30/01/2021

TRUNG QUỐC CÓ HAI CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THỐNG TRỊ THẾ GIỚI

Tác giả: HAL BRANDS VÀ JAKE SULLIVAN – Foreign Policy – 22 tháng Năm  2020
Người  dịch : Lê Nguyễn

Tóm lược: Các chế độ độc tài chuyên chính, dù là Liên Bang Xô Viết hay Trung Quốc có xuất xứ từ chủ nghĩa Mao, sẽ không bao giờ ngừng việc thách thức các nước có lối sống tự do, dân chủ và tôn trọng các quyền con người đứng đầu là Mỹ. Bài viết này cho thấy Trung Quốc có thể đang tích cực tiến hành một trong hai phương thức hoặc cả hai để thách thức vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới tương tự như Liên Xô đã làm sau thế chiến thứ hai trong Chiến tranh Lạnh. Tình hình thế giới trong Chiến tranh Lạnh so với hiện nay khác nhau rất nhiều nhưng nội dung của cuộc đối đầu đó vẫn giữ nguyên  mức độ. Hoa Kỳ có  thể thua cuộc trước thách thức tranh giành bá  chủ thế giới của Trung Quốc, một chế độ cho dù bị ngờ vực và khó tin cậy do tính chất cai trị bằng độc tài chuyên chính, vẫn không làm cho họ rời ý định. Nhưng khả năng thành công của họ cũng khó lường nếu các yếu tố kinh tế và chính trị bên trong Trung Quốc có điều bất ổn. 


***

Hiện đang còn một số yếu tố phụ thuộc khác chưa rõ ràng bao quanh ý tưởng liệu Washington có thể nhận ra chiến lược mà Bắc Kinh đã chọn hay không.

Trung Quốc thời Tập Cận Bình đang thể hiện tham vọng tiến đến vai trò của một siêu cường bá chủ. Chỉ một vài năm trước đây, nhiều nhà quan sát Mỹ vẫn hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tự điều chỉnh để đóng vai trò hỗ trợ trong trật tự quốc tế tự do hoặc sẽ – cao nhất – chỉ là thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương. Theo trí khôn ngoan thông thường người ta cho là Trung Quốc sẽ tìm kiếm vai trò ở khu vực này được mở rộng — và nơi đó vai trò của Hoa Kỳ giảm bớt đi  — nhưng sẽ trì hoãn bất kỳ tham vọng toàn cầu nào trong tương lai xa. Tuy nhiên, giờ đây, những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị tranh giành vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ là không thể nhầm lẫn và chúng hiện diện ở khắp nơi.

Trung Quốc đã có chương trình đóng tàu hải quân đầy tham vọng, đưa nhiều tàu ra biển từ năm 2014 đến 2018 hơn tổng số tất cả tàu của hải quân Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Anh cộng lại. Bắc Kinh đang muốn nỗ lực thống trị các ngành công nghệ cao để quyết định sự phân bố sức mạnh kinh tế và quân sự trong tương lai. Bắc Kinh đã có chiến dịch kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng ngoài khơi bờ biển Trung Quốc[1], cũng như các kế hoạch đã được biết là tạo ra một chuỗi căn cứ và cơ sở hậu cần xa hơn. Họ đã có những nỗ lực một cách có hệ thống để cải tiến các phương pháp nhằm chuyển đổi ảnh hưởng kinh tế thành cưỡng bức kinh tế trên khắp Châu Á – Thái Bình Dương và hơn thế nữa.

Có một thực tế không kém phần quan trọng là, Trung Quốc trước đây đã ngụy tạo những tham vọng của mình thì nay đã công khai khẳng định chúng. Trung Quốc đã bước vào một “kỷ nguyên mới”, ông Tập tuyên bố vào năm 2017 và phải “chiếm vị trí trung tâm trên thế giới”. Hai năm sau, ông Tập đã sử dụng ý tưởng “một cuộc hành trình dài mới” để hàm ý mô tả mối quan hệ ngày càng xấu đi của Trung Quốc với Washington. Ngay cả những cú sốc dữ dội bắt nguồn từ bên trong Trung Quốc cũng được dùng để phô trương cho khát vọng địa chính trị của Bắc Kinh: chúng ta đã chứng kiến chính quyền của ông Tập  tìm cách biến cuộc khủng hoảng coronavirus, đã trở nên vô cùng tồi tệ vì chủ nghĩa độc tài của chính ông, thành cơ hội để thể hiện ảnh hưởng của Trung Quốc và tiếp thị quảng bá mô hình của Trung Quốc ra thế giới. Những ý định chính xác của các chế độ độc tài, mờ ám thường rất khó nhận ra. Cho nên sẽ  rất nguy hại nếu cứ tuyên bố quá  dứt khoát, một cách thẳng thừng về ý định thù địch, vì nó có thể bị cho là mù quáng quá tin vào thuyết định mệnh là nó sẽ phải thế, hoặc đó chỉ là tự tiên tri, tự suy diễn. Chúng tôi có những quan điểm khác nhau về việc liệu mối quan hệ Mỹ-Trung trên tinh thần xây dựng và ổn định có còn khả thi hay không. Có khi phải dằn lòng cố tình không muốn biết đến việc đó để không đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc trên thực tế có đang tìm kiếm (hoặc chắc chắn sẽ tìm kiếm) khả năng xác lập vị thế vươn  mình thành  cường quốc hàng đầu thế giới và họ có thể bước đi như thế nào để đạt được mục tiêu đó. Các nhà xây dựng chiến lược về Trung Quốc của Mỹ, dù muốn hay không , phải đối mặt với vấn đề này một cách thẳng thắn.

NẾU ĐẲNG CẤP SIÊU CƯỜNG ĐÚNG LÀ ĐIỀU MONG MUỐN CỦA TRUNG QUỐC, CÓ HAI CON ĐƯỜNG HỌ CÓ THỂ THỬ ĐỂ ĐI ĐẾN ĐÓ.

Nếu vị thế siêu cường thực sự là điều mong muốn của Trung Quốc, có hai con đường họ có thể cố gắng để đạt được điều đó. Đầu tiên là điều mà các chiến lược gia Mỹ cho đến nay vẫn nhấn mạnh (trong phạm vi họ thừa nhận tham vọng toàn cầu của Trung Quốc). Con đường này chạy dọc theo khu vực lãnh địa  của Trung Quốc, đặc biệt là Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc  tập trung vào việc xây dựng ưu thế khu vực như một bàn đạp cho sức mạnh toàn cầu, và nó trông khá quen thuộc với con đường mà chính Hoa Kỳ đã từng đi. Con đường thứ hai rất khác vì nó dường như bất chấp các quy luật lịch sử về chiến lược và địa chính trị. Cách tiếp cận này ít tập trung hơn vào việc xây dựng một vị thế sức mạnh hơi khó đạt được  ở Tây Thái Bình Dương, mà chỉ tạm thời luồn  lách ra ngoài hệ thống liên minh của Hoa Kỳ. Thay vào đó họ muốn cùng lúc tăng cường sự hiện diện ở khu vực này rồi phát triển ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và chính trị của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.

Câu hỏi về con đường nào trong số những con đường mà Trung Quốc sẽ đi là một câu hỏi cấp bách đối với các nhà chiến lược của Bắc Kinh, những người sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn về việc nên đầu tư vào cái gì — và những gì cần tránh — trong những năm tới. Và câu hỏi về con đường mà Trung Quốc sẽ đi cũng có ý nghĩa sâu sắc đối với các chiến lược gia Mỹ – và phần còn lại của thế giới.


Với trí tuệ khôn ngoan thông thường thì chắc là Trung Quốc sẽ cố gắng thiết lập ảnh hưởng toàn cầu bằng cách thiết lập quyền bá chủ khu vực trước . Điều này không có nghĩa là chiếm đóng các nước láng giềng (ngoại trừ Đài Loan), như Liên Xô đã làm trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng điều đó có nghĩa là Bắc Kinh phải trở mình  thành người thống trị ở Tây Thái Bình Dương, đến chuỗi đảo thứ nhất (chạy từ Nhật Bản đến Đài Loan đến Philippines) và xa hơn nữa; nó phải có được quyền phủ quyết hiệu quả đối với các lựa chọn an ninh và kinh tế của các nước láng giềng; nó phải phá vỡ liên minh Mỹ trong khu vực và đẩy các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ngày càng xa bờ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không thể làm được điều này, họ sẽ không bao giờ có một cơ sở an toàn trong khu vực để từ đó phát huy sức mạnh trên toàn cầu. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức an ninh dai dẳng dọc theo vùng ngoại vi hàng hải dễ bị tổn thương của nó; Trung Quốc  sẽ phải tập trung sức lực và tài sản quân sự cho quốc phòng hơn là tấn công. Và chừng nào Washington vẫn giữ được vị trí quân sự vững chắc dọc theo chuỗi đảo đầu tiên, các cường quốc trong khu vực — từ Việt Nam đến Đài Loan đến Nhật Bản — sẽ cố gắng chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc hơn là thích ứng với nó. Nói đơn giản, Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự nếu nước này vẫn bị bao vây bởi các đồng minh và đối tác an ninh của Hoa Kỳ, các căn cứ quân sự và các tiền đồn khác của một siêu cường thù địch.

Một lý do khiến viễn cảnh này có vẻ hợp lý đối với người Mỹ vì nó rất giống với con đường vươn lên vị trí của chính họ. Từ những ngày đầu của nền Cộng hòa, các quan chức Hoa Kỳ hiểu rằng Washington khó có thể hình dung ra  được việc đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, cho đến khi nước này phát triển đến mức độ chiến lược bất khả xâm phạm ở Bắc Mỹ và Tây bán cầu . Đây là logic chiến lược kết nối nhiều thành phần của một chiến dịch kéo dài nhiều thập niên nhằm đánh đuổi các đối thủ châu Âu khỏi bán cầu. Như thông qua Học thuyết Monroe [2] vào những năm 1820  phá vỡ quyền lực của Tây Ban Nha ở Caribe trong Chiến tranh năm 1898. Cùng một ý tưởng đã củng cố cho những nỗ lực đáng giá của cả thế kỷ — một số trong đó mơ hồ về mặt đạo đức và thậm chí có vấn đề sâu sắc — để ngăn người châu Âu thiết lập lại chỗ đứng trong khu vực như hệ quả Roosevelt [3] vào năm 1904 hoặc thông qua cuộc chiến nửa bí mật của chính quyền Reagan chống lại Sandinista Nicaragua, liên kết với Cuba và Liên Xô, trong những năm 1980. Một ủy ban lưỡng đảng đã nói rõ trong Chiến tranh Lạnh rằng sức mạnh toàn cầu của Mỹ có mối liên hệ mật thiết với vị thế thống trị trong khu vực. “Khả năng để Hoa Kỳ duy trì sự cân bằng quyền lực có thể chấp nhận được trên toàn cầu với chi phí có thể quản lý được, phụ thuộc vào sự an ninh vốn có của các biên giới trên bộ”, ủy ban tuyên bố. Nếu Mỹ phải “phòng thủ trước các mối đe dọa an ninh gần biên giới của mình”, thì nước này sẽ “phải gánh chịu gánh nặng quốc phòng gia tăng vĩnh viễn … và kết quả là phải giảm các cam kết quan trọng ở những nơi khác trên thế giới.”


Chắc chắn có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã tiếp thu logic này vì nhiều chính sách của họ dường như được tính toán để thiết lập vị thế ưu việt  trong khu vực. Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống phòng không tiên tiến, tàu ngầm không tiếng động, tên lửa chống hạm và các khả năng chống thâm nhập/ chống tiếp cận lãnh địa, chống lại lực lượng khu vực cần thiết khác để giữ các tàu và máy bay của Hoa Kỳ tránh xa bờ biển của họ, để họ có thể tự do hơn trong việc đối phó với những  người hàng xóm. Bắc Kinh đã tập trung vào việc biến Biển Đông và Biển Hoa Đông thành ao hồ của Trung Quốc — vì nhiều lý do cơ bản giống nhau như người ta thấy Hoa Kỳ cũng đã rất quyết tâm đánh bật các đối thủ của mình ra khỏi vùng Caribe.

MỘT LÝ DO KHIẾN KỊCH BẢN NÀY CÓ VẺ HỢP LÝ  CHO NGƯỜI MỸ LÀ VÌ NÓ CÓ NÉT GIỐNG  NHƯ TÌNH THẾ CỦA HOA KỲ TRƯỚC ĐÂY.

Tương tự, Trung Quốc đã sử dụng hỗn hợp các biện pháp xúi giục, ép buộc và thao túng chính trị nhằm nỗ lực làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ với các đối tác quân sự và đồng minh trong các hiệp ước. Các quan chức Trung Quốc đã thúc đẩy ý tưởng “Châu Á cho người Châu Á” —một chủ trương  không giấu giếm với  ý tưởng rằng khu vực nên giải quyết các vấn đề của mình mà không có sự can thiệp của Hoa Kỳ. Khi ông Tập và các cố vấn của ông công bố khái niệm về “Mô hình mới của mối quan hệ giữa các quốc gia chính”, thì đề xuất cốt lõi là Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hòa hợp nếu mỗi quốc gia đứng yên một bên của Thái Bình Dương.

Cuối cùng, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã không giấu giếm thực tế rằng họ đang xây dựng các năng lực quân sự – năng lực cần thiết để khuất phục Đài Loan, một sự phát triển sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực chỉ trong một đêm khiến người ta nghi ngờ và đặt câu hỏi về các cam kết của Mỹ ở TâyThái Bình Dương. Một số nhà phân tích tin rằng một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở eo biển Đài Loan [4][5] – bây giờ hoặc trong một vài năm nữa – về cơ bản sẽ bùng nổ, dù không có gì  chắc chắn, khả năng  xảy ra hay không xảy ra là bằng nhau. Tất cả những chính sách về điều này cho thấy sự bất an cơ bản trong chiến lược của Mỹ đối với  Trung Quốc. Tất nhiên, nó phù hợp với mục tiêu hẹp là việc  thống trị khu vực. Đúng với những gì người ta mong đợi nếu Bắc Kinh cố gắng bắt chước con đường trở thành cường quốc toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên vẫn có những lý do để tự hỏi liệu đây có thực sự là con đường mà Trung Quốc sẽ đi hay không, nếu trên thực tế họ đang tìm kiếm vị thế siêu cường toàn cầu. Trong các vấn đề quốc tế, việc phản chiếu qua quá khứ với điều tương tự luôn có nguy cơ lớn – như giả sử rằng  kẻ thù nhìn thế giới giống như cách chúng ta làm, hoặc sẽ cố gắng tái tạo kinh nghiệm của  kẻ thù    cho chính chúng ta. Đây là trường hợp khá đặc biệt, Bắc Kinh phải thấy rõ rằng Trung Quốc sẽ khó khuất phục khu vực ngoại vi của mình hơn nhiều so với Hoa Kỳ trước kia.

Hoa Kỳ chưa bao giờ phải  đối mặt với Nhật Bản – một cường quốc khu vực quan trọng liên minh với một cường quốc thậm chí còn lớn hơn – ở bán cầu của mình. Vượt ra khỏi chuỗi đảo đầu tiên có nghĩa là vượt ra ngoài Nhật Bản. Nước này chưa bao giờ phải đối phó với số lượng các đối thủ – Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và nhiều đối thủ khác – là các nước đối đầu với Trung Quốc dọc theo các vùng lãnh thổ và hàng hải của nước này. Nhật Bản chưa  bao giờ phải đối mặt với một siêu cường, coi Hoa Kỳ là thách thức lớn nhất của mình, trong tiềm thức chỉ đơn giản coi  đó  là một kẻ khó chịu, hoặc chỉ tự xem mình như một đối thủ nhỏ hơn cần được xoa dịu để đảm bảo hỗ trợ chống lại những mối đe dọa cấp bách hơn. Đưa ra một nỗ lực để thống trị khu vực có nguy cơ tập trung cuộc cạnh tranh chiến lược vào một thách thức mà Hoa Kỳ thường vượt trội — cố gắng giành chiến thắng trong các cuộc đối đầu quân sự cao cấp, công nghệ cao với các nước khác trong khu vực— chỉ đơn giản là đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc vào vòng tay của Washington. Trên thực tế, cho đến nay, những nỗ lực dụ dỗ và ép buộc của Bắc Kinh đã thành công một phần trong việc thay đổi định hướng địa chính trị của Philippines và Thái Lan, nhưng chúng đã phản tác dụng trong việc đối phó với Úc và Nhật Bản. Nói tóm lại, không rõ là Bắc Kinh có thể thực hiện thành công con đường khu vực để trở thành cường quốc toàn cầu – điều này đặt ra câu hỏi liệu có thể có con đường thứ hai dẫn đến sự lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc hay không.

Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì tập trung vào quyền bá chủ khu vực trước khi chuyển sang xem xét quyền bá chủ toàn cầu, Trung Quốc lại tiếp cận mọi thứ theo cách khác? Con đường thứ hai này sẽ dẫn Trung Quốc về phía Tây nhiều hơn là về phía Đông, phục vụ cho việc xây dựng một trật tự an ninh và kinh tế mới do Trung Quốc lãnh đạo trên khắp vùng đất Á-Âu và Ấn Độ Dương, đồng thời thiết lập vị trí trung tâm của Trung Quốc trong các thể chế toàn cầu. Trong cách tiếp cận này, Trung Quốc sẽ miễn cưỡng chấp nhận rằng họ không thể thay thế Hoa Kỳ ở  châu Á hoặc đẩy Hải quân Hoa Kỳ ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên của Tây Thái Bình Dương, ít nhất là trong tương lai gần. Thay vào đó, nó sẽ ngày càng tập trung vào việc định hình các quy tắc kinh tế, tiêu chuẩn công nghệ và thể chế chính trị của thế giới để có lợi thế và làm đẹp hình ảnh của nó.

Tiền đề trung tâm của cách tiếp cận thay thế này sẽ là sức mạnh kinh tế và công nghệ về cơ bản quan trọng hơn sức mạnh quân sự truyền thống trong việc thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu và rằng phạm vi ảnh hưởng do hiện diện ở Đông Á không phải là điều kiện tiên quyết cần thiết để duy trì lãnh đạo như vậy. Theo logic này, Trung Quốc có thể chỉ cần quản lý cán cân quân sự ở Tây Thái Bình Dương — tham gia vào các vùng ngoại vi gần và đặc biệt là các yêu sách lãnh thổ của họ thông qua chiến lược phòng ngự chống thâm nhập/ chống tiếp cận lãnh địa, chống các lực lượng trong khu vực — lâu dài, rồi từ từ chuyển tương quan lực lượng có lợi cho mình — trong khi theo đuổi sự thống trị toàn cầu  thông qua các hình thức quyền lực khác.

TRUNG QUỐC CÓ THỂ ĐƠN GIẢN GIỮ  CÂN BẰNG QUÂN SỰ Ở MIỀN TÂY THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ TĂNG ẢNH HƯỞNG  TOÀN CẦU THÔNG QUA CÁC HÌNH THỨC QUYỀN LỰC KHÁC.

Ở đây, Bắc Kinh sẽ xem xét một biến thể khác về vị thế của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ  và vai trò lãnh đạo trật tự quốc tế xuất hiện sau Thế chiến II và được củng cố sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc dựa trên ít nhất ba yếu tố quan trọng. Thứ nhất, khả năng chuyển đổi sức mạnh kinh tế thành ảnh hưởng chính trị. Thứ hai, duy trì lợi thế đổi mới so với phần còn lại của thế giới. Thứ ba, năng lực định hình các thể chế quốc tế quan trọng và thiết lập các quy tắc ứng xử toàn cầu chính. Trong hành trình thứ hai này, Trung Quốc sẽ tìm cách nhân rộng những yếu tố này.


Điều này sẽ bắt đầu với tham vọng mở rộng  Sáng kiến Vành đai Con đường xuyên Á-Âu và Châu Phi. Việc xây dựng và cấp vốn cho cơ sở hạ tầng vật chất đặt Trung Quốc vào trung tâm của mạng lưới liên kết kinh tế và thương mại trải dài trên nhiều châu lục.  Thành phần kỹ thuật số sẽ là nỗ lực chính , Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số, thúc đẩy mục tiêu đã nêu của Trung Quốc từ Đại hội Đảng năm 2017 là trở thành một “siêu cường không gian mạng”, bằng cách triển khai các công nghệ nền tảng của Trung Quốc, thúc đẩy thiết lập tiêu chuẩn trong các tổ chức quốc tế và đảm bảo lâu dài lợi thế thương mại cho các công ty Trung Quốc.(Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thậm chí đang sử dụng lợi thế khởi động kinh tế sớm hơn  sau khi  phục hồi  từ virus coronavirus để thúc đẩy chương trình nghị sự này bằng cách giành thêm thị phần trong các ngành công nghiệp chủ chốt nơi các đối thủ cạnh tranh tạm thời bị  đình trệ). Kết hợp chính sách kinh tế đối ngoại tích cực với các khoản đầu tư lớn trong nước do nhà nước chỉ đạo vào đổi mới, Trung Quốc có thể nổi lên như một nước đi đầu trong các công nghệ nền tảng từ trí tuệ nhân tạo đến điện toán lượng tử đến công nghệ sinh học.


Khi Trung Quốc xây dựng sức mạnh kinh tế thông qua những nỗ lực này, nước này sẽ nâng cao năng lực chuyển đổi sức mạnh đó thành ảnh hưởng địa chính trị. Evan Feigenbaum[6] của viện nghiên cứu Carnegie đã xác định nhiều loại đòn bẩy mà Trung Quốc có thể sử dụng để “khóa chặt các ưu tiên chính trị và kinh tế của mình”, từ tiềm ẩn và thụ động đến chủ động và cưỡng chế. Ông đánh giá rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cải tiến một chiến lược “trộn lẫn  và kết hợp” để triển khai toàn bộ các công cụ này trong các hoạt động hợp tác với nhiều quốc gia khác nhau, từ Hàn Quốc, Mông Cổ đến Na Uy. Cuối cùng, Trung Quốc có thể thích ứng tốt với việc leo thang từng nấc có hệ thống hơn để tạo ra các kết quả ưu tiên.

Và cũng giống như Hoa Kỳ xây dựng các thể chế quan trọng sau chiến tranh theo hình ảnh chính trị của mình, con đường thứ hai này sẽ dẫn Trung Quốc tiến tới việc định hình lại các chuẩn mực chính trị trọng tâm của trật tự quốc tế. Một số nghiên cứu đã ghi lại hình ảnh   dốc toàn lực báo chí của Bắc Kinh trên toàn hệ thống Liên Hợp Quốc vừa để bảo vệ các lợi ích hạn hẹp của Trung Quốc (phủ nhận địa vị của Đài Loan trong Liên Hợp Quốc, ngăn chặn những lời chỉ trích về Trung Quốc) vừa để củng cố một hệ thống giá trị trong đó chủ quyền hay quyền lợi quốc gia vượt trội và quan trọng hơn là nhân quyền. Cụm từ “sức mạnh sắc bén” (sharp power) giờ đây đã trở nên phổ biến để mô tả những nỗ lực xâm nhập của Trung Quốc nhằm tác động đến diễn ngôn chính trị ở các quốc gia dân chủ bao gồm Úc, Hungary và Zambia. Bắc Kinh cũng đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh ngoại giao của mình, vượt qua Hoa Kỳ về số lượng các chức vụ ngoại giao trên khắp thế giới và liên tục mở rộng ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực tài chính đa phương, khí hậu toàn cầu và các thể chế thương mại cũng như các cơ quan thiết lập quy tắc quan trọng khác. Tarun Chhabra[7] của Viện Brookings nhận xét một cách khéo léo rằng cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với hệ tư tưởng có thể linh hoạt, nhưng hiệu quả tích lũy của nó là mở rộng không gian cho chủ nghĩa độc tài chuyên chế và hạn chế không gian cho tính minh bạch và trách nhiệm giải trình dân chủ.

CÁCH TIẾP CẬN CỦA BẮC KINH TRONG PHẠM VI Ý THỨC HỆ CÓ THỂ LINH HOẠT, NHƯNG KẾT QUẢ TỔNG HỢP CỦA NÓ LÀ MỞ RỘNG KHÔNG GIAN CHO CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI CHUYÊN CHÍNH.

Tất nhiên, một động lực quan trọng khác trong vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu chiến và sau Chiến tranh Lạnh là một hệ thống liên minh mạnh mẽ và kiên cường. Điều này không có sẵn như một tài sản đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập một mạng lưới các căn cứ quân sự tiềm năng bên ngoài bờ biển của Trung Quốc, bắt đầu từ Djibouti. Và để bù đắp cho thâm hụt liên minh của mình, Trung Quốc đã bắt tay vào một chiến lược làm suy yếu và chia rẽ cấu trúc liên minh phương Tây, nuôi dưỡng các quốc gia Đông Âu và làm rạn nứt mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á.

Tất cả những nỗ lực này xảy ra vào thời điểm Hoa Kỳ đã lùi lại khỏi vai trò truyền thống là người bảo đảm trật tự. Và đó có thể là thành phần quan trọng nhất.

Về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục nhấn mạnh các khoản đầu tư quân sự và an ninh truyền thống, mang lại cho Hoa Kỳ khả năng duy trì vai trò là một cường quốc vật chất thường trú ở châu Á. Nhưng ông tỏ ra ít quan tâm hơn đến việc đáp ứng thách thức toàn cầu do Trung Quốc đặt ra — ít nhất là không mấy chặt chẽ. Phản ứng của Hoa Kỳ đối với vi rút coronavirus cho đến nay vẫn là một biểu tượng đáng buồn. Kết hợp những nỗ lực vụng về đã không nhắc nhở được  thế giới rằng vi rút có nguồn gốc từ Trung Quốc. Với phản ứng trong nước kém hiệu quả và sự vắng mặt tương đối của giới lãnh đạo quốc tế có truyền thống đã không quảng cáo tốt nhất cho vị trí hàng đầu của Hoa Kỳ. Trong quá khứ, người ta có thể mong đợi thấy Hoa Kỳ dẫn đầu các nỗ lực quốc tế để điều phối các biện pháp kích thích kinh tế và sức khỏe cộng đồng toàn cầu; người ta chắc chắn đã không ngờ chính phủ liên bang lại thất bại nặng nề trong việc soạn thảo một phản ứng quốc gia và phổ biến thông tin chính xác.Đối với tất cả các cuộc thảo luận về cạnh tranh giữa các cường quốc, một kịch bản hợp lý là Trung Quốc dần dần lấp đầy khoảng trống do Hoa Kỳ bỏ trống, với phần còn lại của thế giới sẽ chuyển sang một thế giới đang phát triển quyền lực của Trung Quốc, trong trường hợp không có bất kỳ thay thế khả thi nào.

Tất nhiên, dường như khó có thể xảy ra rằng một Trung Quốc ưu việt trên toàn cầu sẽ mãi mãi chấp nhận Hoa Kỳ là cường quốc thống trị ở vùng ven biển của họ. Tuy nhiên, việc đạt được vị trí lãnh đạo toàn cầu chỉ đơn giản là một cách cố gắng để vượt qua vị thế của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương — làm cho Hoa Kỳ  không thể thực hiện được quyền lực thông qua việc tích lũy ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao chứ không phải thông qua áp lực hoặc đối đầu chính trị-quân sự.


 Chắc chắn, con đường này cũng có vấn đề của nó.Trung Quốc có khả năng kém hơn trong việc cung cấp hàng hóa công toàn cầu so với Hoa Kỳ,  vì nước này kém quyền lực hơn và vì hệ thống chính trị độc tài của họ khiến việc thực hiện vai trò lãnh đạo tổng hợp tích cực thiếu minh bạch, vì thế khiến Hoa kỳ vẫn chiếm ưu thế và sáng giá hơn. Cuộc khủng hoảng coronavirus chỉ ra ít nhất hai điều. Phản ứng chậm chạp của Hoa Kỳ chắc chắn đã làm gia tăng mối lo ngại toàn cầu về năng lực và độ tin cậy của Hoa Kỳ, nhưng nó cũng cho thấy Trung Quốc có thể hành xử vô trách nhiệm và xúc phạm đến mức nào — từ việc che đậy sự bùng phát ban đầu rồi  khuyến khích sự lây lan toàn cầu của họ, đến việc dựng lên một câu chuyện phi lý về vi rút có nguồn gốc từ Hoa Kỳ , đến việc bán các thử nghiệm tồi hoặc sai lạc cho các quốc gia có nhu cầu khẩn cấp.Chính phủ ở các nước châu Âu, quan trọng như Đức đã quá mệt mỏi với các hoạt động thương mại mang tính săn mồi của Bắc Kinh, nỗ lực thống trị các ngành công nghiệp chủ chốt và mong muốn đàn áp quyền tự do ngôn luận trong thế giới dân chủ bằng cách đàn áp các chỉ trích về hoạt động nhân quyền của nước này. Qua  việc thể hiện những mặt tối của mô hình Trung Quốc, cuộc khủng hoảng coronavirus cũng có thể khuyến khích sự phản kháng lớn hơn đối với tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

NHỮNG CĂNG THẲNG QUANH VIỆC TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC KHÔNG ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ  KINH TẾ VÀ ĐỊA CHÍNH TRỊ, NÓ CÓ NGUỒN GỐC SÂU XA HƠN  TỪ VIỆC MẤT TIN TƯỞNG ĐỐI VỚI CHẾ ĐỘ NÀY.


Cuối cùng, có một rào cản ý thức hệ đối với lãnh đạo Trung Quốc. Những căng thẳng xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ đơn giản là do xung đột lợi ích kinh tế và địa chính trị. Chúng cũng phản ánh sự ngờ vực và mất tin tưởng  sâu sắc hơn, cố hữu hơn thường ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa các chính phủ dân chủ với các chế độ độc tài chuyên chính. Khoảng cách này giữa các giá trị chính trị của Bắc Kinh và các giá trị của các nền dân chủ tự do trên thế giới ngày một tăng lên. Có nghĩa là nhiều quốc gia ở châu Âu và xa hơn thế bắt đầu cảm nhận không mấy thoải mái về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không tiếp tục cố gắng đi theo con đường này — dường như ngày càng mở rộng và hấp dẫn hơn khi Hoa Kỳ tự cản trở các mối quan hệ của mình và tự  làm giảm uy tín của mình.

Bất kỳ ai phân tích “hai con đường”  cũng đều  phải đối mặt với câu hỏi hiển nhiên: Điều gì sẽ xảy ra nếu nó là cả hai — hoặc không phải vậy ? Trên thực tế, chiến lược của Trung Quốc hiện dường như kết hợp các yếu tố của cả hai cách tiếp cận. Cho đến nay, Bắc Kinh đang tích lũy các phương tiện và tìm kiếm ảnh hưởng địa chính trị để đối đầu với Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương cũng như định vị cho mình trước một thách thức toàn cầu rộng lớn hơn. Một điều cũng hoàn toàn có thể xảy ra là Bắc Kinh cuối cùng sẽ không thành công dù đi đường nào , nếu nền kinh tế hoặc hệ thống chính trị của họ chùn bước hoặc các đối thủ của họ phản ứng hiệu quả.

Tuy nhiên, dù bằng cách nào, việc đưa ra các lựa chọn của Bắc Kinh vẫn là một bài tập hữu ích vì hai lý do.

Thứ nhất, nó giúp định hình các lựa chọn chiến lược và đánh đổi mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong những năm tới. Các nguồn lực của Trung Quốc xem có vẻ phong phú , nhưng thực tế cho thấy nó thực sự có hạn: Một đô la chi cho một tên lửa diệt tàu sân bay hoặc một tàu ngầm tấn công ít phát tiếng động sẽ không thể được chi cho một dự án cơ sở hạ tầng ở Pakistan hoặc châu Âu. Sự tập trung chú ý và vốn chính trị của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng  hạn chế. Một quốc gia đang gắng trỗi dậy mà còn phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm và cùng lúc còn phải giải quyết nhiều khó khăn nội tại , cũng sẽ  phải đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị và địa kinh tế . Quốc gia đó không thể nào dám sử dụng quá mức các nguồn lực của mình hoặc làm giảm tác động của các nỗ lực đó. Do đó, việc tìm ra con đường dẫn đến bá quyền hứa hẹn  sẽ là mối bận tâm lớn nhất  cho các nhà hoạch định Trung Quốc — và cũng cho không ít các quan chức Hoa Kỳ, những người phải xác định phản ứng của Washington.

Thứ hai, cuộc tập dược  này giúp làm rõ thách thức chiến lược mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Một số nhà phân tích quốc phòng hàng đầu của Mỹ đã lập luận rằng nếu Bắc Kinh không giành được chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quân sự dọc theo vùng ngoại vi hàng hải của mình, thì nước này không thể sánh ngang với Hoa Kỳ trên toàn cầu. Phân tích này đánh giá cao việc Hoa Kỳ đầu tư quân sự và theo đuổi các đổi mới công nghệ và hoạt động cần thiết để củng cố cân bằng quyền lực ở eo biển Đài Loan và các điểm nóng khác trong khu vực đã bắt đầu nổi lên [6].

HOA KỲ VẪN CÓ THỂ THUA TRONG CUỘC CẠNH TRANH VỚI TRUNG QUỐC NGAY CẢ KHI NÓ CỦNG CỐ ĐƯỢC VỊ TRÍ QUÂN SỰ MẠNH Ở MIỀN TÂY THÁI BÌNH DƯƠNG 

Những đầu tư và đổi mới thực sự rất quan trọng. Phân tích của chúng tôi thấy dấy lên khả năng Hoa Kỳ vẫn có thể thua trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ngay cả khi nước này cố gắng duy trì một vị trí quân sự vững chắc ở Tây Thái Bình Dương. Nó nhắc nhở chúng ta rằng các hình thái cạnh tranh nhẹ nhàng hơn – từ việc cung cấp các nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ 5G đến thể hiện sự lãnh đạo có năng lực trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu – cũng  quan trọng như các phương cách khác trong việc đối phó với thách thức Trung Quốc. Nó chỉ ra rằng việc bảo vệ các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ khỏi sự suy thoái nội bộ – bị thúc đẩy bởi các hoạt động mua ảnh hưởng và tác dụng thông tin của Trung Quốc – cũng quan trọng không kém – cũng như để bảo vệ liên  minh khỏi áp lực quân sự bên ngoài. Và nó đưa ra một cảnh báo cho thấy dù rằng  đầu tư nhiều vào quân đội Hoa Kỳ mà mạng lưới trao đổi ngoại giao và viện trợ nước ngoài  bị thủng trong quan hệ toàn cầu, cộng với sự suy yếu hoặc rút lui khỏi các tổ chức quốc tế, cũng nguy hiểm như việc không củng cố được xương sống quân sự hùng mạnh cho sự hiện diện của Washington ở nước ngoài.Cuối cùng, suy nghĩ về hai con đường vươn tới bá chủ của Trung Quốc sẽ làm rõ sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giống và khác nhau như thế nào so với Chiến tranh Lạnh. Hơn nữa, hiện nay có một hiện trường quân sự trung tâm, nơi các đối thủ đối đầu trực tiếp nhất với nhau: Trung Âu. Trong Chiến tranh Lạnh, khi cố gắng đánh bật Hoa Kỳ ra khỏi đấu trường đó, Liên Xô đã  phải tiến hành một cuộc điều động bổ sung. Moscow đã tìm kiếm lợi thế trong thế giới đang phát triển thông qua việc sử dụng viện trợ kinh tế, lật đổ và đoàn kết ý thức hệ với các phong trào cách mạng; nó đã tìm cách làm thủng  các mối quan hệ đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Âu và hơn thế nữa thông qua áp lực quân sự ngầm và can thiệp chính trị.

CẠNH TRANH HOA KỲ-TRUNG QUỐC SẼ CÓ NHỮNG YẾU TỐ VỪA TƯƠNG TỰ , VỪA KHÁC BIỆT VỚI CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH VỪA QUA.

Tuy nhiên, Liên Xô chưa bao giờ là một đối thủ nặng ký cho vị trí lãnh đạo kinh tế toàn cầu; nó không bao giờ có khả năng, hoặc sự tinh vi, để hình thành các chuẩn mực và thể chế toàn cầu theo cách mà Bắc Kinh có thể làm. Quyền lực của Liên Xô cuối cùng dựa trên cơ sở khá hẹp, điều này đã hạn chế các lựa chọn chiến lược mà Moscow sở hữu. Và trong khi Hoa Kỳ và Liên Xô nhìn thấy xung đột theo các thuật ngữ Manichean [7]- thiện với ác, chiến thắng và thất bại, tồn tại với sụp đổ – ngày nay có một sắc thái lớn hơn trong mối quan hệ kết hợp của sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự phụ thuộc lẫn nhau vẫn còn rất đáng kể.

Hoa Kỳ vẫn có nhiều khả năng hơn trong việc giữ vững vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh đó, miễn là nó không tiếp tục theo quỹ đạo tự phá hoại như hiện tại. Nhưng thực tế cũng cho thấy Trung Quốc có hai con đường hợp lý để đạt được ưu thế, có nghĩa là cuộc cạnh tranh sẽ phức tạp hơn và có khả năng thách thức hơn so với thời kỳ cạnh tranh cường quốc cuối cùng đã qua của Mỹ.

Nguồn:
https://foreignpolicy.com/2020/05/22/china-superpower-two-paths-global-domination-cold-war/

Về các tác giả:

Hal Brands là giáo sư xuất sắc thuộc lớp danh dự  Henry A. Kissinger về các vấn đề toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins.

Jake Sullivan là thành viên cấp cao không thường trú tại Carnegie Endowment for International Peace. Ông từng là phó trợ lý của Tổng thống Barack Obama và cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng thống Joe Biden từ năm 2013 đến năm 2014, cũng như giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2013, hiện là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden.

Tham khảo:

• Phát triển một chiến lược của Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc – Hiện tại và trong tương lai ( Developing a U.S. Strategy for Dealing with China – Now and into the Future), Research Brief,  RAND Corporation.

https://fairbank.fas.harvard.edu/events/evan-feigenbaum-us-china-relations-where-were-headed/

Quan hệ Mỹ Trung đang hướng về đâu? 09/09/2020.

https://finance.yahoo.com/news/problems-created-by-chinas-new-silk-road-174812314.html

https://www.japantimes.co.jp/opinion/2021/01/12/commentary/japan-commentary/api-indo-pacific/

https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Team-Biden-assures-Japan-that-Senkakus-fall-under-security-treaty

“Team Biden” cam kết với Nhật Bản các đảo Senkakus nằm trong hiệp ước an ninh giữa hai nước. 

Chú thích:

[ 1] Luật Cảnh sát biển được thông qua hôm thứ Sáu ( 22 tháng Giêng 2021) trao quyền cho nước này “thực hiện mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trái phép trên biển”.Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc, đã thông qua Luật Cảnh sát biển  theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước.

[2] Monroe Doctrine  (học  thuyết Monroe ) học thuyết do  Tổng thống James Monroe đề  ra năm 1823, nói rằng bất kỳ thế lực bên ngoài nào nhúng tay vào nội  bộ chính trị Mỹ Châu đều được xem là có hành động thù địch với Hoa Kỳ.

[3] Tháng 12, 1904, nhân việc nợ nần của Venezuela, Tổng thống Roosevelt đã hăm dọa các cường quốc  Âu châu là ông sẽ dùng quân sự  như giải pháp cuối cùng để giải quyết các tranh chấp ở Mỹ Châu tựa như học thuyết Monroe những năm 1820.

[4] https://www.reuters.com/article/us-taiwan-china-security/china-taiwan-tensions-rise-days-into-biden-presidency-idUSKBN29T08S

[5]H.R.2479 – Taiwan Relations Act

96th Congress (1979-1980) là đạo luật bảo vệ Đài Loan và khu vực chống lại các hành động xâm lược và gây bất ổn sau khi Hoa Kỳ chính thức lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa năm 1979.

[6]Evan A. Feigenbaum là phó chủ  tịch  của viện nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, ông phụ trách các nghiên cứu ở Washington, Bắc Kinh và New Delhi trên các vấn đề có tính năng động của khu vực bao gồm cả Đông Á và Nam Á.

[7] Tarun Chhabra hiện là giám đốc cấp cao trong chính quyền Biden, cố vấn các vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật an ninh quốc gia thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Ông từng làm việc tại viện Brookings và trường Đại Học Georgetown về các chiến lược lớn của Hoa kỳ, quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc, Hoa Kỳ và đồng minh, các sáng kiến cho chính sách Ngoại giao rộng, Global China liên quan đến sự tăng trưởng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, các vấn đề an ninh trong kỹ thuật đang nổi lên.

[8] Ngày 2 tháng 8, 2019 Hoa Kỳ rút khỏi  Hiệp định INF  (Intermediate-range Nuclear Forces) , cấm sản xuất vũ khí tên lửa mang đầu đạn  hạt nhân tầm trung năm 1987 từ thời Chiến tranh Lạnh, cho rằng Trung Quốc có lợi thế vì không là thành viên của Hiệp định INF đã tạo ra mất cân bằng tương quan lực lượng.  

[9] Manichean, một tôn giáo cổ được  lập ra bởi nhà tiên tri Mani ở Iran vào thế kỷ thứ 3, những tín đồ này tin vào tính hai mặt của mọi sự việc: thiện/ ác, tồn tại/ sụp đổ…

https://diendankhaiphong.org/trung-quoc-co-hai-con-duong-dan-den/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire