Hồng Thủy
(GDVN) - "Tôi tin rằng họ sẽ tôn trọng tôi bằng cách
bàn giao chiếc tàu cá vi phạm ấy. Tôi nghĩ là một nước lớn không nên bắt nạt
các nước nhỏ hơn".
The Straits Times ngày 4/4 đưa tin, lập trường cứng
rắn trong các vấn đề hàng hải trên Biển Đông của bà Susi Pudjiastuti - Bộ
trưởng Bộ Thủy sản Indonesia đã giúp bà trở nên nổi tiếng. Trong một cuộc thăm
dò dư luận gần đây, người dân Indonesia xem bà Susi Pudjiastuti như một Bộ
trưởng làm việc hiệu quả nhất trong Nội các của Tổng thống Joko Widodo.
Trước khi trở thành Bộ trưởng Thủy sản Indonesia, bà
Susi Pudjiastuti là một doanh nhân điều hành doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy
sản thành công, và một công ty hàng không - Susi Air.
Bộ trưởng Thủy sản Indonesia bà Susi Pudjiastuti, ảnh: Reuters / The Straits Times. |
Nổi tiếng với
"bàn tay sắt" trước hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông
Bà trở thành tâm điểm chú ý của báo giới với tuyên bố,
Indonesia quyết không từ bỏ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng
đặc quyền kinh tế ở Biển Đông.
Thông điệp được bà Susi Pudjiastuti đưa ra sau khi 1
tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã vào tận vùng đặc quyền kinh tế Natuna tông vào
tàu tuần tra Indonesia để giải vây cho một tàu cá vi phạm.
Kể từ khi nhậm chức năm 2014, bà Susi Pudjiastuti đã
ra lệnh đánh chìm 153 tàu cá nước ngoài đánh bắt trộm trong vùng biển
Indonesia. Tuần này bà dự kiến đánh chìm tiếp 31 tàu cá.
Bà cũng yêu cầu Bắc Kinh giao lại tàu cá Trung Quốc vi
phạm vùng đặc quyền kinh tế Natuna tháng trước và được tàu Cảnh sát biển Trung
Quốc giải vây bất hợp pháp, để Indonesia xét xử và đánh chìm.
"Tôi tin rằng
họ sẽ tôn trọng tôi bằng cách bàn giao chiếc tàu cá vi phạm ấy. Tôi nghĩ là một
nước lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ hơn",
Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cho biết khi được hỏi về vụ va chạm mới nhất với
Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc vẫn chưa chính thức đáp ứng hay phản hồi gì
về yêu cầu của Indonesia trong việc bàn giao tàu cá vi phạm, nhưng bà Susi
Pudjiastuti tin rằng việc trừng phạt các tàu cá vi phạm không làm tổn thương
mối quan hệ với Trung Quốc.
Về việc bà sẽ tiếp tục hành động cứng rắn, đánh chìm
các tàu cá nước ngoài vi phạm luật pháp Indonesia, bà Susi Pudjiastuti nói: "Việc đánh chìm các tàu cá nước ngoài cũng là vạn
bất đắc dĩ chứ chẳng phải vui vẻ gì, nhưng chúng tôi phải tạo ra mạng lưới ngăn
chặn hành vi vi phạm và thực thi hiệu quả Hiến pháp, pháp luật Indonesia."
Từ người mẹ đơn
thân đến doanh nhân thành đạt, Bộ trưởng làm việc hiệu quả nhất
Susi Pudjiastuti là một đồng minh thân cận của ông
Joko Widodo và là một trong số ít thành viên Nội các vượt qua cuộc cải tổ năm
ngoái. Vợ chồng ông Joko Widodo cũng đã có mặt trong lễ tang con trai cả của bà
Susi Pudjiastuti, Panji Hilmansyah, người qua đời vào tháng Giêng năm nay ở
tuổi 31 vì bị suy tim.
Bà Susi Pudjiastuti là một người mẹ đơn thân đang sống
cùng một cậu con trai nhỏ và con gái từ một cuộc hôn nhân khác.
Ông Joko Widodo cũng xuất thân từ một doanh nhân kinh
doanh đồ nội thất. Tổng thống Indonesia và Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti
có chung "lý lịch" làm kinh doanh thành công trước khi bước chân vào
chính trường.
Susi Pudjiastuti bắt đầu hoạt động kinh doanh từ năm
1983 với việc mở công ty phân phối thủy sản tại một chợ đấu giá thủy sản ở quê
nhà, Pangandaran ở Tây Java.
Năm 1996 công ty của bà phát triển thành một doanh
nghiệp chế biến thủy sản lớn, chuyên cung cấp tôm hùm chất lượng cao với thương
hiệu Susi và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Chính nhu cầu phát triển thị trường cho hàng thủy sản
tươi sống mà công ty bà kinh doanh đã thôi thúc Susi Pudjiastuti mua máy bay để
đưa sản phẩm của mình trực tiếp đến các thị trường quốc tế như Singapore, Hồng
Kông và Nhật Bản.
Khi trận động đất và sóng thần khủng khiếp xảy ra ở Ấn
Độ Dương, ập đến Aceh phía Tây đảo Sumatra ngày 26/2/2004, bà Susi Pudjiastuti
đã cùng chiếc máy bay Cessna là một trong những lực lượng phân phối viện trợ
cứu giúp các nạn nhân đầu tiên ở các khu vực bị cô lập.
Công ty Susi Air của bà Susi Pudjiastuti hiện đang sở
hữu và khai thác 50 chiếc máy bay, bao gồm cả trực thăng, với 225 chuyến bay
mỗi ngày trong nước cũng như khu vực. Năm 2014 bà Susi Pudjiastuti được ông
Joko Widodo mời tham gia Nội các.
Mặc dù phải từ bỏ vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám
đốc hai doanh nghiệp thành công do mình gây dựng ít nhất đến khi rời chính
trường, bà Susi Pudjiastuti không bao giờ bỏ qua sự nhạy bén vốn có trong kinh
doanh trong các hoạt động chính trị.
Dư luận Indonesia cũng có những tiếng nói chỉ trích bà
rằng, hoạt động cứng rắn của Bộ trưởng Thủy sản đang làm tổn thương ngành công
nghiệp đánh bắt của nước này. Tuy nhiên bà Susi Pudjiastuti nói với The Straits
Times, đó là tiếng nói của những người có quyền lợi bị ảnh hưởng.
Susi Pudjiastuti vẫn kiên quyết thực hiện công việc
theo đường lối cứng rắn, bởi càng điều chỉnh, năng suất đánh bắt của Indonesia
sẽ càng cao.
Một số người chỉ trích bà Susi Pudjiastuti điều hành
Bộ Thủy sản như "doanh nghiệp sân sau" của mình. Bà đã bác bỏ các cáo
buộc này và đánh giá cao đóng góp của đội ngũ nhân viên dưới quyền, 11 ngàn cán
bộ công chức của Bộ Thủy sản đều là người "có ăn có học".
"Phụ tá của
tôi là những giáo sư, tiến sĩ, cựu Bộ trưởng. Xung quanh tôi là những người có
học thực sự, ít nhất là những cử nhân tốt nghiệp đại học. Người duy nhất trong
ngành chưa có bằng đại học chính là Bộ trưởng Thủy sản",
bà Susi Pudjiastuti cho hay.
Để hồi sinh ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản và
công nghiệp đóng tàu của Indonesia, bà Susi Pudjiastuti đã cố gắng tối đa hóa
tiềm năng của ngành bằng nhiều biện pháp khác nhau, hiện đại hóa công nghiệp
đánh bắt, bãi bỏ các hoạt động trung chuyển và thúc đẩy mạnh mẽ việc chống đánh
bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Susi Pudjiastuti là nữ Bộ trưởng có công đầu trong
việc giải quyết vấn nạn đánh bắt trộm thủy sản, mà theo báo cáo của chính quyền
Tổng thống Joko Widodo, mỗi năm ngốn của nước này từ 20 đến 25 tỉ USD.
Hồng
Thủy
Nguồn:
Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire