04/10/2015

VINH DANH BẰNG HÁO DANH-TỪ ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM ĐẾN CÃI CHÀY CÃI CỐI, CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT CỦA TỰ DIỆT


(Phân tích thủ thuật ngụy biện của ông Lê Vinh Danh-Bài 2)

 Lý Trọng Đạo 

Đây là bài 2, trong loạt bài ''.Phân tích thủ thuật ngụy biện của ông Lê Vinh Danh-Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng trong vấn đề trường đại học bổ nhiệm giáo sư''. Những ký hiệu, quy ước trong bài trước được tiếp tục sử dụng trong bài này.

     Có nhiều cách để vinh danh một con người, một tổ chức,một quốc gia.

     Tựu trung, chia làm 2 con đường: vương đạo và bá đạo.

     Vinh danh bằng phương pháp háo danh, ấy là con đường bá đạo.

     Vinh danh bằng phương pháp chính danh, ấy là con đường vương đạo. 

 

Hãy nghe ông Lê Vinh Danh phát biểu:''...quyết định 158 của Thủ tướng chính phủ kí ngày 29/1/2015 cho phép trường thí điểm toàn diện. Thí điểm là những thứ mà luật chưa có thì mới phải thí điểm, cho trường làm thử. Như vậy có nghĩa là có những điều mà luật hiện không có nhưng chúng tôi vẫn được quyền làm.'' (1) 

Nghe ''oai phong''thật! Dựa vào quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng để chơi trò''cả vú lấp miệng em'' chăng? Về khía cạnh luật pháp,xin hãy nhớ rằng ''trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường công lập,ban giám hiệu,các giảng viên,kể cả ông Danh đều là công chức-viên chức,những người hưởng lương từ tiền thuế của dân nên chỉ được quyền làm những điều mà pháp luật cho phép!Chỉ có người dân bình thường(không phải công chức-viên chức) mới được quyền lám những điều mà pháp luật không cấm''. (xem bài cùng tác giả: ''Ý kiến của phụ huynh qua vấn đề ĐH tự phong GS ở ĐH Tôn Đức Thắng'' đăng trên www.boxitvn.net  ngày 23/09/2015). Một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật không thể nào chấp nhận việc làm ngang ngược, ngồi xổm trên luật pháp và thách thức công luận:''…những điều mà luật hiện không có nhưng chúng tôi vẫn được quyền làm.’’(1) 

Để rộng đường dư luận,mời quý bạn đọc nghe ý kiến của chuyên gia chính hiệu về pháp luật đến từ ĐH Luật TPHCM,nơi đào tạo các luật gia,luật sư tương lai nhấn mạnh trên báo điện tử Pháp luật TPHCM ngày 28/09/2015:

''Còn xét dưới góc độ pháp luật hiện hành thì rõ ràng việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự cho mình quyền quyết định công nhận và bổ nhiệm GS, PGS là không đúng pháp luật về bổ nhiệm chức danh GS, PGS; cũng không đúng Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng về đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giai đoạn 2015-2017. Tôi nghĩ họ đã hiểu không đầy đủ và chưa chính xác nguyên tắc công dân được làm những gì mà luật không cấm. Cần lưu ý rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một đơn vị sự nghiệp công lập; hành vi ra quyết định công nhận và bổ nhiệm GS, PGS là một hành vi hành chính và hơn nữa cũng cần phải hiểu cho đúng thế nào là luật không cấm thì được làm''(2)

Trước đó,trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Dân Trí -cơ quan ngôn luận của TƯ Hội Khuyến học Việt nam- ngày 25/09/2015,GS-TS Mai Hồng Qùy , hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM lên tiếng mạnh mẽ,chỉ đích danh ông Lê Vinh Danh: ''thiết nghĩ trước hết Tiến sĩ Lê Vinh Danh cũng phải trải qua quy trình phong và bổ nhiệm vào chức danh PGS trước khi phong và bổ nhiệm GS. Xã hội chúng ta nên đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và không thể theo kiểu lẫn lộn đúng sai, ném đá vô tội vạ (3)

Từ góc độ nhà quản lý,trên báo Tuổi trẻ online ngày 16/09/2015, GS-TSKH Bùi Mạnh Nhị-Chánh văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước(HĐCDGSNN)-đã kiên quyết khẳng định: 'cách làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là vi phạm pháp luật.'' (4)

Cũng tờ báo này viết rõ: ‘’Ông Nhị còn cho biết trước đây có lãnh đạo của Trường ĐH Tôn Đức Thắng hai lần không đạt tiêu chuẩn chức danh PGS khi xét ở hội đồng chức danh GS ngành, nhưng sau đó trường đã tự bổ nhiệm vị này chức danh GS. Hội đồng chức danh GS ngành “hoàn toàn không đồng tình với cách làm của nhà trường’’ (4) 

Thế là đã rõ mười mươi rồi nhé! Căn cứ ý kiến của ông Bùi Mạnh Nhị và bà Mai Hồng Qùy, thì ông Lê Vinh Danh sau 2 lần trượt chức PGS tại HĐCDGSNN, đã ''cuốn theo chiều gió'', cố tình diễn giải quyết định 158 của Thủ tướng theo kiểu ngụy biện đánh tráo khái niệm, chày cối xài chiêu thức ''riêng một góc trời'', để trường mình tự phong GS cho mình , một bước nhảy vọt lên GS bằng ''đôi-hia-ngàn-dặm-đại-học-bổ nhiệm-GS''

Cũng cùng ngày 16/09/2015, tại buổi làm viêc với báo chí, ông Lê Vinh Danh đã để lộ thái độ thịch trượng, kiêu ngạo khi phát biểu thẳng thừng: 'Khi chưa hiểu nội hàm nhà trường làm gì đã quy kết cách làm của trường vi phạm pháp luật là cực kỳ thiếu trách nhiệm...Bởi chẳng có điều luật nào cấm trường bổ nhiệm và miễn nhiệm chức vụ chuyên môn bên trong nhà trường. Sau khi gửi văn bản báo cáo cấp trên, chúng tôi sẽ chờ ông Bùi Mạnh Nhị 30 ngày để xem lại và đính chính. Nếu không, chúng tôi sẽ khởi kiện việc này ra tòa và ông ấy sẽ có dịp trả lời trách nhiệm hơn tại tòa.''   (5)

Ghê gớm chưa? Sự thách thức pháp luật đã lộ rõ như ban ngày!Cái tối hậu thư này của ông Danh hình như mang sức nặng của bom tấn ! Chúng tôi cũng lo giùm cho GS-TSKH Bùi Mạnh Nhị, liệu ông có đỡ nổi đòn này không?

Chúng tôi,những người dân quan tâm đến việc này, đang chờ xem, sau ngày 16/10/2015(đúng 01 tháng như tối hậu thư trên đây ấn định), ông Lê Vinh Danh sẽ kiện GS-TSKH Bùi Mạnh Nhị như thế nào?

Đáp lại thái độ coi trời bằng vung của ông Lê Vinh Danh, tại cuộc phỏng vấn do Dân Trí tiến hành ngày 25/09/2015,GS-TS Mai Hồng Qùy đã chính xác đến từng milimet khi kết luận chắc như đinh đóng cột: ''Nếu một trường đại học bổ nhiệm một người vào chức danh giáo sư mà không có Quyết định công nhận của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, không bàn đến việc hay dở, mà cách thức làm và hành xử như vậy là một sự thách thức pháp luật''(3)

Như thế là quá rõ, tính logic và mức độ chính xác của các lập luận vừa trích dẫn chẳng khác gì: 1+1=2, không có gì phải bàn cãi nữa!

Thế nhưng, phân tích về khía cạnh phi logic của những thủ thuật ngụy biện mới là mục tiêu chính mà bài viết này hướng đến.Vấn đề này phải mổ xẻ cho ra ngô ra khoai ,phải bóc tách đến tận cùng mới thôi.

Trước hết, từ ''thí điểm''mà ông Danh nói, được hiểu theo định nghĩa nào? Không cần nói nhiều, thấy liền (6): Bắt buộc phải hiểu theo nghĩa của tiếng Việt! Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê), từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học trực thuộc Viện hàn lâm KHXH&NV Việt nam, đều có cùng cách giải thích: Thí điểm là làm thí nghiệm trên phạm vi hẹp. Người viết bài này ''đốt đuốc'' tìm khắp các từ điển chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Việt, kể cả từ điển bách khoa Việt nam nhưng cũng không thấy từ điển nào giải thích khái niệm ''thí điểm'' là ''làm những thứ mà luật chưa có.''(1)

Vậy, căn cứ vào đâu ông Danh cả gan đưa ra định nghĩa phản học thuật, phản lại ngữ nghĩa chính xác của tiếng Việt như trên? 

Người viết bài này trộm nghĩ, định nghĩa quái dạng của ông Danh: ''...Thí điểm là những thứ mà luật chưa có thì mới phải thí điểm, cho trường làm thử.''(1) nếu đệ đơn xin nhận giải Nobel ngược sẽ bị bác đơn ngay từ vòng loại!

Sử dụng thủ thuật đánh tráo khái niệm ''thí điểm'', kết hợp lồng ghép để nó cộng hưởng với thủ đoạn ''cả vú lấp miệng em'' bằng cách hùng hổ trưng ra nhưng lại cố tình hiểu sai tinh thần quyết định 158 của Thủ tướng, ông Danh đã ngang nhiên ''thách thức pháp luật '' như GS-TS Mai Hồng Qùy , hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM đã mạnh mẽ cảnh báo. (3)

Ông Danh muốn trở lại con đường xưa: đánh tráo khái niệm hòng chuyển sang đánh đồng gía trị lẹ như chớp ư?(xem bài 1-cùng tác giả, tựa đề: Phân tích thủ thuật ngụy biện của ông Lê Vinh Danh -TDTU trong vấn đề ĐHBNGS)

Xin trở lại vấn đề phân tích khía cạnh phi logic của thủ thuật ngụy biện này.

Từ điển đồng nghĩa-phản nghĩa tiếng Việt cũng chỉ rõ: thí điểm đồng nghĩa với thí nghiệm.

Ta sẽ đào sâu vào từ  ''thí nghiệm'' để qua đó làm sáng tỏ nghĩa gốc của từ''thí điểm''.

Về mặt quy tắc, quy trình thí nghiệm, người ta thực hiện lặp đi lặp lại một thí nghiệm cũ (đã được làm trước đó-đã có sẵn) theo hai cách:

  +Giữ nguyên mọi điều kiện của thí nghiệm,tiến hành lặp đi lặp lại nhiều lần thí nghiệm ấy để xác định chính xác sai số của thí nghiệm.

 + Từng bước thay đổi một vài điều kiện của thí nghiệm,ứng với mỗi lần thay điều kiện ấy, người ta tiến hành lặp lại thí nghiệm nhiều lần để xác định điều kiện biên của thí nghiệm.

Vậy, thí nghiệm không phải là làm cái chưa có ! 

  Để nói rõ hơn,từ ''thí điểm'' là từ gốc Hán Việt. Theo phép '' chiết tự'' của chữ Hán, rất dễ thấy: ''thí'' ở đây là ''thí nghiệm'', ''điểm'' ở đây chính là ''điểm theo nghĩa hình học'', còn trong lĩnh vực xã hội, ''điểm'' ở đây có nghĩa là ''phạm vi hẹp''.

Nhắc lại lần nữa, Từ điển tiếng Việt cũng đã xác định nghiã gốc của từ ''thí điểm'' là ''làm thí nghiệm trên phạm vi hẹp'' nên đến đây vấn đề đã rõ: thí điểm không phải là ''làm những việc luật chưa có'' như ông Lê Vinh Danh đã đưa ra một cách vô căn cứ, phản học thuật!

Nếu theo cách lập luận'' tào lao bí đao ''của ông Danh như đã phân tích trên, thì ông ‘’có quyền’’ thỏa sức vận dụng một cách sai lệch QĐ158 của Thủ tướng để đưa ra một mô hình ''thí điểm'' như sau: ĐH Tôn Đức Thắng ban hành quyết định thành lập một viện nghiên cứu, đặt tên ‘’lạ’’cho viện: Viện Hàn Lâm Khoa Học Thượng Đỉnh Tôn Đức Thắng(!?). Viện này có nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về những chuyên ngành hẹp thuộc các lĩnh vực khoa học(KH) huyền bí , KH tự nhiên & công nghệ, KH xã hội & nhân văn... đồng thời tiến hành tự phong các chức danh viện sĩ đi kèm tên của chuyên ngành hẹp(tương tự chức GS đi kèm theo tên trường ĐH)!Điều gì sẽ xảy ra khi  trong xã hội xuất hiện nhan nhản các name card ghi những dòng chữ ''lạ'': 

-Viện sĩ thoái hóa Lê S(chuyên gia về quá trình thoái hóa các cơ quan,bộ phận trong cơ thể con người)

-Viện sĩ đau đớn Trần Y (chuyên gia về những cơn đau của bệnh nhân)

-Viện sĩ ngụy biện Tôn Q(chuyên gia về ngụy biện và chống ngụy biện)

-Viện sĩ tham nhũng Đinh Z (chuyên gia về phòng chống tội phạm tham nhũng)

-Viện sĩ ăn mòn Nguyễn X (chuyên gia về ăn mòn kim loại)

-Viện sĩ hiếp dâm Phan M (Chuyên gia về phòng chống tội phạm hiếp dâm)

v.v...

Bởi lẽ, cũng theo cách lập luận của ông Danh, các từ: hàn lâm, thượng đỉnh, viện sĩ,...không ai được độc quyền, nên ông cứ đặt tên viện nghiên cứu như thế,, đồng thời thoải mái  đặt tên viện sĩ đi kèm tên chuyên ngành kiểu tròi ơi đất hỡi như trên là quyền hạn, là chuyện nội bộ của ĐHTĐT, phù hợp với khái niệm mà ông đã đánh tráo: ''Thí điểm là những thứ mà luật chưa có thì mới phải thí điểm, cho trường làm thử'' (1)

Làm thí điểm những cái ''chưa hề có'' như thế này là ông ''giết'' hàng vạn, thậm chí về lâu dài là hàng trăm ngàn sinh viên -học sinh rồi, ông Danh ơi!  Xin ông hãy lắng nghe lời khuyên chân thành của một đồng nghiệp chẳng xa lạ gì với ông:

''...Nhưng khi ĐH TĐT tự phong cho Lê Vinh Danh làm GS năm 2013 có qui trình bình duyệt không?

Đâu là danh sách các thành viên của ban thẩm định đó?

Câu trả lời mà tôi biết sẽ là không có! Ít ra tôi sẽ phải kiên nhẫn chờ ông xác định!

Như vậy chức danh GS mà ông tự phong có đúng chuẩn mà chính ông đặt ra cho mọi người không?

Ông có xứng đáng với danh hiệu ông đang dùng khi ký vào các văn bằng của sinh viên tốt nghiệp tại ĐH TĐT không? Sinh viên trong trắng cần biết sự thật vể Hiệu Trưởng trường mình!

Nếu không ông tính sao về việc này?

Là Hiệu Trưởng ông phải làm gương cho tất cả các thành viên của trường ông.

Nếu việc này không có cách xử lý thoả đáng ngay từ bây giờ thì chuyện sẽ phải chờ đợi là các qui trình mà ông hứa hẹn sẽ làm mọi người đặt câu hỏi.

Ông đòi quyền cho trường ông, quyền phải đi đôi với nhiệm vụ.

Ông phải có nhiệm vụ xử lý cho thoả đáng việc này trước công luận, không thể bỏ qua hay lấp liếm được.''(7) 

Viết đến đây, bỗng nhiên người viết giật mình liên hệ đến trường hợp có thể xảy ra:

Một số sinh viên đã tốt nghiệp trường ĐH Tôn Đức Thắng, mang mảnh bằng tốt nghiệp có chữ ký của GS-tự-phong-không-minh-bạch Lê Vinh Danh rong ruổi khắp nơi xin viêc làm nhưng không được nơi nào tuyển dụng,nay phát đơn khởi kiện nhà trường và cá nhân ông Danh.

Trong trường hợp này, các sinh viên đã kiện đúng.

Bởi vì, do công luận dậy sóng thời gian qua, các cơ quan, doanh nghiệp nhận ra hai điều:

Một là,việc trường ĐH Tôn Đức Thắng phong chức GS cho ông Lê Vinh Danh hiệu trưởng của trường mình là vi phạm pháp luật (4), hơn thế nữa, là thách thức pháp luật. (3)

Hai là, cũng do nguyên nhân vừa nói, các cơ quan, doanh nghiệp có nhận xét rằng chức GS của ông Danh là dỏm, được phong một cách khuất tất, không trung thực, và do dó, người sinh viên cầm văn bằng này đi xin việc cũng là người không trung thực!

Hậu quả nghiêm trọng là hàng ngàn  sinh viên trong trắng bị rơi vào cảnh tình ngay lý gian, bị các nhà tuyển dụng nghi ngờ, cho là không trung thực! Tóm lại, các sinh viên bị thiệt hại rõ ràng, và họ hoàn toàn chứng minh được thiệt hại này trước tòa.

Hỡi ‘’giáo sư’’ Lê Vinh Danh ! Tôi-người viết bài này, một phụ huynh học sinh- thành thật kêu gọi ông hãy thành tâm làm ba việc sau đây trước khi quá muộn:

-Viết thư xin lỗi gửi đến các sinh viên ĐHTĐT đã nhận bằng có chữ ký chức danh GS của ông (7) , bảo họ trở về trường, đổi lại văn bằng do một phó hiệu trưởng ĐHTĐT ký.

-Công bố trên báo chí việc xin lỗi GS-TSKH Bùi Mạnh Nhị vì đã thách thức trên báo chí(ra tối hậu thư đòi khởi kiện ông này) (5) , đồng thời công khai hủy bỏ ý đinh khởi kiện ông này ra Tòa án.

-Hành xử đúng pháp luật (không ngồi xổm trên pháp luật nữa) bằng cách tự công bố trước công luận , tự hủy bỏ chức danh GS đã tự phong tháng 12/2012 (8) , thông báo công khai  ‘’Bộ tiêu chuẩn bổ nhiệm GS của TDTU’’ vừa được trường thông qua tháng 7/2015 (8) để các ĐH khác rộng đường tham khảo, ngay sau đó lập tức thực hiện quy trình bổ nhiệm GS theo đúng pháp luật hiện hành, để gấp rút phong lại chức GS mới cho ông.

Được như vậy, ông đã trả lời câu hỏi(cũng là lời khuyên nhủ chân tình) của đồng nghiệp-GS Nguyễn Đăng Hưng (7)

Hỡi ngài ‘’giáo sư’’ Lê Vinh Danh, tôi xin được gọi chức ''giáo sư'' của ngài một lần chót, trước khi ngài tỉnh ngộ  hủy bỏ cái ''chức vụ'' trời ơi đất hỡi này! Người xưa thường nói:''Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn'' (biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ). Tầng lớp phụ huynh và hàng vạn sinh viên rất mong ngài tránh xa con đường bá đạo, thành tâm đến với con đường vương đạo.

Cuối cùng,như thường lệ, để kết thúc bài viết này , xin được gửi đến quý bạn đọc câu đối đọc thư giãn:

  *Từ tự phong đến tự diệt,cà lăm cà lắp,cố đấm ăn xôi (9), xài thủ thuật ngụy biện'' đánh bùn sang ao (9) mới'',vinh danh bằng háo danh,tiếm danh vô chính danh khiến''ngàn năm bia miệng trơ trơ.''(10)

 

  *Mặc bổ nhiệm hay bổ ngửa,cãi chày cãi cối,thùng rỗng kêu to (9),chơi thủ đoạn hiểm hóc''cả vú lấp miệng em''(9) ,mưa to như mưa nhỏ (11),ném đá vô tội vạ (3) làm''trăm năm bia đá hao mòn.''(10)

 

CHÚ THÍCH: 

 






         +(6): Mượn cách nói thẳng thắn của ông Nguyễn Bá Thanh,cố Bí thư TP Đà nẵng,cố Trưởng ban Nội chính TƯ 

         +(7): Trích'' Thư ngỏ gửi ông Lê Vinh Danh'' của GS Nguyễn Đăng Hưng trên  www.ndanghung.com    


          + (9) : Thành ngữ,tục ngữ Việt nam

          + (10): Mượn ý ca daoViệt nam 
             + (11): Thành ngữ Việt nam thời hiện đại.Ý nói:đánh đồng giá trị,cào bằng tác dụng giữa mưa to và mưa nhỏ.  

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire