Ngô Nhân Dụng - Người Việt Online June 14, 2016
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú
Trọng muốn chứng tỏ ông cũng thân thiện với dân Việt Nam không thua gì ông
Barack Obama. Obama đi ăn bún chả là gần gũi với người Hà Nội sao? Ông Trọng
cũng mới đi thăm một cửa hàng bán thịt, rất nhiều thịt chứ không phải chỉ có
mấy miếng chả! Ban Tuyên Giáo chọn một tấm hình ông đưa lên mạng. Ông đứng
trước một dẫy thịt treo lủng lẳng, coi phong độ hơn cảnh Obama cầm chai bia tu
ngon lành. Ông chỉ thua Obama trong một chi tiết nhỏ, là không đứng khoác vai
chụp hình với ông bán thịt và mấy khách hàng. Nhưng trông bộ áo được là ủi
thẳng thớm của ông, suốt đằng sau chỉ thấy một cái đuôi các đồng chí bận đồ lớn
mà không có ma nào đang mua thịt, thì người dân phải thông cảm. Có lẽ anh hàng
thịt đứng sau quầy cũng là một đồng chí công an, bữa nay nhận công tác mới vì
không cần đem dùi cui đi đánh bọn dân biểu tình chống Trung Quốc!
Có lẽ ông Nguyễn Phú
Trọng chọn đến quầy bán thịt là vì “Chiến Dịch Chống Thực Phẩm Bẩn” đang tố cáo
họ đã tìm ra), chỉ trong vòng ba tháng, 500 vụ bán thực phẩm bẩn (tức là hư,
mất vệ sinh, thiu thối. Trong bức hình đưa lên mạng, ông Trọng đang đưa bàn tay
lên như tuyên thệ: “Tôi xin long trọng thề rằng mấy miếng thịt này chưa ôi!”
Hành động thăm dân của
ông Trọng chứng tỏ ông đang thực hiện lời ông kêu gọi các đảng viên Cộng Sản
trong hội nghị công tác dân vận, được tổ chức ngay sau khi ông Obama rời Việt
Nam. Ông dạy các đảng viên rằng vấn đề đầu tiên cần quan tâm là “chăm lo đời
sống, hạnh phúc của nhân dân. Ðây là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý
của đảng, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm, gắn bó của nhân dân đối với đảng.”
Bởi vì, ông nhắc lại lời Nguyễn Trãi, “Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như
sức nước!” Nói được câu đó là Nguyễn Phú Trọng không thua gì Obama dẫn hai câu
thơ Lý Thường Kiệt.
Dân Việt Nam lập tức đem
so sánh Nguyễn Phú Trọng với Obama. Ông Lê Tân đưa bức hình đồng chí Trọng thăm
hàng thịt lên trang mạng, lại chú thích rằng: “Trọng Lú bắt chước Obama hỏi
thăm dân tình!” Ông còn viết cả một bài thơ để diễn tả ý đó. Có thể nói, dư
luận dân Việt, nhất là giới trẻ, có phần thiên lệch. Cảm tình của họ nghiêng
hẳn về phía Obama! Dư luận thiên vị cũng vì hành động của ông Trọng có vẻ khác
thường. Khi đi Hà Tĩnh giữa lúc cá chết giạt vào trắng xóa bờ biển, ông Nguyễn
Phú Trọng chỉ tới trò chuyện với ban giám đốc công ty Formosa mà không thèm quá
bộ đi hỏi người dân một câu nào!
Người Việt Nam không
thiên vị. Bà con ta đã nhìn thấy một nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu cường
quốc số một thế giới, biểu lộ một phong cách bình dị, cởi mở, thân thiện một
cách tự nhiên, không cần cố gắng đóng trò. Những người dân Việt Nam từ Hà Nội
đến Sài Gòn đã đứng đón ông từ sân bay trở về và tiễn ông đi. Hàng trăm ngàn
người Sài Gòn tự nguyện xếp hàng, cầm cờ Mỹ, mang băng rôn tự viết tay, treo
hình ảnh chào Obama. “Họ đón ông như đón một người thân đi xa trở về,” blogger
Nguyễn Quang Chơn viết, và tự hỏi: “Ôi bao giờ trên đất nước tôi xuất hiện một
người lãnh đạo có nhân cách, có văn hóa, có tài, có tình, như ông?”
Bao giờ nước Việt Nam có
những người lãnh đạo như vậy? Có phải vì trong 90 triệu dân không có ai đủ
thông minh, thích giản dị, thương yêu mọi người như Barack Obama hay không?
Nghĩ như vậy là oan cho
dân tộc Việt Nam! Nước ta có hàng triệu người tài cán và tử tế không kém gì ông
tổng thống Mỹ bây giờ. Nhưng họ không có cơ hội. Những người trong đảng Cộng
Sản ngoi lên được cái ghế lãnh đạo thì không hề tập lối sống như các ứng cử
viên tổng thống hay đại biểu Quốc Hội ở một nước dân chủ. Bởi vì họ cũng không
có cơ hội “tập huấn” phong cách đó.
Ông Barack Obama là sản
phẩm của một xã hội quen sống trong tự do dân chủ. Ông đã ngoi lên bằng những
công việc phục vụ cộng đồng, đi quét nhà trong những xóm nghèo, đi bưng com mời
những người đói. Khi muốn thành nghị sĩ, ông đã phải chinh phục lòng tin và
tình thương của hàng triệu cử tri. Ðời sống chính trị một nước tự do bắt buộc
các ứng cử viên phải tập lối sống gần gũi với người dân.
Cho nên người Việt Nam
được thấy một vị tổng thống Mỹ biết đùa cợt, biết tỏ ra kính trọng người đối
diện dù đó là một sinh viên hay một bà chủ quán bún chả. Ngay cả khi đứng trên
bục đọc diễn văn, một bài diễn văn mở đầu một chuyến công du, Obama vẫn biểu lộ
phong thái đó. Ông Vũ Tú Thành, một cựu nhân viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhận
xét: “Ông ta có khả năng tiếp cận với từng người một trong một gian phòng 2,000
người - tuyệt vời!... Nhiều người Việt Nam đang khát khao muốn nhìn thấy cảnh
đó... Có một niềm ngưỡng mộ giống như trong tín ngưỡng.” Trong tín ngưỡng, khi
người ta tin một người là tốt, là đáng kính trọng, người ta ngẩng lên nhìn
(ngưỡng) với tình yêu không ngần ngại (mộ).
Nhắc đến chuyện tôn
giáo. Dù nhiều người chỉ trích việc đưa ông Obama tới ngôi chùa mang mầu sắc
đạo giáo gốc Trung Hoa, một Phật tử vẫn nêu lên trên mạng hình ảnh một Obama
“khi vào chánh điện lễ Phật, ông đã tự cúi mình xuống cởi bỏ giày!” Người chú ý
đến cử chỉ bình thường đó còn viết một bài “kệ tán thán” để khuyên mọi người noi
theo: “Lành thay tổng thống Mỹ - Cởi giày vào chánh điện - Chấp tay kính lễ
Phật - Với thân tâm thanh tịnh.” Tại sao vị Phật tử này nghĩ rằng ông Obama,
một tín hữu Tin Lành, trong lúc chắp tay vái bàn thờ Phật cũng đang sống “Thân
tâm thanh tịnh?”
Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Chỉ một tâm lý tín ngưỡng mới đưa tới cách nhìn chủ quan như thế. Nêu lên thái độ của vị Phật tử trên, để chúng ta thấy ông Obama đã chạm tới được những trái tim của bao nhiêu người Việt Nam!
Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Chỉ một tâm lý tín ngưỡng mới đưa tới cách nhìn chủ quan như thế. Nêu lên thái độ của vị Phật tử trên, để chúng ta thấy ông Obama đã chạm tới được những trái tim của bao nhiêu người Việt Nam!
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh,
người bưng bún chả cho ông Obama ăn trong quán, nói với nhà báo ngoại quốc:
“Tôi mong muốn có một người lãnh đạo giống ông ta.” Muốn nước mình có một người
lãnh đạo giống ông ta! Câu nói đơn sơ, buột ra cửa miệng của một phụ nữ 24 tuổi
khiến mọi người phải so sánh Obama với các lãnh tụ Cộng Sản vẫn đưa mặt lên
truyền hình mỗi ngày. Người ta nhìn thấy trong đoạn phim cảnh Obama và Trần Ðại
Quang cùng đứng trả lời các nhà báo. Obama thoải mái nhìn thẳng vào mắt mỗi
phóng viên đặt câu hỏi. Còn Trần Ðại Quang đứng trơ cứng như cây gỗ khô, khi
trả lời mắt thì vẫn nhìn đâu đâu!
Trong cuộc gặp gỡ giữa
ông Obama và giới trẻ ở Sài Gòn, chỉ vài tiếng đồng hồ, các bạn trẻ được thấy
một “phong thái” Obama hiển hiện. Chắc họ không ngờ con người một tổng thống
nước Mỹ lại bình dị, gần gũi như vậy. Khi một nữ sinh viên cho biết đang học
tại tiểu bang Montana, ông Obama hỏi thăm thời tiết lạnh ở đó, “Cháu tới
Montana vào Tháng Giêng không? Montana đẹp tuyệt, có những ngọn núi rất cao.
Thế cháu có tập câu cá không? Có à? Còn tập cưỡi bè trôi trên thác, suối nữa?
Cháu thật tuyệt!”
Những câu đối đáp này
không nhà chính trị nào có thể sắp đặt trước, không ai có thể soạn ra và viết
sẵn, chỉ cần đọc lại. Khi một ông tổng thống đứng trước hai ngàn người trẻ
tuổi, sẵn sàng ứng khẩu giải đáp bất cứ câu hỏi nào, người ta thấy một người
lãnh đạo có bản lĩnh, hiểu biết rộng đủ mọi đề tài, trong lòng thành thật không
có ý lòe ai, cũng không sợ ai hơn mình, cho nên đủ tự tin đối đáp trong mọi
hoàn cảnh. Khác hẳn những ông thủ tướng hay chủ tịch nước khi ra nước ngoài lúc
nào cũng chỉ biết mở bài diễn văn viết sẵn ra đánh vần từng chữ!
Nhưng trong đoạn đối
thoại với cô sinh viên Ðại Học Montana, ông Obama còn cho thấy khuynh hướng tự
nhiên là chú trọng đến cá nhân người đối diện. Ông không hỏi cô học môn gì, có
hấp thụ được những hiểu biết mới mẻ hay không, có thích chế độ, xã hội nước Mỹ
hay không. Ông hỏi cảm tưởng cô về khí hậu, về phong cảnh, về trò giải trí! Ðó
là cách giao tiếp của một con người với một con người.
Cho nên giới trẻ Sài Gòn
đã nhìn thấy trước mặt họ một người có thể ngồi uống bia và trò chuyện bên vỉa
hè với mình. Một người “chơi được!” Nhiều họa sĩ đã vẽ chân dung ông Obama đưa
lên mạng. Coi những bức vẽ này, ta thấy nhiều hình vẽ ông mỉm cười, có lúc trầm
ngâm hay nghiêm nghị. Nhưng họa sĩ sinh viên Thịnh Thánh Thiện ở Quảng Nam đã
vẽ một Obama đang nháy mắt, trều môi làm hề. Lê Công Duy Tính ở Gia Lai vẽ
Obama đang nhỏ lệ. Những cách nhìn tinh nghịch, đùa cợt này biểu lộ tình thân,
cho thấy người họa sĩ cảm thấy gần gũi nhân vật mình vẽ, có thể cười đùa, trêu
chọc được.
Phong cách ứng xử của
Obama không có một ban tuyên giáo nào tạo ra được. Ông ta chinh phục được lòng
người, chinh phục những cử tri Mỹ khi ông tranh cử. Ðã quen rồi, năm nay qua
Việt Nam ông lại chiếm được trái tim ái mộ của bao nhiêu người mà ông không bao
giờ cần lá phiếu.
Tất cả chỉ vì Obama là
sản phẩm của một xã hội tự do dân chủ. Ở đó, những người làm chính trị phải đi
xin từng lá phiếu của dân. Lên cầm quyền thì phải làm sao cho dân đừng “chửi.”
Họ không cần một đàn công an văn hóa sủa hàng ngày ca tụng họ, cũng không cần
bịt mồm bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Mà ai muốn bịt miệng người
khác cũng không được!
Ông Nguyễn Phú Trọng có
thể bắt chước ông Obama được hay không? Muốn tạo được một phong thái bình dị,
thành thật và cung kính, ông Trọng phải bắt đầu lại cuộc đời chính trị của
mình. Phải xin phiếu của dân, phải chinh phục trái tim và đầu óc của hàng triệu
người bằng hành động. Nhưng trên hết, phải tự thay đổi bản thân mình, biết đặt
của khát vọng của người dân và giá trị con người lên trên quyền lợi phe đảng
mình. Những người lãnh đạo muốn tập lối sống như vậy thì nước Việt Nam phải
sống tự do dân chủ.
Thay đổi này chắc khó
lắm, ông Nguyễn Phú Trọng chắc không đủ thời giờ. Nhưng ông có thể giúp cho các
nhà lãnh đạo tương lai của nước ta tập lối sống đó. Trong một thế hệ, nước Việt
Nam sẽ có những người lãnh đạo với phong cách đáng mến không thua ông Obama!
Ngô Nhân Dụng - Người Việt Online June 14, 2016
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire