28/04/2021

Về 4 đội quân tham chiến ở Nam Việt Nam

Thiện Tùng

27/4/2021

Cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam trong những năm 1960-1975  mang hai sắc thái: “Nội chiến” “Cục bộ” giữa 2 phe Tư Bản và Cộng sản.

Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu suy tư về cơ đồ trước khi từ nhiệm - Ảnh báo Kiến Thức.


Nhìn vào đã thấy ngay: có 4 lực lương vũ trang tham chiến: Quân đội Việt Nam Cộng hòa / Giải phóng quân Miền Nam / Quân đội viễn chinh Mỹ / Quân đội Bắc Việt Nam.

Khi đã là đối thủ của nhau, bên nầy gọi bên kia theo kiểu mạt sát, chẳng chút thanh bai: Phía Bắc VN và Cộng hòa Miền Nam gọi quân Mỹ là Quân xâm lược” và gọi quân đột VNCH là “Ngụy quân, đánh thuê cho Mỹ”. Ngược lại, phía Mỹ và VNCH gọi quân Giải phóng miền Nam là Việt Cộng hay Cộng phỉ” và gọi quân đội Bắc VN là “Cộng sản Bắc Việt”.

Cuộc chiến ở Nam VN diễn ra suốt 15 năm (1960-1975), tôi là người tham gia suốt cuộc chiến, thuộc phía Việt Cộng. Qua va chạm với thực tế, theo nhận xét chủ quan, tôi đánh giá về thực chất 4 lực lượng vũ trang tham gia cuộc chiến nầy như sau:

 

1/ Quân đội Việt Nam Công hòa (VNCH):

Về chất không cao, bởi: nó là quân bắt buộc, hình thành theo chế độ “quân dịch”, không có mục tiêu, lý tưởng. Những năm 1960 đến 1965, họ chỉ thi hành nghĩa vụ công dân, nếu trốn bắt được buộc tái ngũ làm nhiệm vụ “lao công đào binh” (theo cần vụ cho quân đội). Những năm 1965 đến 1973 – khi có mặt quân đội Mỹ tại chiến trường miền Nam, họ trở thành những người lính đánh thê cho Mỹ, do Mỹ trả lương chẳng những cho bản thân mà có cả lương vợ lương con rất hậu. Vì vậy, họ bám ngũ chẳng qua là hành nghề “binh nghiệp”. Ngoài sĩ quan, binh lính không hề muốn gây thù chuốc oán với ai, họ cần sống để lãnh lương tháng nuôi vợ con là trên hết. Những năm 1973-1975, khi Mỹ cắt dần “bao cấp”, nhứt là những tháng đầu năm 1975, họ hoang mang tột độ khi chính phủ VNCH không đủ tiền trả lương. Lúc ấy, tổng thống Nguyễn văn Thiệu xin Mỹ viện trợ khẩn 750 triệu đô-la để trả lương cho Quân đội, Quốc hội Mỹ không duyệt, ông Thiệu bực tức nói: “Không đánh, đưa tiền cho người ta đánh cũng không đưa!”, thế là ông Thiệu từ chức, giao quyền lại cho lão giáo già Trần văn Hương vừa mắt mờ vừa mang bịnh thắp khớp. Quân nhân không được trả lương hoặc trả lương không đầy đủ khiến cho những sư đoàn không còn khả năng tác chiến, tan rã hàng loạt.

 

2/ Giải phóng quân miền Nam:

Về chất cao hơn nhiều so với Quân đội VNCH, bởi: nó là quân tự nguyện (tình nguyện), chiến đấu có mục tiêu, lý tưởng, họ tự nguyện vào và tự ý rời quân ngũ miễn đừng “chiêu hồi” đánh phá Cách mạng là buộc phải chấp nhận. Vì chất chiến đấu cao nên Giải phóng quân sẵn sàng một chọi với ba quân VNCH mà thường phần thắng luôn thuộc về mình. Việc đào ngũ rất hạn hữu, nếu có, không phải do sợ chết mà chịu không nổi vất vả trong hành quân. Họ không làm nổi vai trò Địa phương quân hay Chủ lực quân, khi về, phần lớn tham gia Du kích quân, bất hợp pháp và bất hợp tác với VNCH.

 

3/ Quân đội Bắc VN:

 được xem như quân đội chính quy (tinh nhuệ), nhưng sự thật nó là quân “Nghĩa vụ” còn gọi là “ba sẵn sàng”, kỳ thực là họ chỉ được huấn luyện qua loa như “quân địch” vậy thôi, chất chiến đấu như quân đội VNCH. Có điều, họ tha hương chiến đấu, rã ngũ không nơi nương tựa, chiến chiến đấu theo kiểu “thí mạng cùi” bảo vệ sự sống cho mình. Qua tiếp xúc, dường như họ ít nhiều có bất bình hay bất mãn đối với cấp trên của họ.

 

4/ Quân đội viễn chinh Mỷ và đồng minh của họ:

Họ chiến đấu theo kiểu chính quy, dựa chủ yếu vào binh khí, kỹ thuật. Họ cố gài độ để đối phương chấp lối đánh “trận địa chiến” thì phần thắng chắc chắn thuộc về họ. Nhưng “liệu cơm gấp mắm”, Giải phóng quân Miền Nam, ngoài dùng quân chủ lực, thấy đâu ngon xơi công đồn đả viện, còn dùng chiến tranh Du kích, đánh theo kiểu rị mọ thầm lén, nhầm vào những tử huyệt đối phương “khai đao”. Du kích chiến  lấy ít đánh nhiều, muôn hình vạn trạng, thiên la địa võng không biết đâu đề phòng. Nếu đánh theo kiểu “trận địa chiến” (tốc chiến tốc thắng) thì  Mỹ và đồng minh của họ chắc thắng, nhưng đánh theo kiểu “Du kích chiến” thì Mỹ và đồng minh của họ lâm vào cảnh như “chó nhai vẻ rách” càng nhai càng mắc răng (sa lầy), cù cưa cù nhằn hao người tốn của riết cũng hụt hơi, phải rút quân. Không phải họ chỉ sa lầy ở VN trước kia mà, gầy đây, họ sa lầy nhiều nơi ở Trung Cận Đông như Irad, Apganixtan… chẳng hạn.

Dường như Mỹ và Bắc Việt Nam hiểu không mấy thấu đáo về tính chất cuộc chiến ở Nam Việt Nam giữa 2 phe “Việt Nam Công hòa” và “Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Đây là cuộc chiến “dòng họ, anh em, nội ngoại” bất đồng chính kiến đánh nhau, bên nầy có người thân tham gia bên kia. Chẳng hạn như: Tổng thống VNCH Dương văn Minh có em trai là Dương văn Nhựt cấp tá quân đội Bắc Việt và người chú ruột Dương văn Diêu, bộ trưởng Bộ Giáo dục thuộc chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam / Ông Tám Dần, phó Tư lịnh Quân Giải phóng khu Trung Ban bộ (Khu 8 cũ) có con trai là cấp tá quân đội VNCH / Ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ cao cấp Việt Cộng có con trai là Nguyễn văn Oanh, cấp tá, trưởng phòng Thẩm vấn thuộc VNCH…

Để tránh cảnh “cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt, đỗ nát hoang tàn”, trước khi kết thúc cuộc chiến chừng 1 tháng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đưa ra chủ trương “hòa giải hòa hợp dân tộc” là phù hợp với lòng người ở phần đất Nam Việt Nam nên được 2 phía chủ chiến ở miền Nam chấp nhận ngưng chiến (huề) một cách dễ dàng.

Xin kể một việc mà cho đến nay còn hằn sâu trong ký ức tôi:  Khoảng 15 giờ ngày 30/4/1975, tôi và 3 đồng đội đi ô-tô từ thị xã Tây Ninh về TP Mỹ Tho, đoạn đường dài hơn 200km. Trên xe chúng tôi cấm cờ Mặt trận (nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng ở giữa).Trên đường, khi ngang qua căn cứ Đồng Dù, chúng tôi  thấy khoảng trung đoàn Quân đội VNCH bỏ súng thành đống,  đứng ngồi dọc 2 bên lề lộ. Chúng tôi thò tay ra vẫy chào họ, chỉ có ít người vẫy tay đáp lại. Có lẽ họ chờ đón xe về quê, trông có vẻ mệt mõi, đói khát thật đáng thương tâm. Khi chúng tôi đến địa phận Sài Gòn, đoạn cuối xa lộ Đại Hàn giáp với chợ An Lạc đến cầu Bình Điền cũng cảnh tượng binh sĩ VNCH quăng bỏ mũ sắt và súng, tranh nhau đón xe về các tỉnh Miền Tây. Khi vào địa phận Mỹ Tho, từ cầu Bến Chùa đến ngả ba Trung Lương, chúng tôi lại thấy cũng khoảng 1 trung đoàn của Sư 9 thuộc quân đội VNCH quăng bỏ súng ống, đón xe về quê mà xe khách không dám chở (có lẽ sợ chở quân đội mặc sắc phục rằn ri quân Giải phóng tân công). Chúng tôi dừng xe lại bảo họ nói chuyền cho nhau: “Hãy cỡi áo đứng chờ, chúng tôi sẽ bàn ngay với địa phương cử người đón xe và cho phép họ chở các anh về quê cả 2 hướng”. Được biết, đến nửa đêm 30/4/1975, xe khách rước hết lực lượng nấy đưa họ về.

Thế mà việc “Hòa giải hòa hợp dân tộc” không được thực hiện trên diện rộng, chỉ âm thầm hòa giải hòa hợp trên diện hẹp ( tộc thuộc làm hòa với nhau). Chiến tranh kết thúc gần nửa thế kỷ qua mà dân tộc Việt Nam nói chung chưa hết thù hằn nhau, đó là nỗi đau của dân tộc?!. Lỗi nầy từ đâu, do những ai gây ra rồi đây lịch sử sẽ phán xét?. -/-

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire