Thông thường, theo luật định, sau 5 ngày làm việc (tức ngày mai, Thứ Hai, 3/10/2016), Tòa án Kỳ Anh phải ra một trong các quyết định sau:
a/. Yêu cầu nguyên đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi
kiện.
b/.Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án.
c/.Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền.
d/.Trả lại đơn khởi kiện (tức không thụ lý vụ án).
Nhiều người dự đoán, Tòa án Kỳ Anh sẽ không dám
ra quyết định thụ lý vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn (tức từ chối
thụ lý vụ án) vào ngày mai, 3/10/2016, mà sẽ tìm cách câu giờ! Cách câu giờ khả
dĩ nhất là Tòa sẽ yêu cầu các nguyên đơn sửa đổi, bổ sung các đơn khởi kiện để
Tòa có thời gian đợi chỉ thị của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, và cũng để cho lãnh đạo cao
hơn có thời gian bàn bạc, nghiên cứu, tìm cách ứng phó trước khi có ý kiến chỉ
đạo thống nhất cuối cùng!
Nếu Tòa án Kỳ Anh, sau chỉ đạo của Tỉnh ủy
Hà Tĩnh, nại lý do ngư dân giáo xứ Phú Yên (Quỳnh Lưu-Nghệ An) không nằm
trong vùng biển bị đầu độc ở 4 tỉnh miền Trung để trả lại đơn kiện, từ chối
thụ lý vụ án này, cho dù mọi người thừa
biết ngư trường đánh bắt hải sản xưa nay của họ chính là vùng biển vừa bị
Formosa đầu độc, thì chẳng khác nào Tòa án Kỳ Anh đã tiếp thêm sức công phá
cho quả bom FHS Hà Tĩnh!
Nhưng
nếu Tòa thụ lý, mang ra xét xử, cũng đừng nên vội đoán bên nào sẽ thắng kiện,
người dân hay Formosa? Nhiều luật sư đã khẳng định chắc chắn 100% là người dân
sẽ thắng! Tôi cũng tin là như vậy! Nhưng ở đất nước Việt Nam ta, không thể đoán
trước được kết quả bất cứ điều gì nếu chỉ đơn thuần tin vào công lý và dựa vào
pháp lý! Theo thiển ý của tôi, trong vụ khiếu kiện này, nếu Tòa thụ lý và đưa
ra xét xử, cho dù bên nào thắng kiện thì Chính phủ cũng sẽ là người thua! Không
chỉ thua trước niềm tin và con mắt của toàn thể người dân Việt Nam, mà còn thua
trước công luận quốc tế nữa! Do vậy, tôi đoán Chính phủ đang rất đau đầu tìm
phương án các bên đều thắng (win-win-win). Nhưng xem ra, đây là phương án bất
khả thi! Xưa nay phương án 2 bên cùng thắng (win-win) cũng là rất khó khăn và hiếm
hoi, nay cả 3 bên cùng thắng (win-win-win), theo tôi, đấy chỉ là ảo tưởng!
Theo thông lệ, mọi vụ án dân sự, sau
khi thụ lý và trước khi đưa ra xét xử công khai, Tòa bao giờ cũng phải tiến
hành thủ tục hòa giải! Nhưng phía Formosa đã sớm dội gáo nước lạnh vào khả năng
này. Dư Khánh Chương, Phó Tổng Giám đốc Formosa Hà Tĩnh, được hãng tin CNA Đài
Loan dẫn lời nói rằng “Vụ việc này sẽ
do Chính phủ Việt Nam giải quyết. Công ty chúng tôi không can dự!” .Thật
là ngang ngược hết sức! Xin hỏi, chính các ngươi cách đây 3 tháng đã thú nhận là
thủ phạm gây ra thảm họa cá chết, biển chết. Nay các ngươi là bị đơn của vụ kiện này, các ngươi định rũ bỏ
trách nhiệm, nghĩa vụ một cách ngang ngược vậy sao? Phải chăng các ngươi nghĩ rằng
đã nắm được “điểm yếu” hoặc dựa vào “thỏa thuận ngầm” gì đó với đối tác nên mới
dám mạnh mồm như vậy? Cũng giống như trước đây, Chu Xuân Phàm, phát ngôn viên đối
ngoại của các ngươi, đã hỗn hào thách thức Chính phủ và nhân dân Việt Nam khi
tuyên bố ”Chỉ có thể chọn một: hoặc là
tôm cá hoặc là thép! Làm đến Thủ tướng cũng không thể chọn cả 2 được!”
Chu Xuân Phàm xắc xược như vậy là bởi mấy ngày trước đó, hắn đã được bảo kê để tuyên
bố như vậy! Trở lại câu nói của Dư Khánh Chương là mọi việc đã được giải quyết
xong. Vậy, phải chăng Formosa bỏ ra 500 triệu USD là hết trách nhiệm và nghĩa vụ,
không còn dính dáng gì về vụ cá chết, biển chết nữa ư? Y muốn đá quả bóng trách
nhiệm cho Chính phủ Việt Nam đứng ra giải quyết vụ kiện này như là việc nội bộ của
phía Việt Nam, còn Formosa không can dự và liên quan gì nữa vì đã “làm hết bổn
phận và trách nhiêm” à? Dư Khánh Chương căn cứ vào đâu để dám nói như vậy? Chắc hẳn tên này dựa vào điều khoản nào đó của
Thỏa thuận song phương giữa Chính phủ và Formosa nên mới dám mạnh mồm như vậy?
Trước
những thông tin trái ngược như vừa nói, nhằm minh bạch việc có hay không chuyện
“đi đêm” hay “thỏa thuận ngầm” gì đó giữa Chính phủ và Formosa, xin đề nghị với
Chính phủ cho công bố toàn văn Bản thỏa thuận song phương giữa Chính phủ và
Formosa về việc chấp nhận 500 triệu USD tiền đền bù thảm họa môi trường biển 4
tỉnh miền Trung để nhân dân biết! Chính phủ vẫn thường nói mọi cái cần phải
công khai, minh bạch. Vậy việc Chính phủ đứng ra thỏa thuận với Formosa giải
quyết hậu quả của thảm họa cá chết, biển chết, nội dung và các điều khoản thỏa
thuận như thế nào, rất nên và cần phải công khai để nhân dân toàn quốc, đặc biệt
là các nạn nhân trực tiếp (tức ngư dân 4 tỉnh miền Trung) biết rõ và thực hiện,
đồng thời cũng để làm cơ sở cho việc giám sát và thực thi thỏa thuận này!Viết đến đây thì vừa nhận được tin đang xảy ra biểu tình của 6.000 giáo dân (có tin nói là 10.000 người) trước cổng đại bản doanh Formosa ở Thị xã Kỳ Anh trong Hà Tĩnh! Đọc tin và xem các video clips cho thấy cuộc biểu tình đang diễn ra rất ôn hòa, có tổ chức, nhưng rất quyết liệt. Song cả 2 bên, người biểu tình cũng như lực lượng CSCĐ, đều giữ được bình tĩnh, chưa bên nào vượt quá giới hạn! Chưa rõ bà con giáo dân tham gia và các đức cha đứng ra tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình này có bị khởi tố về tội “tụ tập đông người” hoặc “gây rối trật tự công cộng” hay không, nhưng điều rõ rệt nhất tôi thấy được qua cuộc biểu tình đang xảy ra trước Đại bản doanh Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh là người dân đã vượt qua được nỗi sợ hãi, và sức mạnh của quần chúng nhân dân là vô địch!
Quả đúng như cổ nhân xưa nay nói: “Việc gì phải đến, tất sẽ đến! Điều gì cần làm, ắt sẽ được làm”! Đây không chỉ là quy luật mà còn là ý chí và quyết tâm của con người ở bất cứ đâu và ở bất thời đại nào trên thế gian này!
Hà Nội, trưa ngày 2/10/2016.
N.Đ.Q.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire