Hương Khê
Trong khi con virus cúm Vũ Hán đang có chiều hướng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” tại các tỉnh, thành phía Nam, đang đe dọa tính mạng người dân, nên nhà nước phải áp dụng Chỉ thị 16 nơi đây.
Nhưng việc áp dụng CT16 mỗi địa phương hiểu mỗi cách khác nhau, cùng với đó là có một số người áp dụng một cách máy móc tùy tiện, gây nên biết bao hệ luỵ làm khổ người dân.
bánh mỳ "không
phải là thực phẩm" ! |
Ngoài vụ bánh mỳ " không phải là thực phẩm " ra, thì còn biết bao vụ khác dở khóc dở cười. Trong khi rau quả miền Tây ứ đọng phải nhổ bỏ, thì Sài Gòn đói rau vì chốt kiểm dịch không cho xe qua, vì lái xe phải có giấy xét nghiệm theo quy định của bộ y tế, và phải là xe “luồng xanh” theo quy định của Bộ GTVT.
Có người còn có sáng kiến sẽ chở rau ngoài Bắc vào chi viện cho miền Nam bằng đường hàng không. Quá là tài tình.
Một người ở xã An Vĩnh(TP Tân An, Long An), bị lập biên bản vì đi mua bắp là “ra đường không lý do chính đáng”. Nhiều nông dân nuôi bò sữa tại Sóc Trăng đang lao đao khi sữa bò vắt ra không bán được, phải đổ bỏ. Hàng ngàn tấn nhãn xuồng tại huyện Xuyên Mộc(BRVT), là đặc sản quý giá của địa phương, nay đến mùa thu hoạch nhưng không bán được, người nông có nguy cơ trắng tay vì nhãn không bán được và nợ nần đầu tư.
Người nông dân dân nhiều nơi chỉ biết than khóc kêu trời kêu đất. Nhưng trời ở cao trời không nghe, kêu đất dày đất không thấu.
Cùng với đó là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, việc bỏ giấy nhận diện phương tiện, mỗi nơi mỗi khác. Mặc dù Tổng cục Đường bộ đề nghị các địa phương không kiểm tra giấy nhận diện phương tiện đối với xe chở hàng thiết yếu, nhưng nhiều địa phương vẫn tiến hành kiểm tra.
Điều trớ trêu là mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác, do đó không được phép lưu hành. Từ đó dẫn đến tình trạng loạn xì ngầu, “phép vua thua lệ làng”.
Họ áp dụng máy móc đến nỗi, có địa phương trước đây đặt chợ tại trung tâm xã, sau đó chia xã làm 2, lấy con đường sát chợ làm ranh giới. Nay quy định người ở xã nào đi chợ xã đó, vậy là những hộ bên kia con đường không được đi chợ cũ chỉ vì khác xã, mà nay phải chạy vòng hàng cây số mới vào được chợ cho đúng xã của mình.
Trong lúc người dân đang lao đao và khốn khó như vậy, thì bỗng đâu xuất hiện ông chủ tịch tỉnh Kiên Giang-Lâm Minh Thành, khi ông ấy chỉ đạo lưu thông hàng hóa không cần đúng danh mục.
Theo ông Thành: “Đi chợ mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân. Một bó rau, một mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán”.
Tại cuộc họp bàn về thế nào là mặt hàng thiết yếu, các địa phương đề nghị bổ sung tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và một số loại hải sản khác vào danh mục hàng hóa dễ hư hỏng để ưu tiên qua chốt, vì những mặt hàng này chưa có trong danh mục.
Đại diện ngành công thương Kiên Giang thì phản ánh hiện nay danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông không tỉnh nào giống tỉnh nào, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang góp ý để các bộ, ngành bổ sung kịp thời, thống nhất thực hiện cho đúng.
Trước nhiều ý kiến như vậy, ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhận định nếu các ngành, các địa phương cứ ngồi cân nhắc xem mặt hàng nào thiết yếu, mặt hàng nào không để đưa vô danh mục thì biết tới khi nào mới đủ.
Chưa kể, khi ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu, hàng hóa dễ hư hỏng rồi áp dụng làm sao, các chốt không lẽ cứ phải dò từng món trong mấy chục, mấy trăm món hàng lưu thông ngoài thị trường.
"Tôi đề nghị không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ nên tham khảo thôi. Chốt ở đây là để kiểm soát, ngăn chặn những người cố tình đi lại không cần thiết, còn người ta lưu thông hàng hóa thì ngăn cản làm gì".
"Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân”(1).
Nếu các địa phương khác cũng làm như ông chủ tịch tỉnh Kiên Giang có thể làm mất miếng mồi ngon của những con kền kền, đang rình rập đâu đó để chờ sơ hở của người dân mà xử phạt. Mà loại này đang đầy rẫy khắp nơi, được khoác cái áo thực hiện CT16.
Qua vụ việc ở Kiên Giang, làm ta liên tưởng đến hiện tượng ông bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú thời bao cấp. Ông Kim Ngọc dám vượt qua cơ chế kinh tế tập trung, ruộng thà để hoang cho cỏ mọc và sâu bọ có môi trường lý tưởng tung hoành, thà để dân đói rã họng ra, chứ người nông dân mà xót ruột đưa cày vào là bị phạt.
Mặc dù ông Kim Ngọc bị kỷ luật mất chức bí thư(có tin chưa kiểm chứng nói ông bị ngồi tù và chết trong tù), nhưng lịch sử ghi nhận công lao của ông trong chính sách nông nghiệp. Từ chỗ một đất nước nông nghiệp có những vựa lúa dồi dào, như đồng bằng sông Hồng bát ngát phù sa, đến Đồng Tháp Mười thẳng cánh có bay. Vậy mà hàng năm nhà nước phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực để cứu đói cho dân. Nhưng sau đó VN đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Chỉ với những người lãnh đạo dám nghĩ dám làm và thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân, mới kịp thời đưa ra những chủ trương cới trói kịp thời cho dân.
Đó mới thực sự là những người đấy tớ phục vụ dân bằng những việc làm kịp thời và cụ thể, chứ không phải phục vụ dân bằng nước bọt, bằng những mỹ từ chót lưỡi đầu môi của một số kẻ tự cho mình là đạo đức sáng ngời, nhưng lại “ăn không từ một thứ gì của dân”.
Những loại đó không những đang ngồi nhung nhúc trong nhà tù, mà còn biết bao đồng chí “chưa bị bại lộ”, đang hàng ngày đục khoét tiền thuế của dân để mua xe sang, xây biệt phủ, nuôi bồ nhí, đầu tư cho con đi du học ở xứ “tư bản giãy chết” và mua thẻ xanh, để hòng khi có biến là co cẳng…chuồn.
Mong rằng những lãnh đạo địa phương đang bảo thủ và áp dụng CT16 một cách máy móc, hãy “sáng mắt sáng lòng” và học tập ông chủ tịch kiên Giang, tháo gỡ vướng mắc cho dân trong cơn dịch nguy khốn này.
Mong sao có nhiều ông Kim Ngọc, ông Lâm Minh Thành trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay.
Chú thích:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire