29/11/2021

Tiên học lễ, hậu học văn

Vo Nhat Thu

Đây là câu khẩu hiệu to đùng mà hiện nay hầu như ngôi trường nào cũng có.

Mới đây, một ông giáo sư bảo là ”cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo". Lướt qua fb, báo chí các ý kiến phản biện nhiều lắm!

Giáo sư bắn chệch hướng rồi!

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyên bố: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" ("ngoan" theo nghĩa là "dễ bảo, vâng lời", "giỏi" theo nghĩa "thuộc bài").
Phải bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn" bởi vì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1. "

Thưa giáo sư Thêm, tất cả tệ hại của nền giáo dục hiện nay mà giáo sư nêu lên có nguyên do là vì Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện xã hội. Thay vì bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn" thì nên bỏ Đảng cộng sản đi chứ.
Giáo sư bắn chệch hướng rồi!


BBT HNC

Câu ni được khắc kẻ trên tường, in vô trong đầu các thế hệ học sinh nhà nước cách mệnh có lẽ từ những năm 90 của thế kỷ trước sau một cuộc “cải lùi” của ngành giáo dục.

Tui nói “cải lùi” vì câu khẩu hiệu ni vốn có ở các trường học miền nam trước năm 1975 (miền bắc chắc là ko có mô!). Sau khi dân miền nam chính thức được “giải phóng” câu khẩu hiệu ni trở thành tàn dư của tư tưởng phản động phong kiến và bị bài trừ một cách không thương tiếc.

Đối với các thế hệ 6x ở miền nam trở về trước, mỗi khi nhìn lên câu khẩu hiệu ấy, người học trò từ khi biết mặt chữ đều cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng như là lời dạy. Nhất là mỗi khi đứng dưới cờ trong buổi chào cờ đầu tuần, nhìn câu khẩu hiệu trong tiếng hát: “Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau” nghe tự hào và thấm lắm!

Trước 1975, ở miền nam hình ảnh người thầy giáo cao quý lắm. Họ được xã hội tôn trọng, họ xứng đáng đứng trước bảng đen để dạy cho học trò những điều lễ nghĩa.

Xuất xứ câu khẩu hiệu ni nghe nói từ tư tưởng đạo Khổng, cái ni tui không rành nên ko bàn đến chữ “Lễ” chữ “Văn” trong ý nghĩa chiết tự vốn có của chữ Tàu . Từ hồi nhỏ, khi còn học tiểu học tui chỉ nghĩ: Lễ là những điều lễ nghĩa. Là phép tắc của một con người từ gia đình ra xã hội. Là con trẻ phải biết ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, ông bà, ra đường phải biến kính trọng người trên, nhường nhịn kẻ dưới... đơn giản rứa đó. Văn chỉ đơn giản là kiến thức, là những gì học được ở nhà trường thông qua việc học chữ.

Như rứa với chữ “Lễ”, con người sinh ra từ khi bập bẹ vốn được dạy rồi! Đến tuổi đi học, tức gia đình gửi gắm, phó thác cho nhà trường, cụ thể là các thầy cô, giúp dạy dỗ con em mình trong đó có cả phần Lễ ở mức độ xã hội cao hơn.

Ngày xưa, ý tui là miền nam trước 1975, Tiên học lễ, hậu học văn mang ý nghĩa triết lý của một nền giáo dục nên nó ko còn là câu khẩu hiệu mà luôn là lời dạy được khắc ghi.

Còn bây giờ... nói ra dị òm! Tiên học lễ, hậu học văn không còn ý nghĩa phương châm của một nền giáo dục mà thực chất chỉ là câu khẩu hiệu rỗng tuếch như bao câu khẩu hiệu nhan nhãn khác ngoài đường.

Răng rứa? Đơn giản là có quá, quá nhiều những người dạy không có hoặc không đủ trình về lễ thì học trò tìm đâu ra chữ lễ để học?

Nhan nhãn ra đó: Học trò mới mẫu giáo, lớp một đã chứng kiến cha mẹ phải chạy trường, phải quà cáp cho thầy cô. Lễ đâu?

Học sinh có chút ý thức cũng hiểu rằng tỷ lệ học sinh khá giỏi trường nào cũng cao vì nạn chạy đua thành tích của nhà trường. Lễ đâu?

Biết bao tiêu cực từ nhà trường ra xã hội nhưng thầy cô không dám đấu tranh, không dám dạy cho học sinh cái dũng trước những bất công. Đố thầy cô nào dám đứng trước lớp hùng hồn nói về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Lễ đâu?

Rồi nhan nhãn trên các phương tiện thông tin thầy giáo gạ tình học trò, hiệu trưởng này, giám đốc nọ hủ hoá, tham ô. Lễ đâu?

Đỉnh cao của sự mạt hạng là vụ thi cử Hà Giang, Lạng Sơn như vết chém làm gãy dấu “^” trên đầu chữ Lễ.

Với một nền giáo dục nhỡn tiền như rứa thì mấy ai đủ tư cách đứng ra dạy chữ “Lễ” cho học sinh tin?

Tui xin lỗi những thầy cô chân chính nhưng với tui khẩu hiệu ấy không cần xoá bỏ mà nên đổi lại: Tiên học lễ, hậu dạy văn.

Người đi dạy trước hết phải có chữ “Lễ” rồi hãy lên bục giảng dạy cho học trò.

Vo Nhat Thu

 Hoàng Kim

Thời nay mà GS-TS Trần Ngọc Thêm hiểu chữ lễ trong câu "tiên học lễ, hậu học văn" là chữ lễ của thời Khổng Tử đề cao sự phục tùng, rồi đề nghị xóa câu "tiên học lễ, hậu học văn" thì hình như GS-TS Trần Ngọc Thêm chẳng có tư duy thời đại chút nào cả.

Các nhà giáo dục cần phải định nghĩa chữ lễ thời nay để có cơ sở giáo dục học sinh.

Theo thiển ý của tôi chữ lễ thời nay là các cách giao tiếp, là đạo đức phổ quát và luân lý hiện tại, tức là cách học làm người. Thế nên, chúng ta có thể hiểu câu " tiên học lễ, hậu học văn" là trước học làm người sau học văn hóa. Học làm người tất nhiên là học làm người hiện đại chứ không học làm người thời Khổng tử, điều này sẽ giúp rất nhiều GS-TS hiểu đúng chữ lễ.

Muốn biết học lễ là học gì thì có thể xem cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận cùng biên soạn để có cái nhìn tổng quát.

Lấy thí dụ bài Thương người như thể thương thân ở trang 23 rất phù hợp với học sinh tiểu học.

"Thấy người hoạn nạn thì thương,

Thấy người tàn tật lại càng trông nom.

Thấy người già yếu ốm mòn,

Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.

Trời nào phụ kẻ có nhân,

Người nào có đức, muôn phần vinh hoa.

Đại Ý: Trong bài nói phải thương hết cả mọi người cùng khổ, hoạn nạn, những người tàn tật, người già cả, người ốm yếu. Làm điều hay thì gặp may, dù không nữa, thì trong bụng cũng được hả hê."

Hiểu chữ lễ đã sai, rồi phát biểu bỏ tiên học lễ để học sinh khai mở tư duy phản biện càng trật xa, vì muốn có tư duy phản biện học sinh phải học triết học, mà là học cả rể và cả cây triết học chứ chẳng phải chỉ học ngọn triết học Mác - Lê Nin.

 Hoàng Kim


Bỏ 'Tiên học lễ, hậu học văn': Đôi lời thưa với Giáo sư Trần Ngọc Thêm

Nguyễn Văn Mỹ

Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD -ĐT", do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tổ chức ngày 21/11/2021; GS.TSKH Trần Ngọc Thêm kiến nghị bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" (THLHHV).

Lý do là "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Bỏ khẩu hiệu THLHHV để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo vì đó là sản phẩm giáo dục Nho giáo, phục vụ mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc người dưới phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1". 


Kiến nghị lập tức tạo địa chấn dư luận, cứ như bê bối của showbiz. Tôi phát hoảng thật sự. Nhiều đồng nghiệp và sinh viên email, điện thọai, chat zalo… bày tỏ sự ngạc nhiên tột độ. Chính kiến cá nhân cần được tôn trọng. Nếu bất đồng, thì trao đổi.

Có bạn trẻ đồng tình với ông Thêm vì dị ứng với bệnh khẩu hiệu, chỉ nói mà không làm. Việt Nam hiện được xem là cường quốc khẩu hiệu với vô vàn câu chữ rối ren, tối nghĩa, hiểu nhầm. Vị trí này trước đây thuộc về Trung Quốc, nay nhường cho Việt Nam độc quyền. Bệnh khẩu hiệu cần xóa bỏ càng sớm càng tốt, trừ câu THLHHV. Nếu bỏ, phải có câu nào hay hơn, bởi Việt Nam chưa có triết lý giáo dục.

Ở miền Nam, trước 1975, THLHHV được xem là nền tảng giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Lễ được hiểu theo nghĩa rộng là "Đạo đức cuộc sống", Văn là "Kiến thức khoa học tự nhiên lẫn xã hội". Thầy cô mà nghĩ "Lễ" chỉ là "Phép tắc, lễ nghi, tôn ti xã hội" thì không phải là thầy cô đúng nghĩa. Thầy cô ở miền Nam trước 1975, không ai nghĩ như thế.

Sau 1975, dấu tích chế độ cũ hầu như bị xóa sạch. Từ tên đường, bậc học, môn học dến sách học; từ ngôn ngữ đến áo dài lẫn cách chào vòng tay cúi đầu, cách đối nhân xử thế… THLHHV bị hạ bảng, biến mất nhưng vẫn không có tư duy sáng tạo, nói chi phản biện. Vì nhiều lý do, giáo dục ngày càng xuống cấp toàn diện. THLHHV được phục hồi nhưng bị hiểu méo mó, kể cả những người là TSKH.

GS Thêm cho rằng "Nguồn nhân lực THKHHV giỏi lắm chỉ có thể giữ xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng xã hội phát triển phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện. THL rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện vì đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau".

Theo tôi thì càng giải thích, càng rối rắm, bất cập.

Sau 1975, học trò vòng tay chào thầy cô bị xem là không bình đẳng. Quan hệ cha - con, thầy - trò đều "đồng chí tất". 

Hình cũ, Việt Nam năm 1997 - Chụp lại hình ảnh

Thương cảm, cứu giúp người nghèo khó bị lên án là "Tiểu tư sản". Điều gì gắn với phong kiến đều bị lên án kịch liệt. Cuộc sống luôn phát triển, nhiều thứ phải thay đổi, thích nghi nhưng có những thứ bất di bất dịch.

Nếu không có phong kiến, làm sao có mình bây giờ? Phong kiến Việt Nam không chỉ giữ yên bờ cõi, độc lập về văn hóa, chữ viết, không mất một tấc đất; trước đại họa xâm lăng phương Bắc mà còn mở thêm bờ cõi.

Từ gia đình đến xã hội, phải có tôn ti trật tự, không thể "cá mè một lứa", tất cả cùng "làm chủ tập thể" (phải viết - tập thể làm chủ, mới chính xác). Nếu không, xã hội sẽ hỗn loạn. 

Sài Gòn tháng 7 năm 1975 - Chụp lại hình ảnh

Quan hệ xã hội Nho Giáo có thể một chiều trên dưới nhưng khi vào Việt Nam, đã thay đổi để thích ứng với những truyền thống "Kính già, yêu trẻ", "Học thầy không tày học bạn", "Vua - tôi một lòng", "Thuận vợ, thuận chồng" (vợ được đưa lên vế đầu),…thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.

Hai mươi năm năm học phổ thông và đại học (chưa tốt nghiệp) dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa; tôi biết dừng xe, đứng nghiêm ngoài đường khi nghe quốc ca. Đi qua đám tang phải dỡ nón.

Thực hành "Gia huấn ca" (Nguyễn Trãi). Gặp người già yếu, tàn tật, trẻ nhỏ là tận tình giúp đỡ. Luôn "Đi thưa về trình"; biết "Xin lỗi" và dám nhận lỗi để sửa sai, không quen đổ "tại" và "bị"; biết "Cám ơn" từ những việc nhỏ nhặt, từ em bé lẫn con cái của mình…

Hình chụp ở Hà Nội năm 1980 - Chụp lại hình ảnh

Nhờ THLHHV, thầy cô giáo ở miền Nam trước 1975, nhìn là biết, không lẫn vào đâu được. Từ trang phục, tác phong đến lời ăn, tiếng nói. Sinh viên cũng vậy. Đi học, cứ đem xe vào bãi, không cần người trông. Những buổi học chung, cả ngàn người, các nhóm thường cử người đến sớm giữ chỗ. Chỉ cần cuốn tập đặt lên là không ai dám ngồi, nói chi việc chen lấn, giành giật.

Chợt nhớ chuyện cậu bé lớp 4 ở Cần Thơ vòng tay cám ơn tài xế nhường đường, dậy sóng dư luận, rồi được khen thưởng hồi tháng 4/2021. Việc quá đỗi bình thường, "nhỏ như con thỏ" của tất cả học sinh ở miền Nam trước 1975, bỗng thành điển hình bất thường, thành con voi giấy sau hơn nửa thế kỷ làm cách mạng. Nghĩ mà buồn cho giáo dục nước nhà.

Hình chụp ở TPHCM năm 1990 - Chụp lại hình ảnh

Điều cần lên án là có những cơ sở giáo dục hiện nay, trương khẩu hiệu THLHHV làm lá bùa ngụy biện, che đậy sự tha hóa, kinh doanh giáo dục với lợi nhuận tối đa làm mục tiêu tối thượng. Dù giáo dục dưới hình thức nào, tại gia hay hay gia thục (homeschooling); từ các lớp năng khiếu hay học thêm; những thầy cô chân chính luôn chú trọng THLHHV (dạy đạo đức, nề nếp trước; học chuyên môn sau).

Từng làm con và làm trò, chẳng ai muốn mình là "con hư, trò dốt". Vấn đề là ngoan và giỏi theo nghĩa nào và cách nào. THLHHV cũng vậy. Nhân đây, tôi đề nghị phục hồi lại cách chào thuần Việt "Vòng hai tay trước ngực, hơi cúi đầu", biểu hiện sự đoàn kết, người lớn bao bọc người nhỏ. Người dưới, người nhỏ tuổi hơn chào trước. Người lớn tuổi hơn, cấp trên sẽ gật đầu chào lại.

Một đất nước, tự hào mấy ngàn năm văn hiến mà chào nhau lai căng. Người đưa tay lên cao vẫy như Mỹ và châu Âu (văn hóa dùng muỗng nĩa, chữ Latinh). Kẻ chắp tay như Ấn Độ (văn hóa dùng tay, chữ Phạn) Người khác gập người như Nhật Bản hay chắp tay nắm như Trung Quốc (văn hóa dùng đũa, chữ Hán)…

Học sinh ở TPHCM năm 1999 - Chụp lại hình ảnh

Tôi rất thích cách chào Bhutan, quốc gia được xem là hạnh phúc nhất thế giới. Khi chào, người Bhutan mở hai bàn tay ngang hông, đưa ra phía trước, rút về và úp lại; thể hiện sự hiếu khách, mời gọi và đón nhận, hết sức thân thiện và ý nghĩa.

Cùng với cách chào, cần công nhận chính thức "Áo dài là quốc phục Việt Nam", cả nam lẫn nữ. Dĩ nhiên cần thng nhất mẫu tối thiểu. Cả thế giới, nước nào cũng có quốc phục riêng, trừ Việt Nam. Thời bao cấp, có lãnh đạo từng phê phán áo dài là "Tàn dư phong kiến lẫn tư sản, rườm rà, một áo dài có thể may được vài áo ngắn". Nói vậy thì mặc đồ tắm biển đi làm, vừa mát mẻ, tiết kiệm vải lại kích thích hứng thú!

Ảnh chụp năm 2005 - Chụp lại hình ảnh

Chấn hưng giáo dục là việc làm cần kíp nhưng không thể một sớm một chiều, không thể do một người hay một nhóm người chủ quan, quyết định kiểu "Đùng một cái", tùy hứng và tùy tiệntheo cảm tính. Chất lượng giáo lục quyết định vận mệnh quốc gia, tùy thuộc rất nhiều thứ. Từ cách đạy, cách học, mục đích học đến thể chế.

Xin mượn mấy câu nói của Nelson Mandela (1918 - 2013) thay lời cảnh báo.

"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.

- Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy.

- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy.

- Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.

- Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.

- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.

- Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia".

Tôi rất thích ý kiến của bạn Đoàn Hòa "Giáo dục không học Lễ (đạo đức) trước thì học gì? Ông bà ta thường nói, tài mà không có đức cũng vứt! Câu THLHHV dù khoa học tiến bộ đến... 8.0 vẫn luôn có giá trị".

THLHHV không phải là nguyên nhân gây ra những lỗi lầm như GS Thêm phân tích, nên chẳng có lý do gì để bỏ. Cái cần bỏ là tư duy phòng lạnh, suy đoán chủ quan, nhân danh khoa học.

Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến của doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giảng viên Khoa du lịch một số trường đại học.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59427465

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire