Ông Mãn đã khai man để được trao tặng danh hiệu anh hùng.
Để đi đến sự thật ông Hồ Xuân Mãn (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế) bị ký quyết định hủy danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những cựu chiến binh tố giác về sự gian dối khai man, "chạy" thành tích của ông Mãn đã mất bốn năm gian nan.
"Mãn mà anh hùng thì hàng nghìn người ở Huế cũng là anh hùng"."
Ngày 21/8/2010, trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III, ông Mãn được trao tặng danh hiệu anh hùng. Một tháng sau, ông Mãn về hưu sau hai nhiệm kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy (2000 - 2010).
Ông Hoàng Phước Sum (63 tuổi, nguyên đội trưởng đội an ninh, trung tá, Bí thư Chi bộ công an huyện Hương Điền, ngụ phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) là một trong 4 người tố giác ông Mãn nhớ lại:
"Hôm đó tôi đang xem trên vô tuyến truyền hình thì nghe tin Mãn được phong anh hùng, tôi rất buồn và tắt vô tuyến luôn. Không những tôi mà nhiều cán bộ hưu trí đã phản ứng dữ lắm. Chúng tôi là những đồng đội, nhiều người là cấp trên cùng chiến đấu, cùng quê với Mãn, ông ta không thể nhận danh hiệu này được. Mãn mà anh hùng thì hàng nghìn người ở Huế cũng là anh hùng".
Ông Sum nói tiếp: "Lúc đó, anh em chúng tôi đã làm đơn khiếu nại nhưng lúc đầu không được trả lời, giải quyết. Đến khi có bản báo cáo thành tích của Mãn, anh em mới có cơ sở để tố cáo. Chúng tôi phải đi xác minh nhiều nơi để làm sáng tỏ 17 thành tích của ông Mãn báo cáo để nhận danh hiệu anh hùng là không có cơ sở. Ví dụ như vào năm 1964 Mãn khai đã giết được 6 giặc Mỹ tại huyện A Lưới thì thật nực cười. Năm đó Mỹ chưa đóng quân ở A Lưới. Mãn thời gian này cũng đang học tập tại trường An Lỗ. Chúng tôi phải đi tìm các bạn học chung lớp để xác minh".
Ông Sum thuật lại: "Ông Mãn khai năm 1969 được phân công về Huyện đội Phong Điền và trực tiếp bám trụ địa bàn xã Phong An, giữ chức vụ Xã đội trưởng kiêm Trưởng công an xã Phong An. Nhưng tôi được biết trong thời gian này xã đội trưởng xã Phong An là ông Thái Công Oanh. Từ năm 1969 đến tháng 9/1970, ông Mãn đang ở Quảng Bình an dưỡng và học tập chính trị, quân sự cùng và nhiều đồng chí khác. Sau khi về lại quê, từ tháng 3 - 11/1971, ông Mãn đi làm công vụ cho ông Lê Sáu (Bí thư Huyện ủy Phong Điền) một thời gian thì bỏ về nên không có chuyện làm Xã đội trưởng và Trưởng Công an xã gì ở đây hết".
Chưa hết: "Năm 1972, ông Mãn khai chỉ huy 3 đồng đội khác để đánh 27 tên lính Mỹ tại cầu Tẹc (xã Phong An). Chúng tôi đi xác minh trong chiến tranh không có trận nào Mỹ đánh ở đây, cũng như hỏi ông ta đi cùng với 3 đồng chí nào thì ông không hề biết. Các thành tích như phá tan chiến dịch Phượng Hoàng, diệt ác ôn Nguyễn Công Đảng ở xã Phong Sơn đều không phải thành tích của ông Mãn.
Tương tự một số thành tích khác như đã tự tổ chức đơn vị đánh gần 100 trận, diệt 150 tên Mỹ, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự (1969 - 1975). Rồi dẫn đường cho Quân đoàn 2 giải phóng Huế và truy quét ngụy quân, ngụy quyền... Thành tích "láo" đồng nghĩa với những tặng thưởng cũng được nghi vấn là giả mạo. Trong 17 thành tích thì chỉ có 2 thành tích đúng, 8 thành tích là khai man, 3 thành tích chỉ với vai trò người tham gia phối hợp chứ không thể là người chỉ huy. Ngoài ra, có 4 thành tích khác của ông Mãn không đủ cơ sở xác định", vẫn lời ông Sum.
''Tôi với Mãn trước là bạn học ở trường chính trị tại Quảng Bình vào những năm 1969 - 1970, cả hai không hề có mâu thuẫn cá nhân gì hết. Tôi làm việc này chỉ vì sợ lịch sử sau này bị bóp méo, con cháu của chúng ta không biết được sự thật này. Cũng vì sự trong sáng, trách nhiệm với những liệt sĩ, vì 1 sự thật chứ không hề có tư thù cá nhân gì cả”, ông Sum khẳng định.
Gian nan hành trình chống tiêu cực
Những người tố cáo khác thì nói gì?
Ông Hoàng Tiến Dũng (70 tuổi, quê xã Phong Sơn, ngụ Trạch Thượng, thị trấn Phong Điền) cho biết: "Tôi với Mãn là bạn thời học tập cũng như chiến đấu. Năm 1982 tôi quyết định nghỉ hưu, Mãn còn khuyên ở lại tiếp tục làm. Tuy tình nghĩa là như vậy nhưng tôi không thể chấp nhận được hành vi quá đáng này của Mãn. Trong quá trình chống tiêu cực, những người tố cáo như tôi tự bỏ tiền túi ra đi nhiều nơi để thu thập tài liệu, chứng cứ rồi tìm thêm nhân chứng, gặp lãnh đạo, ban ngành có liên quan. Trong thời gian đó, chúng tôi đối diện với nhiều cạm bẫy, nguy hiểm như đe dọa, hành hung.
Riêng chuyện viết đơn thư để đi gửi đến Trung ương rồi tới tất cả các đoàn Đại biểu Quốc hội của cả 63 tỉnh thành cũng tốn rất nhiều tiền rồi. Thậm chí đi gửi thư chúng tôi không gửi ở Huế mà ra Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) để gửi vì sợ bưu điện ở Huế sẽ bưng bít không gửi đi. Hay năm 2013, chúng tôi tự bỏ những đồng lương hưu ít ỏi của mình ra Trung ương để cầu cứu cũng như làm sáng tỏ. Chúng tôi phải kiên trì gặp vô vàn khó khăn khi đi làm, anh em ai cũng đắn đo dữ lắm vì cũng sợ vợ, con cái trong gia đình bị ảnh hưởng".
Người tố cáo khác là ông Hoàng Văn Phận (ngụ thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, nguyên Trung đội trưởng Công binh lực lượng vũ trang huyện Phong Điền thời kỳ 1966 - 1967) cho biết thêm:"Cựu chiến binh và rất nhiều người bất bình về chuyện Mãn cướp công đồng đội. Nhưng chỉ có tôi cùng với anh Sum, anh Dũng và anh Nghĩa ở gần nhà Mãn dám đứng ra trực tiếp tố cáo. Lúc đầu anh em chúng tôi có kéo đến nhà của Mãn để nói ông ta tự rút, trả lại danh hiệu anh hùng đi, không chúng tôi sẽ kiện; nhưng Mãn không chịu. Chúng tôi sau đó gặp rất nhiều nguy hiểm như ông Nghĩa từng bị 2 thanh niên bịt mặt vào nhà đánh 3 roi. Dũng thì lúc 7h51' ngày 5/3/2013 có nhiều tin nhắn dọa như: "Đ. M mày, đừng đi kiện nữa nghe không thôi tau đánh chết bố mày đấy".
Ông Phận kế tiếp: "Chưa hết, đầu năm 2014, ông Lê Văn Bang (ngụ thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) đi thu thập chứng cứ sự việc liên quan đến đất đai của gia đình ông Mãn, đã bị những kẻ lạ mặt ném đá vỡ cửa kính nhà. Rồi sau khi ông Mãn bị hủy danh hiệu, có tới 50 cuộc điện thoại lạ đã điện tới số ông Sum để chửi và hù dọa. Mới đây nhất 18h ngày 2/11 ông Sum bị dọa và nhận những lời hết sức thô tục. Chúng tôi đã lưu những số điện thoại này và cũng mong cấp trên sẽ vào cuộc để làm rõ vụ việc này nhằm bảo vệ anh em chúng tôi".
"Tôi chắc rằng khi cầm viết khai man thành tích bản thân, ông Hồ Xuân Mãn đã nghĩ chuyện này thế nào cũng trót lọt. Bởi lẽ nếu biết chuyện gian dối bị phanh phui như hôm nay, bị đưa tin và cả hình ảnh lên truyền hình quốc gia, ông Mãn sẽ không dám làm vì tổn hại rất lớn đến thanh danh của ông và làm ảnh hưởng xấu đến con cháu ông.
Người bị tố cáo vẫn hát bài "Cuộc đời vẫn đẹp sao"
Dù người gian dối đã bị ký quyết định hủy danh hiệu anh hùng, những người tố cáo cho rằng vẫn chưa thỏa mãn.
"Ông Mãn tham gia cách mạng từ năm 1964 nhưng sao sau 10 năm mới được vào Đảng khiến chúng tôi nghi ngờ, không phục, ông Mãn khai ngày vào Đảng là 11/01/1974, trong khi thời kỳ đó tôi là Đội trưởng đội an ninh huyện Phong Điền nên ai vào Đảng tôi phải biết chứ. Mà Mãn thuộc quân số biệt phái, không thuộc quân số của xã ai mà dám kết nạp chứ. Trong thời gian này, đang đang đi học quân sự tại khu ủy, không có Chi bộ nào kết nạp Đảng cho Mãn cả. Ông Lê Văn Uyên trưởng ban tổ chức Huyện ủy giai đoạn 1968 - 1975 rồi đến nguyên là Bí thư của xã Phong An từ năm (1967 - 1975) như Thái Bình Dương, Hoàng Chí Công cũng đã xác nhận không hề ký cho Mãn kết nạp Đảng, cho nên chuyện Mãn vào Đảng là chuyện khó tin. Chuyện này chúng tôi đang tiếp tục làm rõ", ông Sum nói.
Ông Trần Văn Minh, Bí thư xã Phong An giai đoạn 1973 - 1975 cho biết: "Tôi không hề giới thiệu cho anh Mãn vào Đảng, không biết ông Mãn kết nạp Đảng khi nào, chỉ khẳng định anh Mãn có sinh hoạt ở Đảng bộ xã Phong An. Tôi cũng mong rằng các cơ quan nhanh chóng có kết luận ông Mãn kết nạp Đảng ở chi bộ, thời gian nào, ai chứng kiến".
Ông Sum đề nghị: "Bây giờ nhà nước đã hủy danh hiệu của ông Mãn thì cũng phải phê bình công khai những ai đã ký chứng nhận việc ông Mãn khai man. Có 15 người nhất trí với tỷ lệ 100%. Họ không biết cụ thể những việc ông Mãn làm, nhưng vẫn nhất trí với thành tích đó là sai, vi phạm nghiêm trọng. Nếu những người này mà không xác nhận thì sẽ không có được sai sót này. Cần phải xứ lý nghiêm để nêu gương".
Một tình tiết đáng chú ý là khi Văn phòng Trung ương Đảng vào làm việc thì ông Mãn cho rằng mình đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa xem xét kỷ luật đối với ông.
"Chúng tôi không hề biết bệnh viện này ở đâu, ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị hay hụyện Phong Điền? Ông Mãn mắc bệnh gì? Cần lập hội đồng y khoa để làm rõ. Lâu nay ông Mãn vẫn tụ tập ăn nhậu đều mà. Ngày 16/11/2013, khi dự đám cưới ông vẫn ăn nhậu bình thường và còn lên hát tới 3 bài, trong đó có bài "Cuộc đời vẫn đẹp sao" đó thôi.
Ngày 6/12/2013, trong lễ kỷ niệm thành lập cựu chiến binh, ông Mãn ăn nhậu tại nhà cộng đồng thôn Vĩnh Hương, xã Phong An, cũng hát hò. Rồi gần đây ngày 22/10/2014, ông Mãn vẫn nhậu thịt chó tại nhà mình ở quê đó thôi. Nên xem lại, chứ ông đã lừa để có anh hùng thì bây giờ lừa bị bệnh hiểm nghèo thì đơn giản mà thôi", ông Sum liệt kê.
PV đã cố gắng liên lạc với ông Hồ Xuân Mãn nhưng thuê bao không liên lạc được, ghé nhà ở số 66 đường Thạch Hãn, TP.Huế thì cửa đóng then cài, bên ngoài có gắn camera.
"Hủy danh hiệu thì chúng tôi cũng mong muốn khi thu hồi thì phải cho chúng tôi là những người khiếu kiện được chứng kiến cảnh đó. Đồng thời, từ khi nhận quyết định đến khi thu hồi thì một tháng ông ta nhận hơn 1 triệu đồng, vì vậy, số tiền này cần truy thu trả lại cho nhà nước và phải xem xét thêm tiền lãi vì ông ta nhận rồi mà bây giờ trả lại nguyên số tiền đó là chưa hợp lý. Tuy số tiền nhỏ nhưng nó thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp", ông Sum đề nghị.
Lê Thống Chí/ Xa Lộ Pháp Luật
Ngày 24/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2721 về việc hủy bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân đối với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Xã đội trưởng xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguyên nhân của việc này là do ông Mãn kê khai không đúng thành tích để được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Trước đó, trong thông báo kết quả kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 22/11/2013, Ủy ban đã kết luận ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có khuyết điểm, vi phạm phải được xem xét, xử lý theo quy định. Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định xử lý việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ để kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý theo thẩm quyền.
Ngày 22/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Tờ trình gửi Chủ tịch nước về việc hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thành tích thời kỳ kháng chiến đối với ông Hồ Xuân Mãn.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire