Lời tác giả
Ảnh minh họa |
Sau 30/4/1975, người ta đặt tiêu chuẩn “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội” (CNXH), tôi chỉ đáp ứng được một trong hai yêu cầu ấy nên vội “chạy”.
Đối với CNXH, tôi đã chạm trán với nó ít nhất cũng hiệp đầu chớ không phải chạy khi vừa thấy mặt nó – tức là không phải chạy mặt.
Tôi chạy nó (CNXH) vì sự quái dị, tính quái ác và phản dân chủ của nó. “Yêu nước là yêu CNXH”, một sự gán ghép chết người. Không phải vậy sao? – Theo “tiêu chuẩn” vừa nêu trên, nếu không yêu CNXH vô hình trung là không yêu nước chớ gì? Nhưng, nếu yêu thêm CNXH thì đất nước, dân tộc nầy tránh sao khỏi tang hoang cùng khổ?! Thôi thì thà tôi đành mang danh không yêu nước để khỏi phải góp phần gây tang tóc, đau thương cho đất nước và dân tộc.
Nhờ có tiếp cận, tôi sẽ kể đúng nhưng không thể đủ về sự “diễu võ vươn oai” của nó (CNXH) ở Nam Việt Nam.
Muốn biết người viết bài nầy là ai để chủi rủa… hay tranh luận, hãy xem lai lịch của gã ghi rõ ở cuối bài viết.
*
1/ Cải tạo Chính trị theo mô hình tập quyền
Ai sống ở Việt Nam thời 1940-1975 đều nghe nói đến cuộc “Cách mạng Dân tộc Dân chủ” (DTDC) do Hồ Chí Minh phát động chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ. Cuộc Cách mạng DTDC hàm chứa 2 nội dung và tiến hành qua 2 bước: Dân tộc là loại ngoại xâm, Dân chủ là xây dựng Nhà nước “Dân chủ Pháp quyền của dân, do dân, vì dân” . Trưa 30/4/1975, coi như đã hoàn thành vế 1 (DT). Lẽ ra phải tiếp tục thực hiện vế 2 (DC) để hoàn thành trọn vẹn cuộc Cách mạng DTDC như đã thệ ước với nhân dân. Nhưng sau 30/4/1975, các vị lãnh đạo Đảng Lao Động VN và Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa “bỏ bót” đổ xô vào Nam VN để thị sát và bàn việc thống nhứt đất nước.
Ai cũng ngỡ rằng, việc thống nhất đất nước sẽ thực hiện dân chủ trên tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc theo tiến trình: Chính phủ Cộng hòa miền Nam và Việt Nam Cộng hòa thương nghị, lập ra chính phủ đại diện cho nhân dân miền Nam, để rồi, cùng với chính phủ miền Bắc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhứt đất nước theo tinh thần hiệp định Paris. Không ngờ Đảng Lao Động VN tiếm quyền, áp đặt thống nhứt theo kiểu nhứt thống:
a/ Cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền” (với tên gọi X.1):
Để ngăn ngừa “hậu họa”, Đảng CSVN cho mình là người thắng cuộc, mở chiến dịch mang tên X.1, gọi tất cả Sĩ quan, Công chức thuộc Việt Nam Cộng hòa, khoảng nửa triệu người kẹt lại ở Nam VN ra trình diện rồi đưa họ vào các trại cải tạo – cải tạo thời gian ngắn hay dài tùy theo cấp chức. Việc làm nầy gây ngỡ ngàng không những đối với những phía “thua cuộc”, vì về cơ bản, nó trái với chính sách “Hòa giải Hòa hợp Dân tộc” do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam công bố khi khởi đầu “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (1). Phải nói, nhờ chính sách Hòa giải Hòa hợp Dân tộc mà Tổng thống Dương Văn Minh và nhiều vị có thiện ý hòa bình trong Chính quyền và Quân đội phía VNCH làm cơ sở chiêu hòa đối với thuộc hạ của mình, tháo được ngòi nổ, kết thúc cuộc chiến êm đẹp, trọn vẹn, cả 2 bên tham chiến đều thở phào nhẹ nhõm, chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn.
Chủ trương cải tạo Ngụy quân, Ngụy quyền khiến người ta cảm thấy như có sự kiêu binh, ỷ thế cậy quyền, bội ước, tạo căng thẳng, chuốc oán không cần thiết.
b/ Phủ định “chiến hữu” giành thế độc quyền:
Năm 1976, Đảng Lao động Việt Nam mở đại hội IV đổi tên đảng, tên nước, từ Đảng Lao động VN đổi thành Đảng CSVN, từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng tại Đại hội lần thư IV nầy, Đảng CSVN tuyên bố “đã hoàn thành cuộc Cách mạng DTDC, chuyển sang cuộc Cách mạng “Xã hôi Chủ nghĩa” trên toàn cõi Việt Nam” – nhận lớp vế 2 (DC):
- Phủ định không thương tiếc những tổ chức Cách mạng vang danh một thời ở miền Nam như: “Chính phủ Cộng hòa Miền Nam” do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lãnh đạo; “Măt Trận Dân tộc Giải Miền Nam” do luật sư Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo; “Mặt trận Liên minh các Dân tộc vì hoà bình” do luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo. Đồng thời phủ định lá cờ nửa đỏ nửa xanh, có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, một biểu tượng cho các tổ chức kháng chiến ở miền Nam. Những nhân sĩ, trí thức trong 3 tổ chức vừa kể coi như “hết hạn sử dụng”, tạm thời giao cho họ những chức vụ hư danh, chờ sắp xếp nghỉ hưu. Họ bị cướp công, bị khinh thường, bị bạc đãi, lâm vào cảnh như những con nai vàng ngơ ngác trên hoang mạc.
- Để độc đảng, độc tôn…, Đảng CS VN “thuyết phục” 3 chiến hữu là Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội , Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam ”tự nguyện” giải thể, được xem như cái chết tự chọn. Kết tập các thành viên (đảng viên) 3 đảng chiến hữu như vừa nói vào hàng ngũ Đảng CSVN. Từ đó, Đảng CSVN trở thành tạp chủng, chứa đựng nhiều đứa con lai.
- Sáp nhập Quân Giải phóng Miền Nam vào Quân đội Nhân Dân VN.
- Sáp nhập Ban và lực lượng An ninh Miền Nam vào Công an Nhân dân VN.
- Ồ ạt đưa cán bộ miền Bắc vào “chi viện” cho các tỉnh, thành miền Nam xem như những cố vấn.
- Cho sĩ quan Quân đội gốc Miền Nam ra quân, thay vao đó là những sĩ quan miền Bắc. “Tăng viện” Công an, Cảnh sát miền Bắc cho các thành phố lớn ở miền Nam, nhứt là Sài Gòn.
- Đảng CSVN tự cơ cấu nhân sự rồi cổ võ nhân dân bầu ra Quốc hội nước Công hòa XHCN VN – coi như cơ quan Lập pháp rồi từ đó cử ra Hành pháp và Tư pháp cấp Trung ương. Tiếp theo, cũng do Đảng CS VN cơ cấu nhân sự, tổ chức cho dân bầu ra Hội đồng Nhân dân các cấp để từ đó cử ra chính quyền các cấp địa phương và cơ sở. Thế là Đảng CS VN đã hình thành bộ máy chính quyền “Chuyên chính Vô sản” từ Trung ương cho đến cơ sở, đó là cánh tay nối dài của Đảng CS VN.
- Song song với bộ máy Chính quyền Chuyên chính Vô sản, Đảng CS VN còn tổ chức riêng cho mình bộ máy gồm: Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra, Ban Khoa giáo, Ban Dân vận, Ban Nội Chính, Ban Kinh tế Tài Chính..v.v… Đồng thời, Đảng CS VN cũng hình thành cho riêng mình hệ thống Trường Đảng và hệ thống Báo chí Đảng từ Trung ương cho tới các Địa phương. Những Ban bệ và những phương tiện nầy, ngoài giám sát bộ máy Chính quyền, phải đảm bảo toàn xã hội đồng thuận với Đảng về ý chí và hành động.
- Sáp nhập Đoàn Thanh niên Cách mạng Miền Nam vào Đoàn Thanh niên Cộng sản VN. Biến Đoàn Thanh niên Cộng sản VN thành đội hậu bị của Đảng CSVN.
- Hình thành và hoàn thiện hệ thống chính trị gồm: hệ thống Đảng, hệ thống Nhà nước, hệ thống Tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên…, được xem như những Bộ Tư lịnh binh chủng.
- Quân đội và Công an khi thành lập đã xác định trách nhiệm “Trung với nước, hiếu với dân”, nay Đảng CS VN bảo đổi lại “Trung với Đảng, hiếu với dân”.
- Lễ tục hàng năm, hễ Tết đến, chữ “Mừng Xuân” xuất hiện ở khắp nơi, giờ đây, Đảng CS VN chỉ đạo trên toàn cõi VN phải thêm 2 từ nữa “Mừng Đảng, Mừng xuân”.
- Nếu chưa quen hãy tập cho quen: gọi “Đảng ta” cho gọn, gọi Đảng CS VN chi cho dài dòng.
- Đưa nội dung “Đảng CS VN là Đảng duy nhứt lãnh đạo Nhà nước và Xã hội… vào Hiến pháp 1980.
- Đảng CS VN đưa ra cơ chế chính trị bao trùm (cơ chế mẹ) “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”.
- Đảng CS VN đề ra tiêu chuẩn “Yêu nước là yêu CNXH” – Một sự gán ghép chết người. Không phải vậy sao? – Nếu ai không yêu CNXH là người ấy không yêu nước chớ còn gì nữa?! Nếu không yêu nước vô hình trung là phản nước, là kẻ thù…!.
Thế là Đảng CSVN, chỉ trong thời gian ngắn, đã tạo cho mình thế đứng thượng phong, độc tôn, toàn trị. Với cánh tay nối dài: Có bộ máy chính quyền Chuyên chính Vô sản; Có các Ban bệ của Đảng được tổ chức song trùng với Ban bộ của chính quyền; Có Mặt trận và cac Đoàn thể quần chúng; Có Quân đội và Công an hùng mạnh, một lòng một dạ trung với Đảng; Có hàng triệu Đoàn viên Cộng sản là những “Ấu chúa”, làm lực lượng hậu bị cho Đảng .v.v… Rõ ràng, Đảng CS VN đã bày binh bố trận không còn kẽ hở?! Có lẽ, Đảng CS VN căn cứ vào thế trận vững như bàn thạch, tự sướng, tung ra câu “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm”.
Trước thực trạng, một số cán bộ miền Nam lén rỉ tai nhau: “Nếu nói Trung Quốc là Đại Hán thì miền Bắc VN là Tiểu Hán”.
**
Còn tiếp
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire