tin này hoặc là chưa được kiểm chứng cẩn thận hoặc là bị “bệnh thành tích” khiến cho ngôn từ hơi quá đà."


Trong một báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) công bố về xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc,…

Năm 2018, một tài liệu có tên là “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” của Ngân hàng thế giới (WB - World Bank) đánh giá:

“7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam”.

Báo chí gần đây đăng nhiều tin bài về sự kiện tại cuộc họp của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), đã công bố kết quả “Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM)” năm 2019:

“Trong 6 nước tham gia đánh giá gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học”. [1]

Trong năm 2020, 24 lượt thí sinh của Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đều đoạt giải, với 9 Huy chương vàng, 8 Huy chương bạc, 5 Huy chương đồng và 2 Bằng khen.

Đáng chú ý, khi cả 4/4 thành viên đội tuyển dự thi Olympic hóa học quốc tế năm 2020 đều đoạt Huy chương vàng, xếp thứ hai trong các đội tuyển tham dự kỳ thi. [2]

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Ngày 03/12/2019, OECD công bố kết kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018, Việt Nam không có tên trong danh sách 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát.

Vậy phải chăng đánh giá của các tổ chức quốc tế về giáo dục Việt Nam là hoàn toàn vô tư và Việt Nam xứng đáng với khen ngợi của quốc tế?

Hầu hết các báo như Laodong.vn, Vietnamnet.vn, Nhandan.com.vn, Thanhnien.vn, Baotintuc.vn, Vietnamplus.vn, Plo.vn, Anninhthudo.vn, Thoibaotaichinhvietnam.vn,… đều đưa tin: “Học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á”.

Cách đưa tin này hoặc là chưa được kiểm chứng cẩn thận hoặc là bị “bệnh thành tích” khiến cho ngôn từ hơi quá đà.

Thực sự thì Việt Nam chỉ hơn 5 nước tham gia đánh giá là Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipines chứ không phải toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á.

Theo nhiều đánh giá trong nước và quốc tế, nền giáo dục của Việt Nam thua kém Singapore ở cả bậc phổ thông và đại học là không phải bàn luận.

Với Thái Lan, giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể khá hơn nhưng giáo dục đại học kém hơn được thể hiện qua bảng xếp hạng 350 đại học hàng đầu châu Á năm 2018 của Tạp chí giáo dục Anh Times Higher Education (THE).

Theo đó, Thái Lan có 10 trường đại học được lọt vào bảng xếp hạng, Việt Nam không có đại diện nào.

Cũng trong báo cáo của WB, cơ quan này so sánh Việt Nam với ba nước thuộc ba châu lục Á, Phi và Mỹ là Ấn Độ, Peru và Ethiopia, theo đó “Ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia”.

Cũng nên biết GDP của Peru năm 2019 đạt khoảng 233 tỷ USD, GDP của Ethiopia năm 2019 đạt khoảng 87 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với Việt Nam.

Từ năm 2005 đến gần đây Ethiopia là quốc gia luôn bị nạn đói đe dọa. Ấn Độ có thu nhập bình quân khoảng 2.000 USD vào năm 2018, trong khi con số này của Việt Nam là 2.587 USD.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng song cách lựa chọn ba nước đối chiếu với Việt Nam của WB liệu có khiến chúng ta tự vui vì đạt tầm thế giới một cách xứng đáng?

Tại buổi tọa đàm về Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số diễn ra tại Trường đại học Sài Gòn ngày 02/05/2019, một vị giáo sư cho rằng: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”. [3]

Nhận xét “giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới” cho thấy thực tế không phải là không có cách nhìn nhận cực đoan (của một vài cá nhân) với giáo dục nước nhà, tuy nhiên cảnh báo không phải là vô căn cứ.

Không thể phủ nhận giáo dục Việt Nam còn quá nhiều “lỗi hệ thống”.

“Lỗi hệ thống” dễ nhận diện nhất là cơ chế chủ quản, nói thẳng ra giáo dục đang là mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích khai thác.

Một ví dụ là giáo dục đại học đang bị chia năm xẻ bảy cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp,… quản lý. Các tổ chức quần chúng Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn,… đều có trường đại học của riêng mình.

Và một hệ lụy là chuyện xảy ra tại Đại học Tôn Đức Thắng.

Bộ Nội vụ quản lý viên chức giáo dục, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý ngân sách, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội vừa quản lý khối dạy nghề, lại cũng quản lý việc đào tạo giáo viên (Đại học sư phạm kỹ thuật),… Cuối cùng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo trở thành cơ quan quyền rơm vạ đá.

Một “Lỗi hệ thống” không khó nhận diện song ít người mạnh dạn mô tả về bản chất là chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Liệu bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, tình trạng nhà giáo được tuyển chọn theo kiểu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” có thể chấm dứt?

Ai cũng đồng ý chuyện thầy dốt thì trò dốt, trò dốt thì cả xã hội dốt thế nhưng vì sao lại để hiện trạng này tồn tại suốt mấy chục năm?

Thầy cô trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông (Kon Tum) chia sẻ câu chuyện cảm động góp tiền nấu cơm cho học sinh. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Một bài báo gần đây viết:

“Để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất, năng lực của người học thì sự đổi mới sẽ diễn ra đồng bộ, tác động đến mọi đối tượng và cấp học, từ chương trình, sách giáo khoa, rồi cơ sở vật chất cho đến các thủ tục hành chính…

Song, năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhà giáo – những người vừa được trao quyền tự chủ về nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh… mới là linh hồn của cuộc đổi mới này”.

Câu chuyện thầy cô trường Tu Mơ Rông góp tiền nấu ăn cứu đói cho học sinh gây xúc động, ảnh: Báo Tiền Phong.

Liệu nét mặt của hai nhà giáo trong chương trình “Thay lời tri ân” chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tối 17/11/2020 có cho thấy bức tranh toàn cảnh về những “linh hồn của cuộc đổi mới”?

Một “lỗi hệ thống” khác là đất nước có đến hàng chục nghìn giáo sư, tiến sĩ nhưng vì sao cho đến nay chẳng thấy ai mạnh dạn nêu lên “Triết lý giáo dục của Việt Nam”.

Và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về một cuộc trưng cầu dân ý về triết lý giáo dục bao giờ sẽ thực hiện hay sẽ dành cho các nhiệm kỳ kế tiếp?

Trong khi chưa tìm được triết lý giáo dục thì phải chăng hãy trả lời hai câu hỏi rất “đời thường” sau:

Thứ nhất, nền tảng của giáo dục Việt Nam là gì?

Thứ hai, mục tiêu của giáo dục Việt Nam trong thế kỷ 21 là gì?

Về câu hỏi thứ nhất, liệu có nên học Nhật Bản “Lấy giáo dục đạo đức và nhân cách làm nền tảng cơ bản”, học tập Mỹ “Lấy tự do làm nền tảng để phát triển” hoặc Singapore “Lấy đầu tư vào công nghệ và chất lượng giáo viên làm nền tảng giáo dục”?

Về câu hỏi thứ hai, người viết cho rằng giáo dục Việt Nam phải đào tạo bằng được một thế hệ công dân toàn cầu với các phẩm chất “Trí tuệ - Tự do - Sáng tạo”.

Về các phẩm chất của con người Việt Nam “Trí tuệ - Tự do - Sáng tạo” xin được đề cập trong bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7104

[2]http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/987149/24-luot-thi-sinh-viet-nam-du-thi-olympic-quoc-te-nam-2020-deu-doat-giai

[3]https://thanhnien.vn/giao-duc/noi-viet-nam-la-mot-trong-10-nen-giao-duc-hang-dau-the-gioi-thi-that-kho-hieu-1077515.html

Xuân Dương

31/12/2020 07:06

https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/ngay-cuoi-nam-noi-vai-dieu-that-long-ve-giao-duc-post214573.gd

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire