Võ Văn Tạo
Với tiêu đề: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thay cán bộ không chịu cổ phần hóa”, trang 3 Báo Tuổi Trẻ hôm nay (25-12-2013) đăng thông tin tại Hội nghị trực tuyến chiều 24-12 giữa Chính phủ với các địa phương, nghe Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “việc quan trọng nhất trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chính là cổ phần hóa, chỉ có cổ phần hóa mới thay đổi theo hướng hiệu quả được” (xin lỗi bình chen ngang: câu này hơi bị… chuẩn. Tội nghiệp! Lâu nay dư luận thành kiến Đinh La To “chỉ được cái chém gió”, kể cũng có chút… “oan sai”), ông Dũng bày tỏ cùng quan điểm, và nói: “trong tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty thì nhân tố quyết định là cán bộ, bố trí cán bộ không tốt thì không tái được gì hết, trọng tâm là cổ phần hóa. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì thay thế”.
Ông Dũng còn nêu rõ chủ trương sẽ bán hết cổ phần đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. “Phải đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng của thị trường, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác; còn làm nhiệm vụ công ích thì công khai minh bạch ra, ví dụ điện đưa về vùng sâu vùng xa thì tách ra…”.
Nghe các vị lãnh đạo nói, dân đen sướng râm ran. Có lẽ rốt cuộc ông trời cũng có mắt, không đành đoạn để hậu duệ dòng giống Lạc Hồng mãi mãi trong vòng đói nghèo, lạc hậu; nước Việt ta từ nay có cơ may thoát vòng tụt hậu, sánh vai cùng cường quốc năm châu. Dường như cuối cùng thì Bụt cũng có cách làm cho đầu óc các lãnh đạo bỗng thông minh… đột xuất!
Bởi lâu nay, trừ các chóp bu, ai cũng biết quy luật bất biến vĩnh cửu của doanh nghiệp nhà nước (còn gọi là doanh nghiệp “sở hữu toàn dân”) là cha chung chẳng ai khóc, là miếng mồi béo bở để các “sếp” và bề trên tha hồ xâu xé, đục khoét. Thậm chí, phần lớn người làm công ăn lương cũng tìm mọi cách rúc rỉa, chẳng ăn cắp được tiền của thì chí ít cũng “tham ô giờ giải lao”. Nhiều doanh nghiệp nhà nước trên thực tế đã “chết lâm sàng”, nhưng chưa được “chôn”, tài khoản rỗng không, nợ ngân hàng hơn chúa Chổm, nợ cả lương và bảo hiểm xã hội của CBCNV, nhưng mỗi khi bề trên hạ cố “xẹt ngang”, đều phải chạy vạy vay mượn nóng đâu đó lo vé máy bay, khách sạn, tiệc tùng, chơi bời thăm thú, quà cáp… cốt sao cái ghế “sếp” đừng sang mông kẻ khác (thề có Chúa! Người viết bài này từng làm qua mấy doanh nghiệp nhà nước hơn 20 năm, tệ nạn trên không là cá biệt. Không tin, cứ điện hỏi, xin “khai” tên và minh chứng từng doanh nghiệp cụ thể).
Có lẽ không thể cứ nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng trên, vì chóp bu thì muốn ngân sách ngày càng thu dồi dào, để dễ bề chi tiêu tùy thích (đương nhiên, không loại trừ mỗi năm có hàng nghìn chuyến công du vô bổ nước ngoài và hàng nghìn dự án “khủng” nhưng cũng vô bổ chẳng kém), các “quả đấm chủ lực” thì cứ bê bết như Vinashin, Vinalines… chóp bu cũng đành tính đến cổ phần hóa. Mặc dù, dưới nhãn quang Mác – Lê cũ kỹ, kế sách này không được “xã hội chủ nghĩa” cho lắm, nếu không nói là đi ngược, là “phản động”. Thôi thì, thà cổ phần hóa để nó có cơ may sống sót, hoạ chăng lại ăn nên làm ra, ngân sách may ra kiếm chút thuế! Nếu cứ để vậy, trước khi bị “làm lễ truy điệu đem chôn”, nó còn “đẽo” nữa vào ngân sách – vốn đã còm cõi, thiếu trước hụt sau.
Nhân chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lại nhớ cái nguyên lý “suy rộng ra”, được Hồ Chí Minh vận dụng để viết trong Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2-9-1945 tại Ba Đình: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Theo nguyên lý ấy, trộm nghĩ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tạo bước tiến về kinh tế (tăng hiệu quả) là chủ trương đúng đắn và sáng suốt.
Suy rộng ra, sẽ đúng đắn và sáng suốt hơn, nếu việc quản lý mọi toàn diện đất nước (chứ không phải chỉ riêng khía cạnh kinh tế ở khối doanh nghiệp nhà nước) cũng được “cổ phần hóa”. Ai cũng biết, trong doanh nghiệp nhà nước, phần lớn các quyết định được đưa ra chỉ cốt “béo” các “sếp”, doanh nghiệp thêm còm cõi, thu nhập CBCNV và ngân sách nhà nước thêm teo tóp (ai chẳng tin thì đề nghị xem lại vụ cái ụ nổi ở Vinalines). Một khi doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, tài sản của doanh nghiệp có chủ thật sự (các cổ đông), và theo điều lệ doanh nghiệp cổ phần, các “sếp” không dễ tự tung tự tác.
Thấy được vấn đề để có hiệu quả, phải cổ phần hóa. Thấy được vấn đề giám đốc doanh nghiệp nhà nước gây sức ỳ của tiến trình cổ phần hóa. Thấy được vấn đề phải thay giám đốc nào không chịu cổ phần hóa. Sao tại sao các chóp bu chưa thấy được vấn đề “suy rộng ra” là việc quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội của đất nước lại càng phải “cổ phần hóa”, để có tự do cạnh tranh một cách đàng hoàng, minh bạch?
Về bản chất, việc Đảng CSVN (mà nhiều chóp bu đương chức và nghỉ hưu công khai nhìn nhận là không ít lãnh đạo, đảng viên yếu kém, suy thoái, biến chất, tham nhũng…) cứ khư khư độc quyền lãnh đạo xã hội, có khác gì các “sếp” doanh nghiệp nhà nước khư khư cái ghế của họ?
Đã nghĩ được cần phải thay mấy ông giám đốc “ù lỳ” trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tăng hiệu quả kinh tế, sao chưa thấy suy rộng ra một chút là cần phải thay cả mấy ông “ù lỳ” ở cấp cao hơn, để tăng hiệu quả cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội đất nước?
V.V.T.
Nói với làm là một quãng đường dài lê thê
RépondreSupprimerSuy rộng ra, sẽ đúng đắn và sáng suốt hơn, nếu việc quản lý mọi toàn diện đất nước (chứ không phải chỉ riêng khía cạnh kinh tế ở khối doanh nghiệp nhà nước) cũng được “cổ phần hóa”. (nguyên văn)
RépondreSupprimerĐây là câu kết ăn tiền cho toàn bài văn,
Tôi xin bình chọn là câu tiêu biểu của 2013
Amsterdam, 25/12/2013
Lại Mạnh Cường