Bài báo sau đây của Phúc Tiến đăng trên báo Người đô thị ngày 17/9/2021 đã bị gỡ.
Ở Việt Nam, đôi khi bài bị gỡ không phải vì sai, mà vì quá đúng. Ông Nguyễn Thiện Nhân, người chịu trách nhiệm dời lư hương "một cách “kỳ lạ”, cách đây hai năm - đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc" đã thôi chức, nhưng đó không phải là lý do để cho người ta chấp nhận một bài như thế này xuất hiện trên báo chính thống.
Nhưng một ứng xử hỗn láo (Phúc Tiến nói nhẹ hơn: "vô lễ") như thế còn kéo dài được không? Trong tâm khảm của dân đen Việt, Trần Hưng Đạo là bậc thánh, không chỉ vì chiến công ba lần chỉ huy đánh thắng quân Nguyên, mà còn vì hàm ơn chủ trương "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Xúc phạm Đức Thánh Trần, là xúc phạm Lịch sử, xúc phạm Văn hóa, đi ngược với Lòng Dân, với Lẽ Trời.
Con cháu đời sau, chỉ có những kẻ trí ngắn lòng nông, ỷ vào chức quan, mới dám ngông cuồng làm những chuyện bạo thiên nghịch địa như thế.
Đời quan ngắn ngủi lắm. Mà bia miệng thì ngàn năm.
-----------------------------------------------------------
NHÂN GIỖ ĐỨC THÁNH TRẦN: CẦN ĐẶT LẠI LƯ HƯƠNG VÀ TÔN TẠO TƯỢNG ĐÀI TRẦN HƯNG ĐẠO
Ngày Giỗ Đức Thánh Trần sắp đến - Chủ nhật 26.9 là “cơ hội vàng” sớm nhất để làm ngay nghi lễ tái an vị lư hương kết hợp dâng hương kính lễ Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an.
Tục ngữ có câu “Tháng tám giỗ Cha” để nhắc nhớ ngày giỗ Anh hùng Trần Hưng Đạo (20.8 Âm lịch), người được coi không những là Cha mà còn là Đức Thánh được nhân dân thờ phụng từ nhiều thế kỷ.
Tại Sài Gòn, từ lâu đã có Đền Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu (quận 1) và tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường Mê Linh dọc Bến Bạch Đằng. Hai tuần trước ngày giỗ Đức Thánh Trần, khi đến viếng địa điểm tượng đài, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy quang cảnh tại đây vắng lặng, không lư hương, không hương khói. Chân và thân tượng bên trên cùng các bức phù điêu bên dưới loang lổ, bong tróc. Nền gạch chung quanh nhiều chỗ sụp lún, xuống cấp…
55 năm tượng đài anh hùng chống xâm lăng
Tượng Đức Thánh Trần ở quảng trường Mê Linh do họa sĩ Phạm Thông (1943-2016) tạo tác, được xây dựng từ năm 1966-1967. Đây chính là tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên trên cả nước.
Bức tượng cao 6 mét, được thiết kế theo hình tượng lưu truyền trong sử sách, tướng quân ra trận chỉ tay xuống dòng sông, nêu lời thề đanh thép: Đánh trận lần này nếu không thắng giặc sẽ không bao giờ trở về bến sông này nữa! Thần thái của bức tượng thể hiện dáng uy vũ của một anh hùng và qua đó là khí phách của cả một dân tộc. Hình ảnh bức tượng oai phong đã ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ và có nhiều phiên bản được dựng lại nhiều nơi trong và ngoài nước.
Bệ đặt tượng và chiếc hồ bán nguyệt dưới chân tượng cũng là một thiết kế tuyệt đẹp, làm nên khu vực tượng đài độc đáo. Bức tượng Trần Hưng Đạo được đặt trên một khối tam giác cao khoảng 10 mét. Mỗi mặt tam giác đều có các bức phù điêu lớn màu gạch son, kể lại điển tích ba lần nước Đại Việt đánh đuổi quân Nguyên Mông.
Từng bức phù điêu khắc họa nhiều chi tiết lịch sử được khảo cứu công phu. Thật xúc động khi người xem trông thấy hình ảnh các chiến sĩ đời Trần tự viết lên cánh tay hai chữ Sát Thát (giết giặc Thát) trước khi ra trận.
Kế đến, là cảnh các bô lão đại diện cho toàn dân dự hội nghị Diên Hồng hô to lời quyết chiến. Và rồi, hình ảnh trận Bạch Đằng hào hùng, các con thuyền nhỏ của quân ta dẫn dụ tàu chiến địch sa vào bãi cọc ngầm. Kết thúc là cảnh tượng đầy khí thế hào hùng, quân ta đuổi quân giặc tháo chạy.
Đặc biệt nhất, có một tấm phù điêu khắc họa đơn giản hình ảnh một đỉnh đốt trầm và một cây gươm, đi cùng một cuộn văn bản xưa đang tung mở. Chỉ vậy thôi, không cần ghi lời mà người xem có thể liên tưởng ngay đến Hịch Tướng Sĩ, một áng hùng văn đã đi vào tâm khảm của dân tộc. Này đây, nỗi thao thức của một hào kiệt trước vận mệnh đất nước:
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…Này đây, những lời cảnh báo giá trị cho muôn đời trước họa xâm lăng rình rập: Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ; chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc…
Trước mặt chính tượng đài, hướng ra bờ sông Sài Gòn, ngay từ khi xây dựng đã có một lư hương to lớn, chạm khắc rồng, đặt uy nghi trên bệ riêng. Đây là nơi dâng hương– không thể thiếu để tưởng nhớ Đức Thánh trong các ngày lễ trọng và cho khách thập phương thăm viếng.
Ngày ấy, quanh lư hương không để các chậu cây kiểng như bây giờ. Trước tượng đài và lư hương dọc theo lề đường còn có nhiều cột cờ cao sơn trắng, làm tăng vẻ đẹp cao thượng và tôn nghiêm của một tượng đài tôn vinh đại anh hùng dân tộc.
Đặt tượng đài Trần Hưng Đạo bên bờ sông Sài Gòn ở một giao lộ lớn ngay bên cạnh trụ sở Bộ tư lệnh Hải Quân là một việc làm rất ý nghĩa. Nhắc nhớ trận Bạch Đằng cùng oai vũ và mưu trí của Trần Hưng Đạo là cảm hứng và nguồn sức mạnh quý báu của Hải quân Việt Nam và cả dân tộc.
Càng lý thú hơn nữa, chính tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng ở khu vực vào thời Pháp thuộc từng có tượng đài Rigault De Genouilly – viên Đô đốc chỉ huy cuộc xâm lược Đà Nẵng năm 1858 và Sài Gòn năm 1859. Việc thay thế tượng đài tướng giặc bằng tượng đài danh tướng Việt Nam - người chỉ huy đánh đuổi quân xâm lăng hùng mạnh, là một việc làm rất đáng trân quý!
Đừng vô lễ nữa với tiền nhân
Rất tiếc, chiếc lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo đã bị dời đi một cách “kỳ lạ”, cách đây hai năm - đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Nó được dời về đền Trần Hưng Đạo, đặt trên lối vào trước một lư hương đã có trên sân đền.
Sau khi đi thăm tượng đài, chúng tôi liền đến đền Trần Hưng Đạo để xem hiện trạng chiếc lư hương. Chúng tôi rất mừng khi thấy lư hương cùng bệ vẫn còn đặt trên sân và có mái che nắng mưa tạm. Tuy nhiên, việc đặt hai chiếc lư hương bên nhau với kích cỡ và kiểu dáng khác biệt đã cho thấy một hình ảnh khập khiễng và quan niệm thờ phụng lạ lùng.
Song quan trọng hơn cả, việc dời lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo đến đấy đã vi phạm các nguyên tắc về kính lễ tổ tiên và anh hùng, liệt sĩ.
Thật vậy, trên cả nước hiện đang có nhiều quảng trường, công viên hoặc điểm công cộng có đặt tượng đài Trần Hưng Đạo từ Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng đến Nha Trang, Quy Nhơn và các đảo lớn ở Trường Sa. Tại những nơi này đều có lư hương để cắm nhang tưởng nhớ, vậy mà vì sao lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên của cả nước lại bị “bóc dỡ”?
Vốn dĩ, theo thiết kế truyền thống Á Đông, lư hương là một phần quan trọng không thể không có trong cảnh quan của các đền đài, tượng đài, bia kỷ niệm người mất, đặc biệt là các danh nhân và thần thánh. Ở phương Tây, các tượng đài không có lư hương theo kiểu phương Đông nhưng luôn có nơi đặt hoa tưởng niệm và nhất là ngọn lửa vĩnh cửu - tượng trưng cho niềm thương nhớ các liệt sĩ.
Chúng tôi cho rằng việc dời lư hương của tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường Mê Linh không những làm mất đi phương tiện tỏ lòng tưởng niệm vị anh hùng mà còn làm giảm đi sự tôn nghiêm cần thiết của không gian này.
Hơn thế nữa, việc di dời lư hương ở một tượng đài đã ổn định hơn 50 năm mà không hỏi ý kiến và nghe phản hồi của Hội đồng nhân dân TP.HCM, cùng các hội đoàn chuyên môn về lịch sử và kiến trúc, cũng như đại diện của người dân sở tại là việc làm không đúng luật.
Theo các Luật Xây dựng (Điều 10, 14, 16, 17), Luật Kiến trúc (Điều 11) và Luật Quy hoạch đô thị (Điều 68), công viên và tượng đài là những địa điểm công cộng, khi xây dựng và sửa chữa đều phải tuân theo các nguyên tắc và trình tự nhất định. Mặt khác, lư hương và tượng đài tại đây đều là tài sản công, do vậy theo điều 6 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, chúng cần được quản lý theo tinh thần “công khai, minh bạch, chống lãng phí, chống tham nhũng và đúng pháp luật”.
Thiết nghĩ, việc đem lư hương của tượng đài Đức Thánh Trần sang nơi khác cần phải xem xét lại và sửa đổi kịp thời. Được biết vào tháng 6 năm nay, UBND quận 1 đã đề nghị UBND TP.HCM việc chỉnh trang quảng trường Mê Linh và tượng đài Trần Hưng Đạo, với kinh phí dự kiến khoảng 32,5 tỷ đồng. Chúng tôi đề nghị việc cần chỉnh trang đầu tiên và không tốn kém nhiều kinh phí - chính là đưa trả lại lư hương và khảo sát ngay các hư hỏng nơi thân tượng và các bức phù điêu. Sau đấy, chính quyền hãy thu thập ý kiến rộng rãi để tôn tạo khu vực quảng trường và tượng đài Trần Hưng Đạo.
Nếu biết tôn tạo đầy đủ và đúng cách, nơi đây sẽ là địa điểm rất phù hợp cho các sự kiện học hỏi và tiếp nối truyền thống dân tộc, đề cao tinh thần độc lập bất khuất của Việt Nam. Đồng thời, đó còn là một điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố và du khách, để thư giãn và thưởng ngoạn không gian lịch sử hay đẹp.
Ngày Giỗ ĐứcThánh Trần sắp đến - Chủ nhật 26.9 là “cơ hội vàng” sớm nhất để làm ngay nghi lễ tái an vị lư hương kết hợp dâng hương kính lễ Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an. Hội Sử học cùng các hội đoàn xã hội đều có thể chung tay góp sức với chính quyền thực hiện nghi lễ thiêng liêng này. Chúng ta phải có nghĩa vụ sửa chữa các sai phạm vô lễ với tiền nhân, để bản thân và con cháu luôn ghi nhớ uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây từ lâu đã là đạo lý của dân tộc.
Chính Đức Thánh Trần và các bậc tổ tiên, anh hùng, liệt sĩ đã và đang góp nhiều sức mạnh tinh thần quý báu cho cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 hiện tại và phòng chống kẻ địch bên ngoài xâm lược. Đừng để Trần Hưng Đạo một lần nữa quở trách:
Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú ruộng vườn, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát?
Phúc Tiến.
Báo NGƯỜI ĐÔ THỊ, ngày 17/9/2021.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire