04/05/2017

Nghệ An: Mất đất, cuộc sống bị đảo lộn, dân kéo ra bờ sông phản đối tàu hút cát sỏi!




Tình trạng khai thác cát, sỏi dọc theo sông Lam đoạn qua xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt… của người dân. Trước thực trạng trên, người dân nơi đây đã kịch liệt phản đối, kéo nhau ra tận bờ sông để xua đuổi tàu hút cát, sỏi.





Đã có gần cả trăm người dân Hồng Phong kéo ra tận mép nước để thể hiện sự phản đối quyết liệt và nói không với doanh nghiệp đang rầm rộ đưa những tàu lớn rút ruột dòng Lam khai thác cát, sỏi tại đây gây ảnh hưởng đến nhân dân.


Dân hoang mang về sạt lở, khốn khổ vì tiếng ồn


Hàng chục hộ dân tại xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã nhiều lần làm đơn, thậm chí ra tận mép sông Lam để kịch liệt phản đối tàu hút cát, sỏi đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Mặc cho người dân phản đối nhưng những chiếc tàu của một doanh nghiệp trên địa bàn vẫn rầm rộ khai thác...




Đơn thư người dân xóm Hồng Phong gửi báo Dân trí.
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1960, trú tại xóm Hùng Phong) bức xúc: “Từ tháng 3/2017 đến nay tàu thuyền về đây hút cát rất nhiều, có thời điểm chỉ một khúc sông này thôi có 2 - 3 tàu cùng thay nhau liên tục hút cát, sỏi. Thường thì họ làm từ khoảng 4h sáng trở đi. Lúc này mọi người đang ngủ thì phải tỉnh giấc vì tiếng máy rú ầm ầm khiến chúng tôi như nổ tung đầu”.

Bà Trần Thị Minh, xóm Hồng Phong ngao ngán: “Những tàu hút cát này là người địa phương, không hiểu sao cấp trên vẫn cho họ làm. Dân chúng tôi hết chịu nổi rồi”. Cùng chung quan điểm, ông Trần Hữu Kiệm (SN 1965) trăn trở: “Các chú cứ nhìn bờ sông sạt lở dốc đứng xuống đó thì biết mức độ họ hút cát sỏi như thế nào. Chắc chẳng bao lâu nữa đâu cả bãi bồi này cũng bị trượt xuống dòng sông thôi. Vậy thì chúng tôi lấy đâu đất nữa mà trồng trọt, sản xuất”.

Chỉ trong chốc lát, khi thấy PV đi thị sát, đã có gần cả trăm người xóm Hồng Phong đi theo. Rồi họ đưa chúng tôi ra tận mép sông đoạn chảy qua xóm Hồng Phong để chứng kiến cảnh các tàu vẫn hì hục hút cát sỏi dưới lòng sông Lam. Thời điểm có mặt, PV thấy có 2 chiếc tàu (mang số hiệu VS05038371 và VS05038369) vẫn hoạt động hết công suất, những chiếc vòi rồng lớn, dài cả chục mét cắm sâu xuống dòng sông Lam rồi kéo lên những đất cát, sỏi bắn tung tóe, kèm theo đó dòng nước đục ngầu hòa lẫn trong dòng nước xanh ngắt.

Lúc này, người dân đứng tập trung trên bờ thể hiện sự phản đối, nhiều người tỏ ra bức xúc định đưa đá ném nhưng đã được can ngăn… Thế nhưng dưới sông những con tàu này vẫn ung dung hút cát cho đầy khoang.




Ông Trần Minh Thuận (SN 1961, Bí thư, xóm trưởng xóm Hồng Phong) cho biết: “Tôi cũng như mọi người dân tại đây đều không đồng tình khi doanh nghiệp vào khai thác cát, sỏi làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân...".


“Cứ mỗi lần tàu dừng lại chỉ mất chừng 30 - 40 phút kể từ khi cắm vòi xuống lòng sông thì boong tàu đã đầy cát. Do những chiếc vòi cắm sâu vào lòng sông để lấy cát nên cát sụt xuống và khi bị hổng ở dưới đáy sông nên kéo theo sạt lở đất của bà con chúng tôi”, một người dân cho biết thêm.

Một người dân khác bức xúc: “Ngay từ đầu khi lấy ý kiến nhưng bà con chúng tôi đã không đồng tình. Nhiều lúc chúng tôi muốn ra ngăn cản và thậm chí là đánh đập, rượt đuổi cho xong… nhưng làm như thế là vi phạm pháp luật. Chính quyền cấm chúng tôi không được đuổi những tàu này đi”.

Trước đây, vào năm 2012 - 2013 đã có thời điểm các tàu hút cát, sỏi được cấp phép về đây hoạt động rầm rộ. Lúc cao điểm có đến hàng chục tàu thay nhau hoạt động hết công suất nhưng gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân nên sau đó đã ngừng. Cũng trong hai năm “cát tặc” lộng hành đã có 4 học sinh trên địa bàn xã tử vong vì đuối nước ở khúc sông này. Nỗi đau hiện hữu ngay trên từng khuôn mặt của người dân khi nhắc đến những ký ức buồn, mất mát không thể nào xoa dịu được.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2017 thì những tàu hút cát đã trở lại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì được biết các tàu hút cát này là của Công ty Lưu Cát Thành có địa chỉ tại huyện Đô Lương đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác cát sỏi trên sông Lam đoạn qua địa bàn xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn với tổng diện tích 4,6 ha.

“Từ khi tàu cát vào hút, ngoài sạt lở ở bờ sông, đất nông nghiệp bị “hà bá” nuốt đi từng ngày. Phía trong thì nhà dân nứt, giếng đào bị sụt, cạn khô, rồi tiếng ồn… làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân rất lớn. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần làm đơn nhưng cũng không có kết quả”, bà Trần Thị Minh bức xúc.


Vừa cấp phép hút cát, vừa phê duyệt dự án xin tiền xây kè sông


Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Thuận (SN 1961, Bí thư, xóm trưởng xóm Hồng Phong) cho biết: “Tôi cũng như mọi người dân tại đây đều không đồng tình khi doanh nghiệp vào khai thác cát, sỏi làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Người dân trong xóm cũng đã nhiều lần làm đơn, kiến nghị mong rằng cơ quan chức năng sớm có phương án, giải pháp hợp lý để nhân dân được yên ổn sinh sống, sản xuất”.

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Trần Đình Lam - Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, ông Lam cho biết: Sau khi có đơn của người dân, xã cũng đã làm tờ trình gửi lên huyện và tỉnh. Việc nhà dân bị nứt, sụt giếng … phải có cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá.

Công ty Lưu Cát Thành đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, tuy nhiên vào cuối năm 2016 do chưa hoàn thành các thủ tục liên quan nên xã và huyện đã đình chỉ khai thác. Đến nay họ hoàn thành thủ tục nên đã tiếp tục đi vào khai thác từ tháng 3 trở lại đây.

UBND huyện Đô Lương cho công ty Lưu Cát Thành khôi phục lại khai thác cát vào ngày 17/3/2017.


“Là người sinh ra và lớn lên ở đây tôi hiểu hơn ai hết. Xã Lưu Sơn 3 mặt đều bị sông Lam bao bọc, nền đất rất mỏng (chỉ được 6 - 10 m) còn phía dưới là lớp cát chảy. Vì thế có hoạt động hút cát ở dòng sông Lam thì tôi nghĩ sẽ ảnh hưởng. Cá nhân tôi cũng không muốn có bất kỳ doanh nghiệp nào khai thác cát, sỏi tại đây. Ngay từ quá trình thăm dò tôi cũng đã trình bày rất rõ. Mới đây nhất một doanh nghiệp Hoàng Nguyên cũng làm đường vào để hoạt động khai thác cát, sỏi nhưng chúng tôi đã kiên quyết đình chỉ không cho làm”, ông Lam cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên đến thời điểm hiện tại, Công ty Lưu Cát Thành vẫn chưa có quyết định thuê đất tại hai bến tập kết cát, sỏi. Nhưng hoạt động của công ty này vẫn diễn ra rầm rộ.


Năm 2015 - UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn giao cho Sở TNMT Nghệ An xem xét lấy ý kiến của người dân trước khi cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn phải được sự hài hòa nhất trí của nhân dân.





Điều trớ trêu thay, khi doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi trên đoạn sông Lam chảy qua địa bàn xóm Hồng Phong, thì cách đó không xa cũng tại xã Lưu Sơn đoạn qua địa bàn xóm Quang Trung, Điện Biên lại có đề án xây dựng khoảng 500 m kè để chống lại tình trạng sạt lở.

Dự án xây kè ngăn sạt lở bờ sông Lam do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư với tổng kinh phí lên đến gần 14 tỷ đồng lấy từ ngân sách huyện Đô Lương và tỉnh Nghệ An.

Điều này không nói thì ai cũng rõ là nó quá nghịch lý, bởi lẽ đoạn dưới sông Lam thuộc địa bàn xóm Hồng Phong được cấp phép hút cát, sỏi. Thì phía trên trên đó một khoảng không xa thì lại phê duyệt dự án làm kè. Liệu rằng 500 m kè tới đây được xây dựng có phát huy được tác dụng, có ngăn ngừa được tình trạng sạt lở đất của dân hay không?. Câu hỏi này chúng tôi xin gửi về UBND tỉnh Nghệ An, Sở TNMT tỉnh Nghệ An.

Trong khi chờ đợi câu trả lời từ cơ quan chức năng, thì người dân nơi đây từ 4h sáng trở đi bị tiếng máy nổ hút cát “hoành hành, tra tấn” khiến cho cuộc sống bị đảo lộn.


Dưới đây là một số hình ảnh tình trạng khai thác cát trên sông Lam đoạn qua xóm Hồng Phong khiến người dân nơi đây bức xúc.

Người dân Hồng Phong như bất lực.




Những chiếc vòi lớn hút cát sỏi như thách thức người dân xóm Hồng Phong.

Thực trạng hút cát sỏi qua địa bàn xóm Hồng Phong từ năm 2012-2013 đã xảy ra 4 em học sinh chết đuối do liên quan đến hút cát.






Diện tích hoa màu của người dân bị sạt lở.


Tình trạng bờ sông Lam lở ăn vào đất sản xuất của người dân.

Nhiều mảnh đất trồng lạc của dân bị sụt lún.

Nơi bãi bồi này đã xuất hiện một hố hút cát rất sâu và rất nguy hiểm.

Những mảng đất sạt lở.








Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc. 

Nguyễn Duy


Nguồn: Theo Dân Trí

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire