16/03/2022

Tân Cương vùng thí nghiệm tẩy não người Hồi Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) của Trung Quốc Tập Cận Bình

Vương Thuyên

Nguồn: Báo Le Monde

I - Lời đầu

Từ nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2020, nhiều bài báo trên thế giới đưa tin Trung Quốc xây dựng nhiều trại cải tạo tẩy não cưỡng bàch lao động đối với hơn cả triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (DNN) và các sắc tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Tác giả các bài báo mô tả Tân Cương trở thành một nhà tù khổng lồ bỏ ngỏ với những thiết bị hiện đại như máy quay phim (camera) được đặt để khắp nơi ở các nẻo đường trên các thành phố, ở các chung cư, ở những nơi công cộng vv... Thực ra, hiện nay ở TQ, những máy quay phim đều có khắp nơi ở các thành phố nhưng ở Tân Cương thì màng lưới chằn chịt nhất. 


 

Do TQ của Tập Cận Bình (TCB) chủ trương khủng bố tẩy não người DNN nên một số nước trên thế giới đứng đầu là Mỹ, Anh, Gia Nã Đại, Úc, Tân Tây Lan, Hòa Lan vv... mãnh liệt lên án Bắc Kinh áp dụng chính sách diệt chủng và lấy biện pháp trừng phạt chính trị lẫn kinh tế. Gần đây nhất, họ tuyên bố tẩy chay ngoại giao không gửi đại diện chính thức tham dự JO Bắc Kinh mủa đông vào đầu tháng 2 năm nay, chỉ gửi đoàn thể thao. Đa số các nước khác như Liên hiệp Châu Âu, Nhật, Ấn Độ tuy không nói tẩy chay ngoại giao nhưng cũng không gửi đại diện chính thức tham dự. Kết cuộc, TCB đành phải chi tiếp đón 21 lãnh tụ nước ngoài trong đó có TT Putin của Nga và những nước có ''mang ơn'' TQ như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, 5 nước Trung Á (Kazakhstan, Kirghizstan, Uzbekistan, Tadjikistan, Turkmenistan) vv..

Đài ARTE của Pháp chiếu ngày 8-2-2022 một tài liệu sinh động ở Tân Cương với nhiều hình ảnh dồi dào và nhân chứng người DNN cùng với nhiều chuyên gia, đặc biệt là người Đức ông Adrian Senz, tác giả của nhiều bài báo viết về thảm trạng của người DNN. Tài liệu ARTE đưa ra những hình ảnh của các trại cải tạo, những dụng cụ tra tấn tinh vi và những nhân chứng phụ nữ người DNN bị cưỡng hiếp trong tù.

Tài liệu của đài ARTE gợi ý cho người viết thực hiện bài viết này. Vả chăng, người viết cách đây gần 30 năm có dịp đến vùng Tân Cương từ Islamabad thủ đô của Pakistan và đã đi qua các thành phố Kashgar, Hotan, Urumqi, Turfan, Hami vv..trên đường đi tham quan động Đôn Hoàng (Dunhuang, 敦煌) thuộc tỉnh Cam Túc (Gansu).

 

II - Đôi dòng về vùng Tân Cương

Tân Cương (Xinjiang, 新疆) mà Tây phương trước đây gọi là Đông Turkestan  (Oriental Turkestan) có một diện tích 1,66 triệu km2, chiếm 1/6 diện tích của TQ và giáp giới với 7 nước sau: Nga Sô, Mông Cổ, Kazakhstan, Kirghizstan, Tadjikistan, Ấn Độ và Pakistan. Trong địa phận TQ, Tân Cương giáp ba tỉnh Cam Túc và Thanh Hải (Qinghai) ở phía Đông Nam và Tây Tạng (Xizang) ở phía Nam. Tân Cương là vùng có trữ lượng dầu hoả và khu vực sản xuất dầu khí lớn nhất cùa TQ. Tân Cương còn là vùng sản xuất 80% bông vải cho TQ và cung ứng 20% cho thế giới.

Theo ước lượng năm 2014, dân số Tân Cương có khoảng 23,2 triệu người trong đó bốn sắc tộc đông nhất là người DNN chiếm 11,3 triệu (48,5%), người Hán 8,6 (37%,) người Kazakh 1,6 (6,9%), người Hồi (người Hán theo đạo Hồi) 1,1 (4,6%). Trước năm 1949, người DNN chiếm 80% trong khi người Hán chỉ chiếm 4-5%. Thủ phủ Urumqi dịch phát âm là Ô Lỗ Mộc Tề (乌鲁木齐) ngày nay với 3 triệu dân có 75% người Hán trong khi người DNN chỉ còn 12,5%. Các thành phố khác như Korla, Kuitun, Shihezi, Karamay, người Hán cũng chiếm đa số trên 90% (xem tên tỉ̉nh tô màu đỏ ở bản đồ trên). Điều này cho thấy Bắc Kinh áp dụng chính sách di dân ồ ạt để kiềm chế trấn áp dân tộc thiểu số của vùng này. 

Tân Cương trong nhiều thế kỷ là vùng tranh chấp giữa Nga Sô và Trung Hoa. Do đó đã xảy ra nhiều cuộc nổi loạn. Cuộc nổi loạn ''đẩm máu'' xảy ra dưới thời vua Đồng Trị (Tongzhi, 同治) năm 1862 làm cả triệu người chết mà sử liệu gọi là cuộc nổi loạn của người Hồi khi nhà Thanh nhường một phần đất Tân Cương cho đế chế Nga. Tân Cương được nâng thành một tỉnh năm 1884. Từ 1944 đến 1949, một Cộng hoà độc lập Đông Turkestan được thành hình với thủ lĩnh là ông Ehmetjan Qasim tuy chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ bao gồm Kashgar, Hotan, Aksu với sự đồng tình của Liên Xô. Khi quân Mao chiếm Bắc Kinh đầu năm 1949, Mao mời lãnh đạo Đông Turkestan về Bắc Kinh đàm phán. Tuy nhiên, máy bay chở 11 lãnh tụ của xứ này bị ''tai nạn'' rơi ngày 27-8-1949 trên hồ Baikal trên đường đi từ Almaty đến Bắc Kinh. Thế là Cộng hoà Đông Turkestan cũng biến mất luôn sau khi quân đội Mao chiếm đóng toàn xứ.

Tân Cương trở thành khu ''tự trị'' ngày 1-10-1955 sau khi đảng cộng sản của Mao thống trị trên toàn quốc năm 1949. Ngoài Tân Cương ra, Tây Tạng, Nội Mông, Ninh Hạ và Quảng Tây cũng là khu ''tự trị''. Nói là khu ''tự trị '' cho có vẻ ''bình đẳng'' nhưng thực sự người đứng đầu khu tự trị là một uỷ viên TƯĐ hay một uỷ viên Bộ Chính trị người Hán. Trong năm khu tự trị, hai khu tự trị bị chính quyền Bắc Kinh siết chặt và ngược đãi nhất là Tây Tạng và Tân Cương. Cuộc sống chung giữa người Hán và các sắc tộc thiểu số́ vùng  này trong nhiều thế kỷ không hài hoà. Người viết đã chứng kiến tình trạng này trong chuyến đi nói trên và bị ''ảnh hưởng lây'' vì người DNN không phân biệt được người Hán với người Á Châu khác!

 

III - Tân Cương nằm trên con đường tơ lụa (丝绸之路)


Bản đồ Con đường tơ lụa từ Trường An (nay la Tây An/Xian) đến Constantinophe (Istanbul) 


Tân Cương nằm trên con đường tơ lụa có từ thời nhà Hán Lưu Bang (Liu Bang) ở thế kỷ III TCN. Năm 139 TCN, Hán Vũ Đế (Han Wudi) sai nhà du hành Trương Khiên (Zhang Qian) đi tìm sắc tộc Nguyệt Chi (Yuezhi) hay Nguyệt Thị (Yueshi) ở Tây Á hầu kết liên minh để chống rợ Hung Nô (Xiongnu). Không may, Trương Khiên bị rợ Hung Nô bắt giam hơn 10 năm nhưng cuối cùng trốn thoát và trở về TQ sau 13 năm. Dù sứ mạng không thành công, ông mang về nhiều báu vật cũng như nhiều tư liệu quý báu để viết thành sách với tên ''Triều Dã Kim Tài'' trong đó ông ghi chép những nơi đi qua cùng phong tục tập quán, đặc biệt là tiềm năng giao thương. Từ đó trở đi, con đường này được phát triển để giới thương buôn làm giao tiếp, trao đổi và buôn bán lụa vải, đá quý, vàng bạc, trà, gia vị vv...Con đường này trở nên suy thoái vào thế kỷ X khi nhà Đường sụp đổ. Phải đợi thế kỷ XIII, khi triều đại nhà Nguyên Mông Cổ trở thành cực thịnh, con đường này trở thành con đường chiến lược cho sự xâm lược các nước lân bang Trung Á của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) và các hoàng đế kế tiếp. Phật giáo từ Ấn Độ du nhập TQ ở thế kỷ III cũng qua con đường này. Nhà du hành người Ý Marco Polo (1254-1320) cũng đi và về trên con đường này ở thế kỷ XIII sau khi làm quan 20 năm cho nhà Nguyên.

Con đường tơ lụa bắt đầu từ Trường An (nay là Tây An), thủ phủ tỉnh Thiểm Tây (Shănxi) rồi tiếp theo là Bảo Kê (Baoji), Thiên Thuỷ (Tianshui), Lan Châu (Lanzhou), An Tây (Anxi), Lâm Hạ (Linxia), Đôn Hoàng (Dunhuang). 

Từ Đôn Hoàng, con đường tơ lụa chia thành hai nhánh (xem bản đồ trên):

- Con đường phía trên đi tiếp Hami, Turfan, Korla, Kucha, Aksu, Kashgar.

- Con đường phía dưới đi tiếp Miran, Endere, Ruoqiang (Nhược Khương), Qiemo (Thả Mạt), Minfeng (Dân Phong), Yutian (Vu Điền), Hotan (Hoà Điền), Yecheng (Diệp Thành), Yengisar (Anh Cát Sa), Kashgar. 

Từ Kashgar, con đường tơ lụa đi tiếp sang qua xứ Kirghizstan, Tashkent (thủ đô Uzbekistan), Samarkand, Boukkara hai thành phố thuộc Uzbekistan, Ashgabat (thủ đô Turkmenistan), Teheran (thủ đô Ba Tư), Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ), Istanbul (Constantinople cũ ).

Nói tóm lại, Tân Cương là vùng giàu nhiều tài nguyên chưa khai thác hết và có bề dày lịch sử nhiều ngàn năm.

 

IV - Vì sao Tân Cương trở thành vùng tẩy não của TQ?

Theo một tin đồn, ông Vương Chấn (Wang Zhen, 王震) nguyên bí thư tỉnh uỷ Tân Cương từ 1949 đến 1952 và về sau là phó chủ tịch nước ̀̀(1988-1993) có lần đề nghị với Mao Trạch Đông phải huỷ diệt (exterminate) người DNN vì sắc tộc thiểu số này không ngừng ''đặt vấn đề'' cho TQ. Không rõ tin đồn này hư thực ra sao nhưng hơn nửa thế kỷ sau, TCB đem ra áp dụng lời đề nghị điên cuồng này!. Lý do là người DNN là ''chướng ngại'' cho sự thực hiện chương trình  ''nhất đới nhất lộ 带一路'' hay ''một vành đai, một con đường'' khởi xướng từ năm 2013 của TCB. Tiếng Anh dịch là ''One belt, One road'', viết tắt là OBOR sau đổi thành ''Sáng kiến vành đai và con đường'' (Belt and Road Initiative , BRI) năm 2017. 

Khi vừa lên cầm quyền đầu năm 2013, TCB đề xướng đề án OBOR. Mục tiêu của con đường tơ lụa mới này là đề xuất một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm một tuyến đường bộ (một con đường) xuyên qua vùng Trung Á và Nga và một tuyến đường biển (một vành đai) nối liền Châu Phi và Châu Âu qua Biển Đông-Ấn Độ Dương. Chương trình trị giá khoảng 1000 tỷ USD liên can đến 65 quốc gia trên thế giới, chiếm 60% dân số, 75% lượng dầu khí phát hiện và khoảng 1/3 GDP thế giới. Dự án khổng lồ này dự kiến hoàn thành năm 2049 để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ''Cộng Hòa nhân dân TQ''.

Tân Cương đương nhiên trở thành vùng chiến lược cho chương trình đại quy mô của tuyến đường bộ này cũng như trước đây thời quân Nguyên Mông Cổ dùng Tân Cương để đi xâm lược các xứ Trung Á hồi thế kỷ XIII. Chỉ khác là ngày nay TQ của TCB dùng kinh tế để chinh phục không chỉ các nước Trung Á mà là cả thế giới.

Mục tiêu là khai thông vùng miền Tây TQ còn lạc hậu so với vùng miền đông trù phú. Từ Tân Cương, con đường xuyên qua thẳng xứ Kazahkstan ở phía Bắc, nơi giàu tài nguyên dầu hoả thay vì đi qua xứ Kirghizstan nghèo từ Kashgar ở phía Nam.

Tuyến đường bộ dài nhiều ngàn km bao gồm đường bộ, đường sắt, xa lộ nối liền miền Tây TQ đến tận cảng Gwadar thuộc xứ Pakistan, cửa ngỏ của Ấn Độ Dương. Từ cảng Gwadar, đường biển đi Châu Phi và Châu Âu.

Muốn thực hiện ý đồ vô tiền khoáng hậu này thì trước hết phải ''bình định'' Tân Cương để bảo đảm an ninh toàn diện cho sự vận chuyển hàng hoá cũng như sự đi lại của khách hàng. Chướng ngại là sự bạo loạn không ngừng của người Hồi giáo DNN do chính sách đàn áp của chính quyền TQ trong nhiều thập niên.

Trong quá khứ, nhiều cuộc bạo loạn thường diễn ra nhưng từ năm 2009 trở  đi tình hình trở nên nghiêm trọng. Đó là cuộc bạo loạn ở Urumqi hồi tháng  7 năm 2009 làm cả trăm người chết hay cuộc tấn công mù quáng ở Kashgar hồi tháng 8-2011. Tiếp theo là những cuộc tấn công của người DNN ở Bắc Kinh năm 2013, Côn Minh năm 2014 và nhiều nơi khác sau đó [1].

 

V - Những biện pháp áp dụng tẩy não người DNN của TQ

Để thực hiện an toàn lộ trình ''một vành đai, một con đường'' nói trên, TCB cho thuyên chuyển ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo, 陈全国), một uỷ viên Bộ Chính trị từ Tây Tạng về Tân Cương vào năm 2016. Ông Trần với tư cách bí thư tỉnh uỷ có thành tích đã ''bình định'' một cách hiệu quả Tây Tạng với biện pháp đàn áp cứng rắn như ''bàn tay sắt'' từ năm 2011 đến 2016. TCB nghĩ rằng ông Trần cũng sẽ ''thành công'' trong sứ mạng được giao phó và ông không thất vọng!.

Hình ông Trần Toàn Quốc tháng 3-2019, hình Internet

[Ông Trần Toàn Quốc bị Mã Hưng Thuỵ (Ma Xingrui, 马兴瑞), phó bí thư tỉnh Quảng Đông thay vào cuối năm 2021].

Theo Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) làm việc với 17 đối tác truyền thông bao gồm nhiều cơ quan thông tin báo chí quốc tế như The Guardian, BBC Panorama, Süddeutsche Zeitung, El Pais, Associated Press, Kyodo vṿ., các trại giam người Hồi giáo được xây dựng khắp nơi từ năm 2016 ở Tân Cương, đặc biệt là ở phía Nam gần thành phố Kashgar. Theo tài liệu của đài ARTE, hiện nay có hơn 400 trại giam ở Tân Cương mà TQ trâng tráo gọi là ''trung tâm dạy nghề''. 

Các tài liệu rò rỉ của TQ mà ICIJ gọi là China Câbles bao gồm một tài liệu dài 9 trang do Chu Hải Luân (Zhu Hailun, 朱海) khi đó (năm 2017) là phó bí thư khu tự trị Tân Cương kiêm bí thư Chính pháp và các quan chức an ninh hàng đầu các khu vực gửi tới nhửng người điều hành trại theo đó các hướng dẫn nêu rõ rằng các trại cần được điều hành như các nhà tù an ninh cao với kỷ luật nghiêm khắc, có hình phạt và không cho ai trốn thoát.

Theo nhà nghiên cứu người Đức Adrian Senz, các trại cả̉i tạo khác với chế độ nhà tù là trại cải tạo có mục tiêu giáo huấn và biến đổi toàn diện người dân thiểu số.

Những biện pháp áp dụng của TQ đối với người Hồi giáo rất tinh vi và thâm độc bao gồm những biện pháp sau:

-Thiết lập hệ thống kiểm soát toàn diện bằng những thiết bị kiểm soát hiện đại (camera) nhận diện nét mặt trên các đường phố,

-Phá huỷ di sản lịch sử và văn hoá người Hồi giáo, 

-Quảng bá rộng rãi tiếng Hán ở các học đường,

-Thiết lập nền tảng dữ liệu ADN cho tất cả mọi người,

-Theo dõi những người đã có cư ngụ ở nước ngoài hoặc liên lạc với thân nhân ở nước ngoài,

-Theo dõi những người thường đi lễ ở thánh đường,

-Theo dõi những người tỏ ra nghi ngờ về đường lối của đảng,

-Kêu gọi những người đang ở nước ngoài trở về nước nếu không thân nhân sẽ bị liên luỵ đi tù,

-Buộc những người có hộ chiếu phải giao lại cho chính quyền địa phương từ tháng 2-2017,

-Bắt giam người DNN để râu hoặc truy cập internet nước ngoài,

-Tách trẻ con khỏi cha mẹ,

-Buộc người Hồi ăn thịt heo và uống rượu,

-Buộc phụ nữ Hồi giáo phải triệt sản hoặc dùng dụng cụ tránh thai vv..

Những biện pháp chế tả̉i thô bạo này hình như chưa đủ đối với chính quyền sở tại. Họ cho hàng trăm ngàn công an trá hình tuỳ tiện đến cư trú trong gia đình người Hồi để theo dõi sinh hoạt của họ, lúc ban đầu vài ngày trong tuần rồi sau đó một hai tuần trong tháng, Họ làm xáo trộn cuộc sống riêng tư của người DNN như nhà báo Brice Pédroletti của Le Monde đã viết như sau: '' Vào ban đêm, họ trải nệm dưới đất nằm ngủ cùng phòng bên cạnh hai vợ chồng người DNN'' ! [3]

Hình công an trá hình tham gia đời sống gia đình người DNN, báo Le Monde

Nói tóm lại, mục tiêu cuối cùng là ''Hán hóa'' các sắc tộc thiểu số.

TQ đá́p trả nói rằng các trại giam giữ nhằm cung cấp đào tạo nghề và giáo dục và cần thiết để chống lại các mối đe doạ khủng bố và ly khai. TQ còn nói truyền thông quốc tế ''bôi nhọ''  trong nỗ lực can thiệp vào nội bộ, phá vỡ các nỗ lực chống khủng bố. Nhiều nghị sĩ Âu Châu bị TQ trả đũa cấm vào TQ vì lên án TQ ngược đãi người DNN.

Hình một trong những trung tâm tẩy não theo các tổ chức bảo vệ Nhân quyền nhưng theo Bắc Kinh là ''trung tâm đào tạo nghề''. Nguồn internet
 

VI - Cộng đồng thế giới nói gì?

Trong một thời gian dài, ngoại trừ các Tổ chức Nhân quyền lên tiếng phản đối, cộng đồng thế giới hầu như yên lặng dù Bắc Kinh đã biến Tân Cương thành một nhà tù khổng lồ với hơn một triệu người bị giam giữ và giết hại nhiều ngàn người gốc Hồi giáo. Phải đợi đến năm 2018 khi thông tin đàn áp người DNN được kiểm chứng qua điều tra của ký giả hoặc các chuyên gia nghiên cứu, Uỷ Ban chống phân biệt chủng tộc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mới ra thông cáo lên án TQ viện cớ ''chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và duy trì ổn định xã hội'' để biến khu tự trị của người Hồi giáo DNN thành trại giam. Tiếp theo chỉ có một vài nước lẻ tẻ lên tiếng như Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Anh quốc và Canada. Trong Liên hiệp Châu Âu do quyền lợi quốc gia chỉ có Pháp, Hòa Lan và Lituania lên tiếng cảnh báo gần đây.

 

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước Hồi giáo hiếm hoi lên án chính sách ngược đãi người Hồi của TQ cũng như họ đã làm hồi 2018 trong vụ người gốc Hồi Rohingya bị ngược đãi ở Myanmar. Lý do Thổ Nhĩ Kỳ phải lên tiếng là vì người DNN và người Thổ Nhĩ Kỳ có ngôn ngữ và văn hoá rất gần guĩ do cùng nhóm sắc tộc gốc người Thổ. Không ít người DNN sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn. Một xứ khác ở Trung Á là Turkmenistan cũng có liên hệ về ngôn ngữ và văn hoá với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng 2-2019, phát ngôn viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hami Aksory, tuyên bố: '' Không còn là bí mật khi hơn một triệu người DNN bị bắt tuỳ tiện, phải chịu tra tấn và tẩy não chính trị từ các trung tâm và nhà tù tập trung''. Các nước Hồi giáo khác hầu như không nước nào dám lên tiếng vì sợ ''chọc giận'' TQ. Tiếc thay, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ lên án suông mà không có đưa ra biện pháp trừng phạt. Tệ hại hơn nữa là TT Recep Tayip Erdogan gần đây, do khó khăn kinh tế trong nước, bị áp lực mạnh của Bắc Kinh. Năm 2018, Ankara nhận viện trợ của Bắc Kinh khi đồng Lire bị sụt giảm nặng. Do đó, Hiệp định trục xuất ký kết giữa Ankara và Bắc Kinh ký hồi tháng 5-2017 được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn ngày 26-12-2020. 

 

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ hiện nay là nước duy nhất có đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với TQ. Quan hệ Trung Mỹ trở nên xấu đi từ 2018 khi ông Trump khởi xướng thương chiến bằng cách áp thuế lên hàng hoá TQ trị giá nhiều trăm tỷ $. Tiếp theo là tình hình biểu tình trong nhiều tháng ở Hongkong trong năm 2019 với hệ quả ''luật an ninh'' đàn áp người Hongkong. Đầu năm 2020, đại dịch Viruscorona mà ông Trump gọi ''Virus Vũ Hán'' và hành động khiêu khích cùa TQ ở Biển Đông kèm theo biện pháp trừng phạt chưa từng có làm quan hệ giữa hai nước xuống bề vực thẳm.

Sau đây tuần tự những biện pháp trừng phạt của Mỹ có liên quan đến Tân Cương:

-Ngày 15-5-2020, thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật trừng phạt các quan chức có trách nhiệm ở Tân Cương và sau đó được ông Trump ký và cho ban hành trong tháng 7. Lệnh trừng phạt nhắm vào tài sản tại Hoa Kỳ của 4 nhân vật sau: Trần Toàn Quốc bí thư khu tự trị, Chu Hải Luân, cựu phó bí thư đã có nói trên, Vương Minh Sơn (Wang Mingshan) giám đốc và bí thư đảng uỷ Cục Công An Tân Cương và Hoắc Lưu Quân (Huo Liujun) người tiền nhiệm của ông Sơn. Lệnh này còn bao gồm việc vào nước Mỹ của gia đình của 4 nhân vật kể trên. Việc trừng phạt ông Trần Toàn Quốc, một uỷ viên Bộ Chính trị là một thách thức lớn đối với Bắc Kinh, 

-Ngày 11-7, bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo cấm 11 công ty TQ đã tham gia sử dụng các lao động cưỡng bách người DNN và các nhóm thiểu số khác,

-Ngày 31-7, Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông báo danh sách trừng phạt bao gồm binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương cùng cựu bí thư Tôn Kim Long (Sun Jinlong) và phó bí thư Bành Gia Thuỵ (Peng Jiarui),

-Ngày 15-9, Mỹ thông báo sẽ cấm một số mặt hàng xuất khẩu từ vùng Tân Cương liên quan tới các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người DNN. Lệnh cấm xuất khẩu bao gồm hàng may mặc, bông vải, linh kiện máy tính, các sản phẩm chăm sóc tóc, polysilicium nguyên liệu sản xuất panô quang điện, cà chua từ 5 vùng Tân Cương và tỉnh An Huy.

 

Anh quốc

Tháng 7-2021, bộ trưởng ngoại giao Anh quốc ông Dominic Raab tuyên bố: ''TQ vi phạm nhân quyền một cách kinh tởm và quá đáng đối với người DNN và không loại trừ việc áp lệnh trừng phạt đối với những người có trách nhiệm trong việc này''. Bộ ngoại giao Anh lên tiếng: ''Anh quốc có những lo ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền ở Tân Cương và cuộc đàn áp leo thang của chính phủ TQ, đặc biệt là việc giam giữ ngoài một triệu người Hồi giáo DNN và các dân tộc thiểu số khác''. Tiếp theo đó, thủ tướng Boris Johnson ra lệnh loại trừ Hoa Vi (Huawei) ra khỏi hệ thống điện thoại di động Anh theo chân Mỹ và Úc.

 

Lituania

Quốc hội nước Lituania lên án TQ về tội diệt chủng hồi tháng 5-2021. Tiếp theo đó vào cuối tháng 11, Lituania cho phép Đài Loan đặt cơ quan đại diện với tên ''Taiwan'' thay vì ''Taipei'' như các nơi khác. Hậu quả là TQ cho triệu hồi đại sứ và trục xuất đại sứ của Lituania, một hành động ngoại giao thô bạo chưa có tiền lệ.

 

Pháp

Nước Pháp của TT E.Macron tuy dè dặt hơn các đồng minh cũng tuyên bố nói rằng :'' Hành vi đàn áp người DNN không thể chấp nhận'' trong khi bộ trưởng ngoại giao ông Jean Yves Le Drian khi phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 24-2-2021 khắt khe lên án: ''Bắc Kinh đàn áp có hệ thống cộng đồng người DNN ở Tân Cương''. Và còn nhiều nước khác nữa.

 

VII-Thay lời kết

Vào cuối thế kỷ 20, hai nước bị kết án tội ác chống nhân loại và diệt chủng là Campuchia của Pol Pot  (1925-1998) và Serbie của Slobodan Milosevic (1941-2006). Pol Pot bị kết tội giết hại 1,7 triệu đồng bào cùa hắn, khoảng 20% dân số của Campuchia đương thời. Vào cuối đời, Pol Pol chết cô đơn trong tuỉ nhục. Slobodan Milosevic bị toà án quồc tế La Haye kết án tù năm 2001 về tội thảm sát người Bosnia rồi qua đời trong tù vì bệnh năm 2006.

TQ của TCB ngày nay cũng theo con đường nói trên để thực hiện giấc mơ hoang tưởng mà người TQ có câu ''lang tử dã tâm, 狼子野心 (nuôi tham vọng điên cuồng) khi muốn trấn áp thậm chí muốn huỷ diệt người DNN ở Tân Cương hầu chinh phục thế giới chắc chắn sẽ đem lại thảm hoạ cho TQ chẳng khác gì nước Nga của Putin ngày nay muốn khôi phục thời đại ''huy hoàng'' của Liên Xô dưới thời Stalin [2].

Không ít người cũng mong TCB và Putin sẽ xộ khám ở trại tù của tòa án quốc tế La Haye về tội ác chống nhân loại và diệt chủng.

 

VT 14-3-2022

 

Chú thích

[1] Trước đó, năm 2001, Giang Trạch Dân, người tiền nhiệm của TCB đã có sáng kiến cho thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Shanghai Cooperation Organization viết tắt là SCO. Tổ chức này bao gồm TQ, Nga, bốn nước Trung Á (Kirghizstan, Kazakhstan, Uzbekistan và Tadjikistan) và bốn nước quan sát viên (Ấn Độ, Pakistan, Mông Cổ và Ba Tư). Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên chính thức năm 2017.

Mục tiêu của SCO là tăng cường lòng tin lẫn nhau, hợp tác trong mọi lãnh vực kinh tế và chính trị hầu bảo đảm ổn định và an ninh trong vùng trong khi mục tiêu của Bắc Kinh là ngăn chặn khủng bố từ các nước Trung Á Hồi giáo vào Tân Cương.

[2] Liên Xô trước năm 1991 bao gồm 15 xứ với 290 triệu dân (triệu dân trong ngoặc kép)

Nga (148,5), Ukraine (51,9), Uzbekistan (20,7), Kazakhstan (16,8), Belarus (10,3), Azerbaidjan (7,1), Georgia (5,5), Tadjikistan (5,4), Kirghizstan (4,4), Moldavia (4,4), Turmenistan (3,7), Lituania (3,7), Armenia (3,4), Latvia (2,6), Estonia (1,6). 

Sau 1991, 14 nước tách rời Liên Xô và tuyên bố độc lập trong đó có ba xứ Baltic là Liuania, Latvia và Estonia được gia nhập Liên hiệp Âu Châu và NATO. Nước Nga ngày nay chỉ còn khoảng 150 triệu dân.

Thời Liên Xô, còn có các nước ''chư hầu'' như Ba Lan, Roumania, Hungary, Bulgaria, Tiệp Khắc, Đông Đức vv..

[3] Ces faux  ''cousins'' chinois qui s'imposent dans les familles ouïgoures.

(Những ''anh em họ'' giả người TQ buộc phải nhận mình trong những gia đình người DNN), Le Monde ngày 17-9-2020.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire