(Thị trường)
- Bên trong hai TCT lương thực có nhiều doanh nghiệp nhưng hầu như chẳng doanh
nghiệp nào có vùng nguyên liệu, họ làm chỉ mang tính chất đối phó.
Trách nhiệm của hai Tổng công ty lương
thực
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia
đã chỉ thẳng trách nhiệm của hai Tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam
(Vinafood 1, Vinafood 2) trong việc khiến gạo Việt có chất lượng kém, không có
thương hiệu trên thị trường thế giới và đang bị tụt hậu dần so với Thái Lan
cũng như một số nước khác trong khu vực.
PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Công ty CP BVTV An Giang) cho rằng, từ trước
đến nay, để xuất khẩu gạo, Vinafood 1 và Vinafood 2 đi mua lúa gạo trôi nổi
thông qua thương lái ở ngoài, không biết rõ nguồn gốc rồi trộn nhiều giống với
nhau nên chất lượng gạo kém. Họ cạnh tranh trên thế giới bằng giá thấp
để có được hợp đồng cung cấp gạo. Bởi hai Tổng công ty lương thực không có
vùng nguyên liệu, trồng những giống lúa đặc sắc của riêng mình để bán ra thị
trường trong nước và xuất khẩu nên gạo Việt không có thương hiệu là vì vậy.
Hiện có nhiều doanh nghiệp không phải thành viên của Vinafood nhưng họ có vùng nguyên liệu riêng, sản xuất gạo chất lượng để xuất khẩu. Ảnh minh họa |
"Bên trong Vinafood 1 và Vinafood 2
có rất nhiều doanh nghiệp. Ngay cả Tổng công ty lương thực miền Nam có 17 đơn
vị thành viên nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào có vùng nguyên liệu. Nhà
nước yêu cầu doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu thì mới cho xuất khẩu, họ
liền chạy đôn chạy đáo được vài ba trăm hecta để chứng minh mình có vùng nguyên
liệu, trong khi thực chất họ mua gạo trôi nổi, trộn vào rồi bán. Đây chính là
cái dở nhất trong cách làm gạo của Việt Nam: doanh nghiệp không cố gắng, không
nỗ lực có vùng nguyên liệu để có gạo chất lượng cao, an toàn cạnh tranh thắng
lớn với gạo quốc tế để tham gia xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Hiện nay ở miền Nam có doanh nghiệp không
phải thành viên của Vinafood 2 nhưng họ có vùng nguyên liệu riêng, sản xuất gạo
chất lượng để xuất khẩu. Họ cũng có thế đứng nhất định vì chất lượng gạo của họ
được thị trường thế giới chấp nhận. Nhưng số doanh nghiệp như vậy còn rất
ít", PGS.TS Dương Văn Chín cho biết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam,
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) nói thêm rằng,
sự tụt hậu của gạo Việt Nam mới xảy ra nhưng lý do xưa nay thì vẫn thế: Việt
Nam không có những doanh nghiệp xuất khẩu thương mại đúng nghĩa và đủ mạnh.
Trước đây, việc xuất khẩu gạo do doanh nghiệp nhà nước đảm nhận, đầu tiên là
xuất theo quota rồi đến hợp đồng tập trung và họ không quan tâm đến việc làm
thương hiệu cho gạo Việt Nam. Mãi đến năm 2001, Nhà nước mới cho tư nhân tham
gia xuất khẩu gạo nhưng số lượng không nhiều, hai Tổng công ty lương thực chiếm
vị trí gần như bá quyền trên thị trường xuất khẩu gạo.
"Hai Tổng công ty lương thực không
phải là những đơn vị kinh doanh thực thụ và được giao cho rất nhiều đặc quyền.
Họ cứ ngồi chờ Nhà nước bao cấp, trợ giá, họ ký kết những hợp đồng lớn rồi phân
bổ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tự làm. Ngoài hai Tổng công ty này, còn có
một loạt doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh, đặc biệt gạo ở ĐBSCL bị họ khống chế
hết. Doanh nghiệp tư nhân yếu thế, làm được chăng hay chớ, không có sức đâu để
xây dựng thương hiệu.
Thế nhưng trách hai Tổng công ty chỉ là
một phần, có trách phải trách các cơ quan quản lý đã không cải cách hệ thống
thương mại về gạo, mà đầu mối là Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT", ông
Nam thẳng thắn.
Nguồn: Theo Đất Việt
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire