Ngô Nhân Dụng
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Nixon |
Dư luận ở Mỹ vẫn còn bàn về những lời tố
cáo Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm cách gây ảnh hưởng trên kết quả cuộc bầu
cử tổng thống vừa qua. Nhân dịp này, Nhật báo The New York Times mới nhắc lại một
chuyện quá khứ. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống
Mỹ năm 1968, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu cũng gây ảnh hưởng
trên cuộc bỏ phiếu ở Mỹ, một phần nào giúp ông Nixon đánh bại đối thủ là Phó
Tổng thống Hubert H. Humphrey, đảng Dân Chủ.
Cuối tuần rồi, tờ báo Times mới
đang bài “Nixon’s Vietnam Treachery” (Vụ phản bội của Nixon về Việt Nam). Mới
đọc, tưởng ký giả John A. Farrell kể một biến cố nào mới lạ; nhưng đọc
xong mấy đoạn thì chỉ thấy một sự kiện đáng kể nhất: Ông Richard Nixon từng nói
dối. Tiết lộ điều đó thì cũng mới lạ không khác gì khi tuyên bố: Trái đất quay
quanh mặt trời.
Nhưng đối với người Việt, thì câu chuyện
ông Nixon nói dối đáng chú ý. Vì điều ông muốn che đậy liên quan đến số phận
nước Việt Nam Cộng Hòa!
Có lẽ mục đích của kỳ giả Farrell chỉ cốt
quảng cáo trước cho cuốn sách ông sắp xuất bản về cuộc đời Tổng thống Richard
Nixon, với nhiều tài liệu mới. Tài liệu mới được ông Farrell trình bầy trong
bài báo là mấy chữ nguệch ngoạc trên một trang giấy viết tay của ông H. R. Haldeman, một phụ tá thân cận nhất của ông Nixon,
sau giữ chức chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc. Trang giấy được chụp hình đăng cùng
với bài báo. Những tài liệu này được Thư Viện Nixon giải mật, không còn bị giữ
kín nữa, từ năm 2007.
Những hàng chữ trên trang giấy này là
những ghi chú do ông Haldeman viết, chép lại lời ông Nixon dặn dò: “Hãy bảo
Anna Chennault làm việc trên chính phủ Nam Việt Nam” (Keep Anna Chennault
working on SVN), kèm với lời ghi ông Nixon bảo, hãy “thọc gậy bánh xe” vào kế
hoạch nghị hòa với Bắc Việt của Tổng thống đương nhiệm Lyndon B. Johnson, đảng
Dân Chủ.
Những ghi chú trên viết vào ngày 22 tháng
10 năm 1968, hơn hai tuần trước khi dân Mỹ đi bỏ phiếu. Lúc đó, ứng cử viên Dân
Chủ Hubert H. Humphrey bắt đầu lên, sau khi bị tụt phía sau suốt mùa hè, đang
bám sát ứng cử viên Cộng Hòa Richard Nixon. Dư luận phản chiến trong dân chúng
Mỹ đang lên cao. Điều khiến ông Nixon lo ngại là ông Johnson có thể tạo một
biến cố bất ngờ: Ông Johnson định tuyên bố ngưng ném bom Bắc Việt, lôi kéo cộng
sản Bắc Việt ngồi vào bàn hội nghị ở Paris, báo hiệu chiến tranh sắp chấm
dứt. Ông muốn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng ký tên trong bản tuyên bố
ngưng ném bom.
Vì vậy, “Vụ Anna Chennault” mới xẩy ra. Bà
Chennault là vợ góa của Claire Chennault, một vị tướng Không quân Mỹ nổi tiếng,
từng chỉ huy phi đoàn Cọp Bay thời thế chiến thứ hai tại chiến trường Miến Điện
và miền Nam Trung Hoa, khi Tưởng Giới Thạch kháng cự quân đội Nhật. Bà trở
thành một công dân Mỹ, hoạt động với đảng Cộng Hòa và thường xuyên vận động cho
chính phủ Đài Loan.
Theo bài báo của Farrell, Tổng thống
Johnson đã ra lệnh Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) theo dõi bà Chennault và họ
báo cáo: “Bà ta tiếp xúc với Đại Sứ Bùi Diễm,” đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại
Washington.
Theo bài báo trên thì bà Chennault tự giới
thiệu là chuyển lời nhắn trực tiếp từ ứng cử viên Nixon, nói với ông đại sứ,
bảo rằng: “Giữ vững! Chúng ta sẽ thắng … Xin nói với “boss” của ông hãy giữ
vững!” Thông điệp này nhờ ông đại sứ nhắn với “boss,” cấp trên, là Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu, đừng cộng tác với sáng kiến ngưng ném bom của Tổng thống
Johnson.
Bài báo của Farrell chỉ nhắc đến tên Đại
sứ Bùi Diễm đúng một lần. Nhưng nếu ký giả này đọc kỹ hồi ký “Gọng Kìm Lịch
sử” của Bùi Diễm thì chắc sẽ không kể câu chuyện một cách đơn giản như vậy.
Bản tiếng Anh “In the Jaws of History” của Bùi Diễm đã được xuất bản từ
năm 1987, bản tiếng Việt in năm 2000.
Bài báo của John A. Farrell khiến người
đọc có thể hiểu lầm rằng Đại sứ Bùi Diễm đã đóng vai “trung gian” giữa ban vận
động tranh cử của ông Nixon và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn. Đó là một
hành động không đúng với vai trò của một đại sứ, vì ông đại sứ chỉ làm đại diện
cho nước mình mà lại nhúng tay vào một cuộc tranh cử ở một quốc gia khác.
Trong cuốn Gọng Kìm Lịch sử, tác
giả Bùi Diễm đã thuật lại tường tận cả câu chuyện trên. Đối với một độc giả ở
Mỹ thì tất cả Vụ Chennault đã được kể công khai từ năm 1987, chứ không cần nhờ
đến bài báo của Farrell! Theo sách trên, Đại sứ Bùi Diễm đã được bà Chennault
nói cho biết ông Nixon muốn gặp từ tháng Sáu, trước khi ông chính thức được
đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử. Vì một ông đại sứ Việt Nam cần phải biết chủ
truong của cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm đó, cho nên ông Bùi Diễm đã
từng gặp Phó Tổng thống Hubert H. Humphrey cũng
như các nhân vật phụ trách ngoại giao của đảng Dân Chủ, ông thấy cũng nên gặp
ông Nixon. Theo đúng nguyên tắc, trước khi hẹn gặp ông Nixon,
ông Bùi Diễm đã gặp các vị thứ trưởng ngoại giao và cố vấn an ninh Tòa Bạch Ốc,
báo trước mình sẽ gặp ông Nixon. Cả hai người đều hoan hỉ, không phản đối.
Trong cuộc gặp gỡ một giờ đồng hồ giữa ông Bùi Diễm và ông Nixon, ngày 12 tháng
Bảy ở New York, hai bên chỉ nói chuyện về tình hình chiến sự Việt Nam, ông Bùi
Diễm nhấn mạnh tới nhu cầu tăng cường trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa
để có thể thay thế quân đội Mỹ. Ông Nixon và các phụ tá của ông không hề ngỏ ý
một lần nào về chiến dịch tran cử của họ.
Trong mấy tháng sau đó, Đại sứ Bùi Diễm đã
bay qua bay lại rất nhiều lần giữa Mỹ, Việt Nam và Paris, nơi cuộc hòa đàm đang
bắt đầu nhưng chỉ có hai phái đoàn Mỹ và Bắc Việt. Trong những báo cáo viết và
điện thoại với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước ngày dân Mỹ bỏ phiếu, ông Bùi
Diễm không bao giờ nhắc đến bà Chennault hoặc một người thân cận nào của ông
Nixon đề nghị điều gì với chính quyền Việt Nam. Hơn nữa, tòa đại sứ Việt Nam
lúc đó cũng biết mình bị đặt máy nghe lén!
Ba ngày trước khi dân Mỹ bỏ phiếu, Đại sứ
Bùi Diễm đã phải tiếp một ký giả chủ iên của toà báo Christian Science
Monitor, ông này yêu cầu ông đại cứ xác định một tin mật do một ký giả của
họ ở Sài Gòn gửi về, viết rằng “Đại sứ Bùi Diễm đã khuyến cáo Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu không nên gửi một phái đoàn đi dự hòa đàm ở Paris.” Và ký giả đó còn
thuật những tin đồn cho rằng chính phủ miền Nam sẽ trì hoãn việc tham dự hòa
đàm để ông Nixon đắc cử. Trước yêu cầu của người bạn từ báo Christian
Science Monitor Đại sứ Bùi Diễm đã từ chối không xác nhận và cũng không phủ
nhận, vì “Tôi chỉ là đại diện của một quốc gia, với nhiệm vụ tiếp xúc với mọi
thành phần trong giới chính trị ở Mỹ….” Tờ báo trên tỏ ra có tư cách đứng đắn,
đã không đăng bản tin giật gân đó sau khi không thể xác định sự kiện có thật
hay không!
Trong cuốn hồi ký Gọng Kìm Lịch sử,
tác giả Bùi Diễm còn nêu lên một sự kiện mà có lẽ ký giả Farrell và nhật báo The New York Times đã quên không chú ý. Theo ông Bùi Diễm, viết từ trước năm 1987, nếu bà
Chennault muốn nhắn một thông điệp nào của ứng cử viên Richard Nixon cho Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu, vào năm 1968, thì đường dây bảo đảm an toàn và có hiệu
quả nhất là qua ngả Đài Bắc. Bà Chennault là một nhân vật rất thân với chính
quyền Tưởng Giới Thạch. Lúc đó, đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đài Bắc là ông
Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột của ông Nguyễn Văn Thiệu. Ông Bù Diễm viết: “Dĩ nhiên
đối với ông Thiệu thì chắc chắn ông Kiểu phải là người đáng tin cậy hơn tôi, và
bà chennault có nói gì với ông Kiểu thì cũng không ai rõ.”
Cuối cùng, bài báo của John A. Farrell trên tờ The New York
Times chỉ kể một câu chuyện
cũ sau khi vẽ thêm “râu ria” mới bằng mấy hàng chữ viết tay của ông H. R. Haldeman, viết sau khi những trao đổi giữa tòa đại sứ Việt Nam ở
Washington và chính phủ Sài Gòn đã đầy những sự kiện và ý kiến về cuộc tranh cử
ở Mỹ cũng như về cuộc hòa đàm ở Paris. Quyết định của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không gửi phái đoàn dự hội đàm Paris
trước ngày dân Mỹ bỏ phiếu là do rất nhiều nguyên nhân, chứ không phải chỉ vì
những lời ông Nixon nhắn qua bà Chennault, nếu có.
Tuy nhiên, số phận miền
Nam Việt Nam đã được quyết định từ trước. Trong khi còn đang vận động tranh cử,
ông Nixon đã sai Henri Kissinger tới gặp riêng Anatoly Dobrynin, đại sứ Nga ở
Washington, cho biết rằng nếu đắc cử ông Nixon sẽ rút quân khỏi Việt Nam, dù
sau đó chính quyền có thể lọt vào tay cộng sản. Ông Nixon chỉ yêu cầu chính phủ
Nga Xô đừng có hành động nào khiến dư luận Mỹ nghiêng về phía đảng Dân Chủ.
Quả thật, vào lúc đó
nếu Nga xô bảo Bắc Việt nhượng bộ Mỹ một điều gì đó trong cuộc hòa đảm ở Paris,
cho dân Mỹ thấy chiến tranh hy vọng sắp chấm dứt, thì ông Humphrey sẽ được lợi
thế lớn! Nhưng Nga đã không can thiệp, và sau đó ông Nixon đã giữ lời hứa, rút
quân Mỹ khỏi Việt Nam. Nhưng ông không giữ lời hứa với chính phủ Việt Nam Cộng
Hòa!
Chỉ có một nhân vật
ngoại quốc gây ảnh hưởng trên kết quả bầu cử năm 1968, là ông Nguyễn Văn Thiệu.
Ông chỉ cần giúp ông Nixon thêm một triệu phiếu là đủ xoay chuyển kết quả cuộc
tranh cử gay go.
Nhưng bốn ngày sau có
kết quả bàu cử, Đại sứ Bùi Diễm kể, ông đang ngồi làm việc thì nghe chuông gọi
cửa. Vì hôm đó là Thứ Bẩy, ông đại sứ phải ra mở cửa, và thấy Nghị sĩ Everett
Dirksen, lãnh tụ khối Cộng Hòa ở Thượng viện đến bấm chuông xin gặp. Ông
Dirksen cho biết cả hai vị, tổng thống đương nhiệm và tổng thống tân cử, nhờ
ông tới nói với ông đại sứ rằng chính phủ Việt Nam phải gửi ngay một phái đoàn
đi Paris!
Số phận Việt Nam Cộng
Hòa đã được dư luận dân Mỹ quyết định, cả hai đảng chính trị ở Mỹ chỉ làm theo
ý kiến đa số cử tri, dù đảng nào cầm quyền cũng vậy!
Nguồn: Theo Người Việt
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire