28/05/2021

Chống tham nhũng, chuyện của hai người tên Khoa

Xuân Dương: "Nhưng vấn đề đáng quan tâm không phải là tìm lỗi của ai mà là vì sao sau khi tố cáo sai phạm, người tố cáo hoặc phải tự rời bỏ hoặc bị ép phải rời bỏ nơi mình đang công tác?

Báo Thanhtra.com.vn – cơ quan của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra – trong bài “Người tố cáo bị trù úm, đơn độc, đành … “mũ ni che tai” ” đăng ngày 21/04/2017 có đoạn:

“Sự lộng quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và vai trò mờ nhạt của các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị là một trong những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng kẻ mạnh thì bưng bít thông tin, người tố cáo bị trù dập, trù úm kéo dài, bị đơn độc, không ai bảo vệ”. [3]"


Ngày 02/06/2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa tự mình quay clip và công bố các bằng chứng tiêu cực tại Trường trung học phổ thông Phú Xuyên A (Thường Tín – Hà Tây cũ).

Được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen về thành tích dũng cảm chống tiêu cực thi cử, được lên tivi trong chương trình “Người đương thời” và là một trong những lý do khiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào “Hai không” (Nói không với bệnh thành tích và nói không với tiêu cực trong thi cử…).

Sáu năm trước, báo điện tử Congluan.vn – cơ quan trung ương của Hội Nhà báo Việt Nam trong bài “Sẽ cần những Đỗ Việt Khoa mới?” đã nói về cuộc sống của “người đương thời” Đỗ Việt Khoa như sau:

“Thầy Đỗ Việt Khoa bị chính những đồng nghiệp và lãnh đạo ngành giáo dục Hà Tây cô lập, xa lánh thậm chí còn trù úm, dọa nạt, khủng bố tinh thần”. [1]

Thầy Đỗ Việt Khoa, ảnh: Thu Hòe/GDVN.

Sau những giây phút tỏa sáng như pháo hoa mừng lễ hội, đến tháng 05/2010, thày Khoa làm đơn xin thôi việc vì lý do “không thể chịu đựng được sự trù dập (của một số lãnh đạo giáo dục các cấp)”.

Trước những bức xúc của dư luận xã hội, chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gợi ý và lãnh đạo trường Trung học phổ thông Thường Tín đã đồng ý tiếp nhận thày Khoa về giảng dạy môn Địa lý tại trường.

Mười lăm năm sau, vào những ngày đầu hè 2021 này, xuất hiện một người tên Khoa khác cũng có hành động dũng cảm chống tiêu cực như thày giáo Khoa, đó là nguyên thiếu tá Trịnh Văn Khoa từng làm việc tại Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn thành phố Hải Phòng.

Sự giống nhau giữa hai người trùng tên Khoa này là cả hai đều đã có lúc phải xin ra khỏi ngành, thày giáo Khoa đã được trở lại làm việc còn nguyên thiếu tá Khoa liệu có nhận được những chỉ đạo kịp thời từ lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy và chính quyền thành phố Hải Phòng và quận Đồ Sơn để trở lại làm việc?

Tố cáo của nguyên thiếu tá Khoa là một số cán bộ, sĩ quan công an quận Đồ Sơn đã làm sai lệch hồ sơ vụ án, tha bổng người phạm pháp và ăn chia tiền bất minh.

Cũng tại Hải Phòng, chắc hẳn không ít người còn nhớ vụ án một số trẻ vị thành niên giật mũ, nón của hai nữ sinh ở Tiên Lãng, Hải Phòng bị hai cấp tòa án địa phương này “tăng nặng mức độ nguy hiểm và xử bốn bị cáo tổng cộng 94 tháng tù giam”.

“Hội đồng Giám đốc thẩm nhận định, Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt các bị cáo: Hùng, Lộc và Thịnh là quá nghiêm khắc, không phù hợp đường lối xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội”. [2]

Ông Trịnh Văn Khoa - nguyên Thiếu tá, làm việc tại Công an quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng. Ảnh: Báo Lao động.

Một bản án được hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên chắc chắn phải là kết quả hoạt động của các cơ quan Công an, Kiểm sát và Tòa án địa phương.

Một khi Hội đồng Giám đốc thẩm cho rằng bản án “không phù hợp đường lối xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội” thì lỗi chủ yếu chỉ thuộc về Tòa án hay cũng có trách nhiệm của Công an và Kiểm sát địa phương này?

Nhưng vấn đề đáng quan tâm không phải là tìm lỗi của ai mà là vì sao sau khi tố cáo sai phạm, người tố cáo hoặc phải tự rời bỏ hoặc bị ép phải rời bỏ nơi mình đang công tác?

Báo Thanhtra.com.vn – cơ quan của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra – trong bài “Người tố cáo bị trù úm, đơn độc, đành … “mũ ni che tai” ” đăng ngày 21/04/2017 có đoạn:

“Sự lộng quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và vai trò mờ nhạt của các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị là một trong những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng kẻ mạnh thì bưng bít thông tin, người tố cáo bị trù dập, trù úm kéo dài, bị đơn độc, không ai bảo vệ”. [3]

Công an là tấm khiên bảo vệ Thể chế chính trị, cụ thể là các cơ quan quyền lực nhà nước, trụ sở và tài sản doanh nghiệp, trật tự, an toàn xã hội, sự bình an cho dân chúng…

“Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy trong năm 2020 có có 14 cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh và 195 cán bộ, chiến sỹ bị thương khi thi hành công vụ”. [4] 

Rất nhiều tấm gương hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ công an được nhân dân ghi nhận, được chính quyền vinh danh là sự thật không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, một số tướng và sĩ quan cao cấp công an bị kỷ luật, giáng cấp, tước quân tịch hoặc bị xử tù.

Năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu Thường vụ tỉnh ủy Đồng Nai kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020.

Khi cả Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh trong thời gian 10 năm (hai nhiệm kỳ) bị kỷ luật thì sự suy thoái, biến chất của một bộ phận lãnh đạo địa phương là khó tránh khỏi.

Chuyện bê bối của Công an Đồng Nai kéo dài tới 10 năm mới bị xem xét và đây là quyết định từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư chứ không phải chủ động từ trong ngành?

Tuy nhiên, những gì xảy ra tại công an quận Đồ Sơn và một số nơi khác (công an thành phố Thanh Hóa, công an tỉnh Đồng Nai) chỉ nên xem là cá biệt và không thể vì thế mà đánh mất niềm tin vào số đông cán bộ chiến sĩ còn lại, đặc biệt là những người như nguyên thiếu tá Trịnh Văn Khoa.

Với quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, chuyện buông lỏng quản lý, bao che sai phạm có lẽ cũng không phải là ngoại lệ. Một lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:

“Vừa rồi, chúng tôi làm việc với Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định không có việc hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn”. [5]

Khẳng định của chính quyền thành phố Hải Phòng và quận Đồ Sơn trái ngược hoàn toàn với nhận định của Báo Tienphong.vn: “Đồ Sơn không thể không có mại dâm”. [6]

Đối chiếu thực tế tỉnh Đồng Nai thời gian trước với tình hình tại Đồ Sơn – Hải Phòng hiện nay (qua vụ tố cáo của nguyên thiếu tá Trịnh Văn Khoa), rõ ràng là không thể chỉ xử lý trong phạm vi Công an quận mà cần xem xét rộng hơn, cao hơn, đặc biệt là vai trò của cấp ủy và Ủy ban Nhân dân quận.

Dù kết quả điều tra, xử lý những người vi phạm thế nào thì việc bảo vệ người tố cáo (trong trường hợp tố cáo đúng) phải được xem là nhiệm vụ không thể thoái thác của chính quyền và tổ chức đảng cơ sở.

Nếu vì lý do nào đó không thể đưa nguyên thiếu tá Trịnh Văn Khoa trở lại ngành, chính quyền thành phố Hải Phòng nên bố trí một công việc phù hợp chuyên môn và năng lực để động viên, khuyến khích hành động chống tham nhũng của cán bộ./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://congluan.vn/se-can-nhung-do-viet-khoa-moi-post10810.html

[2] https://vtc.vn/xet-xu-lai-vu-an-giat-mu-nu-sinh-bi-94-thang-tu-giam-ar174988.html

[3] https://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/Nguoi-to-cao-bi-tru-um-don-doc-danh-mu-ni-che-tai-117984.html

[4] https://plo.vn/thoi-su/bo-cong-an-nam-2020-co-14-can-bo-chien-sy-hy-sinh-964427.html

[5] https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/do-son-khong-co-mai-dam-282895.html

[6] https://tienphong.vn/do-son-khong-the-khong-co-mai-dam-post632116.tpo

Xuân Dương

23/05/2021

https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/chong-tham-nhung-chuyen-cua-hai-nguoi-ten-khoa-post217982.gd

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire