Nguyễn Đình Cống :"Những con rận đủ loại được mô tả trên đây, trước khi tôi chui vào chăn và nhiều người ở ngoài chăn cũng đã biết, nhưng vì chưa bị chúng nó cắn nên chỉ cảm nhận sơ sơ. Tôi đang tiếp tục suy nghĩ và mong được nhiều người cùng chia sẻ, tìm nguyên nhân và biện pháp làm sao cho chiếc chăn trở nên sạch sẽ, thơm tho, ấm áp. Nhưng có lẽ hay hơn là vứt bỏ cả chiếc chăn, đưa mọi sự ra ánh sáng Quang Minh Chính Đại."
1-Giới thiệu
Khi tự ứng cử vào QH tôi có tâm sự :
Thử len vào chốn bụi trần.
Để xem thế sự xoay vần làm sao.
Tôi hình dung thế sự bầu cử có một chiếc chăn trùm lên những người tự ứng cử. Tôi đã chui vào đó và thoát ra, biết trong chăn có nhiều rận, muốn chỉ ra để mọi người tìm cách tránh, mà trước hết giúp cho các Ban bầu cử thấy được để khắc phục.
Khi viết bài tôi tự nghĩ là với ý đồ trong sáng, thiện chí, nhưng phải đợi cho cuộc bầu cử 2021 được “Thành công rực rỡ” mới công bố, vì nếu đem phô ra trước ngày 23/5 dễ bị quy tội hoạt động phá hoại bầu cử, làm mất công các cán bộ an ninh, các tuyên truyền viên, các dư luận viên.
2-Hồ sơ ứng cử
Ứng viên phải làm 2 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm 4 loại: Đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài văn bản bằng chữ, viết tay hoặc đánh máy, còn kèm thêm một số ảnh chân dung, dán vào hồ sơ và để rời. Mỗi loại hồ sơ phải được làm theo mẫu và được hướng dẫn khá chi tiết cách thực hiện một số mục.
Hồ sơ phải đươc UBND Phường, Xã ghi lời xác nhận, đóng dấu vào sơ yếu lý lịch. Ngoài ra còn cần đóng dấu giáp lai chỗ dán ảnh, giữa các trang trong một loại hồ sơ. Trước khi đóng dấu hồ sơ được nhân viên tiếp nhận, không những dò xem nội dung mà soi xét từng chữ cho đến các dấu chấm câu, các khoảng cách, chữ thường hay chữ hoa…, mọi thứ phải nhất nhất đúng theo mẫu hướng dẫn, nếu sai dù một dấu phẩy cũng phải làm lại. Qua được khâu ở Phường, Xã mới được đem nộp lên cấp trên là tỉnh hoặc thành phố. Ở đây lại một lần nữa hồ sơ được cán bộ tiếp nhận soi xét kỹ hơn và không ít trường hợp phải làm lại từ đầu.
Bộ hồ sơ như thế vừa thiếu vừa rất lãng phí.
Thiếu “Chương trình hành động” (hoặc chương trình tranh cử), trình bày các công việc và cách thực hiện khi được trúng cử. Đó là những cam kết bằng giấy trắng mực đen chứ không phài là “Lời nói gió bay”. Theo tôi, nếu không có Chương trình, kế hoạch thì đừng ứng cử hoăc nhận đề cử. Cử tri không nên bầu cho những ứng viên không có chương trình được làm cẩn thận hoặc chương trình không phù hợp.
Trong đơn ứng cử thiếu một điểm quan trọng, đó là ứng viên được chọn đơn vị bầu cử. Hình như đây là cố tình của Ban bầu cử, không cho ứng viên chọn đơn vị bầu cử mà để Ban có toàn quyền sắp xếp nhằm đạt được mục đích của họ. Điều này là thiếu tôn trọng quyền ứng cử.
Lãng phí rất lớn vì mất rất nhiều công sức và thời gian để làm, để kiềm tra, để xác nhận, để tiếp nhận, lưu giữ và hủy bỏ một đống rất lớn hồ sơ không biết dùng để làm gì. Có ít nhất hai loại hồ sơ như vậy. Một là của những ứng viên bị hiệp thương loại ngay từ vòng đầu, không được đưa vào danh sách. Hai là hồ sơ kê khai tài sản và sơ yếu lí lịch của những ứng viên thất cử.
Ngoài lãng phí công sức, thời gian thì còn phải tiêu tốn một lượng giấy không nhỏ vì một số hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt yêu cầu, đặc biệt là đối với những người tự ứng cử
Không hiểu được những người có trách nhiệm trong Ban bầu cử suy nghĩ như thế nào mà đề ra những nguyên tắc khá vô lý về hồ sơ, tạo ra sự lãng phí như vậy. Tôi đoán là đầu tiên một người có quyền hành nào đó, vì kém trí tuệ và lười suy nghĩ, bất chợt nghĩ ra tên 4 loại hồ sơ rồi lệnh cho cán bộ dưới quyền soạn ra mẫu để phổ biến. Mọi người cứ thế thi hành, không ai có ý kiến thêm bớt, không ai dám đề xuất sửa đổi. Không một ai làm phản biện. Việc như thế chắc đã qua trên chục kỳ bầu cử.
.3-Vất vả khi làm hồ sơ ứng cử
Đó là nỗi vất vả của người tự mình làm hồ sơ, không nhờ hoặc thuê mướn được ai. Còn những người được Đảng và Mặt trận đề cử chắc sẽ nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều vì có người giúp.
Tôi tự tin, cho rằng với trình độ giáo sư thứ thiệt, đã viết rất nhiều sách báo các loai, thỉnh thoảng được khen có “văn hay chữ tốt” thì làm hồ sơ ứng cử chỉ là việc nhỏ. Vào mạng, tải xuống các biểu mẫu và hướng dẫn, xem kỹ rồi ngồi làm. Tuy rằng tôi gõ trên máy khá chậm, nhưng chưa hết một buổi sáng đã làm xong phần cơ bản, chỉ thiếu việc lập cái bảng khai quá trình công tác. Đúng ra không cần lập bảng cũng khai được, nhưng mẫu văn bản bắt phải thế. Tôi nhờ con gái làm cái bảng ấy theo mẫu tôi đã làm nháp trên giấy. Con gái bảo rằng để nó xem qua những phần tôi đã làm. Nó là nguyên hiệu trưởng trường mầm non vừa nghỉ hưu. Nó nói, ba ơi, văn bản bây giờ phức tạp lắm, nó không giống như trên 20 năm trước thời ba còn đương chức đâu. Là hiệu trưởng con đã chết khổ vì mấy cái báo cáo hàng năm, phải làm đi làm lại đến gần kiệt sức vì bị thư ký của cấp trên đàn hạch hết lỗi này đến lỗi khác về quy chuẩn soạn thảo văn bản. Nói rồi nó xem qua các hồ sơ tôi vừa làm và kêu lên: Nhiều lỗi về soạn thảo lắm ba ơi. Thôi để con nhờ cô Hảo, chuyên đánh máy các văn bản của trường đến giúp ba soát xét và hoàn chỉnh.
Cô Hảo đã vừa chỉnh sửa vừa giảng cho tôi những nguyên tắc khắt khe phải tuân theo về soạn thảo văn bản. Những thứ đó từ trước đến nay tôi vẫn làm theo thói quen, miễn là gõ ra chữ, đọc được, hiểu ý. Tôi chỉ có thể dùng 2 ngón tay để gõ và gõ rất chậm, lại thường bị gõ nhầm.
Tôi yên tâm và tin tưởng hồ sơ đã được chuẩn bị chu đáo sau hai ngày làm việc cật lực, dò đi, sửa lại với sự giúp đỡ tận tình của “chuyên gia” Hảo, sẵn sàng đem đi xin xác nhận. Thế nhưng rồi còn phải làm lại nhiều lần.
4-Nỗi cực nhục khi xin xác nhận hồ sơ
Sáng ngày 6 tháng 3 tôi đem hồ sơ ra UBND phường xin xác nhận, với niềm tin chỉ một loáng là xong. Do đã làm tổ trưởng dân phố nhiều năm tôi quen biết nhiều cán bộ ở UBND phường. Tuy vậy người tiếp tôi ở Văn phòng một cửa, mới vào làm, không biết tôi, nhưng có quen con gái tôi là hiệu trưởng trường mầm non, vừa là đại biểu Hội đồng nhân dân và Đảng ủy viên. Tưởng thế cũng là có quan hệ. Nhưng cán bộ một cửa bảo tôi hãy mang hồ sơ về vì văn phòng đang mất mạng không dây.
Tôi ngạc nhiên, hỏi, mất mạng thì liên quan gì đến việc xác nhận hồ sơ. Họ giải thích mà tôi không hiểu, đành ra về, để lại số điện thoại, khi nào có mạng thì họ gọi. Họ hứa sẽ gọi ngay cho tôi hoặc con gái tôi (họ đã có số ĐT của nó từ trước) khi vừa có mạng trở lại.
Sáng ngày 8 con gái nói là các chị ở văn phòng nhắn cho nó rằng đã có mạng, ông đem hồ sơ ra để xác nhận. Tôi đem hồ sơ ra, chị văn phòng chỉ xem qua, trả lại ngay vì hồ sơ không hợp lệ, người làm hồ sơ phải ký trước mặt cán bộ tiếp nhận chứ không được ký trước ở nhà. Tôi nằn nì, xin thông cảm, tôi xin lấy tờ giấy, ký trước mặt chị, chị so thấy hai chữ ký giống nhau thì được chứ gì.
Không, không được, không thể thông cảm cho ông như thế vì vi pham nguyến tắc. Tôi đành đi phô tô lại trang cuối cùng, mang đến ký trước măt chị một cửa. Cầm hồ sơ đi một lúc chị quay trở lại, nói rằng, hôm nay ngày 8 mà hồ sơ đề ngày 6, phải làm lại. Tôi lại nằn nì. Chị thông cảm, hồ sơ tôi làm ngày 6 mà, hôm đó tôi đã đem đến đây nhưng vì mất mạng. Chi một cửa nhất định không thông cảm, tôi đành đem về làm lại trang có mục ngày tháng.
Chiều ngày 8 tôi mang hồ sơ đến, cũng chỉ một lúc bị trả về làm lại. Lần này bị phát hiện hồ sơ không nguyên vẹn mà đã bị sửa chữa. Nguyên là tôi có dùng bút bi tô đậm lại cái dấu sắc ở cái tên CỐNG. Tôi đã gõ rất cẩn thận cái dấu sắc ấy, nhưng khi phô tô ra nhìn không được rõ, có thể nhầm thành CÔNG (không có dấu sắc), vì thế tôi dùng bút làm cho đậm thêm dấu sắc. Thế là vi phạm quy tắc, bị phát hiện lỗi gian lận, đành phải đem về làm lại.
Sáng ngày 9 tôi đem hồ sơ đến, lần này phải ngồi đợi khá lâu, tôi có thì giờ quan sát. Trong số khách đến giao dịch có 2 người biết tôi, họ đến trước mặt lễ phép, cung kính chào thầy và hỏi thăm. Đó là những sinh viên cũ, nay là các nhà doanh nghiệp. Tôi thấy họ đến giao dịch rất nhanh, chị một cửa tỏ ra thân mật, niềm nở chứ không có thái độ lạnh lùng như khi tiếp tôi. Đợi khá lâu, trên 2 giờ tôi được trả lại hồ sơ với nhận xét rằng phải làm lại hồ sơ vì tôi dùng từ không đúng. Ở lý lịch, mục 26, khai về vợ, tôi viết: Là thành viên Hội Phụ nữ Việt Nam, bị bắt sửa lại là: Hội viên Hội Phụ nữ Phường Kim Giang. Ở Tiểu sử, muc 21- Là đại biểu quốc hội khóa : tôi đề chữ Chưa, bị bắt đề lại chữ Không.
Lần này tôi không nhận lỗi và nhã nhặn thưa lại rằng tôi đã viết đúng. Mục 26 của lý lịch có hướng dẫn rõ ràng: Khai là thành viên của tổ chức nào. Thành viên nghĩa rộng hơn hội viên, và tổ chức ở đây là Hội phụ nữ Việt Nam chứ ở Phường chỉ có Chi hội. Ở mục 21, trong tài liệu hướng dẫn không có quy định rõ ràng, giữa hai chữ không và chưa tôi chọn chữ chưa. Không là không bao giờ, còn chưa là trong tương lai có thể có. Ở đây dùng chưa thích hợp hơn.
Chị một cửa nói rằng chị là người giúp việc, quyền xác nhận ở chủ tịch ủy ban. Việc chữa hay không tùy tôi, nhưng chị ta ngại là không chữa thì chủ tịch sẽ không ký xác nhận. Tôi nói không sao. Nếu vì điều này mà chủ tịch không ký thì tôi vui lòng chấp nhận chứ tôi không sửa theo ý của chị hay của chủ tịch, tôi bảo vệ đến cùng ý mà tôi cho là đúng. Tôi nhờ chị nói với chủ tịch câu sau: Nếu chủ tịch không ký thì tôi đành không ứng cử nữa, nhưng tôi sẽ công bố chuyện này lên mạng internet ngay lập tức.
Chị một cửa đành chịu, không ép tôi làm theo ý của chị, nhưng vẫn chưa thế xác nhận vì còn chờ ý kiến bên công an xác minh về các con tôi. Đành phải về chờ đợi tiếp.
Chiều ngày 9, công an báo phải khai lại vì lời khai về chổ ở hiện tại của các con chưa chính xác. Con thứ ba chỉ khai thành phố và nước Hà Lan, không có số nhà và tên đường phố, con thứ tư khai đầy đủ số nhà, đường phố ở Hà Nội, công an bảo phải khai ở Đà Nẵng vì họ biết rõ nó đang ở Đà Nẵng. Tôi đưa hộ khẩu thường trú của nó ra, vẫn không được chấp nhận. Tôi đòi gặp Chủ tịch phường để giải quyết. Thế là Phó Chủ tịch cùng CB công an và tôi đem nhau đến một phòng riêng để trao đổi. Tôi trình bày rằng hộ khẩu thường trú của con tôi ở Hà Nội, nó vào Đà Nẵng làm ăn theo thời vụ, nay ở khách sạn này, mai thuê nhà chỗ nọ, các vị bắt tôi khai đúng số nhà nó đang ở, làm sao tôi khai được. Thảo luận một lúc mọi người đành chấp nhận lời khai của tôi. Nhưng vẫn phải hỏi số nhà và tên đường phố của con thứ ba và khai lại.
Chị một cửa nhận xét, ông ngang thật, Mọi người được chỉ dẫn là vui lòng làm theo, chị mới gặp tôi là người đầu tiên bảo vệ ý kiến của mình đến nghẹt thở. Tôi nhẹ nhàng thưa rằng, trước mặt các chị là một giáo sư trên 80 tuổi, là người tự ứng cử Quốc hội chứ không phải là một lão già kém trí tuệ, thiếu bản lĩnh, quen với việc ai bảo gì nghe vậy. Lão già đó không dễ bị người khác sai khiến đến mức phải cúi đầu, khom lưng làm theo ý người khác.
Tôi ngậm ngùi đem hồ sơ về, bảo con gái liên hệ với em để biết số nhà, tên phố ở nước Hà Lan.
Sáng ngày 10 hồ sơ mới được xác nhận, xong việc ở văn phòng một cửa, nhưng tôi vẫn chưa được giao trả vì chưa đóng dấu, cô văn thư đang phải lên UB quận vì việc gì đó. Chiều ngày 10 mới đóng được dấu vào bản xác nhận lí lịch. Nhưng ngoài việc xác nhận và đóng dấu giáp lai giữa các trang của lí lịch thì còn cần đóng dấu giáp lai vào các ảnh dán ở tờ đơn. Thư ký văn phòng nhất định không chịu đóng, viện dẫn đó là việc không thuộc phạm vi trách nhiệm. Chị một cửa nói rằng đã làm xong việc xác nhận hồ sơ. Tôi phải mấy lần đi lại giữa văn phòng một cửa và văn phòng đóng dấu, trình bày hết sức nhã nhặn nhưng không được. Không lẽ chuyện này tôi phải phản kháng lên chủ tịch, yêu cầu chủ tich can thiệp. Tôi lại vừa có ý nghĩ hay là đi nhờ một nơi nào có dấu đóng chẳng được, vì hình như qui định viết là phải đóng dấu giáp lai nhưng không nói rõ là dấu của cơ quan hoặc tổ chức nào. Đang loay hoay thì chị một cửa thứ hai (có hai chị một cửa) nói rằng, ông đưa hồ sơ đây, cháu sẽ đi đóng dấu cho. Chỉ chưa đầy một phút đã có đủ các dấu đóng vào nơi cần thiết.
Tôi nhận hồ sơ, tỏ lòng cám ơn, nhìn vào mặt chị, thấy được ánh mắt thân thiện, thông cảm. Hình như chị thấy tôi mà nghĩ đến ông nội hoặc ông ngoại của mình. Tôi nói rất cám ơn cháu đã giúp ông. Cháu thấy ông quá vất vả có phải không. Dù vất vả hơn nữa ông cũng chịu được vì ông nhân cơ hội này mà rèn tập đức tính kiên nhẫn, chịu đựng. Suốt đời ông quen làm thầy dạy bảo người ta, nay phải chịu hành hạ cũng là để thử thách đức tính nhẫn nhịn và biết thông cảm với những thân phận dân đen. Ông không dám dạy bảo cháu, nhưng tiện đây ông đọc cho cháu nghe câu thơ của Nguyễn Trãi mà ông thường tâm niệm:
“Làm người chớ cậy khi quyền thế.
Lắm lúc bàn cờ tốt đuổi xe”.
Tôi đọc to câu ấy cho nhiều người nghe được. Và trong đầu lúc ấy bỗng nảy ra ý nghĩ về việc viết thêm mục “Học sử dụng quyền lực” trong quyển sách tôi đang sọan tháo có tên “Cùng học làm người”.
5- Gian truân khi nộp hồ sơ
Sáng ngày 11 đã có sẵn thằng cháu ngoại đem xe máy chờ sẵn để chở ông đi nộp hồ sơ tại một nơi cách xa trên mười cây số. Kể ra tôi vẫn có thể đi xe máy được nhưng vợ con khuyên không nên, tôi thấy có lý nên cũng nghe lời. Con gái, để tiết kiệm tiền tăc xi cho bố nên sai con nó đến chở ông đi. Chúng tôi đến nơi khá sớm, văn phòng tiếp nhận hồ sơ vừa mở cửa, đã có vài người và một nhóm phóng viên. Tôi đưa hồ sơ, được dặn rằng phải ngồi đợi ở hành lang, khi nào gọi đến tên mới được vào. Trong lúc chờ đợi tôi vui vẻ chuyện trò với các cô cậu phóng viên đến lấy tin, làm tường thuật và tặng họ vài quyển sách “Cùng học để giáo dục con trẻ” mà tôi và con gái là đồng tác giả.
Đúng mười một giờ hai mươi phút, khi ở hành lang chỉ còn một mình, tôi mới được gọi. Tôi được thông báo là hồ sơ còn một vài sai sót, cần được làm lại. Tôi hỏi thì được chỉ ra bốn chỗ. Một là mục 8,(Nơi đăng ký thường trú- Nơi ở hiện nay) Theo hướng dẫn nơi ở hiện nay, nếu trùng với nơi đăng ký thường trú thì ghi: như trên, thế mà tôi đã ghi lại toàn bộ nội dung. Hai là ở mục 9, hồ sơ ghi là số CMND (Chứng minh nhân dân), bị cho là phải ghi CCCD (Căn cước công dân). Ba là mục 12, trình độ phổ thông, tôi ghi 9/9 không đúng với hướng dẫn. Bốn là ở mục 23, trong bảng khai quá trình công tác hồ sơ có hai chữ viết tắt. Đúng ra phải viết rõ: Từ tháng 9 năm 1989 Đến tháng 7 năm 1998 thì trong hồ sơ là : Từ th 9 năm 1989 Đến th 7 năm 1998.
Sai sót viết tắt xảy ra như sau. Khi dùng tay lập bảng để nhờ người làm hộ (vì tôi chưa thạo việc này) thì mọi dòng tôi đều viết đầy đủ chữ tháng…Đến dòng cuối cùng, chẳng hiểu thế nào (phải chăng do thế lực tâm linh xui khiến) tôi viết tắt với ý định là khi gõ trên máy sẽ gõ đấy đủ. Không ngờ người làm hộ cứ y nguyên văn mà gõ. Qua bao lần soát xét mà không phát hiện ra. Đến phút chót mới bị vạch lỗi.
Về mục 8, 9 và 12 tôi không chịu và xin phép được giải thích.
Mục 8, việc ghi như hường dẫn là được phép chứ không phải bắt buộc, vì vậy cách tôi ghi là không sai, nó hòan toàn nhắc lại đúng điều đã khai, chẳng phải là giống như trên à.
Mục 9, hồ sơ ghi là số CMND (loại mới 12 số), các anh bắt tôi chữa thành số CCCD là không đúng vì trên thẻ tôi đang giữ ghi rõ là Chứng minh nhân dân.
Mục 12- Tôi biết hướng dẫn ghi là : Lớp X/10 hoặc lớp Y/12 ( ứng với phổ thông 10 năm hoặc 12 năm). Tôi ghi 9/9 là đúng với sự thật. Người làm hướng dẫn đã không biết rằng từ năm 1951 đến 1956, cấp học phổ thông chỉ có 9 năm. Tôi thuộc lớp người cuối cùng học phổ thông 9 năm, tốt nghiệp vào năm 1956. Hướng dẫn không đúng không phải lỗi của tôi
Còn sai sót viết tắt, đúng là lỗi của tôi, tôi thành thật công nhận và xin được thông cảm. Nếu vì một lỗi rất nhỏ như thế này mà phải làm lại hồ sơ thì có lẽ tôi phải bỏ cuộc vì làm lại thì dễ, chỉ vài phút là xong. Khó khăn và mất nhiều công sức là xin xác nhận và đóng dấu. Xin thưa với các anh các chị rằng Trời, Đất, Con người không có gì hoàn hảo, lý thuyết khoa học, luật lệ cũng thế. Hồ sơ không hoàn hảo cũng là chuyện thường. Nếu là sai sót ảnh hưởng đến nội dung hoặc gây ra sự hiểu sai thì tôi xin làm lại hồ sơ, nhưng ở đây sai sót quá nhỏ, không thể gây ra hiểu nhầm, vậy xin các anh chị thông cảm mà bỏ qua.
Lúc này ngoài tôi ra không còn ai nộp hồ sơ nên cả năm cán bộ trong phòng tập trung nghe trường hợp của tôi. Một anh nói: Chúng cháu sẵn sàng thông cảm mà nhận cho bác, nhưng sợ cấp trên phát hiện ra, không những họ sẽ loại hồ sơ của bác mà chúng cháu còn bị khiển trách.
Tôi nói: Các anh chị nhận cho tôi là thể hiện lòng tử tế, sẽ tạo được phúc đức. Nếu vì thế mà bị khiển trách thì ông lão này xin các anh tha lỗi và tôi xin cầu Trời, Phật, Chúa chứng giám cho việc làm phúc đức này. Còn nếu như vì lỗi nhỏ mà cấp trên loại bỏ hồ sơ thì tôi vui lòng chấp nhận, rất vui lòng chấp nhận mà không oán hận gì các anh chị ở đây. Chỉ là sau khi tôi biết hồ sơ bị loại chừng 15 phút thì toàn thế giới cũng sẽ biêt tin đó.
Đến đây thì một chị trong nhóm, trông tướng người phúc hậu, nói với những người khác : Bác giáo sư nói đúng đấy các anh ạ. Nhận đi cho bác yên lòng. Một người như bác mà tự ứng cử là hiếm hoi lắm.
Họ đã hội ý và anh Phong viết biên nhận hồ sơ vào lúc đúng 12 giờ. Tôi được biết chị nói giúp tên Thảo. Ông cháu tôi vui vẻ ra về. Tuy vậy sự việc vẫn chưa kết thúc.
Sáng ngày 12 tôi nhận điện thoại của anh Phong mời lên trao đổi một chút. Khi tôi vừa đến thì Phong cùng chị Thảo gặp riêng và vạch ra một số sai sót nữa trong hồ sơ như ghi không thật đầy đủ tên cơ quan cấp CMND, như phải thêm hai chữ phổ thông vào sau lời khai 9/9 và mục trình độ ngoại ngữ chỉ ghi tiếng Nga, tiếng Pháp là không rõ ràng, phải ghi thêm là trình độ A, B, C.
Mục cơ quan cấp CMND tôi ghi Công an Hà Nội, theo thói quen, nghĩ thế là được rồi, nhưng bị bắt chữa lại thành Cục Cảnh sát như trong văn bản. Về trình độ phổ thông tôi tưởng ghi 9/9 là được, vì tôi đã có bằng Đại học và bằng Tiến sĩ thì văn bằng phổ thông không còn quan trọng, thế nhưng hướng dẫn bắt ghi rõ là học trường phổ thông hay bổ túc văn hóa. Về ngoại ngữ tôi chẳng có chứng chỉ A,B,C nào hết, tôi sử dụng thành thao cả đọc, nghe, nói, viết. Tôi đã làm luận án tiến sĩ bằng tiếng Nga, đi dạy ở châu Phi bằng tiếng Pháp. Tôi nói rằng làm lại hồ sơ tôi không ngại vì nó nằm sẵn ở trong máy tính. Ngại nhất, khổ nhất là xin xác nhận và đóng dấu.
Anh Phong nói, việc này bác khỏi lo. Khi nào bác cầm hồ sơ ra ủy ban phường thì gọi điện thoại cho Phong, cháu sẽ gọi trực tiếp cho chủ tịch phường đề nghị làm ngay cho bác như là trường hợp ưu tiên đặc biệt. Tôi đành đi về và nghĩ rằng chỉ một loáng là sửa chữa xong mọi chỗ theo yêu cầu. Nhưng rồi tôi đã mất gần cả buổi chiều mà không làm xong vì máy tính nhảy loạn lên. Thì ra mấy cái nút Paste, Cut, Copy, Format, Save được xếp gần nhau, trong lúc tâm trí không thật bình an tôi đặt con trỏ nhầm lung tung. Thôi đành tạm gác lại, ngủ một giấc, sáng dây, tỉnh táo, chỉ trong 20 phút làm xong, ra ủy ban, gọi điện cho Phong, một chốc xong xuôi, gọi xe ôm Grap chở đi nộp. Anh Phong hủy giấy biên nhận cũ, viết giấy biên nhận mới. Nộp được hồ sơ xem rằng đã thắng lợi.
6- Chuẩn bị cho cuộc họp
Sắp tới là cuộc họp cử tri để bình xét. Đây là một việc làm vi phạm quyền tự ứng cử, nhưng đã được đưa thành một điều luật, ngụy trang dưới danh nghĩa dân chủ. Biết rằng cuộc họp đó sẽ diễn ra vào thượng tuần tháng tư. Còn gần một tháng chờ đợi. Tôi lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc họp đó.
Đầu tiên tôi viết và công bố một số bài về chương trình hành động, với các nội dung : “Nếu được vào QH tôi sẽ làm gì và làm như thế nào” Các bài viết gửi đăng các báo mạng, được nhiều độc giả đánh giá khá tốt.
Tôi không nhớ rõ, từ cuộc bầu cử 2016 trở về trước có ứng viên nào tự tổ chức gặp cử tri để vận động hay không, còn lần này, sau mấy bài báo của tôi, thấy có một số ứng viên cao cấp được Mặt trận tổ chức cho gặp cử tri nhưng chủ yếu để tuyên truyền chứ không phải để vận động, không phải để giới thiệu chương trình hành động hoặc chương trình tranh cử. Không biết những bài báo của tôi có gợi ý cho họ chút nào không.
Viết cũng chỉ được 5 bài là hết ý, tôi theo dõi tình hình trong phường và vận động hành lang. Thông tin tôi ứng cử đã được nhiều người trong phường biết qua các kênh bán công khai. Đã có trao đổi giữa một số đảng viên và cán bộ về việc vận động tôi rút đơn (tôi đợi mà chẳng thấy ai đến vân động) và những dư luận đồn đại rằng tôi quá già rồi, không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề. Qua dư luận tôi đoán biết chỉ thị từ cấp trên xuống là phải loại bỏ tôi. Lý do không phải lớn tuổi mà vì lãnh đạo chưa thể chấp nhận một người phản biện như tôi. Lớn tuổi chỉ là cái cớ bề ngoài, phải triệt để lợi dụng.
Biết chắc rằng thế nào cũng bị loại ở hội nghị, nhưng liệu có ai dám nói vài câu ủng hộ hay không. Không chờ đợi, phải vận động. Tôi dự kiến 10 người có khả năng được mời dự họp và ít nhiều có cảm tình. Tôi và con gái bí mật gặp từng người, trao đổi và đề nghị, nếu họ được mời họp thì phát biểu cho một ý đơn giản như sau : “Tôi thấy ông Cống là người có trí tuệ minh mẫn và vẫn còn khỏe mạnh”.(Không cần nói ủng hộ hay không việc ứng cử)
Làm việc vận động cũng chỉ mất vài ngày. Tôi tập trung chuẩn bị bài phát biểu trong khoảng dưới 15 phút ở hội nghị. Suy nghĩ và viết thảo chỉ trong chưa đền một buổi sáng, nhưng tôi đã sửa chữa không dưới 10 lần, trong những ngày tiếp theo, phô tô ra chỉ hai trang A4, cỡ chữ 14, xem đi xem lại gần như thuộc lòng, trình bày chậm rãi mất khoảng 12 phút. Ngoài một vài điều về thành tích đóng góp cho đất nước và địa phương, tôi nhần mạnh 3 vấn đề :1- Tại sao tôi từ bỏ Đảng . 2- Những bài phản biện của tôi. 3- Lý do tôi tự ứng cử.
Về lý do ứng cử tôi viết như sau : Tôi ứng cử là theo lời kêu gọi của lãnh đạo, làm sao để có 50 người ngoài Đảng vào Quốc Hội. Năm nay tôi 84 tuổi, còn minh mẫn, sức khỏe tốt, không có bệnh tật gì quan trọng. Đã từng có nhiều người trên 80 tuổi vẫn có đóng góp rất đáng kể cho đất nước. Tại Malaysia, ông Mahathia 92 tuổi ứng cử và được bầu làm thủ tướng. Hiến pháp và Luật bầu cử không hạn chế tuổi. Nếu bảo lên núi đế chống đất trượt, chống lũ quét, giữ rừng, xuống biển để chống bão hoặc thủy triều dâng cao thì tôi không đương nổi, nhưng gặp gỡ nhân dân để lấy thông tin, nghĩ ra các kế sách, phát biểu ở hội trường thì tôi có khả năng hơn nhiều người trẻ khác. Khả năng làm việc trí tuệ của tôi còn khá cao.
Tôi ứng cử không phải vì đặc quyền đặc lợi, không vì danh vọng mà là muốn đem trí tuệ đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, vào việc làm ích nước lợi dân. Tôi tự đánh giá có nhiều khả năng phản biện và đã viết nhiều bài đăng báo mạng. Những ý kiến như vậy của tôi, nếu được phát biểu công khai, hợp pháp, đúng luật tại Quốc hội thì sẽ có giá trị gấp hàng vạn, hàng triệu lần các bài báo.
Tôi đã viết và đăng một số bài: Nếu vào được QH tôi sẽ phát huy các thế mạnh về luật pháp, giáo dục, xây dựng, thảo luận và phản biện. Ngoài ra tôi sẽ đóng góp trí tuệ trong các hoạt động khác của Quốc hội. Tôi sẽ lập văn phòng với it nhất một thư ký giúp việc.
Thăm dò được biết hội nghi sớm nhất cũng phải từ ngày 8 tháng 4. Còn hơn 10 ngày nữa, phải làm việc gì cho khỏi lãng phí thời gian.
Tôi bỗng nhận được tin Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các Bộ trưởng tiếp nhận phản biện, nhớ ra đang có kế hoạch viết sách Học làm phản biện, cũng đã viết được một ít, tài liệu cũng đã thu thập được. Chỉ trong vòng một tuần, vừa theo dõi việc ứng cử tôi hoàn thành bản thảo cuốn sách, đem phô tô vài chục bản để tặng bạn bè ở gần và gửi bản mềm cho hàng ngàn bạn các nơi.
7-Trận đấu không cân sức
Ngày 7/4 tôi nhận được giấy mời họp vào 20 giờ ngày 8. Tôi chuần bị một thùng đựng 40 quyển sách và tài liệu thuộc các loại mà tôi đã viết và công bố, đặc biệt là Giải thưởng về Khoa học ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế lớn trong xây dựng, để lỡ ra có ai hỏi rằng, ông đã làm được gì cho đất nước thì còn có vật chứng để trình bày.
Chiều ngày 8, từ 13 giờ trong phạm vi tổ dân phố xuất hiện nhiều người lạ, hình như là công an mặc thường phục từ các nơi khác đến, họ đang đề phòng hoặc đợi chờ một chuyện gì đó. Sau này mới biết là đề phòng người ủng hộ ông Cống từ các nơi kéo đến gây áp lực hoặc quậy phá. Chẳng có ai kéo đến nên những người lạ tự động rút lui.
Cuộc hội nghị ở tầng hai nhà văn hóa cụm dân cư. Nhà này có sân khá rộng. Có hai chốt kiểm soát : Ở cổng từ đường phố vào sân và ở cuối cầu thang, nơi có cửa vào phòng họp.
Con gái tôi, nguyên Hiệu trưởng trường mầm non tại địa phương, đảng ủy viên và ủy viên Hội đồng nhân dân phường không nhận được giấy mời, nó mang giúp tôi thùng tài liệu đến nơi họp. Dù cho mở hết thùng để mọi người thấy rõ bên trong chỉ có sách, nhưng không được phép mang qua cổng vào sân, mỗi người chỉ được đi tay không vào nơi họp. Con gái tháp tùng tôi lên phòng họp. Ở cửa vào, nơi kiểm tra giấy mời nó gặp toàn người quen. Có người định kiểm tra giấy mời nhưng vài người nói rằng chị là con gái của ông, dù không có giấy mời chị cũng được vào dự thính, chỉ không được biểu quyết.
Tham dự hội nghi, có ba đại biểu từ Quận, năm đại biểu từ Phường và 66 đại biểu cử tri được mời. Nhìn kỹ các cử tri được mời không thấy có một người nào trong số bạn bè của cha con tôi. Có khả năng người ta đã bố trí theo dõi, hễ ai, dù cán bộ, đảng viên hay dân thường, nếu có tiếp xúc với cha con ông Cống đều bị loại ra khỏi danh sách được mời họp. Biết rằng mình sẽ đơn thương độc mã chiến đấu trong một trận hoàn toàn không cân sức về lực lượng. Nhưng về thế, tôi tự tin vào chính nghĩa của mình.
Đúng 20 giờ, cuộc họp bát đầu. Người điều khiển tuyên bố rằng không được ghi âm, chụp ảnh, quay phim, mỗi người chỉ được phát biểu dưới 5 phút. Có ai phản đối không.
Tôi định đứng dậy yêu cầu rằng đến lượt tôi phát biểu, với 5 phút thì không đủ, tôi sẽ xin thêm, nhưng rồi như có một ma lực nào đó ngăn lại. Thế là hội nghị bắt đầu với các thủ tục thông thường, rồi đến phát biểu của cử tri.
Có mười phát biểu, trong đó 8 người nhấn mạnh lý do tôi đã quá già, họ không thể giới thiệu một người già như thế. Trong tám ý kiến ấy có vài ý tỏ ra khá tử tế, họ gọi tôi là thầy, họ đánh giá tương đối đúng những đóng góp của tôi. Ngoài 8 ý kiến ra, có một người xoáy vào việc tôi từ bỏ Đảng, một người khác vu cáo rằng những bài phản biện của tôi là nhắm chống phá Đảng và Nhà nước.
Đến lượt tôi phát biểu, Người điều khiển nói rằng chỉ được phát biểu trong 5 phút. Tôi từ tốn thưa rằng mọi ý kiến đã được chuần bị ra giấy, tôi sẽ đọc, nhưng 5 phút không đủ, tôi xin 15 phút để đọc và còn trả lời một số ý bị vu cáo. Nhưng người điều khiển không cho, viện cớ là ngay từ đầu đã thông qua quy định mỗi người chỉ được phát biểu trong 5 phút.
Tình huống này tuy tôi có dự kiến trước và đã lên kế hoạch ứng xử, nhưng rồi thực tế phũ phàng làm tôi hơi bị choáng. Kế hoạch ứng xử là luôn phải giữ bình tĩnh, nhẫn nhịn. theo phương châm của Thach Sanh khi biết được âm mưu đen tối của Lý Thông : Chứng minh phó thác (cho) Quỷ Thần. Lòng ta cứ giữ ân cần trước sau.
Bị choáng trong chốc lát làm cho tôi nói hơi to tiếng : Tôi phản đối. Thế rồi lời qua tiếng lại. Tôi định thể hiện sức khỏe bằng cách nói to, không nói vào micro mà dùng nó để thể hiện sức khỏe cúa phổi. Nhưng chẳng ai quan tâm. Sau này con gái nói nó đã vài lần nhắc tôi hãy dùng micro và nói bé thôi, nhưng tôi đã không nghe thấy mà vẫn nói to. Khi người ta nói to thì dễ mất bình tĩnh. Nói bé mới dễ giữ bình tĩnh. Nói to là một tật tôi đã mắc phải do nghề nghiệp, đã cố chữa nhưng chưa chữa được hoàn toàn.
Bà Hải, chủ tịch Ủy ban Mặt trận của phường có đề nghị cứ để cho tôi 15 phút để trình bày, nhưng rồi đề nghị đó không được chấp nhận.
Hội nghị đã bỏ phiếu bằng cách giơ tay. Không một ai ủng hộ việc tôi ứng cử.
Cha con tôi ra về trong tâm trạng không đượi vui. Nguyên nhân không phải vì bị loại bỏ, điều này đã biết trước, mà vì đã không đọc được bài phát biểu chuẩn bị công phu.Tôi thường vẫn bắt đầu nằm ngủ trước 21 giờ 30. Nhưng hôm nay cha con thức đến 23 giờ để rút kinh nghiệm. Tôi công nhận rằng mình tu luyện cũng đã nhiều nhưng chưa đắc Đạo. Con gái lại khuyên: Có lẽ trên đời đây là lần đầu ba hơi bị mất bình tĩnh. Biết đâu đây là sự thử thách do Bề Trên tạo ra để ba biết mà tiếp tục tu luyện, chuẩn bị cho những tình huống gay cấn hơn có thể xảy ra trong quảng đời còn lại. Nghe con nói thế tôi thấy yên lòng, ngủ an giấc cho tới sáng.
Dù sao tôi cũng đã thắng lợi, vì đã phát hiện được nhiều mưu mẹo của những người chỉ đạo và tổ chức cuộc họp, đủ bằng chứng cho rằng đó là “Cuộc họp đầy gian dối”. Nhưng vì có thể đã không kịp thời phát hiện ra âm mưu khiêu khích mà chưa thực hiện được toàn vẹn kế hoạch. Vì thế thắng lợi có kém phần vẻ vang. Nếu tôi mềm dẻo hơn để đọc bài phát biểu và phản bác những lời vu cáo, làm cho một số người hiểu ra lẽ phải, giác ngộ được chân lý thì thắng lợi sẽ lớn hơn nhiều.
8- Nhận xét và đề xuất
Ra được khỏi chăn, biết được một số điểm bất cập, tôi viết ra cho mọi người tham khảo và hy vọng những phát hiện đó sẽ giúp được chút ít cho tiến bộ xã hội.
i-Đề xuất về hồ sơ
Theo tôi hồ sơ ứng cử nên gửi thành 2 lần. Lần 1 chỉ một tờ đơn trong đó có kể qua quá trình công tác. Nếu vì một lý do nào đó mà đơn bị bác bỏ thì dừng lại. Khi đơn được chấp nhận thì làm thêm hồ sơ lần hai gồm chương trình hành động và có thể kèm theo danh sách những người ủng hộ. Những người trúng cử sẽ phải làm hồ sơ bổ sung về lý lịch và kê khai tài sản (sau bầu cử).
Ban bầu cử có thể soạn văn bản hướng dẫn qua về nội dung hồ sơ, không cần quy định khắt khe về hình thức. Người ứng cử tự làm hồ sơ và đem nộp trực tiếp cho nơi nhận, không cần phải xác nhận của cơ quan nào cả. Cán bộ nhận hồ sơ làm biên nhận, chỉ xem qua mà không cần soát xét kỹ nội dung hoặc các lỗi chính tả, không cần so sánh với mẫu. Được như thế thì cuộc đời đẹp lên rất nhiều.
Tại sao lại có thể đơn giản đến như vậy?
Thứ nhất là xuất phát từ mục đích của hồ sơ. Quan trọng nhất là để biết người nào ứng cử và chương trình của họ. Những thông tin về vợ chồng, con cháu, tài sản, nếu cần là cần đối với người trúng cử. Thế thì bắt người bị loại ngay vòng đầu khai mà làm gì.
Hồ sơ chỉ cần đơn và chương trình hành động. Danh sách người ủng hộ chỉ cần khi đã bãi bỏ cuộc họp giả dối của cử tri, thay cuộc họp đó bằng danh sách người ủng hộ.
Thứ hai- Không cần có mẫu và bản hướng dẫn thật chi tiết. Người tự ứng cử váo Quốc hội thường có trình độ khá cao, họ thừa sức biết viết đơn và chương trình như thế nào, cần gì phải hướng dẫn như đối với người tập sự. Người ta thấy cần viết gì thì viết, cần gì các đơn phải theo mẫu thống nhất.
Thứ ba, tại sao hồ sơ không cần xác nhận. Hỏi xác nhận để làm gì. Phải chăng để bảo đảm hồ sơ thật chứ không phải là giả. Hỏi tiếp: Liệu trong số những người tự ứng cử có ai làm hồ sơ giả để nộp hoặc khai gian điều gì đó. Có thể có nhưng với xác suất rất bé, có thể chỉ dưới một phần vạn, và nếu có xảy ra thì cũng không quá khó để phát hiện và xử lý.
Ban bầu cử chắc không biết được nổi cực nhục mà người tư ứng cử như tôi phải mất rất nhiều công sức, thời gian và sự chịu đựng mới xin được xác nhận.
Chỉ vì một việc có khả năng xảy ra với xác suất rất bé và nếu xảy ra cũng dễ giải quyết mà buộc nhiều người chịu đựng vất vả thì người tử tế có nên bắt buộc người ta chịu hay không. Thí dụ trong chợ đông khoảng vài ngàn người, ông quan vào chợ cầm theo quyển tiểu thuyết có giá vài trăm ngàn, bị lấy cắp. Có phải để tìm sách cho quan mà phải khám xét tất cả mọi người trong chợ.
Thứ tư- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ không cần kiểm tra kỹ. Tại sao vậy, lỡ ra hồ sơ có sai sót thì sao. Không sao cả nếu chỉ là vài sai sót nhỏ. Người tự ứng cử có trình độ và trách nhiệm chứ không phải là một kẻ vô học. Họ phải chịu trách nhiệm về những điều viết ra. Cán bộ tiếp nhận không cần xem kỹ là để tiết kiệm thời gian cho cả hai bên, tăng năng suất và hiệu suất công việc. Nếu sau này, trong quá trình xử lý hồ sơ mà phát hiện ra những điều sai sót không chấp nhận được thì báo cho đương sự đến sửa chữa, bổ sung hoặc hủy bỏ nếu phạm luật.
Hôm tôi nộp hồ sơ thấy có 5 cán bộ tiếp nhận, các người nộp hồ sơ phải xếp theo thứ tự và đợi. Mỗi người, trừ thời gian chờ đợi, từ khi được gọi tên cho đến khi được cấp giấy biên nhận thường phải mất khoảng một giờ. Riêng tôi phải chờ gần suốt buổi sáng, được cấp giấy biên nhận đã nạp hồ sơ vào lúc 12 giờ, tưởng là xong, nhưng không ngờ hôm sau bị gọi đến để làm lại bộ hồ sơ khác và hôm sau nữa lại mất gần buổi sáng để hoàn thành việc nộp hồ sơ. Nếu không kiểm tra kỹ đến từng dấu chấm, phẩy thì để tiếp nhận một hồ sơ chỉ cần dưới 5 phút. Mà kiểm cho kỹ như thế để làm gì kia chứ
ii-Không tổ chức hội nghị mà thu thập chữ ký
Người ta truyên truyền rằng Hội nghị để phát huy quyền dân chủ, để thể hiện tính dân chủ. Hình như ở các nước dân chủ không nơi nào tổ chức hội nghi như vậy. Nếu quả thực hội nghị là một sáng tao, có nhiều ưu điểm thì nên duy trì, nhưng thực ra phần lớn hội nghi là giả dối mà tốn khá nhiều công sức, tiền của. Thế thì nên bỏ mà thay bằng hình thức khác. Đó là người ứng cử thu thập chữ ký ủng hộ. Chữ ký được thu thập trong toàn quốc, với số lượng tối thiểu là bao nhiêu do Quốc hội thông qua, Cách thu thập như thế nào thì thế giới đã có nhiều kinh nghiệm. Việc này người ứng cử bỏ tiền riêng ra để làm, không đụng đến ngân sách. Nếu phát hiện gian dối thì người ứng cử bị loại ngay. Chỉ riêng việc này đã có thể loại bỏ những người kém năng lực, không có uy tín tng xã hội và tiết kiệm cho ngân sách.
iii- Nếu vẫn muốn tổ chức hội nghị
Nếu thật tâm muốn phát huy dân chủ thì phải tổ chức hội nghi cách khác chứ không làm hội nghị mà nhiều người biết rõ mục đích là dùng áp lực của số đông để loại bỏ ứng viên. Vậy nên tổ chức như thế nào ?
Trước hết là người chỉ đạo và tổ chức phải có thiện chí, có tâm chân thành, không thiên vị, không định kiến. Phải thực sự khách quan. Những người tự thấy không giữ được khách quan thì đừng tham gia chỉ đạo và tổ chức. Như thế cũng là để tránh được nghiệp chướng thuộc tâm linh.
Xin tạm dừng một chút để kể chuyện xưa. Thời mà các sĩ tử đến các Trường thi với lều, chõng để trổ tài, thì người xướng lệnh mời các Thần Báo Oán vào trước, mời các Thần Báo Ân vào tiếp, sau đó mới mở cửa cho các quan giám khảo và sĩ tử.
Những người được mời dự họp phải đạt được tính đại diện. Có một số cách để làm việc đó.
Cách thứ nhất- Giấy mời có hai loại. 50% do Mặt trận mời, 50% do ứng viên mời. Cách này giống như mời dự đám cưới, cha mẹ mời một phần, các con mời một phần.
Cách thứ hai-Thông báo rộng rãi về cuộc họp cho dân trong địa bàn biết và yêu cầu ai muốn dự họp cần đăng ký trước. Nếu số đăng ký dự họp quá nhiều thì phải hiệp thương để lựa chọn. Hiệp thương phải giữa hai bên, Một bên là đại diện Mặt trận, bên kia là người ứng cử
Trong hội nghị, sau phần thủ tục ngắn gọn thì phải để cho ứng viên phát biểu trước các cử tri khác, thời gian không quá 15 phút. Sau khi các cử tri phát biểu thì ứng viên còn được nói một lần nữa, không quá 5 phút.
iv- Bãi bỏ sự áp đặt
Hiện nay ứng viên không được chọn đơn vị bầu cử mà bị Ban bầu cử áp đặt, sắp xêp vào nơi mà Ban cần, hình như là để tạo được cơ cấu theo dự định. Cách làm như vậy được nấp dưới danh nghĩa “tạo cân bằng”, làm cho các đơn vị bầu cử có số ứng viên cân xứng, không nơi nào có nhiều quá hoặc ít quá. Làm như vậy là tạo sự dễ dàng, tăng quyền uy cho Ban bầu cử, nhưng vi phạm quyền của ứng viên và của cử tri. Phải bãi bỏ cách làm này, còn làm như thế nào thì rồi sẽ còn nhiều thì giờ để nghiên cứu.
v- Phải có vận động có tranh cử
Có một ý kiến cho rằng “Không bầu cho người tham chức tham quyền”, vì vậy không mấy ai dám vận động “Hãy bầu cho tôi”. Họ sợ rằng vận động như thế là tỏ ra tham chức tham quyền. Ở đây người ta đã ngụy biện bằng cách dùng từ “Tham”, làm lẫn lộn với “Thích”. Tôi không tán thành quan điểm vừa nêu. Nếu ai đó, là ứng viên mà nói rằng không thích quyền lực, không cần quyền lực thì tôi sẽ không bầu. Và có ai hỏi tôi có thích, có cần quyền lực không, tôi trả lời có. Tôi phân chia người có quyền lực, hay thường gọi người làm quan thành ba loại: vì công việc, vì lợi riêng, vì tư tưởng.
Làm vì công việc – Đó là sự tín nhiệm và phân công của tổ chức, để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm như thế ít gặp khó khăn, chỉ cần chăm chỉ, nổ lực là tạm được và sẽ kết thúc trong lặng lẽ, nhanh chóng bị quên lãng. Về lâu dài những kẻ chỉ biết làm vì công việc là lực lượng cản trở sự tiến bộ của xã hội.
Làm vì lợi riêng – Để mưu cầu danh, lợi, quyền cho cá nhân, cho nhóm lợi ích hoặc bè đảng. Đây là loại quan tham lại nhũng, bọn cơ hội lắm kế nhiều mưu, bọn liên kết với nhau trong các nhóm. Cần chống là chống bọn này. Chúng nó là sâu mọt, là những tên phá hoại, là giặc nội xâm.
Làm vì tư tưởng – Nhằm thực thi tư tưởng tốt đẹp, thực thi quan điểm mình cho là đúng, là hay, thực thi đạo nghĩa nhận thức được. Làm vì tư tưởng mới là người chính nhân quân tử. Có tư tưởng tốt mà không có quyền lực để thực thi thì nó dễ bị vùi dập hoặc bị người khác lợi dụng, may mắn lắm thì viết vài bài báo cho ai thích thì tham khảo mà thôi.
Một số người có sự kết hợp giữa các xu hướng này.
Ở Việt Nam hiện nay, để làm vì tư tưởng phải là người có thực tài, có mưu lược và dũng cảm vì phải giải quyết một mâu thuẩn rất lớn. Đó là tạo thế cân bằng, là việc “Đu giây” giữa hai thế lực, một bên có quyền lực sinh sát nhưng nặng về bảo thủ, một bên là sự tiến bộ, bị quy chụp là tự chuyển biến theo thế lực thù địch. Người ta hay gọi là Lề Đảng và Lề Dân
Phải có vận động tranh cử. Tuy rằng trong vận động sẽ xuất hiện một số người biết nói giỏi để lừa dối, nhưng sự lừa dối đó cũng dễ bị phát hiện và loại bỏ.
vi- Về nền hành chính Việt Nam
Tôi thực sự không ngờ phải tiếp xúc với một nền HÀNH là CHÍNH như vậy, mặc dù trước đây cũng đã biết ít nhiều. Đó là một nền hành chính biến phần lớn những nhân viên là con người có lương tri, có tâm hồn thành những rô bốt. Phải chăng đây là kết quả của một nền giáo dục đào tạo ra những người chỉ biết thừa hành. Nền hành chính như vậy có lẽ đã hỏng từ các cấp cao nhất chứ không phải chỉ ở tầng lớp nhân viên, Cứ xem cung cách hướng dẫn làm hồ sơ của Ban bầu cử thì rõ.
Theo ý kiến của một vài nhà phản biện thì nền giáo dục Việt Nam bị hư hỏng cũng bắt đầu từ nền hành chính của nó.
Thủ tướng chính phủ ra sức kêu gọi tạo lập hệ thống chính quyền làm việc với hiệu quả cao trong lúc các trường đào tạo nhân lực hành chính chủ yếu biến con người thành máy móc.
Tôi xin đánh lên hồi chuông báo động sự thoái hóa về hoạt động và đạo lý của nền hành chính. Thời đại công nghệ 4.0, đáng lẽ con người làm chủ công nghệ bằng trí tuệ và Nhân tâm thì nền giáo dục và dặc biệt là các trường hành chính biến con người thành nô lệ của máy móc và nguy hiểm hơn là nô lệ cho những văn bản cứng nhắc, vô hồn.
9- Vài lời kết
Những con rận đủ loại được mô tả trên đây, trước khi tôi chui vào chăn và nhiều người ở ngoài chăn cũng đã biết, nhưng vì chưa bị chúng nó cắn nên chỉ cảm nhận sơ sơ. Tôi đang tiếp tục suy nghĩ và mong được nhiều người cùng chia sẻ, tìm nguyên nhân và biện pháp làm sao cho chiếc chăn trở nên sạch sẽ, thơm tho, ấm áp. Nhưng có lẽ hay hơn là vứt bỏ cả chiếc chăn, đưa mọi sự ra ánh sáng Quang Minh Chính Đại.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire