14/04/2017

Làm gì có chuyện dốt như chuyên tu,…


Xuân Dương
 

(GDVN) - “Con hơn cha, nhà có phúc” là triết lý rất sáng suốt của tiền nhân, tiếc rằng ngày nay không ít người quá sáng tạo khi vận dụng nó.

Người Việt quá quen với câu hỏi: “đồng chí này là con đồng chí nào”, nhưng cũng bắt đầu giật mình với câu hỏi “đồng chí này thuộc nhóm đồng chí nào”.

Báo chí không thiếu thông tin khẳng định, bằng các quyết định bổ nhiệm “phút 89”, nhóm của đồng chí nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền có tới 60 người, nhóm của đồng chí nguyên Giám đốc Nguyễn Thành Rum (Thành phố Hồ Chí Minh) có gần 20 thành viên, còn nhóm của đồng chí Huỳnh Phong Tranh thì “vét” được khoảng 35 thành viên - nói theo cách của báo Dantri.vn ngày 29/10/2016 là “bổ nhiệm vét 35 cán bộ”.




Đặc điểm của ba “đồng chí” nêu trên là việc “tạo nhóm” được thực hiện trên “chuyến tàu vét” cuối cùng, không biết khi bước xuống sân ga họ có “cúi đầu lầm lũi mà đi” như lời nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hay họ bĩu môi khinh những “kẻ không thức thời”, chỉ làm khổ con, khổ cháu?

Con hơn cha, nhà có phúc” là triết lý rất sáng suốt của tiền nhân, tiếc rằng ngày nay không ít người quá sáng tạo khi vận dụng nó. 

Bây giờ, vài hôm nay, có người đương còn “khỏe” chán, vẫn đang ngồi ghế cao, vẫn “ăn to, nói lớn” cũng đã nghĩ đến chuyện “vét”, chuyện tạo nhóm chứ không đợi đến “hoàng hôn nhiệm kỳ”, đó là một ông lãnh đạo ngành xây dựng vừa được báo chí nêu.

Báo Thanhnien.vn cho biết, “Sau một thời gian ra ngoài làm việc, ông Tuấn (Nguyễn Anh) trở lại làm lái xe riêng cho Viện trưởng... 

Không có bằng cấp chứng chỉ về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng nên ông Nguyễn Anh Tuấn được tạo điều kiện vừa lái xe, vừa học thêm tại chức về ngành kinh tế để rồi được điều chuyển về phòng kế hoạch thị trường, rồi lên trưởng phòng chỉ trong một thời gian rất ngắn”. [1]


Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn (đứng bên trái) trong ngày được trao quyết định bổ nhiệm 30/11/2015. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Khi ông Viện trưởng trở thành Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thì ông cử nhân tại chức kinh tế (nghe nói đã cố “rửa” bằng tại chức thành bằng thạc sĩ nhưng bị thu hồi) trở thành Viện phó, lại còn làm Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (SISP).

Chuyện mấy ông lái xe trở thành Chánh/Phó Văn phòng Huyện ủy thì ai cũng biết, thôi thì cũng có thể châm chước vì cái “chân” ấy cũng không cần phải trình độ cao siêu gì, thế nhưng làm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam lại là chuyện khác.

Ở Hà Nội, người có bằng kiến trúc hẳn hoi, lại thêm hàng loạt bằng cao cấp khác còn làm “quy hoạch băm nát thủ đô”, vậy với bằng tại chức kinh tế thì ông Viện phó kia sẽ “băm nát” hay “nghiền nát” quy hoạch xây dựng miền Nam? 

Đành rằng bằng cấp chưa nói lên điều gì, quan trọng là kiến thức thực tế, nhưng phải chăng có công chức Việt thời nay việc gì cũng làm tốt, hội đồng gì cũng “ngồi” được miễn là có chức?

Nói về sinh viên tại chức kinh tế, hơn chục năm trước người viết có “may mắn” ngồi cùng xe với mấy thày trường Kinh tế Quốc dân về dạy tại chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nam Định. 

Một thày kể với đồng nghiệp: “Tôi bảo bọn sinh viên, ngày trước tôi đi học, các anh đi kiếm tiền, bây giờ các anh đi học, tôi đi kiếm tiền”.

Về đến Nam Định, họ được sinh viên chờ sẵn đón ra nghỉ tại khách sạn, cô phục vụ dẫn đến phòng nghỉ nói nhỏ: “Mấy hôm tới chỉ có mình thày ăn cơm, các thày kia không nghỉ ở trung tâm”.

Không có thống kê chính thức nhưng có một thực tế là có cán bộ đương chức đi học tại chức chọn ngành kinh tế, học dễ mà “đối nhân xử thế” cũng dễ.

Trở lại vấn đề công tác cán bộ, nếu một (hoặc một số) lãnh đạo cơ quan luôn có “nhóm” của riêng mình, luôn chăm chút không chỉ cho “hậu duệ” mà còn là “nhóm thân hữu” thì đương nhiên đồng liêu luôn phải dè chừng, nhất là những người không có “nhóm”.

Bộ Xây dựng từng có ý định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn làm Viện phó ở ngoài Bắc. 

Ông Trương Trọng Nhàn, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo sát xây dựng, cho biết: “Trước khi ông Tuấn được bổ nhiệm làm Viện phó ở phía Bắc thì đã có đơn thư phản ánh tố cáo quá trình học hành, bằng cấp của ông này có vấn đề nên Bộ Xây dựng khi đó đã dừng quyết định bổ nhiệm”. [2]

Vậy ai đã ưu ái điều ông Tuấn vào miền Nam làm Viện phó?

Ngày xưa, Trạng Trình khuyên Chúa Nguyễn “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Từ Hoành sơn trở vào được xem là miền đất hứa, dễ lập nghiệp, dễ thành danh nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long mà Thành phố Hồ Chí Minh là điển hình.

Không chỉ giới ca sĩ, showbiz chọn Sài Gòn làm “chốn dung thân”. Dân chúng hẳn chưa quên câu chuyện chàng thanh niên quê Bắc Ninh, “phiêu bạt” vào tận quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ làm Vụ phó ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hay Trịnh Xuân Thanh “lẩn” vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh.

Nói dại nếu ông Nguyễn Anh Tuấn yên vị ghế Chủ tịch Hội đồng khoa học mấy năm nữa, nếu không có đơn thư tố cáo thì chuyện ông kiếm cái bằng tiến sĩ khỏi phải bàn. 

Và tương lai, biết đâu nước nhà sẽ có thêm cái tên được vinh danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám!

Một khi Viện chuyên môn của Bộ Xây dựng còn lấy người tốt nghiệp tại chức làm Chủ tịch Hội đồng khoa học thì tỉnh Nam Định và một số địa phương khác có nên xem xét lại chủ trương không chọn người tốt nghiệp tại chức của mình?

Nói đi cũng cần nói lại một chút về công tác cán bộ, tiêu chuẩn Giám đốc Sở theo Quyết định 82/2004/QĐ-BNV (Quyết định 82) là: 

Tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp; 
Tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên;…”. 

Thế nhưng chính một vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Trần Anh Tuấn - năm 2015 đã giải thích việc bổ nhiệm Giám đốc Sở ở Quảng Nam thế này:  

Ông Bảo đã đi học lớp bồi dưỡng chính trị, hành chính, trong đó bao hàm cả về Lý luận chính trị và Chuyên viên chính… Có thể người ta chưa được bổ nhiệm Chuyên viên chính do người ta chưa đi thi nhưng người ta đã đạt được tiêu chuẩn”. [3]

Ông Thứ trưởng Nội vụ không phủ nhận Quyết định 82 nhưng cứ theo đúng những gì ông nói thì cụm từ “tốt nghiệp” trong Quyết định 82 được thay thế bằng “đã đi học bồi dưỡng”, còn “chưa đi thi” nhưng vẫn “đạt tiêu chuẩn”?

Thế nên việc bổ nhiệm Giám đốc Sở ở Quảng Nam là “đúng quy trình”. 

Giải thích một cách logic lời Thứ trưởng Tuấn liên quan đến Quyết định 82/2004/QĐ-BNV thì thế này: với người trong “quy hoạch” chỉ cần “đi học bồi dưỡng” chứ không nhất thiết phải tốt nghiệp, một khi đã “đi học bồi dưỡng” (chưa biết tiếp thu thế nào) là đạt được tiêu chuẩn Chuyên viên chính.

Nếu đã như vậy thì việc ông Nguyễn Anh Tuấn có bẳng cử nhân tại chức kinh tế làm Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam không có gì phải tranh luận bởi nó vẫn “đúng quy trình”. 

Chắc chắn ông Nguyễn Anh Tuấn “đã đạt được tiêu chuẩn” về “quy hoạch”, vấn đề là ở lĩnh vực “quy hoạch” nào, “quy hoạch sếp” hay “quy hoạch xây dựng”?

Một khi người ta đã “đạt được tiêu chuẩn quy hoạch sếp” thì “quy hoạch xây dựng” chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”, chuyện ấy dành cho mấy em học quy hoạch chính hiệu đang ngấp nghé xin làm hợp đồng, có khi hợp đồng không lương cũng chưa chắc đã được chấp thuận!

Một khi đã có cả nhóm “quy hoạch chính hiệu” thì lo gì chuyện ông Viện phó chỉ là dân “quy hoạch sếp”!

Có phải nhờ những Chủ tịch Hội đồng khoa học như vậy nên Việt Nam mới bị thế giới xếp vào nhóm “đội sổ” về đóng góp cho nhân loại?

Trong bài “Việt Nam - giấc mơ 2035: Phần 3 - Vì sao tụt hậu?” người viết đã nêu ý kiến thế này:

Khi một lực lượng khá đông đảo trong đội ngũ Tiến sĩ, Giáo sư, Phó giáo sư - những tinh hoa của đất nước - chưa đạt đến “chuẩn học mót” kiểu Trung Quốc thì những tật xấu như thói kèn cựa, ghen ghét, giả dối… đã kịp “tập nhiễm”, đã kịp di truyền qua nhiều thế hệ”. [4]

Việc làm của ông Thứ trưởng Bộ xây dựng hay ông Nguyễn Anh Tuấn chẳng qua cũng chỉ là “tập nhiễm” những gì đã “di truyền qua nhiều thế hệ” của công chức Việt. 

Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết qua câu cảnh báo “tìm người tài, không tìm người nhà”. 

“Người nhà” mà Thủ tướng nói cần hiểu theo nghĩa rộng là “nhóm đồng chí” chứ không chỉ con em, cháu chắt trong nhà.

Nêu lên việc làm của hai ông nói trên tuy cần thiết song chẳng giải quyết được gì bởi người ta luôn có cách để biện minh việc làm của mình là “đúng quy trình”.

Muốn xóa bỏ tình trạng “đồng chí này thuộc nhóm đồng chí nào” thì phải loại bỏ quy trình bổ nhiệm, thay vào đó là thi tuyển. 

Tất nhiên không thể thi tuyển theo kiểu “thi tuyển Hiệu trưởng” đã diễn ra ở Đại học Luật Hà Nội đầu năm 2016.

Tài liệu tham khảo:






Xuân Dương



Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire