28/03/2021

Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, Việt Nam vừa mừng vừa lo

Mai Vân

Ảnh tư liệu : Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt ghé cảng Đà Nẵng ngày 05/03/2020, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai trong vòng 3 năm của một tàu sân bay Mỹ. Ảnh minh họa. REUTERS - Nguyen Huy Kham

Từ ngày ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng, Washington vẫn duy trì thái độ cứng rắn với Bắc Kinh và cho thấy rõ mối quan tâm trong việc củng cố vai trò của Mỹ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việt Nam được cho là rất hài lòng với đường lối cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, nhưng cùng lúc có phần lo ngại trên một số điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền.


Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện một thái độ cứng rắn rõ rệt đối với Trung Quốc, mà ví dụ mới nhất là tuyên bố ngày 25/03/2021 nhân một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, khi ông nhấn mạnh quyết tâm phối hợp với các đồng minh của Hoa Kỳ để buộc Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả về hành vi của họ trên các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Biển Đông, cũng như về cách đối xử với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, và buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ quốc tế về thương mại công bằng.

“Biden là Trump cộng với nhân quyền”

Nhận định về đường lối chung của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, nhật báo Pháp Le Monde ngày 23/03 vừa qua đã có một công thức rất lý thú khi cho rằng, nhìn từ Bắc Kinh, “Biden là Trump cộng với nhân quyền”, tức là còn tệ hại hơn đối với Trung Quốc.

Tờ báo liệt kê một loạt hồ sơ: “Thuế quan ư? Vẫn được duy trì. Các biện pháp chống lại Hoa Vi, ZTE và các đại gia công nghệ khác của Trung Quốc ư? Tiếp tục được củng cố. Danh sách đáng xấu hổ của các quan chức Trung Quốc bị trừng phạt đích danh vì chính sách ở Tân Cương hay Hồng Kông ư? Dài thêm ra”.

Trong lĩnh vực ngoại giao, chiến lược cũng vậy, Hoa Kỳ đã tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác với các nước vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương với mục tiêu kềm chế đà bành trướng của Trung Quốc.

PUBLICITÉ

Hôm 16/03/2021 ngay tại Nhật Bản, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không ngần ngại lên tiếng chống lại việc sử dụng các thủ đoạn “cưỡng bức và gây hấn”, cho rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông khiến cho căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ông Blinken đã cảnh cáo: “Chúng tôi sẽ trả đũa nếu cần thiết khi Trung Quốc sử dụng biện pháp ép buộc và gây hấn để đạt được mục đích của mình”.

Việt Nam hài lòng nhưng cũng lo ngại

Đối với chuyên gia Mỹ Derek Grossman thuộc trung tâm tham vấn Rand Corporation, việc chính quyền Joe Biden cứng rắn đối với Trung Quốc có thể vừa khiến Việt Nam vui mừng, vừa tạo ra một số lo âu nhất định. Trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 16/03/2021, chuyên gia Mỹ cho rằng với chính quyền Biden, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục chiều hướng đi lên, mặc dù vẫn còn một số trở ngại nhất định.

Theo ông Grossman, những dấu hiệu đầu tiên mà chính quyền Biden bộc lộ về chính sách châu Á của Mỹ “hết sức tích cực” đối với Việt Nam. Có vẻ như chính quyền của ông Biden về cơ bản sẽ duy trì chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Trump, giữ cho khu vực được “tự do và rộng mở”, tránh bị Trung Quốc bức hiếp, nhưng với lời lẽ nhẹ nhàng hơn và nhấn mạnh hơn trên việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác.

Theo chuyên gia Mỹ, dưới thời Donald Trump, Việt Nam là một nước nhiệt tình ủng hộ chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ, dù không tuyên bố công khai để tránh gây hiềm khích với Trung Quốc một cách vô ích. Hà Nội đánh giá cao sự tập trung chú ý của Washington vào khu vực, đặc biệt trên các tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Việt Nam hoan nghênh sự giúp đỡ của Mỹ thông qua các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và các tuyên bố chính thức. Và trong một khoảng thời gian ngắn ngủi từ ngày lên nắm quyền, chính quyền Biden đã tiến hành ba chiến dịch tự do hàng hải được tiết lộ công khai ở Biển Đông, hai lần gần Trường Sa và một lần ở vùng Hoàng Sa.

Ngoài ra, ngoại trưởng Antony Blinken còn tái khẳng định sự chuyển hướng chính sách Biển Đông mà người tiền nhiệm Mike Pompeo loan báo vào tháng 7 năm 2020 để công nhận sự tồn tại và tính hợp pháp của các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các bên phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc, chỉ dựa trên quyền lịch sử, trái với luật lệ quốc tế.

Singapore và Việt Nam được Mỹ nêu bật trong khối ASEAN

Hơn nữa, rõ ràng là chính quyền Biden có kế hoạch tiếp tục hướng cạnh tranh quyền lực của chính quyền Trump với Trung Quốc. Đây là một điều tốt cho Hà Nội vì Washington đang thể hiện quyết tâm lâu dài nhằm đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh.

Cuối cùng, Hà Nội có thể hài lòng trước quyết định gần đây của chính quyền Biden về việc đặc biệt nêu tên Việt Nam là một đối tác chính ở vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Trong bản “Hướng dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời” công bố ngày 3 tháng 3, chính quyền Biden viết rõ rằng: “Chúng ta sẽ… làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), để phát huy các mục tiêu được chia sẻ.”

Những hồ sơ nhạy cảm

Tuy nhiên, theo chuyên gia Grossman, đường lối mới của chính quyền Joe Biden chắc chắn cũng có nhiều điểm khiến Việt Nam lo ngại, trước tiên hết là trọng tâm mà Washington đặt trở lại trên các giá trị, chẳng hạn như dân chủ, tự do và nhân quyền, vốn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Chuyên gia Mỹ cho rằng đối với Hà Nội, có thể có một số lo lắng nhất định về hậu quả tiềm tàng của việc liên kết chặt chẽ hơn với một chính quyền Washington lớn tiếng hơn trên những hồ sơ này, như Mỹ đang làm với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, còn có những khúc mắc có từ thời Donald Trump. Hà Nội có thể lo ngại về việc liệu chính quyền Biden có hành động nhắm vào Việt Nam vì những cáo buộc theo đó Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Ngoài ra cũng có một yếu tố khác, tồn tại từ thời Trump, là khả năng Mỹ trừng phạt Việt Nam vì mua thiết bị quân sự của Nga.

Ngay cả trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng cần chú ý nhiều hơn. Sau cuộc họp cấp bộ trưởng Bộ Tứ vào tháng Hai, thông cáo mà Washington đưa ra lại không đề cập đến vấn đề Biển Đông - một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Hà Nội. Tuy nhiên, thiếu sót đó đã được bổ sung với tuyên bố của chính quyền Biden sau Thượng Đỉnh Quad lần đầu tiên ngày 12 tháng 3.

Tuyên bố đó đã ghi rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt như được phản ánh trong Công Ước LHQ về Luật Biển UNCLOS, và tạo điều kiện cho sự hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, để đối phó với những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật pháp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.”

Việt Nam muốn có một thượng đỉnh Joe Biden-Nguyễn Phú Trọng?

Sau cùng, chuyên gia Grossman nhắc đến một quan tâm trước mắt của Việt Nam là muốn sắp xếp thời gian để tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng tiếp xúc với tổng thống Mỹ Biden.

Lần duy nhất mà sự kiện này diễn ra là vào tháng Giêng năm 2015, cách nay quá lâu, và theo ông Grossman, nếu Hà Nội không dàn xếp được một thượng đỉnh như vậy trong năm nay, điều đó sẽ bị coi là một bước lùi.

Nhà nghiên cứu Mỹ kết luận: Về tổng thể, tất cả những thách thức nói trên đều có thể vượt qua được nhờ động lực tích cực và đáng kể của quan hệ song phương Mỹ-Việt.

Trong tương lai, chính quyền Biden có thể tìm cách giảm bớt những lo ngại của Việt Nam để củng cố hơn nữa hậu thuẫn của Hà Nội đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, chẳng hạn như mời ông Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà Trắng.

Về phần mình, Việt Nam nên có thái độ cởi mở đối với chính quyền mới tại Mỹ và những thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của Washington trong 4 năm tới.

26/03/2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire