19/05/2021

Bàn về nguyên nhân chủ quan của giáo dục

Nguyễn Đình Cống

Nguyên nhân gây ra một sự việc nào đó có thứ là khách quan, có thứ là chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan có nguyên nhân do chủ quan. Hai từ chủ quan trong câu vừa rồi có ý nghĩa khác nhau, nếu không chú ý có thể bị nhầm lẫn. Kể ra thay cụm từ Nguyên nhân chủ quan bằng Nguyên nhân nội tại thì  tránh được nhầm lẫn như vậy.

Khi gặp thất bại người tầm thường hay tìm cách đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, chỉ có người trí tuệ mới tìm được nguyên nhân chủ quan. Và chỉ khi tìm được nguyên nhân thật sự cơ bản thì mới có được biện pháp sửa chữa đúng đắn.


Tuy vậy khách quan của bộ phận có thể là chủ quan của toàn bộ. Xét đối tượng A ở trong tập hợp B. Một nguyên nhân khách quan gây tác hại cho A, nhưng có thể là chủ quan của B.

Những bậc trưởng lão từ U80 trở lên chắc còn nhớ, trước đây (từ 1946 trở về sau) khi nói đến khuyết điểm, thiếu sót của tổ chức hoặc cá nhân người ta hay đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là tàn dư của đế quốc và phong kiến, còn lãnh đạo vẫn rất thông minh, rất sáng suốt. Cách tuyên truyền như vậy đã lừa được nhiều người, nhưng rồi quần chúng khôn ra, không tin vào sự đổ vấy nữa nên người ta chuyển sang cách nói khác. Sau khi trình bày những sai lầm, thiếu sót không thể che giấu được, họ công nhận nguyên nhân do khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Công nhận thế, tưởng thể hiện được khả năng trí tuệ, nhưng cũng để đánh lừa  mà thôi. Vì sao vậy?  Vì người ta chỉ nêu loa qua vài nguyên nhân vụn vặt, lộ ra ngoài, dễ thấy mà tránh việc tìm ra, kể ra những nguyên nhân thuộc bản chất, bị ẩn giấu. Khi có ai phản biện, kể ra nguyên nhân như vậy mà không làm vừa lòng người ta thì ngay lập tức bị quy kết là phản động, là cố tình phá hoại.

Gần đây ông Thủ tướng, khi huấn thị về giáo dục, sau khi kể ra một số bất cập của ngành, nói rằng : “Nguyên nhân của các vướng mắc, hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”. Đây là một câu đã được nghe quen tai, rất quen tai.

Nhân ý kiến của Thủ tướng tôi  bàn vài điều.

Về nguyên nhân chủ quan các bất cập của ngành giáo dục, người nói ở hai cương vị sẽ có hai ý nghĩa khác nhau. Khi Bộ trưởng nói thì đó là tự thú nhận, tự chịu trách nhiệm. Nguyên nhân chủ quan là của Bộ, của ngành. Nhưng khi cấp trên nói thì phải làm rõ chủ quan của ai. Khi ngụ ý chủ quan là của ngành thì lời của cấp trên có ý quy kết chứ không phải lời tự thú nhận. Còn nếu định nói chủ quan là của cả cấp trên thì phải nói rõ, rằng các sai lầm nguyên nhân chủ quan của ngành và của lãnh đạo nhà nước, của thể chế.

Mà thực sự những bất cập trong giáo dục chủ yếu do sai lầm của đường lối, từ cấp trên dội xuống kết hợp với sai lầm nội tại của ngành. Bộ trưởng đóng vai trò vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Lúc này mà cấp trên phán rằng nguyên nhân chủ quan là của ngành thì đó là sự quy kết, có tính chất đổ vấy mà không nhìn ra được thực chất vấn đề, không chịu nhận trách nhiệm.

Thử hỏi, phát hiện ra bệnh thành tích dổm do phong trào thi đua trong giáo dục lợi ít hại nhiều, Bộ trưởng có dám ra lệnh bãi bỏ thi đua hay không khi mà lãnh đạo cấp trên còn ôm ấp nó. Thử hỏi, biết học sinh chán chường phải học nhiều điều phục vụ cho ý đồ không trong sáng về chính trị, giáo viên khổ sở về việc phải dạy những điều không tin là chân lý, Bộ trưởng có dám cho rút bớt hoặc sửa đổi khi mà Tuyên giáo chủ trương như thế. Nếu dám làm khác những chỉ đạo của cấp trên không khéo ngồi chưa nóng chỗ thì Bộ trưởng đã bị loại bằng cách này hay cách khác mất rồi.

Ở cương vị cao hơn Bộ trưởng, khi nhìn vào bất cập của giáo dục, người có trí tuệ cần thấy được nguyên nhân chủ quan của Chính phủ, của lãnh đạo nhà nước. Đó là sự duy ý chí trong phát triển giáo dục, là những nhầm lẫn trong đường lối và chương trình đào tạo con người (đào tạo những người biết thừa hành chứ không phải người sáng tạo), là những sai sót trong chính sách tuyển chọn, dùng người (trả lương theo bằng cấp), là sự mất dân chủ và thoái hóa đạo đức của cả hệ thống. Vấn đề là Bộ trưởng có thấy được những điều này không, thấy rồi thì có đủ dũng cảm hoặc trí thông minh để chọn cách hành động đúng, hợp tình, hợp lý hay không. Nếu gặp phải Bộ trưởng quá kém, không thấy được những nhầm lẫn của cấp trên, hoặc thấy mà không dám nói ra thì đó cũng không phải là sai lầm chủ quan của ngành mà là sai lầm của những ai ở cấp trên đã chọn người như vậy làm bộ trưởng.

Tất nhiên trong phạm vi quyền của mình, các Bộ trưởng cũng phạm một số sai lầm trong quản lý, điều hành. Đó là sai lầm chủ quan của nội bộ ngành giáo dục. Thí dụ tạo ra một nền hành chính kém hiệu quả trong quản lý, biến một phần lao động của thầy cô thành công việc khổ sai, để cho việc dạy thêm tràn lan làm hủy hoại đạo đức và quan hệ sư phạm, để cho việc gian dối chiếm lĩnh trường học v.v…

Cũng có không ít sai sót chủ quan của thầy cô giáo như giảng dạy rập khuôn, làm tiền phụ huynh và học sinh, không công bằng trong đánh giá, chạy theo thành tích dổm v.v..

Tìm nguyên nhân chủ quan của bất cập là rất cần, nhưng phải tim ở cả ba cấp độ: Lãnh đạo nhà nước, quản lý của ngành, hoạt động của giáo viên. Và quan trọng là phải tìm đúng nguyên nhân cơ bản, thường bị ẩn giấu và những lãnh đạo thiếu trung thực muốn giấu đi, không để cho dân biết.

Về một sự cố, khi ai đó tìm ra nguyên nhân V, muốn biết nó có phải là nguyên nhân cơ bản hay chưa thì đặt tiếp câu hỏi: Vậy cái gì làm phát sinh ra V?  Nếu thấy còn cần hỏi và tìm được câu trả lời thì V chưa phải là nguyên nhân cơ bản. Cứ loay hoay tác động vào V thì không khéo chữa cái sai này lại làm phát sinh cái sai khác mà thôi.

Mà muốn tim nguyên nhân chủ quan cơ bản của một tổ chức thì không thể dựa hoàn toàn vào người của tổ chức đó. Phải thực tâm trông chờ, tham khảo ý kiến phản biện từ bên ngoài hoặc từ trong nội bộ.

Một số tổ chức mở các cuộc thi để tìm ý tưởng hay. Thí dụ cuộc thi Giải Búa Liềm Vàng về xây dựng Đảng, giải thưởng báo chí về Chống tham nhũng v.v…Liệu có nên mở cuộc thi tìm nguyên nhân xuống cấp của Giáo dục.

Vừa mới nhm chức, ông Thủ tướng, ông Bộ trưởng có những phát biểu đáng để ý, những người nhẹ dạ cả tin nghe qua thì cảm thấy hài lòng, nhưng có người lại phát hiện ra một vài điều đáng nghi vấn. Nghe nói rồi, chờ xem họ làm như thế nào mới biết.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire