27/01/2022

Mỹ là con hổ thật

Thiện Tùng

25/1/2022

 

Thiện Tùng: Không như Mao Trạch Đông nói “Mỹ là con Hổ giấy”. Mỹ là con hổ thật, khi nó diễu võ dương oai khiến cho thiên hạ kinh hoàng. Tôi đã lận đận, thương tích đầy mình vì cuộc chiến do Mỹ gây ra ở Nam Việt Nam. Nhân dịp sắp đến Tết Nhâm Dần (năm con Cọp), tôi vắt óc moi ra những gì mình còn lưu trữ và khổ công sưu tầm những thông tin đáng tin cậy viết nên bài nầy. Vì lắm chuyện có liên quan không thể bỏ qua nên bài hơi dài, vừa phản biện câu nói “Mỹ là con Hổ giấy” của Mao Trạch Đông, vừa kêu gọi “chung sống hoà bình” chớ đừng “chung sống với chiến tranh” – Chiến tranh chỉ mang đến thảm hoạ.


Ảnh minh hoạ

I.- ‘HỔ MỸ’ VUNG NANH MÚA VUỐT KHI VÀO NAM VIỆT NAM

 

Năm 1965, Mỹ đổ quân vào Nam Việt Nam, mở cuộc hành quân “tìm diệt và bình định” ở Vạn Tường ( tỉnh Quảng Ngãi). Cuộc càn nầy phối họp ba binh chủng “hải, lục, không” quân, chạm trán với Quân giải phóng miền Nam suốt mấy ngày liền. Dù đôi bên tổn thất nặng nề, nhưng rốt cuộc “Cọp” làm chủ trận địa.

 

Chỉ trong vòng hơn 1 năm, bắt đầu từ năm 1965, Mỹ thiết lập căn cứ và triển khai quân khắp Nam Việt Nam. Lúc bấy giớ, cả Nam VN: nước sông đục ngầu vì tàu chiến / ruộng vườn dập bầm vì xích sắt xe tăng / bầu trời ô nhiễm tiếng động và khói bụi của các loại máy bay / Những bãi pháo binh (gọi là dàn nhạc Tân Tây Lan) khi cần nhả đạn giao mí với nhau trên khắp địa phận.

 

So sánh binh khí kỹ thuật, Mỹ trên cơ nhiều so với Quân Giải phóng. Nếu dùng trận địa chiến, phần thắng chắc chắn thuộc về phía Mỹ. Vì vậy, Quân Giải phóng Miền Nam không chấp nhận đối đầu bằng chiến thuật trận địa chiến mà buộc Mỷ phải chấp nhận chiến thuật Du kích chiến.

 

Có câu “Mạnh dùng sức, yếu dùng chước”. Trận địa chiến, dùng binh, hoả lực mạnh tốc chiến tốc thắng nhưng không thể dài hơi vì hao tốn. Còn chiến tranh Du kích  đảm bảo dài hơi theo kiểu “tiêu thổ kháng chiến”, động là binh, tịnh là dân, khi cần tập trung, khi không cần phân tán, rình rập đánh nhỏ lẻ, “xuất quỷ nhập thần” nhầm vào tử huyệt của đối phương.

 

Trận bất thần tập kích tết Mậu thân năm 1968 của Quân Giải phóng miền Nam, dầu “Nai vạt móng Chó cũng le lưởi”. Từ đó, nhân dân Mỹ nói chung, Quốc hội Mỹ nói riêng bắt đầu phản chiến về việc Mỹ đưa quân tham chiến ở Nam Việt Nam, chỉ hao người, tốn của chẳng có lợi ích gì cho nước Mỹ.

 

Chì sau 3 năm đưa quân tham chiến ở Nam Việt Nam (1965-1968), giới cầm quyền Mỹ đã nhận ra: “dùng chiến tranh Hiện đại không thể thắng chiến tranh Du kích”, họ bắt đầu nghĩ đến việc thương thuyết với đối phương, “Việt Nam hoá cuộc chiến” mà báo giới gọi là “thay đổi màu da trên xác chết”.

 

II.- ‘HỔ MỸ’ GÂY SÓNG GIÓ TRƯỚC KHI RỜI NAM VIỆT NAM  

 

Trong chiến tranh,  phía Cách mạng miền Nam dựa lưng vào vùng biên giới chưa phân định giữa Việt Nam, Campuchia và Lào để làm hậu cứ trú quân và tiếp vận.

 

Nhằm nâng cao năng lực chiến đấu để Quân đội Việt Nam Cộng hoà tự đảm trách cuộc chiến, để “Việt Nam hoá chiến tranh”. Trước khi rút quân, Mỹ  chủ trương mở rộng chiến tranh có giới hạn sang Campuchia và Lào cốt làm suy yếu đối phương, tạo thế mạnh cho Việt Nam Cộng hoà (VNCH).

a) Mở rộng chiến tranh sang Campuchia (CPC) - không đạt mục đích

Được CIA Mỹ đạo diễn, sau khi xui Si-ha-núc (Sihanouk) đi nghỉ dưỡng, ngày 18/3/1970, trong khi ông Si-ha-núc đang ở nước ngoài, Lon-nôn (Lonol), thủ tướng chính phủ CPC cho quân đội bắt giữ bộ máy chính quyền Dân sự ở Nam Vang (Phnompenh), bố trí xe tăng bao vây toà nhà Quốc hội. Sau đó, Lon-nôn triệu tập Quốc hội, dùng sức ép buộc Quốc hội bỏ phiếu phế truất Si-ha-núc khỏi vị trí Quốc trưởng và trao quyền lực khẩn cấp cho Lon-nôn, với lý do: “Si-ha-núc sai lầm về kinh tế và ngày một xích lại gần với Bắc Việt Nam và Trung Quốc”.

 

Ngày 28-4-1970, một số đơn vị quân đội Sài Gòn vượt biên giới CPC tiến công khu vực Mỏ Vẹt thuộc tỉnh Soai-Riêng. Hai ngày sau, ngày 30-4-1970, theo lệnh của Nixon, quân đội Mỹ mở cuộc tiến công hỗn hơp gồm: 50.000 quân Mỹ, 50.000 quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) phối hợp với quân Lon-nôn mở cuộc tiến công quy mô lớn vào lãnh thổ CPC. Mục tiêu chủ yếu là những nơi đứng chân của các cơ quan chỉ đạo cuộc Cách mạng miền Nam, quyết "bắt" cho kỳ hết những những người trong các bộ máy chỉ đạo nầy, kế đến mở rộng chiến tranh ra cả đất nước Campuchia do Lon-nôn lãnh đạo”. (Theo Wikipedia).

Đúng là “mưu sự tại Nhơn, thành sự do Thiên”. Cách mạng Miền Nam dựa CPC được là nhờ “địa lợi, nhân hoà”. Về địa lợi: Cơ quan lãnh đạo và hậu cần của Cách mạng Miền Nam dựa vào Campuchia chủ yếu là những khu rừng biên giới chưa phân định giữa 2 nước, CPC không có lý do xua đuổi. Hơn nữa, những nơi đây còn là chỗ Đảng CS CPC, do Khiêu-sam-phôn (Khsamphol) lãnh đạo cùng trú đóng. Về nhân hoà: Đa số dân CPC, kể cả bộ máy chính quyền và  quân đội  Hoàng gia có cảm tình sâu sắc đối với lực lượng Cách mạng Nam VN - từ lâu, nếu không giúp đỡ được, họ cũng ít khi gây khó.

Trong khi Mỹ và VNCH xua hùng binh sang CPC thì, ở Nam VN, Quân Giải phóng “chia lưới lửa” bằng cách đồng loạt mở chiến dịch tấn công vào đồn bót và ngăn chặn giao đường tiếp vận cho quận đội Mỹ và VNCH ở CPC. Khi “nhà bị cháy”, không còn cách nào khác, từng đoàn trực thăng, bất kể ngày đêm, chở quân từ CPC về ứng cứu cho từng địa phương – tôi tham gia trực tiếp chiến dịch “Nam Cao lãnh” gồm 6 xã: Long Hiệp, Bình Hàng Tây, Bình hàng Trung, Mỹ Hội, Mỹ Xương, Mỹ Thọ dọc theo tỉnh lộ 30 thuộc tỉnh Kiến Phong xưa (Đồng Tháp nay), do trung đoàn 3 của trên gởi đến và tiểu đoàn 502 của tỉnh chủ công, ngoài đánh huỷ diệt thị trấn Kiến Văn, bót Rạch Cầu…, còn hạn chế đến mức thấp nhứt đường tiếp vận của VNCH theo lộ 30 và Sông Tiền đi Hồng Ngư, Tân Châu để sang CPC.

 

Suốt hơn 3 tháng trời (hết mùa nắng), mặc dầu có gây khó nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể đối với lực lượng trú đóng ở CPC. Rốt cuộc, quân Mỹ và VNCH phải rút khỏi CPC, quân Lon-nôn mất chỗ dựa, lui về trú đóng chủ yếu ở Nam Vang – Cuộc hành quân sang CPC do Mỹ chủ trương không đạt được mục đích.

 

Ở CPC lúc bấy giờ chia thành 3 phái: phái Lon-nôn, phái Đảng CS, phái Si-ha-núc. Phái Lon-nôn thúc thủ ở Nam Vang, 2 phái còn lại thân Cách mạng miền Nam. Từ đó cơ quan, hậu cần Cách mang Miền Nam hoạt động dễ dàng, thoải mái hơn xưa trên đất CPC, ăn ở, đi lại công khai ở các tỉnh ven biên như: Cam-pot, Ta-keo, Căn-đen, Soai-Riêng, thậm chí vào  các tỉnh sâu bên trong như Kom-pong-chàm, Bờ- rây-ven…

 

 b/ Mở rộng chiến tranh sang Lào - cuộc đọ sức máu lửa 45 ngày đêm.

Mỹ chủ trương mở cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” từ đường số 9 Quảng Tri sang Tchepone (Xê-pôn) Nam Lào, cốt để vừa ngăn chận đường tiếp vận của Bắc VN cho Cách mang Nam VN mang tên Hồ Chí Minh nằm về phía Tây dải Trường Sơn, vừa kiểm tra khả năng tác chiến độc lập của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, làm tiền đề cho việc thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Lực lượng 2 bên tham chiến:

Sơ đồ kế hoạch tấn công của Quân lực VNCH trong chiến dịch Lam Sơn 719 - Ảnh tư liệu.


1/ Quân VNCH, quân Mỹ và quân Hoàng gia Lào tham chiến: 

 Quân lực Việt Nam Cộng hòa: tổng cộng khoảng 31 ngàn quân, bao gồm 10 ngàn quân hỗ trợ tuyến sau (quân y, vận tải, liên lạc), gồm:

- 3 sư đoàn: Sư đoàn Dù (gồm 3 lữ đoàn 1,2,3), Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiếnSư đoàn 1 Bộ binh. Trong đó, Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến được đánh giá là 2 sư đoàn thiện chiến nhất của Việt Nam Cộng hòa.

- 3 lữ đoàn: Liên đoàn 1 Biệt động quân, trung đoàn 4 và trung đoàn 5 - sư đoàn bộ binh số 2.

- 4 trung đoàn và 2 chi đoàn thiết giáp: trung đoàn 17, 11, 7, 4 (trang bị xe tăng M-41).

- 13 tiểu đoàn pháo binh.

Như vậy những lực lượng mạnh nhất của QLVNCH đã tập trung tại đây (trừ lữ đoàn Biệt kích dù số 81 là đơn vị tổng trù bị chiến lược đang đóng ở Đông Nam Bộ).

Quân lực Mỹ: ban đầu có khoảng 10 ngàn quân, gồm:

- 12 tiểu đoàn bộ binh: 5 tiểu đoàn thuộc sư đoàn dù 101, 4 tiểu đoàn lữ 1 sư đoàn 5 bộ binh cơ giới, 3 tiểu đoàn thuộc sư đoàn Americal.

- 8 tiểu đoàn pháo binh (cỡ pháo từ 155 đến 203 mm).

- 1.200 máy bay: 800 trực thăng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải cỡ lớn và 50 máy bay ném bom chiến lược B-52.

Trong quá trình chiến dịch, do tổn thất cao nên Mỹ tiếp tục bổ sung lực lượng. Khi cao nhất - ngày 10/3/1971, quân Mỹ đã tăng tổng số quân từ 9.000 dự kiến lên đến 15.000, điều động 5 tiểu đoàn thiết giáp (tăng hơn dự kiến 1 tiểu đoàn) và 4 tiểu đoàn pháo binh (tăng hơn dự kiến 1 tiểu đoàn) để hỗ trợ trực tiếp; điều động khẩn cấp 3 lữ đoàn bộ binh trong 2 ngày 23 và 24 tháng 2 năm 1971 từ Thừa Thiên ra vùng Quán Ngang, Mai Lộc, điểm cao 241, Khe Sanh (tức là Lữ đoàn 11 bộ binh Mỹ, 2 lữ đoàn dù thuộc Sư đoàn 101 dù Mỹ) và thêm 4 tiểu đoàn pháo binh (tăng hơn dự kiến 2 tiểu đoàn) để bảo vệ phía sau. Đây là không kể hơn 300 máy bay lên thẳng được điều thêm để phục vụ cho cơ động và vận chuyển lực lượng.

Ngoài ra còn có 2 binh đoàn Quân đội Hoàng gia Lào với khoảng 4.000 quân (thuộc 2 binh đoàn cơ động GM30 và GM33)

Theo Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, tổng lực lượng Mỹ-VNCH trên địa bàn chiến dịch lúc cao nhất có 55.000 quân, gồm 15 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn thiết giáp, 21 tiểu đoàn pháo binh, trang bị gồm 578 xe tăng, xe bọc thép, 318 khẩu pháo, 700 máy bay các loại.

Hệ thống đường Hồ Chí Minh ở Trường Sơn - Ảnh tư liệu


2/ Quân Giải phóng Nam-Bắc Việt Nam và Pathet Lào tham chiến:

Lực lượng quân sự: Tổng cộng có khoảng 60.000 quân, với chỉ huy là Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (mật danh là "Bộ tư lệnh 702").

- Các sư đoàn bộ binh: 2304308320 và 324 của Quân Giải phóng Nam-Bắc Việt Nam.

- Ba tiểu đoàn tăng, thiết giáp: 297, 397, 198, với 88 xe tăng (Tiểu đoàn 397 trang bị 33 xe T-34/85, Tiểu đoàn 297 trang bị 33 xe T-54, Tiểu đoàn 198 trang bị 22 xe tăng lội nước PT-76).

- Một số tiểu đoàn đặc công.

- Ba trung đoàn pháo binh cơ giới: 368, 38, 45.

- Trung đoàn pháo mang vác 84.

- Ba trung đoàn pháo phòng không: 230, 241, 591.

- Ba trung đoàn công binh: 219, 83, 7.

- Bảo vệ hậu phương của chiến dịch là Sư đoàn phòng không 367 gồm 3 trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai trung đoàn tên lửa 238, 237.

- Các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đoàn 559 đã tổ chức 7 khu vực tác chiến tại chỗ; huy động tham gia chiến dịch 1 sư đoàn và 5 trung đoàn phòng không (có 1 trung đoàn tên lửa), 10 tiểu đoàn pháo cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy phòng không, gồm khoảng 300 pháo cao xạ và mấy trăm súng máy phòng không, bố trí thành 8 cụm trên tâm điểm là tam giác Bản Đông - Tha Mé - La Hạp.

- Lực lượng chính quy và dân quân Pathet Lào (không rõ binh khí).

- Lực lượng dân sự của quần chúng nhân dân chủ yếu phục vụ bảo đảm giao thông vận tải, bảm đảm kho bãi. Nhiều hộ dân đã sử dụng chính nhà của mình để là kho chứa vũ khí và trạm dừng chân của bộ đội. Quần chúng nhân dân đã tổ chức các điểm phục vụ nước uống, tặng quà cho các đơn vị huấn luyện diễn tập và cho cả lực lượng  hành quân trên đường đi qua; đồng thời chấp hành nghiêm các quy định "phòng gian bảo mật", bảo vệ an toàn nơi bộ bội đóng quân, ngụy trang bến bãi, kho tàng..., tạo mọi điều kiện tốt nhất cả vật chất và động viên tinh thần cho bộ đội trước khi vào mặt trận.

Xét về tương quan, hai bên khá tương đương đồng về quân số, tuy nhiên phía Mỹ và VNCH mạnh hơn hẳn về trang bị và hỏa lực hạng nặng (gấp 5 lần về thiết giáp, 3 lần về pháo hạng nặng và hơn tuyệt đối về không quân).

 

3/ Tổn thất hai bên trong 45 ngày đêm giao chiến ở trận địa Nam Lào:

Quân lực Việt Nam Cộng Hòa: một tài liệu của VNCH thống kê con số thương vong là 1.529 chết, 5.483 bị thương và 625 mất tích, ngoài ra còn có 1.142 bị bắt. Tuy nhiên đó chỉ là thương vong do QLVNCH tự công bố, có thể con số này đã bị giảm bớt để che giấu mức độ thiệt hại. Còn theo tài liệu của Quân đoàn XXIV Hoa Kỳ (đơn vị tham gia hỗ trợ chiến dịch) thì con số thương vong của VNCH còn cao hơn nhiều so với thống kê nêu trên: lên tới 8.483 chết, 12.420 bị thương, 691 mất tích.

Quân đội Mỹ: 215 chết, 1.149 bị thương, 38 mất tích. Về trang bị, có 7 máy bay phản lực, 108 trực thăng bị phá hủy và 618 trực thăng khác bị bắn hỏng (20% số trực thăng bị hỏng đã không thể sửa chữa được)

Quân giải phóng: Theo số liệu của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, thương vong của họ trong toàn chiến dịch là 2.163 chết, 6.176 bị thương.

 

 Cuộc hành quân Lam Sơn 719 thất bại vì những lý do sau:

Cuộc hành quân không bảo đảm tính bất ngờ chiến lược, đã bị đối phương dự đoán và chuẩn bị từ lâu để chặn đánh. Quân đội Nhân dân VN và Quân Giải phóng Miền Nam đã chuẩn bị trước tại đây với những sư đoàn mạnh mẽ, kỷ luật sắt.

Quân đội Cách mang từ lâu sống ở đây, họ thông thuộc địa bàn và có bố phòng. Ngay quân đội Hoa Kỳ với sức mạnh tổng lực, huy động không quân và biệt kích đánh phá suốt nhiều năm mà vẫn không thể làm gì nổi. Trong thời kỳ tìm-diệt, các Chiến dịch Attleboro và Junction City đều đã thất bại khi đánh vào những vùng căn cứ kiểu này. Hơn nữa, vùng Nam Lào là nơi tập trung rất nhiều binh lực hiện đại của Quân đội Nhân dân VN, còn mạnh hơn vùng B2 (Nam Trung bộ trở vào) rất nhiều, so với các khu căn cứ khác thì Quân lực Việt Nam Cộng hòa không có đủ sức mạnh, kinh nghiệm và bản lĩnh để đương đầu. Trong chiến dịch, các chỉ huy Mỹ nhận xét: “QLVNCH đã có những thiếu sót nghiêm trọng  từ việc lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, cho tới tinh thần và kỹ năng chiến đấu".

Khi hoạch định kế hoạch, người ta chú ý nhiều đến khía cạnh phô trương sức mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đánh được vào "đất thánh Cộng sản" chứ ý nghĩa quân sự thì ít”. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói rằng:  Chiến dịch này chỉ cốt sao đến được Xê-pôn rồi về". Chính vì để phô trương nên khi gặp khó khăn lớn, các chỉ huy Mỹ-VNCH vẫn không chịu chấm dứt chiến dịch mà cố gắng tiến khó nhọc đến Xê-pôn, để rồi bị bao vây, phải cố sức mở đường máu quay về với thiệt hại lớn mới thoát dù chỉ cách biên giới vài chục km.

Sự phối hợp của quân Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa không tốt. Không quân Mỹ chỉ ném bom B-52 dọn đường theo yêu cầu, còn nhiệm vụ phối hợp hoả lực chiến thuật cho bộ binh tác chiến thực hiện không hiệu quả.

Liên quân Mỹ - Việt Nam Cộng hòa đã đánh giá sai tình hình khi cho rằng Quân  Giải phóng sau các đợt càn quét năm 1969-1970 đã không còn đủ đạn dược và lực lượng để kháng cự lại các đợt tấn công của liên quân Mỹ-VNCH, và họ cũng nghĩ rằng QGP không có khả năng tác chiến hợp đồng binh chủng mà chỉ có thể tiến hành tấn công-phòng thủ đơn binh chủng.

Lực lượng máy bay trực thăng đã bị lọt vào khu vực đậm đặc phòng không đã chờ sẵn của đường mòn Hồ Chí Minh nên đã bị thiệt hại quá nặng, không thể hoàn thành nhiệm vụ yểm trợ cho bộ binh.

Tranh biếm họa của Mỹ mô tả: "Những tiểu đoàn VNCH hân hoan trở về sau chiến thắng tại Lào , họ chạy đạp lên phóng viên Mỹ khi bị truy kích”.

4/ Nhận xét, đánh giá về trận ác chiến Nam Lào

Theo Quân Giải phóng, chiến dịch phản công của họ kết thúc thắng lợi sau 45 ngày chiến đấu. Quân Giải phóng tuyên bố họ đã: “Diệt gọn 2 lữ đoàn (lữ đoàn dù 3 và lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến), 1 trung đoàn bộ binh (trung đoàn 1 Sư đoàn 1) và 5 tiểu đoàn khác (tiểu đoàn 39 biệt động quân, tiểu đoàn 8 - lữ 1 dù, tiểu đoàn 2 của trung đoàn 3, tiểu đoàn 2 và 4 của trung đoàn 2 - Sư đoàn l), 4 thiết đoàn (4, 7, 11 và 17), 8 tiểu đoàn pháo (3 tiểu đoàn pháo của Sư đoàn 1, 2 tiểu đoàn pháo của Sư đoàn dù, 1 tiểu đoàn pháo của lữ 147, 1 tiểu đoàn pháo của biệt động quân và 1 tiểu đoàn pháo của lữ đoàn kỵ binh không vận), đánh thiệt hại nặng 3 sư đoàn (Sư đoàn dù, Sư đoàn 1 bộ binh, Sư đoàn thủy quân lục chiến). Bắn rơi, phá hủy 556 máy bay (có 505 máy bay trực thăng), 43 tàu xuồng - xà lan, 1.138 xe quân sự (có 528 xe tăng và xe bọc thép), phá hủy 112 khẩu đại bác và súng cối cỡ lớn. Vũ khí thu giữ được gồm 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu đại bác và súng cối, hơn 2.000 súng bộ binh và nhiều trang dụng quân sự khác.

Đây là cuộc hành quân thiệt hại nặng nề nhất đối với QLVNCH. Nếu xét phương diện một thử nghiệm của Việt Nam hóa chiến tranh, Lam Sơn 719 đã là một thất bại nặng nề. Hơn nửa lực lượng xâm lấn đã bị thương vong. Lực lượng tinh nhuệ Biệt động quân và sư đoàn nhảy dù đã bị thiệt hại nặng, đây là các đơn vị dự bị chiến lược tốt nhất của Việt Nam Cộng hòa. Một tướng Mỹ sang giám sát tình hình đã nhận xét: "Chiến dịch Lam Sơn đã phá hủy mất phần tinh nhuệ nhất của QLVNCH và trở nên nghiêm trọng, bất lợi hơn nhiều so với điều mà người ta tưởng lúc đó. Việc điều khiển chiến dịch của chúng ta rất tồi. Toàn bộ vai trò và chỉ đạo yểm trợ của Mỹ không hoàn tất được vì sự quan liêu của Lầu Năm góc... Đây là một thử thách thực sự của chương trình "Việt Nam hóa chiến tranh". Lầu Năm góc đã từ chối không để người Mỹ tham gia vào chiến dịch. Sự yểm trợ mà Nam Việt Nam đã quá quen thuộc và đang mong đợi được tiếp tục, đến đây đã bị cắt đứt...". Tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ đánh giá: “Đem một đội quân quen lệ thuộc phần lớn vào quân đội khác về chỉ huy, về vũ khí, ngay cả chiến lược để nhào nặn thành mới và tách ra độc lập tác chiến như kiểu Lam Sơn 719 rất khó mà địch nổi đối phương".

Nếu xét về phương diện phá hoại hậu cần, chiến dịch này chỉ phá hủy được một số kho tàng và cơ sở vật chất của Quân Giải phóng.Theo đánh giá của Mỹ: “Chiến dịch này làm kế hoạch tấn công các tỉnh phía Nam giới tuyến của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bị chậm lại một năm. Nhưng về cơ bản, hệ thống tiếp tế cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã không bị hư hại, số chuyến xe vận tải tăng lên ngay sau khi chiến dịch kết thúc. Đầu năm 1972, lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tích lũy đủ đạn dược và lại tung ra một trận tổng tiến công nữa - Chiến dịch Xuân hè 1972.

Giới khoa học quân sự thế giới đánh giá, nhận xét:

<<Trước đây, chiến thuật "trực thăng vận" đã tỏ ra nhược điểm, nhưng đến nay nhược điểm thể hiện trong trận đánh lớn danh tiếng. Lúc này đang có mâu thuẫn về xu hướng hiện đại hóa kỹ thuật quân sự, người ta đang tranh cãi xe tăng hay trực thăng vũ trang sẽ là chủ lực trên chiến trường. Chiến dịch đường 9 Nam Lào được giới khoa học quân sự nghiên cứu kỹ càng, thiệt hại nặng nề của lực lượng trực thăng Mỹ trong chiến dịch này chứng tỏ vị trí của trực thăng vũ trang chỉ là yểm trợ cơ động chứ không thể thay thế hoàn toàn xe tăng, thiết giáp.

Tờ Người quan sát mới (Pháp) ngày 29 tháng 3 năm 1971 bình luận: "Ý nghĩa sâu sắc của cuộc hành quân Lam Sơn 719 là chỉ ra thất bại lớn đầu tiên của loại máy móc từ trước đến nay vẫn được giới quân sự Mỹ dương dương tự đắc trong cuộc chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam – đó là máy bay lên thẳng” ;

Theo IFV:

<<Ngày nay, trực thăng vũ trang sử dụng ở tiền tuyến chỉ là kiểu máy bay chở ít người, bọc giáp tốt, chống tăng tốt, gọi là "trực thăng tấn công". Những loại có vỏ giáp mỏng và vũ trang yếu được lùi về tuyến sau để tham gia vận tải, chở quân là chính. Ngày nay trực thăng chở quân không còn được sử dụng như xe bọc thép chiến đấu ở tiền tuyến ;

Cũng như vậy, chiến dịch làm nổi nên vấn đề tồn tại từ lâu trong nghệ thuật pháo binh, pháo 175 mm tự hành nòng dài tầm xa M107 của Mỹ. Pháo được sơn dòng chữ "vua chiến trường" trên nòng do tầm bắn xa và sức công phá rất mạnh, nhưng khi tham chiến thì nhiều nhược điểm lộ ra: xe không có vách bọc thép nên dễ bị tổn hại, lại cồng kềnh không tiện cho cơ động-trú ẩn, tốc độ bắn chậm (chỉ 1 - 2 phát/phút), bắn xa kém chính xác do tính toán và định vị ngày đó chưa hoàn thiện. Do vậy khi đấu pháo, M107 không chống lại được kiểu pháo xe kéo M-46 cỡ 130mm (do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam), dù về lý thuyết thì M107 có tầm bắn xa hơn và sức công phá của đạn mạnh hơn. Ngày nay pháo này không còn được Hoa Kỳ sử dụng, được coi như phát triển chưa hoàn chỉnh ;

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào của Quân Giải phóng và lực lượng Pathet Lào đã làm thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng này giúp QGP bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận tải chiến lược dọc biên giới Việt Nam - Lào, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Chiến thắng đường 9 - Nam Lào của Quân Giải phóng và lực lượng Pathet Lào đã tác động mạnh mẽ đến cục diện chiến tranh trên chiến trường ba nước Đông Dương. Qua trận chiến này, so sánh lực lượng và thế chiến lược trên chiến trường miền Nam nói riêng và trên chiến trường Đông Dương nói chung thay đổi nhanh chóng. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và lực lượng Pathet Lào đã chấm dứt quá trình tiến công - phản kích đánh ra vùng ngoài của liên quân Mỹ - quân đội Sài Gòn, tạo ra bước ngoặt rất quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng mà thế mạnh nghiêng về Quân Giải phóng Miền Nam ;

Với QGP, thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào mở ra thời kỳ phát triển hết sức phong phú, đa dạng nhiều cách đánh của các lực lượng trong đội hình tác chiến binh chủng hợp thành. Chiến thắng này thực sự đánh dấu bước trưởng thành mới của QGP, đặc biệt là nghệ thuật quân sự. Đây là lần đầu tiên, QGP đã thực hiện thắng lợi một chiến dịch phản công quy mô lớn bằng các lực lượng binh chủng hợp thành, đánh và tiêu diệt được đối phương có chi viện hỏa lực và cơ động. Với chiến thắng này, QGP đã đưa nghệ thuật tác chiến phản công lên một trình độ cao và hoàn thiện. Đó là nghệ thuật “lập thế ta, phá thế địch”; nghệ thuật phối hợp ăn ý và hiệu quả cao về tác chiến chiến dịch giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ, trên địa bàn rừng núi thưa dân ;

Chiến thắng này của liên minh Việt Nam – Lào đã đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ và VNCH, đã thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước cũng như sự đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Kết quả chiến dịch đã làm thay đổi cán cân trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris khi phái đoàn VNDCCH và phái đoàn CHNMVN dần lấy lại thế thượng phong. Với sự thất bại của Chiến dịch Lam Sơn 719, phái đoàn Hoa Kỳ buộc phải thay đổi giọng điệu trên bàn đàm phán trong khi phái đoàn CHNMVN tiếp tục đưa ra yêu sách. >>

 

Bách khoa toan thư mở (Wikipedia) đánh giá, nhận xét:

<< Chiến dịch Lam Sơn 719 hay Cuộc Hành quân Hạ Lào (cách gọi của Việt Nam Cộng hòa) hay Chiến dịch đường 9 - Nam Lào (cách gọi của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) là một chiến dịch trong Chiến tranh Việt Nam, do Quân lực Việt Nam Cộng hòa  thực hiện với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam  và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Lào và cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Xê-pôn (Tchepone) nằm cách biên giới Việt-Lào 42 km về phía Tây.

Chiến dịch này còn là một thử nghiệm về khả năng Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể tự chiến đấu trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam, một thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và năng lực hoạt động độc lập một cách hiệu quả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Do những sai lầm cố hữu trong hệ thống chỉ huy của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, nhu cầu bảo mật làm hạn chế việc lập kế hoạch kỹ càng, và sự bất lực của các chỉ huy quân sự và chính trị của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa khi đối mặt với thực tế chiến sự, và do sự thi hành kém. Chiến dịch Lam Sơn 719 đã sụp đổ khi đối mặt với sự phản kháng kiên quyết và khéo léo của Quân Giải phóng Miền Nam . Chiến dịch này đã là một thảm họa đối với Quân lực Việt Nam Cộng hòa, làm tiêu tan những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội này, và phá tan sự tự tin đã được xây dựng trong ba năm trước đó. Đối với Mỹ, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh mà nhiều quan chức chính trị và quân sự Mỹ coi là phương cách tốt nhất để cứu vãn Việt Nam Cộng hòa và để Mỹ hoàn thành việc rút quân.  

Chiến dịch này còn đánh dấu bước phát triển mới của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiến sự bùng nổ ở Hạ Lào không giống như bất cứ trận chiến nào trước đó trong Chiến tranh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bỏ chiến thuật cũ (Du kích) và tiến hành phản công theo kiểu chiến tranh chính quy truyền thống, mở các đợt tấn công lớn bằng bộ binh với yểm trợ của thiết giáp và pháo binh hạng nặng để đè bẹp các vị trí của QLVNCH tại các cánh sườn của tiền đồn chính. Sự hiệp đồng tác chiến của hỏa lực phòng không đã làm cho yểm trợ không quân chiến thuật và tăng viện bằng không quân của Mỹ trở nên khó khăn và chịu nhiều thiệt hại.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam dự đoán sẵn một nỗ lực quân sự tiếp theo tất yếu của sự “Việt Nam hóa chiến tranh” và bày sẵn thế trận tiêu hao đối thủ. Trong thời gian đầu của chiến dịch Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cố gắng tìm cách giấu lực lượng để địch tiến về phía tây, chỉ đến khi không còn giữ được bí mật, mới tiến hành trận đánh Đại phá phía Đông, cho thấy Quân lực Việt Nam Cộng hòa thất bại "từ trong trứng". Hoặc một cách lập luận khác, Việt Nam Cộng hòa đã biết chắc thất bại nhưng vẫn tiến hành chiến dịch đẫm máu vì những lý do chính trị, như lời của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói: "Chỉ cần đến Xê-pôn rồi rút về” >>.

 

Bi sa lầy trong cuộc chiến, để xuống thang chiến tranh, Mỹ chỉ còn câu móc với Trung quốc để làm trung gian về việc nầy. Mỹ-Trung đi đêm, thoả thuận với nhau những gì họ không hề tiết lộ, chỉ thấy Trung Quốc (TQ) gây sức ép đối với Bắc VN dẫn đến 4 bên ký kết hiệp định Paris tại thủ đô nước Pháp vào ngày 27/1/1973. Tham dự cuộc hoà đàm nầy gồm cả 4 bên, về danh nghĩa: Chính phủ Cách mạng Miền Nam và Việt Nam Cộng hoà được xem là 2 lực lượng chủ chiến, còn Bắc VN và Mỹ là lực lương can thiệp – do “thở hùn lỗ mũi” Mỹ, VNCH dầu không muốn cũng phải chấp nhận tham dự Hội nghị, mặc cho số phận đẩy đưa.

 

Tướng Nguyễn Cao Kỳ, tư lịnh không quân VNCH nhận xét không sai: Đem một đội quân quen “lệ thuộc phần lớn vào quân đội khác về chỉ huy, về vũ khí và ngay cả chiến lược" để nhào nặn thành ‘mới’ và tách ra độc lập tác chiến (như kiểu Lam Sơn 719) rất khó mà địch nổi đối phương".

 

Đúng vậy, quân đội VNCH lúc bấy giờ chỉ là “quân đội đánh thuê”, lệ/phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, phải hành động theo chỉ giáo của Mỹ, từ tiền lương đến trang bị vũ phí, phương tiện chiến tranh đếu do Mỹ cung cấp, chỉ cần Mỹ cắt viện trợ là chết không kịp ngáp. Khi Quốc hội Mỹ quyết định cắt viện trợ mọi mặt đối với VNCH, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu chỉ đề nghị Mỹ trợ giúp khẩn cấp 750 triệu USA để trã lương cho Quân đội cũng không được Quốc hội Mỹ chuẩn thuận. Bực mình, ông Thiệu nói “Đánh không đánh, đưa tiền cho người ta đánh cũng không đưa!”. Thế là ông Thiệu từ nhiệm đào vong, còn binh sĩ tìm cách đào ngũ, một số sư đoàn có xác không hồn, không còn khả năng như một lực lương tác chiến, chỉ chờ thua cuộc.  --/-

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire