30/08/2016

Đằng sau tiếng súng


Tác giả: Nguyễn Quang Dy

KD: Vụ việc bắn nhau ở Yên Bái giữa các quan chức đã khiến cả xã hội chấn động mạnh, và nhìn nhận dưới góc độ rất khác nhau. Tác giả Nguyễn Quang Dy vừa gửi cho Blog KD/KD một bài viết ngắn bàn về chủ đề này. Cảm ơn tác giả và xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ.

Vụ việc này phản chiếu một sự suy thoái đạo lý, một sự khủng hoảng sâu sắc trong guồng máy c/q,  trong bối cảnh các lợi ích nhóm hoành hành, mà Yên Bái là một điểm “mục”… 






Thường sau vụ nổ súng gây án mạng “xong rồi”, người ta mới giật mình xử lý “quyết liệt” và bình luận ồn ào, rồi sau đó đâu lại vào đấy. Bi kịch bạo lực tại Yên Bái không phải lần đầu và chắc không phải lần cuối. Đó không phải là khủng bố mà là hình sự. Nó tương tự như vụ Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng) và Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), mà chắc nhiều người đã quên. Phải chăng xã hội quá nhạy cảm với hiện tượng, nhưng lại quá vô cảm với nguyên nhân và hệ quả? Muốn ngăn chặn nó, cần hiểu đằng sau tiếng súng là gì.

Thứ nhất, nó phản ánh não trạng bạo lực và cực đoan trong xã hội ngày càng gia tăng, đến mức báo động. Người ta xử lý nhau vì “ân oán giang hồ” không phải chỉ trên đường phố hay tư gia, mà ngay trong cơ quan công quyền (Tỉnh ủy và UBND). Xã hội đã trở nên cực đoan và bạo lực toàn diện, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.  

Thứ hai, nó phản ánh mâu thuẫn nội bộ (đặc biệt là xung đột lợi ích nhóm và cá nhân) đã tới đỉnh điểm, vì tham nhũng và tranh giành quyền lực cho “chuyến tàu vét”, như ung thư giai đoạn cuối. Khi ân oán không còn lối thoát thì dùng bạo lực. Đó là quy luật (luật rừng). Vụ Dương Chí Dũng khai ra tướng Phạm Quý Ngọ (dẫn đến cái chết của tướng Ngọ) là một ví dụ. Vụ “Chân dung Quyền lực” là một ví dụ khác, về ân oán giang hồ.

Thứ ba, nó phản ánh sự bất lực của hệ thống an ninh xã hội và “bảo vệ nội bộ”, tuy dầy đặc và tốn kém, nhưng không hiệu quả. Lực lượng công an tuy khổng lồ, ngân sách an ninh không kém quốc phòng. Hệ thống tổ chức xã hội và kiểm soát “chính trị tư tưởng” chặt chẽ, từ trung ương tới các địa phương. Tuy dầy đặc nhưng vẫn bất lực.  

Thứ tư, nó phản ánh tâm trạng và thái độ bất hợp tác của dân chúng. Họ vừa bất bình đối với vấn nạn tham nhũng và cơ chế bất bất minh/bấtlực trước những nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia và môi trường sống. Họ vừa thờ ơ, vô cảm đối với những mất mát của quan chức và chính quyền. Cái hố ngăn cách giữa quan và dân ngày càng lớn.  

Thứ năm, nó cảnh báo về làn ranh đỏ (red line) là giới hạn chịu đựng của một xã hội trước các vấn nạn quốc gia không được tháo gỡ, do ách tắc về hệ tư tưởng làm chậm cải cách thể chế. Nếu không cải cách hệ thống tư pháp để mọi người ứng xử theo pháp quyền (law and order), thì người ta sẽ xử lý nhau bằng luật rừng. Nếu không có luật biểu tình thì chính quyền sẽ tự do dùng bạo lực để đối phó với dân chúng. Nếu thiếu tự do dân chủ và nếu môi trường sống quá bất an thì người ta sẽ ôm tiền ra đi để định cư tại một nước khác.

Tóm lại, đằng sau vụ nổ súng giữa các quan chức cấp tỉnh tại Yên Bái đầy tính giang hồ, là một loạt lỗ hổng về thể chế, phản ánh các vấn nạn xã hội chưa được tháo gỡ. Để càng lâu càng phải trả giá cao hơn. Trước sức ép quốc gia và quốc tế hiện nay, muốn thoát Trung và thoát hiểm về kinh tế và quốc phòng, phải hội nhập kinh tế tòan cầu và an ninh khu vực. Phải cải cách thể chế và nới lỏng quyền tự do dân chủ. Không còn cách nào khác!

NQD. 20/8/2016

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire